Cuộc sống quanh ta

Những người không chịu lớn

Đầu thế kỷ trước, cụ Tản Đà đã phải bật lên những tiếng than thở trước tình cảnh nước nhà:

                                      Dân hai lăm triệu ai người lớn

                                      Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con

Bao nhiêu người đọc câu thơ ấy đã thấu hiểu và đồng cảm với tấm lòng của một nhà thơ, một kẻ sĩ mà rơi lệ. Biết bao người đã cảm phục trước tấm lòng của cụ lo cho dân, cho nước. Và cũng từ những câu thơ đó mà không ít người đã thay đổi, đã lớn lên.

Từ bấy đến nay cũng đã qua bao lần dâu bể. Lịch sử sang trang mà ngay từ những ngày đầu, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết về một cuộc đổi thay vĩ đại đó là một “vận hội lớn” của đất nước. Một nhà văn lớp đàn em-ông Trần Đăng, đã dám tuyên bố tự phủ nhận mình, hơn thế, phủ nhận những tư tưởng lỗi thời của thế hệ mình để đứng dậy, lớn lên, đồng hành cùng đất nước. Dân tộc ta đã tiến một bước rất dài trên con đường trở lại là mình.

Gần 70 năm chúng ta đã xây dựng một chế độ dân chủ nhân dân và cũng tính từ buổi cụ Tản Đà viết những câu thơ đầy cảm khái ấy, dân số nước ta cũng đã tăng gần gấp 4 lần. Thế kỷ XX, đặc biệt là thế kỷ XXI, thế kỷ của công nghệ, tin học, của những cuộc cách mạng mới với tốc độ như vũ bão tiến về phía trước mà chúng ta hay nói một cách bóng bẩy là “một ngày bằng hai mươi năm” thì thử thách nhiều và cơ hội cũng lắm. Quyền điều hành đất nước đã thuộc về nhân dân, chính quyền đã là của dân, do dân, vì dân. Đích hướng tới phía trước là thế, công việc hàng ngày của đội ngũ cán bộ điều hành công việc của cả nước là thế. Gần đây, Thủ tướng liên tục nhắc nhở các thuộc cấp thực thi công vụ theo hướng “ kiến tạo, phục vụ”, không can thiệp vào việc sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân khi không được pháp luật cho phép. Nếu tất cả mọi cấp đều quán triệt điều này, đều coi đó như là những mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm công chức của họ thì chắc chắn đất nước sẽ có những phát triển mới, quan hệ giữa người với người sẽ thân thiện và văn minh hơn. Mỗi người khi ấy sẽ được tôn trọng như những nhân cách tự do ở một đất nước dân chủ và kỷ cương.

Nhưng trên thực tế, tình hình không hẳn đã chuyển biến như vậy. Vẫn còn rất nhiều những việc, những người đại diện cho các cơ quan công quyền không thực hiện phận sự của mình theo chức trách, pháp luật nên đã gây ra nhiều bức xúc cho nhân dân. Không còn là những hiện tượng cá biệt nữa mà những điều ấy trở nên thường xuyên, phổ biến, đến mức có người đó gọi đó là một trong những nguy cơ làm cho đất nước chúng ta chậm phát triển. Tôi không vội vàng kết luận theo cách vơ đũa cả nắm, cũng không bi quan chỉ nhìn thấy những tiêu cực mà không thấy những điểm sáng ở nơi này, nơi kia, không dám xem nhẹ công sức của nhiều cấp, nhiều người đang nỗ lực từng giờ từng phút để phục vụ nhân dân, đem lại những niềm vui cho mọi người nhưng nhìn vào thực trạng, tôi tin rằng cuộc vật lộn này để lớn lên của cả hệ thống còn nhiều gian nan lắm. Một khi nhận thức chưa thay đổi, sẽ chưa thể có những chuyển động theo hướng tích cực vì từ thay đổi của nhận thức, sẽ dẫn đến những đòi hỏi phải thay đổi của phương thức tổ chức, phương thức điều hành, tổ chức quyền lực, sử dụng nhân sự…, nghĩa là phải tổ chức lại hệ thống để mục tiêu “kiến tạo và phục vụ” đi đúng hướng, đem lại hiệu quả đích thực chứ không phải chỉ là những lời kêu gọi. Có nhiều lý do có thể làm hỏng mục tiêu này nhưng ở đây tôi chỉ xin nêu một hiện tượng dễ thấy là tình trạng không chịu lớn của những người đang gánh trách nhiệm kiến tạo và phục vụ xã hội.

Những người đang điều hành xã hội với trọng trách “kiến tạo và phục vụ” là những công chức, viên chức (từ đây xin nói gọn là công chức). Công chức, theo đúng nghĩa là những người được đào tạo bài bản về chuyên môn, được chuẩn bị kỹ về phẩm chất sẵn sàng phục vụ theo nhu cầu của công viêc, được đãi ngộ xứng đáng với việc họ làm. Về bản chất, những công việc họ làm mang tính chất dịch vụ công. Ngay cả điều hành, quản lý cũng vậy chứ không phải họ là những người cai trị, có quyền hành lớn, càng không phải là những “phụ mẫu chi dân” như thời xa xưa. Nói cho công bằng, các công chức thời phong kiến và tư bản là những người rất thạo việc và được trả lương cao nên trong con mắt của nhân dân bị cai trị họ là những kẻ “ăn trên ngồi trốc”. Nói như thế vừa không đúng với sự thực, vừa thể hiện cách nhìn thiển cận, đánh giá không đúng công việc của công chức từ góc nhìn của những người bị yếu thế, thua thiệt. Vậy nên khi có sự thay đổi xã hội, đội ngũ công chức cũ bị xếp vào đối tượng cần giải quyết không phải từ những nhận thức đúng đắn mà từ tình cảm yêu ghét mang tính cảm tính nhiều hơn. Ngày nay, công chức của chế độ ta, được đào tạo rất bài bản, được chuẩn bị khá kỹ về ý thức phục vụ, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp… nhưng rất nhiều trong số họ đã không làm tròn phận sự. Những đánh giá tiêu cực về đội ngũ công chức qua các cuộc khảo sát đã bộc lộ rõ trong những kết luận mang tính dân gian nhưng không phải không có nội dung  như “hành là chính”, “dân chỉ mong được làm đầy tớ”…đã thể hiện sự bức bối của xã hội về tình trạng này. Đặc biệt là ở các lĩnh vực thuế, cán bộ quản lý ruộng đất, thanh tra, cảnh sát, chính quyền, y tế v.v…Khi bị phát hiện những tiêu cực, tình trạng tranh công, đổ tội, nói sai sự thật là phổ biến. Không nói đâu xa, chỉ nói ba cái chuyện gần đây đang gây bức xúc dư luận cả nước: bà Phạm Thị Thanh Trà giữ ghế Chủ tịch tỉnh bổ nhiệm em trai làm Giám đốc sở khi ông này chưa đủ tiêu chuẩn, trước đó đã từng dính líu đến một vụ đánh bạc, đã bị khởi tố vụ án nhưng sau đó được giải quyết êm thấm, vẫn cứ nói xưng xưng làm việc theo một “quy trình chặt chẽ”, chỉ thực hiện “quyết nghị của tập thể”; ông Triệu Tài Vinh bổ nhiệm nhiều anh em, người nhà vào các địa vị lãnh đạo chỉ vì người thân của ông xứng đáng, có năng lực hơn người khác; ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai, đàn em vào các vị trí không phù hợp với họ …cũng hoàn toàn bình thường; ông Nguyễn Nhân Chiến thu xếp cho vợ con, anh em, con nhà thông gia trong đó có nhiều người chỉ học tại chức vào các vị trí ngon ăn ở tỉnh nhà cũng đều từ các quyết định của tập thể. Còn nhiều lắm nếu kể hết. Ngay cả một số đại biểu Quốc hội sau khi trúng cử không lâu liền bị miễn nhiệm do phát hiện họ vi phạm pháp luật mà ngay cả người dân thường cũng sẽ phải xử lý hình sự vì gian dối, lừa đảo. Một ông đại diện Bộ tài nguyên Môi trường ký cho vùi xuống biển hàng triệu tấn chất thải nhưng khẳng định đó là những “vật chất” không gây hại. Rồi chuyện một ông trong ngành khi bị chất vấn tại sao quy hoạch đường lại cong như thé đã lý giải đó là “đường cong mềm mại”. Ông này chưa tệ bằng ông phụ trách dự án BRT ở Hà Nội khi bị chất vấn đã trả lời “nhanh hay chậm không phải việc của mày. Mày có chuyên môn không mà biết là hiệu quả hay không hiệu quả?” v.v… và v.v…Nghe một số ông công chức phát biểu cứ như trẻ trâu nói với nhau như “ cộng điểm ưu tiên cho con mẹ Việt Nam anh hùng vì chúng ta có chính sách ưu tiên những người có công”, “tính giá thu phí giao thông cao là vì phải chú ý tới lợi ích của nhà đầu tư”, “không phong tướng cho anh em, sợ anh em tâm tư”…

Liệt kê ra những chuyện, những công chức như vậy, không phải để kể khổ mà muốn nói tới điều này: chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào hiện trạng công chức của chúng ta để thấy có những vấn đề rất nhức nhối: từ hệ thống dân sự sang lực lượng vũ trang, từ cao cấp xuống cơ sở, từ cơ quan lập pháp đến những người thực thi có quá nhiều khiếm khuyết. Đây không phải là lỗi ở bộ phận, lỗi ở cá nhân mà là lỗi ở hệ thống sinh ra các công chức kiểu ấy. Chẳng hạn, một công chức, chưa nói đến chuyện xuất sắc mà chỉ nói tới thực hiện đúng chức trách của mình thì khi có một công việc nào đó cần giải quyết, anh ta chỉ cần tuân thủ pháp luật, quy chế công việc để xử lý và không cho phép ai được can thiệp để làm sai lệch sự việc kể cả thủ trưởng. Nhưng, trái với điều đó, anh ta lại thường hỏi ý thủ trưởng “có việc như thế. Anh (chị )muốn giải quyết theo hướng nào?”. Rõ ràng có nhiều lý do, nhưng ít nhất anh ta đã bị quan hệ chủ tớ, quan hệ lợi ích chi phối mà không dám làm theo pháp luật, theo đòi hỏi logic sự việc mà theo logic quan hệ, logic lợi ích. Đó là những mầm mống tình trạng kéo bè cánh, lợi ích nhóm chi phối công việc. Điều này còn liên quan cả đến tầm xây dựng chính sách chứ không chỉ ở những sự việc cụ thể. Tình trạng không lựa chọn người cộng sự, bổ nhiệm người theo năng lực mà theo quan hệ, lợi ích để nếu có gì ảnh hưởng tới lợi ích thì che chắn, bảo vệ cho nhau đã cản trở rất nhiều chính sách, chủ trương lớn của nhà nước. Việc đóng tàu vỏ sắt, ăn chặn tiền đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các gia đình chính sách… thời gian qua đã làm méo mó chính sách của Nhà nước, các chủ trương lớn của chính quyền. Nghị quyết đại hội Đảng đã nêu ra yêu cầu “ đổi mới thể chế”, “cải cách hành chính”, “đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng” nhưng trong thực tế những đổi mới diễn ra rất chậm. Trên hô hào thế nhưng cấp dưới không chịu chuyển vì họ khi buộc phải chuyển sẽ “mua thêm nhiều việc gây khó cho mình”, sẽ mất quyền lợi, sẽ không còn lý do để tồn tại. Vì vậy, không thể chống lại chủ trương đúng đắn trên thì họ làm qua loa cho xong chuyện, “làm láo báo cáo hay” khiến cấp trên không nắm được thực tình của sự việc. Tất cả những việc này có nguyên nhân ở tư tưởng về công tác cán bộ chưa đúng, việc triển khai chưa hiệu quả. Việc chỉ lo chọn người có bằng cấp mà không chọn người thực học, không đề bạt người có năng lực thực sự mà chọn người dễ bảo, dễ vâng lời, không chọn người theo việc mà theo phe cánh, phe nhóm, người nhà. Đó là tư tưởng phong kiến của chế độ tập ấm, một người làm quan cả họ được nhờ kết hợp với chủ nghĩa cá nhân, chỉ chú ý lợi ích cá nhân để dễ lũng đoạn xã hội.

Làm công chức đòi hỏi có năng lực nhưng cũng cần sự bám sát thực tiễn, có tư duy hệ thống và thấm nhuần quan điểm “cái gì có lợi cho dân thì cố mà làm, cái gì có hại cho dân thì cố mà tránh” (Hồ Chí Minh). Do vậy cái nhìn hệ thống, tư duy lãnh đạo là rất quan trọng. Không lăn vào việc, làm thay mà phải có cái nhìn toàn cục. Rất nhiều cán bộ của ta kể cả cấp cao cũng thường thiếu tư duy lãnh đạo, chỉ có tư duy điều hành. Họ chưa chịu lớn về tầm tư tưởng, trí tuệ. Các cụ nói rồi “một người lo bằng một kho người làm”. Bây giờ ta hay nói với người này có thể “bàn ra việc” vì người ấy có tư tưởng, có chính kiến, có hệ thống, có quan điểm của riêng mình trước các vấn đề đang đặt ra. Họ hình dung ra sự việc từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng sẽ phải đi qua những bước nào, cần tổ chức thực hiện ra sao, cần vượt qua những trở ngại nào. Nói tóm lại họ quản trị công việc bằng những hiểu biết về quy luật kết hợp với sự nhạy bén, “giải quyết sự việc cụ thể trong những tình huống cụ thể” chứ không giáo điều, cứng nhắc. Họ tuân thủ logic công việc và hiểu sẽ phải cộng tác với người khác như thế nào. Người chỉ có tư duy điều hành dẫn đến thái độ trì trệ, chờ đợi. Tư duy điều hành sẽ dẫn đến tư duy phục tùng, tư duy nói theo, tư duy thăm dò thái độ người khác mà hành động chứ không theo đòi hỏi công việc. Tư duy điều hành quen với khuôn sáo, đề cao kinh nghiệm, không dám chấp nhận cái mới, thù địch với những tư tưởng sáng tạo. Để làm công chức đã khó. Phấn đấu thành quan chức càng khó. Không ít người đã theo đường quan tắt, được bổ nhiệm theo lối “tập ấm” nên dễ thất bại, thậm chí hư hỏng. Lại chưa đủ lớn về trí tuệ và năng lực nên khi làm thủ trưởng sẽ đẻ ra những tập thể chưa đủ lớn, những chủ trương, chỉ đạo chưa đủ lớn. Mà hệ lụy của những thứ chưa đủ tầm ấy rất dai dẳng. Vấn đề ở đây không phải là thay những con người cụ thể mà cần thay đổi nguồn gốc sinh ra những con người ấy.

Những công chức chưa đủ lớn về trí tuệ, chưa đủ lớn về bản lĩnh có lỗi ở họ nhưng nguyên nhân sâu xa là có lỗi ở cơ chế. Bởi cơ chế đã dung dưỡng cho loại cán bộ chưa đủ lớn đã ngồi vào những ghế lớn, chưa đủ tầm đã được đẩy vào những vị trí quá tầm. Không mấy người khi đã vào cơ chế rồi, chẳng cần lớn thêm vì nếu không làm được việc lại chuyển sang những vị trí khác mà sự chuyển đổi này được khoác cho cái áo nhân văn. Đã đến lúc cần loại bỏ loại cán độ không chịu lớn, không thể lớn này không phải với tư cách là những cá nhân mà, điều này quan trọng hơn, xóa bỏ nguồn gốc sinh ra và nuôi dưỡng họ, nuôi dưỡng tâm lý ấy. Khi một sự việc cụ thể đã trở thành một vấn đề xã hội thì cần giải quyết nó ở tầm vĩ mô chứ không ở những thay đổi nhỏ lẻ. Đó là thay đổi cơ chế để tuyển dụng được những người tài để họ đem tài năng, tâm huyết ra phụng sự đất nước. Đó là trách nhiệm trước đất nước, dân tộc, để đất nước này lớn dậy như Phù Đổng, không phải xong nhiệm vụ là bay về trời mà tiếp tục xây dựng đất nước. Đó là vấn đề của nhận thức, của tìm đường và nhận đường. Đó cũng là cái đích Bác Hồ đã chỉ ra từ rất lâu rồi (trong Sửa đổi lối làm việc), chỉ có điều chúng ta đã quên mất lời dạy của Bác mà thôi./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522539

Hôm nay

271

Hôm qua

2325

Tuần này

21313

Tháng này

220478

Tháng qua

121009

Tất cả

114522539