Cuộc sống quanh ta

Nhớ Rằm tháng Bảy

Rằm tháng Bảy có lẽ là một trong những ngày Lễ lớn và được chờ đợi nhất ở quê tôi, chỉ sautết Nguyên đán. Có câu: “cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng” để nói lên vai trò của đại Lễ này trong đời sống tâm linh, sinh hoạt của những con người nơi đó.

Rằm tháng Bảy đến vào dịp giữa năm -thời điểmkhá khan hiếm cáclễ hội, hoạt động cộng đồng. Đây là lý do Lễ này được mong chờ hơn tết Nguyên tiêu – diễn ra ngay sau tết Âm lịch và liền sau đó là những “tháng ăn chơi” theo tập tục của người miền Bắc. Thời gian này, sau khi thực hiện xong hai mùa vụ liên tục từ sau Tết, người nông dân chuẩn bị nghỉ ngơi, chờ qua mùa bão lũ mới bắt đầuđợt canh tácmới. Đó cũng là lúc thời tiết giao mùa, trời đã vào Thu, xanh tươi, mát mẻ, khoan thaisau những ngày hètấp nập mùa màng và nóng như lửa đốt.

Thực tế, Rằm tháng Bảy là một trong những Lễ chính của nhà Phật, còn gọi là lễ Vu lan, nhắcmọi người phải luôn tạc lòng ghi nhớcông ơn sinh thành. Lễ này trùng với tết Trung nguyênvà cũng trùng với ngày xá tội, mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân và là dịp phù hợp nhất để cúng cô hồn, cúng các vong linh không nơi nương tựa.Tục dân gian tin rằng, tháng Bảy âm lịch làquãng thời gian không may mắn và có những điều cần kiêng kị, phải ăn chay sám hối,làm nhiều việc thiện, vun công đức, ngõ hầu tránh được những tai ương.

Ở quê tôi, Rằm tháng Bảy, đơn giản là một thời điểm quan trọng và linh thiêng để mỗi người tưởng nhớ về tổ tiên, họ hàng, nguồn cội. Một phần vì họ chưa đủ duyên với Phật pháp; và cũng khá giản đơn trong các thủ tục, hành lễ theo quan niệm mang màu sắc tín ngưỡng dân gian. Với họ, Rằm, trước hết phải đến các nhà thờ họ.

Những người tha hương, trong tâm tưởng, chúng tôi có những tiêu chí và cảm giác khá rõ để phân định Tết và Rằm. Tết gợi nhớ về cố hương, gia đình, nơi chôn rau cắt rốn, vềnỗi niềm ly hương và niềm vui hội ngộ. Rằm nhắc người ta hướng về quê cha đất tổ, về họ hàng, về nhà thờ và trách nhiệm, vai trò của cháu con đối với dòng tộc.

Tôi có vài người bạn, những người anh em tha hương, một vài năm bận quá, Tếtkhông về thăm quê được.Nhưng Rằm tháng Bảy thì thế nào họ cũng về, bằng mọi giá, năm nào cũng vậy. Bởingày đó mà không về được,họ cảm thấy có lỗi với ông bà tổ tiên,thất lễ với họ hàng. Có người đánh đường cả ngàn cây số, chỉ về một vài ngày, làm xong mâm cỗ dâng cúng lên nhà thờ, thắp nhang, vái lạy tổ tiên, gặp mặt họ hàng trong chốc lát rồi lại ra đi.

Hai mươi năm nay chưa lần nào tôi được ăn Rằm tháng Bảy ở quê cả, dù năm nào tôi cũng về quê một đôi lần. Một phần, Rằm thường không trùng những dịp nghỉ theo lịch làm việc của Tây lịch.Và cũng bởi, nếu về thời điểm đó, tôi không gặp được nhiều bạn bè, anh em đi làm ăn xa – những người cũng chỉ thường về quê vào độ Xuân sang. Nhưng năm nay, sắp đến Rằm, lòng tôi bâng khuâng nhớ cố hương đến lạ…

Ngày Rằm có tiếng trống, tiếng chuông thiêng vọng lên từ các nhà thờ họ và nhà thờ nào cũng treo cờ xítừ ngoài ngõ.Đi đâu cũng thoảng mùi cỗ, mùi khói nhang và nghe giọng cúng tổ tiêntrầm ngâm, thành kính của người đứng đầu gia đình, chi phái, dòng tộc.

Trước đó một vài ngày, con cháu đã đến dọn dẹp, lau chùi, trang điểm các nhà thờ và ra mộ thắp nhang, mời tổ tiên về ăn Rằm cùng con cháu.Sáng sớm ngày Rằm, cháu con đến đặt lễ, dâng hương các nhà thờ rồi ra về. Tầm gần trưa, họ tụ tập lại, cùng tộc trưởng khấn cúng, báo cáo và nguyện cầu tổ tiên linh thiêng luôn phù hộ, độ trì cho con cháu mạnh khỏe, học hành tiến tới, ăn nên làm ra, con đàn cháu đống và luôn đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau. Ai có công trạng, học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài hay sinh con đẻ cái thì khai báo với tổ tiên. Những đứa trẻ, từ đó,sẽ được vào sổ họ.

Xong lễ, con cháu dùng cỗ cùng nhau. Việc chuẩn bị cỗ đãi họđược phân theo “lướt” (phiên). Nếu là nhà thờ chi, cánh thì từng gia đình luân phiên hàng năm. Nhà thờ đại tôn con cháu nhiều, có thể phân “lướt” theo chi. Chi phí cỗ cũng có thể được trích từ ngân quỹ nhà thờ, haydo một thành viên con cháu tự nguyện thiết đãi vì một lý do đặc biệt nào đó. Đây là thời khắc quan trọngđể anh em trong họ hàng gặp gỡ, chuyện trò, thậm chí nhằm giải tỏa bất đồng. Bên ngoài họ có thể không thân thiết, thậm chí xung khắc nhau, nhưng đến nhà thờ, khoảng cách trở nên gần gũi, ruột thịt và xưng hô, ứng xử theo tôn ti, trật tự.Và những dịp như thế, người tasẽ bàn chuyện đại sự như tôn tạo nhà thờ, tu sửa mộ Tổ, hay hỗ trợ các thành viên trong họ gặp khó khăn.

Ở mỗi gia đình, việc cúng Rằm rất trịnh trọng, nhiều món, tất nhiên không thể thiếu gà, xôi và chè. Vậy nên, ngày xưa, khi còn đói kém, Rằm được đợi chờ gấp bội, bởi dù có nghèo túng thế nào đi nữa, nhà nào cũng phải có một mâm cỗ đàng hoàng, tươm tất cúng tổ tiên. Tôi nhớ một ngày Rằm đã hơn 20 năm trước, mẹ tôi nấu một nồi chè ngon. Tôi và người anh họ nghe người ta nói ăn chè phải có đá mới hợp. Thế là hai anh em tất tả đạp xe xuống chợ huyện, mua một cục đá to, về đập nhỏ, lúc chè vừa tắt lửa,liền bỏ đá vào. Thành thử, chẳng biết chè ăn với đá có ngon không, nhưng nồi chè thì đầy nước vì đá tan ngay khi vừa bỏ vào nồi.

Nhà tôi đặt lễ, dâng hương ở ba nhà thờ: Chi, Cánh và Đại tôn. Chi là nhà thờ nhỏ, mang tính gia đình của những người chung ông, cùng cố. Nhà thờ cánh của chúng tôi thật sự là một di sản của tổ tiên.Công trình không lớn lắm, theo kiến trúc “ba gian hai hồi”, được làm cách đây tầm 200 năm với nghệ thuật chạm trổ vô cùng tinh xảo, đặc sắc. Tất cả phần khung, mái đều được làm bằng gỗ quý và chạm khắc cực kỳ tỉ mỉ,tài hoa, tạo nên sự khác biệt.Các cụ bô lão cho biết,các khu vực lân cận không có di sản nàotương tự và can cố chúng tôi phải rất có vị thế mới làm được công trình như vậy thời bấy giờ.Ở đây cúng vào ngày 14, để Rằm thì tập trung về nhà thờ họ. Nhà thờ Đại tôn mang dáng dấp của người anh cả -oai nghiêm, trầm mặc nhưng đầy gần gũi, thân thương.

Trước khi vào sảnh Đại tôn, con cháu đi qua sân của bác Tộc trưởng,bởi cùng khuôn viên với nhà thờ.Và Lễ, Tết nào cũng thế, khi cháu con đến, đã luôn thấy bác Tộc ngồinghiêm trang, trìu mếntrên một chiếc bàn giữa sân đón chào, hướng dẫn, hỏi chuyện cháu con về thăm nguồn cội. Hình ảnh quen thuộcnày đã có từ lúc tôi mới lớn lên, theo bố đến nhà thờ. Bác tôi như cây đại thụ, vịgià làng, là điểm tựa tinh thần cho bao thế hệ con cháu.

Cuộc sống tha hương, mỗi lần về quê, đến thăm và dâng hương lên bàn thờ tổ tiên đều cho tôi một nỗi niềm riêng biệt.Cảm giác vừa gần gũi, vui mừng, như được chạm vào ông bà, tổ tiên mình; vừa thấy có lỗi vìthân nam nhi đã không thường xuyên nhang khói, phụng thờcha ông,khiến tôikhông ít lần cay mắt.

Tôi tự nhủ Rằm năm nay phải về. Nhưng có một điều chắc chắn, dù có về được hay không, dù ở đâu thì tổ tiên, dòng tộc ruột thịt cũng luôn trong trái tim, tiềm thức mình.

Jul/2017.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445827

Hôm nay

242

Hôm qua

2285

Tuần này

21436

Tháng này

212086

Tháng qua

120141

Tất cả

114445827