Cuộc sống quanh ta

Chuyện người anh hùng chưa được tuyên dương

1.Tôi gọi anh là “anh hùng” vì năm 1968 anh đã có tên trong danh sách được Nhà nước tuyên dương anh hùng cùng đợt với  chị Trần Thị Lý ( Quảng Bình), Trương Thị Khuê ( Quảng Trị) , La Thị Tám (Hà Tĩnh). Thủ tục hồ sơ, đề nghị, xác nhận… mọi thứ đã đầy đủ cả, ý chí xả thân vì đất nước, chiến công của Thiện không thua ai, đơn vị đang háo hức đón , đến phút chót được tin tên anh bị gác lại !

Niềm vui hụt hẫng! Tám năm sau, bạn bè ở Quân khu Bốn cho biết, lúc đó chỉ vì một tin đồn không biết do ai loan ra, rằng “anh con cháu địa chủ ở quê”. Thực tế thì ở làng Ga, xã Nghĩa Bình, Tân Kỳ , gia đình anh nghèo rớt mồng tơi. Cả bốn an hem trai đều đi bộ đội chống Pháp , chống Mỹ, hai người là thương binh. Buồn là từ đó đến nay đã 41 năm rồi, chẳng có ai  cải chính lại sự việc địa chủ địa chơ chết người đó cả. Việc gác lại không tuyên dương anh hùng ấy là một cú xốc lớn trong thời trai trẻ đã không tiếc máu xương cho Tổ Quốc của Lại Đăng Thiện. Thế mà anh vẫn sống rất tâm huyết với đời cho đến tận bây giờ…Vâng, tôi đang kể về cựu chiến binh Lại Đăng Thiện, người lái ca- nô hai lần truy điệu sống để kích nổ bom từ trường trên các phà sông, thông đường cho xe vào Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường Khu Bốn ác liệt, người đã 13 năm làm bà mụ đỡ đẻ 400 em bé chào đời ở đất Tân Kỳ. Với tôi, con người đó đích thực là một anh hùng. Tại sao con người gầy gò, đen xạm như gỗ lũa ấy lại làm được quá nhiều việc nhân văn lớn lao cho cuộc sống đến vậy ?

 
Đó là chuyện anh Thiện kể với tôi hôm đầu tháng 9, khi đoàn nhà báo Huế chúng tôi ngồi chạm ly ở nhà anh, chỉ cách Cột mốc sô 0- Lạt, đường Hồ Chí Minh huyền thoại chưa đầy 15 cây số. Lại Đăng Thiện làm nhiều thơ. Anh nhiều lần đăng thơ trên Tạp Chí Sông Hương ở Huế nên tyhâys chúng tôi ở Huế ra, anh đến bắt chuyện. Anh có những câu thơ thật tinh tế: Em thoát y / Giữa suối trưa hè/ Anh ngây thơ /Như bờ cỏ dại/ Đứng vô tình / Ở phía không che !.   Anh đã dẫn chúng tôi tôi sang chơi nhà anh bên  sông Con, non đò Rô già nua , sứt mẻ cứ chòng chành chao đảo mỗi khi có xe máy gú ra lên đò.  Cứ nghĩ tới vụ đắm đò chết người cũng trên sông Con này ở An Ngãi năm 2003 mà hãi. Thế mà Lại Đăng Thiện thương binh cứ cưỡi xe máy xuống đò, lên bến dốc dựng đứng phăng phăng. Nhà anh bên đường Hồ Chí Minh sân vườn đầy cây cảnh. Sứ Nhật Bản, sanh, mưng, lão mai …Rất nhiều chậu mưng thế được ươm tỉa công phu. Anh bảo đời anh gian truân lắm, tay làm hàm nhai. Bây giờ thu nhập hàng tháng chưa đầy triệu tư. 860 ngàn đồng tiền thương binh hạng 4/4 và 499.000 đồng tiền lương hưu của “cán bộ y tế xã” , nên phải làm phụ thêm mới có tiền để sống. Cây cảnh vào dịp Tết nhứt bán cũng có đồng vô đồng ra . Nhưng cũng có lúc thất bát trắng tay. Như năm 2007, vợ chồng gom góp được gần chục triệu bạc, đi lùng khắp các huyện, mua được mấy trăm cây để về ương làm cây cảnh. Hi vọng kiếm được chục triệu tiền lời. Nhưng lụt bỗng đổ về , vườn ngập nước cả tháng trời, thế là 150 cây cảnh các loại, trong đó có  mười gốc mưng lớn bị thối, đi toi cả vốn lẫn lời. Chị Phùng Thị Tấn, vợ anh đi vắng, anh  rang lạc củ, đổ ra chiếc mâm nhôm, rồi rót rượu mời tôi. Hai anh em ngồi chạm ly ở cái góc xa xôi hun hút này của thế giới, mà cũng tri âm lắm lắm. Và câu chuyện cuộc đời chìm nổi, thua thiêt, những năm tấc gang sống chết của Lại Đăng Thiên thời chiến tranh làm chúng tôi nổi da gà.  
 
2. Ở Bảo tàng Quân Khu 4 ở Vinh, có chiếc ca-nô mang số hiệu 46 đã từng đưa trăm ngàn chuyến phà sang sông, kích nổ bao nhiêu bom nổ chậm ở các bến sông thời chiến tranh nằm bình thản trong sương nắng. Chính Lại Đăng Thiện , một tay lái siêu hạng của chiếc ca-nô 46 ấy. Thiện nhập ngũ  tháng 3-1965, năm anh vừa 18 tuổi . Anh được phiên vào Tiểu đòan 27 công binh Quân khu 4. Và đời quân ngũ của anh gắn liền với những con phà và những tọa độ bom lửa từ đó. Lái ca-nô đưa phà sang sông trong chiến tranh là một công việc vô cùng hiểm nguy. Thế mà Lại Đăng Thiện đã lái ca nô kéo phà, lái ca nô kích nổ bom từ trường Mỹ suốt 8 năm từ 1965 đến đầu năm 1973, khi Mỹ ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc .Chiếc ca-nô 46 do Lại Đăng Thiên và đồng đội lái đã từng phục vụ rà phá bom mìn, bắc cầu phao cuốn chiếu cho các đoàn xe pháo vượt sông vào Nam từ tuyến đầu Quân khu 4 như cầu Hoàng Mai, Cầu Bùng, Cầu Cấm, Cầu Phương Tích, Phà Nam Đàn, Bến Thủy ( Nghệ An) , phà Linh Cảm, Cầu Nghèn ( Hà Tĩnh), Cầu Ròn, Phà Gianh, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, cầu Dài ( Quảng Bình) …Dạo đó đã có rất nhiều bài trên báo Quân Đội nhân dân, báo Quân Khu 4 viết về chiến công lái phà của Lại Đăng Thiện và tổ phà của anh. Báo Quân đội nhân dân ngày 1/9/1968 viết : Lại Đăng Thiên , tay lái ca-nô “cung” của tiểu đoàn đã quay mũi ca nô về hướng bờ Nam chuẩn bị xuất kích . Bên tay lái, anh lại ngân nga mấy câu thơ của mình sáng tác : Đẹp đẽ thay người chiến sĩ công binh/ cưỡi sóng vượt lên trọn thề với bến ! /Chắp cánh cho xe bay ra tiền tuyến / Có hề chi bao đêm trắng xông pha…Đêm nay là đêm thứ 16 Thiện không hề chợp mắt. Đã ba lần Thiện bị bom địch hất tung , người bật khởi tay lái, văng xuống nước. Cả 3 lần Thiện đều bơi vượt lên, kịp thời nắm chặt được vòng lái ca-nô, đưa phá cập bến …” . Lại Đăng Thiện kể, có lần chiếc máy bay AD6 luồn xuống dưới ánh pháo sáng, trút chùm bom nổ rền vang trên sông, những cột nước dựng lên cao như nóc nhà rồi đổ ụp xuống, tham mưu trưởng đứng ở mũi phà hô to :” Bên phải… Bên trái…” , Lại Đăng Thiện cứ theo tiếng hô , theo khoát tay loáng loáng trong ánh pháo sáng đêm của chỉ huy mà lái chiếc phà đi ngoằn nghoèo trên mặt sông nổi sóng như làm xiếc, tránh được hết những quả bom của địch nổ bốn phía . Chiếc phà to cồng kềnh vậy mà chưa một lần máy bay Mỹ đánh trúng. Trên báo QĐND ngày 5/12/1968 có bài Dắt phà qua túi lửa :”… Những người có mặt trên bến nhìn theo Thiện bước vào buồng lái ca-nô với tấm lòng cảm phục. Anh mặc quân áo lót, lưng đeo chiếc phao bảo hiểm. Người Thiện nhỏ nhắn, hơi gầy, đôi mắt trầm lặng; anh đã nhiều lần cưỡi sóng, lách bom đưa những chuyến phà qua sông, cập bến. Đêm nay vẫn cái dáng dấp ung dung đó, Thiện bước vào một trận chiến đấu ác liệt mới… 8 năm lái ca nô, Lại Đăng Thiện đã tham gia rà phá bom từ trường trên các bến phà cho xe chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Đồng Sĩ Nguyên , Trung tướng Song Hào đi thị sát tình hình chiến trường miền Trung, Đường Trường Sơn; anh cũng đã tham gia rà phá bom từ trường cho xe chở Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Vĩnh Linh dịp Tết năm 1972…
          
3.Nhưng những năm lái ca-nô dưới làm bom đạn giặc, ký ức xúc động nhất, hành động anh hùng nhất của Lại Đằng Thiện là hai lần được Tiểu đoàn 27 tổ chức lễ truy điệu sống anh và đồng đội trước lúc làm cảm tử quân xuât kích lái ca-nô phá bom từ trường. Dạo ấy, để chặn đường tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam , các chuyên gia quân sự Mỹ đã nghĩ ra một kế hoạch rất ác hiểm : Thả bom từ trường chờ nổ ở tất cả các cửa sông, bến phà trên toàn miền Bắc. Lúc đó quân đội ta đã có rất nhiều cách để kích nổ bom từ trường như rà bom bằng nam châm, dùng bộc phá nổ dưới lòng sông để kích nổ bom, dùng dây kéo thanh sắt trên sông.v.v.. nhưng hiệu quả kích nổ rất thấp . Vì bom từ trường mà xe vận tải vũ khí, đạn dược vào miền Nam thường bị tắc ở các bến phà, bến cầu phao. Trong lúc đó chiến trường thì “đói” vũ khí, “đói” lương thực hàng ngày!
 
Mùa đông năm 1967, ở phà Long Đại (Hiền Ninh, Quảng Bình) đã 3 ngày tắc xe do bom từ trường địch thả dày đặc . D27( tiểu đoàn 2 lần Anh hùng chống Mỹ) được lệnh “bằng mọi giá mở đường máu thông phà”. Tiểu đoàn trưởng Phạm Ngưng quyết định : Dùng ca nô cảm tử quân kích hoạt bom từ trường nổ. Bốn chiến sĩ cảm tử quân gồm : Lại Đăng Thiện, Nguyễn Văn Hương, Hà Huy Ty và Đậu Anh Côi , những chiến sĩ lái ca-nô mới 20 tuổi đời đã được đơn vị tổ chức làm lễ truy điệu sống. Lại Đức Thiện thay mặt anh em đọc quyết tâm thư viết bằng máu. Bốn cánh tay giơ lên thề “ Quyết tử cho Tổ Quốc”. Chính trị viên tiểu đoàn Trần Sĩ Khiêm đọc điếu văn. Ai cũng cố nén khóc. Trên bầu trời máy bay địch vẫn thả pháo sáng, thả bom liên tục xuống bến phà . Không khí trầm buồn, u uất. 4 chiến sĩ cám tử đầu đội mũ sắt, mình mặc phao cứu sinh, đi chân đất , họ biết rằng chỉ vài phút nữa mình có thể bị nổ tung xác, không còn gặp lại mẹ cha thân yêu ở quê nhà. Họ lặng lẽ nhìn nhau, nhìn chỉ huy và đồng đội thân yêu lần cuối. Pháo sáng tắt, lệnh “xuất kích” phát ra. Bốn cảm tử quân  như bốn mũi tên lao vút xuống ca-nô. Ca-nô rú máy lao về phía bờ Nam với tốc độ chóng mặt ( tốc độ làm sao bom từ trường khi phát nổ đã ở phía sau ), hai phía bom nổ, hàng chục quả bom từ trường nổ, những cột nước tung cao như mái nhà Bỗng có cột sóng tung cả chiếc ca –nô lên trời, bốn cảm tử quân văng ra như những chiếc lá… Mấy phút sau, chiếc ca nô lại chồm lên, tổ trưởng Lại Đăng Thiên giơ tay chào mọi người trên bờ. Thì ra giữa đạn bom khét lẹt, anh đã cố sức bơi níu lấy ca-nô tiếp tục nổ máy. Thêm những quả bom nổ. Kết quả đêm đó, 16 quả bom từ trường đã bị Tổ của Thiện kích nổ, 3 chiến sĩ Nguyễn Văn Hương, Hà Huy Ty và Đậu Anh Côi bị thương phải đi cấp cứu.. Từ nơi trú ẩn, những chiếc cầu phao bằng sắt được kéo ra, nối tuyền xe qua…
 
Theo Lại Đăng Thiện thì lần lái ca-nô kích nổ bom từ trường ở bến phà Linh Cảm là dữ dội ám ảnh hơn cả. Phà Linh cảm nằm ở ngã ba Sông Ngàn Sâu - Ngàn Phố. Hàng hóa qua phà để vào Nam hoặc sang Lào . Đã hai ngày đêm bến phà bị bom từ trường phong tỏa. Linh Cảm- Bến Thủy- Ngã ba Đồng Lộc là “tọa độ lửa” . Ngày 18-2-1968, tổ lái ca-nô, Lại Đăng Thiện,  Đậu Anh Côi, Nguyễn Xuân Tình của C1( Đại đội 1), D27 được điều về Linh Cảm tăng cường cho C 2 cùng với Vũ Ngọc Chương của C2 được lệnh lái ca-nô kích nổ bom từ trường để thông phà. Tổ được Phòng Công binh Quân khu 4 làm lễ truy điệu sống. Buổi lễ diễn ra nhanh chóng mà xúc động. Cũng đọc huyết thư, cũng đọc điếu văn. Đúng 4 giờ chiều, tổ trưởng Vũ Ngọc Chương xuất kích. Sau 3 vòng ca-nô kích nổ được 8 quả bom, Vũ Ngọc Chương bị thương vẫn cố sức tiếp tục cho ca nô lượn thêm vòng thứ 4, kích nổ thêm 2 quả, nhưng ca-nô anh đã bị bom hất tung và Vũ Ngọc Chương hy sinh. Đậu Anh Côi ( người được truy điệu sống lần thư nhất ở Long Đại cùng với Lại Đăng Thiện) thay thế. Ngay vòng lái đầu  tiên 3 quả bom nổ làm Đậu Anh Côi bị thương. Lại Đăng Thiên và Nguyễn Xuân Tình  lao về ca-nô thay thế. Trên quy định mỗi cảm tử quân chỉ lái ca-nô 3 vòng, nhưng trong trận này Lại Đăng Thiện đã lái tới 19 vòng , làm nổ 12 quả bom từ trường. Và anh bị thương ngất đi…Tỉnh dậy Thiện thầy đầu choáng váng, tai điếc đặc, chẳng nghe được ai nói gì. 40 năm sau tai còn bị ù, nói thật to anh mới nghe được. Chiều đó, phà thông, những chiếc ô tô bò qua phà đều kéo còi chào những người lái ca-nô anh hùng… Sau trận này, Lại Đăng Thiện được D27 và Quân Khu 4 đề nghị lên trên tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang, nhưng rồi khi sắp công bố thì bị gác lại như trên đã kể. Anh chỉ được tặng Huân chương chiến công hạng 3 , chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng và cấp Bằng khen “ Dũng sỹ phá bom ưu tứ”…
          
Sau những trận lái ca-nô phá bom từ trường long óc ây, đêm về Thiện lại thức bấm đèn hạt đỗ làm thơ . Dạo ấy, Thiện làm được cả tập thơ chép vào cuốn vở học trò gọi là Nhật Ký ThơMỹ oanh kích bến phà ác liêt / Giữa thời khắc tôi nhận ra cái chết …/ Đêm nay trên bến / Mỗi chuyến xe qua / Gửi ra tiền tuyến / Có máu tim ta… Ngày 7-8-2009, nhân kỷ niệm 50 năm Đường Trường Sơn, Lại Đăng Thiện đã tặng cho Bảo tàng Quân Khu 4 những kỷ vật liên quan đến Tổ ca-nô lái phà, phá bom từ trường của mình năm xưa, kể cả Huân chương, Bằng chiến sĩ thi đua, chiến sĩ Quyết thắng, danh hiệu “ Dũng sĩ phá bom ưu tú”, vì theo anh “đó là chiến công chung của đồng đội, không riêng của mình” , trong đó có tập Nhật ký thơ ấy. Chúng tôi bảo anh Thiện, tập Nhật Ký thơ ấy mà in ra có khi lại nổi tiếng, vì lính thời đó ít người viết hồi ký bằng thơ…Nhưng Thiện chỉ cười trầm ngâm . Rồi anh rưng rưng đọc  bài thơ Vết thương thửơ ấy , nỗi đau bây giờ : Máu chảy ruột mềm/  Mẹ hiểu con hơn / Mảnh bom còn lặn chìm máu thịt / Nhức nhối đau -trái gió trở trời /Bốn mươi năm đã im tiếng bom rơi/ Cuộc chiến  trong cơ thế con còn chưa chấm dứt …
 
4. Một chiến sĩ quân đội chiến công lừng danh như thế, nhưng sau năm 1975, chàng trai 28 tuổi Lại Đăng Thiện lại được cho ra quân với hai bàn tay trắng không có bất cứ chế độ nào, kể cả thương binh cũng không có . Về với đời sống thường nhật thời bình phải kiếm lấy một nghề để sống. Thế là Thiện làm đơn xin vào học Trường Trung cấp y tế Nghệ Tĩnh. Học hai năm, tốt nghiệp y sĩ tổng hợp, Thiện xin về làm việc ở huyện nhà Tân Kỳ để có kịp gần gữi chăm sóc mẹ già. Không ngờ cái nghề y sĩ quèn ở xã ấy lại cho anh lập nên một sự tích mới trong cuộc đời của mình : Từ năm 1978 đến 1991, khi được nghỉ hưu, Lại Đăng Thiện đã đỡ đẻ cho 400 em bé huyện Tân Kỳ chào đời. Nhiều ca khó đẻ như để đôi, thai ngược… Thiện đều bình tĩnh xử lý. Đêm hôm khuya khoắt, có người gọi đi đỡ đẻ là Thiện thức dậy đạp xe vù đi, có khi cả chục cây số . Có ca khó đẻ như con chị Lý ở Nghĩa Bình bị ngược thai, hậu môn bị lòi ra, Thiện đã nói thật nói với gia đình tình thế nguy nan, cố gắng cứu mẹ, nhưng anh vẫn thức suốt đêm để cho đứa bé ra đời, mẹ tròn con vuông . Thiện làm trưởng trạm y tế xã từ xã Nghĩa Bình đầu huyện đến xã Tiên Kỳ cuối huyện. Nhiều em bé sau này lớn lên trở thành cử nhân, tiến sĩ đi làm việc ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mỗi lần về quê đều ghé thăm bà mụ của mình. Đó là ân tình cuộc sống . Cảm tử lái ca-nô phá bom thông đường cho xe ra tiền tuyến- đó là sự hy sinh cao nhất cho Tổ Quốc, đỡ đẻ 400 em bé ra đời- là sự tận tụy hết lòng vì con người. Con người như vậy rất hiếm trên đời này! Làm việc lo toan vất vả như thế, nhưng là nhân viên y tế xã nên Thiện chỉ được hưởng trợ cấp 480 ngàn đồng /tháng, không có lương như công chức nhà nước.
 
Năm 1993, nghe bạn bè bảo rằng, Bộ Lao động TB&XH có thông tư 18 giải quyết chế độ cho những người có công trong hai cuộc kháng chiến, Thiện làm đơn rồi đi khắp bốn phương để  xin tới 23 chữ ký chữ ký xác nhận của đồng đội, của chỉ huy mình ngày xưa gửi lên Phòng Chính sách Tỉnh đội Nghệ An. Đi năm lần bảy lượt  họ vẫn  bảo hồ sơ chưa đầy đủ. May một lần gặp nhà báo – đại tá Đậu Kỷ Luật ở Vinh, người từng viết bài về Lại Đăng Thiện cảm tử lái ca-nô phá bom từ trường trên báo Quân Khu 4 xưa, rồi đọc cho anh Đậu Kỷ Luật bài thơ “Đi tìm đồng đội”. Thế là nhà báo Đậu Kỷ Luật đã dẫn Thiện về Phòng Chính sách Quân khu 4 đề nghị xem xét lại trường hợp Thương binh lái ca- nô Lại Đăng Thiện . Nhờ thế mà anh mới được hưởng chế độ thương binh 37% ( 4/4) từ năm 1993. Nghĩa là từ khi bị thương năm 1968 trong trận phá bom ở phà Linh Cảm , đến 25 năm sau, người thương binh Lại Đăng Thiện mới được hưởng trợ cấp thương binh. Tôi thật sự kinh ngạc trước sự sự lãng quên dễ dàng như thế của con người ! Đáng lẽ người anh hùng của chúng ta phải được Nhà nước tặng thưởng xứng đáng hơn chứ, sao lại vô tâm đến vậy?
        
Chuyện buồn thế, nhưng Lại Đăng Thiện chỉ cười :” Biết trách ai đây ?”, rồi lại nâng ly rượu : Ta đã qua bao khúc ngoặt hiểm trở / Khúc quỷ ma ẩn khuất hư danh / Khúc nhân thế vết thương xuyên thế kỷ / Khúc vinh quang mòn mỏi trốn tìm…  
 
Thôi , anh Lại Đăng Thiện ơi, cuộc đời là CHO mà. Dù cho rất nhiều nhưng  nhận chẳng bao nhiêu…
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525840

Hôm nay

2107

Hôm qua

2283

Tuần này

2390

Tháng này

212536

Tháng qua

0

Tất cả

114525840