“Nghĩa trang xanh” – là cách gọi mà cán bộ, chiến sỹ gọi nơi này – nơi hài cốt phần lớn các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn chìm sâu dưới đáy biển, bên những rạn san hô…
Hôm đến đá Cô Lin, tôi nhìn thấy xác tàu HQ – 505 còn thấp thoảng nhô lên vài chi tiết, các lan can và sắt thép rỉ sét. Vào Tàu HQ – 505 đã dũng cảm ủi bãi, nằm đè được 2/3 thân tàu lên bờ san hô, Nhiều con chim biển đậu trên đó. Mình chúng trắng muốt. Quá xa và hồi đó máy ảnh của tôi quá kém nên không chụp được hình ảnh đó.
“6h ngày 14/3/1988, Trung Quốc cho thuyền nhôm đổ bộ quân lên đảo Gạc Ma rồi tiến vào giật cờ của ta. Để bảo vệ cờ, quân ta đã chống trả quyết liệt nhưng địch đông nên 2 chiến sĩ đã hy sinh. Không uy hiếp được quân ta rút khỏi đảo, 7h30 phút ngày 14/3, đối phương dùng pháo bắn chìm tàu HQ-604 (ảnh) của ta. Khi phát hiện tàu HQ-604 ở hướng Gạc Ma bị địch bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ đã ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi. Phát hiện tàu HQ-505 cơ động lên bãi, tàu chiến Trung Quốc quay sang tấn công dữ dội. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ-505 đã chạy hết tốc độ, trườn lên được 2/3 thân tàu thì bốc cháy. Tuy địch vẫn tiếp tục bắn nhưng không làm gì được, tàu HQ-505 đã trở thành cột mốc chủ quyền bảo vệ Cô Lin. 8h15 phút ngày 14/3, thủy thủ vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu cán bộ chiến sĩ tàu HQ-604 bị chìm. Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ chiến sĩ tàu HQ-505, quân ta đã chiếm giữ, bảo vệ thành công đảo Cô Lin”.
30 năm đã qua, khi tôi đứng từ đảo chìm Cô Lin, nhìn qua kính viễn vọng về phía Gạc Ma, thấy bên đó Trung Quốc xây dựng nhà cửa công trình, công sự cao to, quân lính đi lại; và tôi quay lại trò chuyện với các cán bộ, chiến sỹ Cô Lin, tôi nhìn thấy nét mặt họ điềm tĩnh, trang trọng. Chúng tôi đứng trên sân thượng đảo chìm Cô Lin, bên lá Quốc kỳ đã bạc phếch, bay phần phật, nhìn ra bốn phía đại dương. Chúng tôi trò chuyện về gia đình, vợ con, tương lai, về đất liền. Và nói về Gạc Ma – một trong những hòn đảo, mẩu đất thiêng liêng của nước Đại Việt, giờ vẫn còn bị xâm chiếm, chỉ cách chúng tôi vài hải lý. Người lính đảo trong ca gác đó tôi đã quên mất tên, kể rằng: Vợ anh là cô giáo dạy văn ở quê nhà Thái Bình, lần nào gọi điện thoại cho anh đều hỏi “Anh ơi, hôm nay thời tiết thế nào, có sương mù không? Anh có nhìn thấy Gạc Ma không anh?”…