Cuộc sống quanh ta

Đau đáu nỗi quê...

Đây là tâm trạng của những người sống xa quê và yêu quê. Hiện nay có hàng trăm ngàn người xứ Nghệ sống xa quê và luôn luôn hướng về quê, vui buồn với những thông tin tốt, xấu từ quê nhà. Quan tâm tới quê là tốt rồi, nhưng liệu sự quan tâm này có mang lại lợi ích gì cụ thể hay không?

Hãnh diện, tự hào mình là người Nghệ gàn

Trước hết, là một người Nghệ sống xa quê nhiều năm, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, tôi biết là có rất nhiều học giả đã tìm hiểu và lý giải tính cách của người Nghệ. Người ta thống nhất với nhau thế này: Người Nghệ cũng như người ở những vùng miền khác, đều có tính tốt và tính xấu trong con người và tính cách của mình, nhưng ở người Nghệ, cái tốt cũng như cái xấu đều được đẩy cao hơn lên một chút. Vì vậy, người ta bảo người Nghệ cực đoan quả là không sai.

Có một từ nữa cũng hay được dùng để nói về tính cách người Nghệ. Đó là từ “gàn”.Tôi muốn hiểu đúng, hiểu sâu về từ “gàn”.

Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra từ “gàn” và dùng nó để chỉ một trong những tính cách, phẩm chất của người Nghệ?Tôi chú ý tới từ “gàn” vào năm 1983, khi tôi về nhận công tác tại Tạp chí Cộng sản.

Ngày đó, Ban Quốc tế Tạp chí Cộng sản có 5 người thì 3 người Nghệ. Toàn bộ Tạp chí Cộng sản lúc ấy có hơn 60 người thì người Nghệ chiếm hơn một chục. Khi nhận xét về những người Nghệ ở đây, người ta nói: Người Nghệ là những người thông minh, cần cù, chịu khó, bộc trực, tình nghĩa nhưng rất gàn. Giá mà người Nghệ đỡ gàn đi một chút có phải hay không?!

Tôi đã tích cực phản biện cái ý “Giá mà người Nghệ đỡ gàn đi một chút có phải hay không?!”; tôi nói: “Nếu người Nghệ không gàn thì người Nghệ An cũng như người Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình…, vậy thì chán chết! Cái đất nước này ta  chính là cái “gàn” của người Nghệ để tạo nên bản sắc Việt Nam.

“Gàn” là từ mà những người ngoài tỉnh dùng để nói về người Nghệ; phần lớn người Nghệ cũng vui vẻ nhận mình gàn. Nhưng khi tôi hỏi: “Gàn là gì?” thì hầu như không có ai cắt nghĩa gãy gọn, rành mạch được cả. Không chỉ lúc đó, mà đến tận bây giờ, vào năm 2018 này, tôi cũng chưa có được định nghĩa trọn vẹn hay là cách giải thích rõ ràng về từ “gàn”. Tôi hỏi rất nhiều người, dùng cả “Google” để tìm trên mạng nhưng vẫn không có được kết quả như mong muốn. Có người thấy tôi mấy chục năm trăn trở với cái từ “gàn” thì họ nói: “Cái việc hàng chục năm ông vẫn tìm cách hiểu cho trọn vẹn từ “gàn” chính là biểu hiện của gàn”.

Câu nói này chính là một gợi ý để tôi bước đầu đưa ra cách hiểu về từ “gàn” của mình. Theo tôi, “gàn” là suy nghĩ, nhận thức, hành động hơi cứng nhắc, lạc lõng, vô lý trong một hoàn cảnh cụ nhưng tỏ ra có lý, phù hợp, đúng đắn về tổng thể; chỉ những người có cá tính mạnh mẽ, trung thực, dũng cảm, quyết liệt, sẵn sàng chịu thiệt thòi, tự tin, ham hiểu biết mới được xem là gàn.

Lấy ví dụ những người gàn không khó. Vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, một người quen của tôi (quê Diễn Châu, tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Hà Nội) đưa người yêu đi chơi ở Bờ Hồ. Xe non hơi, anh đến quầy sửa xe bơm. Công bơm một bánh xe đạp lúc bây giờ là 1 hào nhưng vì thấy anh đi với một cô gái trẻ, đẹp, xe cũng đẹp nên người bơm xe đòi 2 hào. Anh không bơm mà đi sang người thứ hai. Để “tỏ tình đoàn kết”, người thứ hai cũng đòi 2 hào, anh cũng không bơm. Người thứ ba, thứ tư cũng làm tương tự như vậy nên anh không bơm được xe. Hiếu kỳ, nhiều người theo dõi và bình luận. Đại đa số cho rằng anh ki bo, anh gàn. Anh im lặng vào cửa hàng, mua một chiếc bơm giá 1, 2 đồng và tự bơm xe. Trước khi chở người yêu đi, anh nói to: “Tôi không thiếu tiền, và cũng không tiếc tiền. Nhưng lợi dụng tình thế bắt bí tôi, tăng từ 1 hào lên 2 hào là một cử chỉ không sòng phẳng, không đẹp, có thể nói  đây là thói xấu. Nếu tôi thỏa hiệp, đồng ý bơm với giá 2 hào là tôi đồng lõa với cái xấu.Là người Nghệ, tôi không làm thế”.Nghe anh nói vậy, những ánh mắt, những nụ cười đắc thắng trên gương mặt một số người vụt tắt.

Ông Pày Cả Nam, sinh 1964, trú tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, huyện Tương Dương cũng được xem là một người gàn. Số là vào năm 1997, theo chủ trương của Nhà nước, đất rừng được giao cho người dân trông coi và khai thác. Đại bộ phận dân ở  Tương Dương , sau khi được giao rừng thì chặt cây, biến thành nương rẫy. Riêng ông Pày Cả Nam lại dựng lán canh giữ và trồng thêm cây.Hành động này của ông Nam lúc đó bị xem là gàn. Sau 20 năm trôi qua, hàng nghìn cây săng lẻ được bảo vệ, vươn lên tươi tốt và trở thành một cánh rừng bạt ngàn ở miền tây xứ Nghệ. Nhờ có cánh rừng đó, gia đình ông Nam từ hộ nghèo đã trở nên khá giả, có “của ăn, của để”.

Tôi cũng được cho là gàn vì 10 năm  ở số nhà 28 Trần Bình Trọng, Hà Nội (Trụ sở Tạp chí Cộng Sản), cưới vợ về đấy. Sau này người ta đập nhà cũ đi, xây nhà cao tầng.Tôi được thông báo đến để lấy tiền đền bù cùng một gia đình cũng sống ở đấy. Tôi không đến lấy vì lúc ấy tôi đã có nhà để ở. Không phải tôi không cần tiền, mà tôi cho rằng số tiền đó là được dùng để mua hay thuê nhà để ở; tôi đã có chỗ ở rồi, vì thế tôi không lấy nữa. Người ta cho rằng, đó là hành động rất gàn, còn tôi cho là bình thường, vì làm như vậy tôi cảm thấy yên tâm hơn.

Cách hiểu về từ “gàn” của tôi là như vậy.Và “gàn” chính là yếu tố cơ bản tạo nên chất Nghệ. Đại đa số người Nghệ (chứ không phải tất cả) được xem là gàn.Tôi tự hào, hãnh diện vì là người Nghệ và được xem là gàn.

Buồn và xấu hổ vì thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An quá thấp!

Tôi cũng chỉ là một trong hàng trăm ngàn người Nghệ sống xa quê, luôn nhớ về quê; mỗi khi có tin tốt đẹp thì vui, tin xấu thì buồn.Hơn thế nữa,với nghề nghiệp của mình, tôi có điều quan tâm và gắn bó với quê. Ngay từ những năm đầu làm báo, tôi đã về huyện Nam Đàn, ở hẳn đấy nửa tháng để tìm hiểu và giúp Bí thư huyện viết bài đăng Tạp chí Cộng sản.  Năm 1985, tôi lại được cử về Nghệ Tĩnh (lúc đó chưa tách tỉnh) một tháng, giúp Bí thư Nghệ Tĩnh Nguyễn Kỳ Cẩm viết bài đăng Tạp chí Cộng sản, trước khi tỉnh nhận Huân Chương Sao Vàng cao quý. Năm 1989, tôi tham gia Hội thảo khoa học “Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, quê hương Nghệ Tĩnh với Bác Hồ” tổ chức tại thành phố Vinh.Tôi có quan hệ khá mật thiết với các đời trưởng ban (tuyên huấn, tuyên giáo) từ ông Bạch Hưng Đào đến ông Tô Hồng Hải. Từ năm 2013 tới nay, thậm chí một nửa thời gian sống ở NghệAn; do vậy, tôi có cơ sở, có nghĩa vụ và trách nhiệm nêu lên những cảm nhận về tính hình kinh tế - xã hội ở Nghệ An.

Phải nói ngay rằng, nhiều người Nghệ sống ở Nghệ An rất cầu thị. Họ tìm mọi cách, trong đó có cách tranh thủ sự đóng góp của người Nghệ sống xa quê để phát triển Nghệ An. Công việc này đã tiến hành hàng chục năm nay và đã mang lại một số kết quả nhất định.  Bộ mặt của thành phố Vinh đã thay đổi nhanh chóng, nhà cao tầng mọc lên san sát, xe ô tô chạy kín đường. Ba thị xã là Cửa Lò, Thái Hòa, Hoàng Mai cũng phát triển nhanh chóng, có dáng dấp của đô thị hiện đại. Các phố huyện ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương… cũng khởi sắc. Đặc biệt, số lượng xe con ở Nghệ An tăng lên nhanh chóng, rất nhiều cá nhân sở hữu xe hơi…

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, so với mức trung bình của cả nước, Nghệ An vẫn là một tỉnh kém phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người rất thấp, năm 2016 thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Nghệ An chỉ 28,54 triệu đồng, trong khi cả nước là 48,60 triệu đồng; năm 2017, Nghệ An: 32,26 triệu, cả nước: 53,50. Như vậy mức thu nhập bình quân của người Nghệ An chỉ khoảng 60% so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Trong khi đó tỉnh Nghệ An có diện tích rộng nhất nước, dân số trên 3 triệu người; và người Nghệ được xem là cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo...

Không biết những người khác có tâm trạng như thế nào?Còn tôi – tôi rất buồn và hơi xấu hổ. Từ xưa đến nay tôi cứ đinh ninh về mặt kinh tế, Nghệ An không thuộc nhóm đầu của cả nước nhưng phải thuộc nhóm giữa, nhóm trung bình, nghĩa là ngang ngửa mức bình quân của cả nước. Ai ngờ Nghệ An lại thuộc nhóm rất thấp?! Tôi vẫn hiểu kinh tế của tỉnh Nghệ An chưa thể so với nhóm các thành phố và các tỉnh đứng đầu như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai nhưng cũng phải thuộc nhóm trung bình, nghĩa là phải bằng mức thu nhập bình quân của cả nước; ai dè, thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An thấp quá, kém hơn những tỉnh miền núi như tỉnh Lào Cai (năm 2016, Lào Cai có thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng).

Tôi vẫn tự an ủi là thu nhập bình quân đầu người có thể không phản ánh đúng mức sinh hoạt của người dân cũng như tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Ví dụ, trên địa bàn của tỉnh có nhiều nhà máy, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; ở đây thu ngân sách tăng, thu nhập bình quân đầu người cao nhưng đời sống của người dân chưa hẳn đã khá. Tuy vậy, việc thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Nghệ An chỉ bằng khoảng 60% thu nhập bình quân của cả nước, chỉ bằng khoảng 25% của tỉnh Bắc Ninh (Bắc Ninh là tỉnh có diện tích bé nhất Việt Nam với 823, 1km2, còn Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam với 16.493,7 k2) vẫn làm tôi buồn, đầy trăn trở.

Tôi nói lên điều này không phải để phê phán hay đổ lỗi cho những ai đó, mà để tập trung trí tuệ, tìm ra nguyên nhân của sự yếu kém để khắc phục, nhằm đưa kinh tế của Nghệ An phát triển tương xứng tiềm năng. Mấy chục năm qua, lãnh đạo Nghệ An, trung ương cũng đã nói là Nghệ An có tiềm năng rất lớn với việc đất rộng, người đông (lại cần cù, thông minh, sáng tạo), có rừng, có biển, có đồng bằng, giàu khoáng sản, thuận lợi về giao thông… vì vậy triển vọng phát triển kinh tế rất tươi sáng. Nhưng rõ ràng chúng ta không thể “sống bằng tiềm năng, ăn bằng triển vọng” mãi được!?Cần phải biến tiềm năng thành hàng hóa, tiền bạc.

Đi tìm nguyên nhân sự yếu kém trong phát triển kinh tế của Nghệ An

Đã đến lúc người Nghệ phải tìm ra nguyên nhân đích thực khiến Nghệ An kém phát triển, có thu nhập bình quân đầu người thấp. Điều kiện tự nhiên, khí hậu không thuận lợi thì rõ rồi; bão lụt, hạn hán nhiều cũng rõ rồi… Bây giờ chúng ta tìm nguyên nhân chủ quan, nghĩa là tìm những yếu tố liên quan đến con người, đến cách nghĩ, cách làm của chúng ta.

Để phát triển kinh tế, lãnh đạo và người dân cần phải có cách suy nghĩ mới mẻ, vượt ra cách nghĩ, cách làm của thời bao cấp. Đã hơn 30 năm rồi nhưng có vẻ như một bộ phận người Nghệ An vẫn chưa đổi mới trong nhận thức, họ vẫn thích săm soi và quy chụp những người có tư tưởng cấp tiến.Nhiều người Nghệ cho rằng, ở đất Nghệ, những người muốn đột phá không thiếu nhưng họ ít có cơ hội thành công vì họ không được ủng hộ. Câu nói phổ biến trong dân gian có tính tổng kết về quan niệm và cách ứng xử: “Giàu thì bị ghét, nghèo thì bị khinh, thông minh không được sử dụng”. Đương nhiên, trong dân gian thường hay nói quá lên một chút cho vui, cho ấn tượng. Song, “không có lửa, làm sao có khói” ? Và hơn nữa “trong bất cứ cách nói nào, kể cả nói đùa đều có một phần sự thật” nên ít hay nhiều, ở Nghệ An có cái nhìn đầy định kiến với những người giàu; có cách ứng xử ca ngợi nhưng tránh xa những người thông minh. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến Nghệ An chưa thể cất cánh?!

Thêm nữa, chúng ta thử tìm hiểu xem có hay không “sự ngạo mạn Nghệ An” ? Một số người cho rằng, người Nghệ An có sự ngạo mạn trong suy nghĩ và ứng xử, khi nào cũng nghĩ mình có nhiều cái đáng tự hào, nào là “quê hương xô viết Nghệ Tĩnh, quê hương Bác Hồ, có truyền thống cách mạnh, thông minh, học giỏi…”. Nếu cứ quanh quẩn với những ý nghĩ đó, tự ru ngủ mình trong vinh quang của quá khứ thì khó tránh khỏi sự xơ cứng, hẹp hòi trong tư duy. Mà đã như vậy thì làm sao mà sáng tạo? Làm sao mà đột phá được?!

Tôi nhớ, cách đây gần 20 năm, khi ông Nguyễn Văn Bản làm Bí thư thành ủy Thành phố Vinh; ông có viết một bài báo nói đại ý Nghệ An “đang chiêu hiền, đãi sĩ; trải thảm đỏ để đón nhân tài, người Nghệ trở về cũng tốt, mà người các tỉnh khác đến Nghệ An càng hay”. Bài báo gây ấn tượng và tạo nên hai luồn dư luận khen – chê. Những người khen thì cho rằng, ông Bản tâm huyết, đã nhìn ra vấn đề là Nghệ An cần những người giỏi. Những người chê cũng nói lên ý kiến của mình rằng, ông Bản không nắm được thực tế: Trên mảnh đất Nghệ An không bao giờ thiếu người tài, Nghệ An không cần người ở nơi khác về (về chỉ tổ tranh nhau “ghế”), thậm chí là phải “xuất khẩu” bớt đi.

Không ai đứng ra làm trọng tài để quyết định xem ý kiến nào đúng. Nhưng trên thực tế thì chỉ có dòng người từ xứ Nghệ ra Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh, đến các miền đất khác lập nghiệp, chứ ít thấy người nơi khác về Nghệ An để làm ăn, sinh sống. Trong khoảng 30 năm trở lại đây, riêng từ Trường Đại học Vinh đã có trên 100 người đi tới nơi khác.Đại bộ phận trong số họ là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư; một số người là những nhà khoa học đầu ngành. Tuy nhiên, cũng có lúc Trường Đại học Vinh “xót ruột” về hiện tượng này nên đã đưa ra một số chính sách nhằm giữ người như phạt tiền những người đi làm tiến sĩ rồi không trở về. Những năm gần đây hiện tượng “chảy máu chất xám” ở Trường Đại học Vinh giảm hẳn. Đây không phải là kết quả của hình phạt, mà là điều kiện sống, làm việc ở Trường Đại học Vinh đã được cải thiện rõ rệt, tốt hơn rất nhiều so với trước kia.

Có lẽ việc “chảy máu chất xám”, nhiều người tài ra đi cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của Nghệ An?Điều này cần được nghiên cứu kỹ càng hơn.

Cũng cần phải đặt ra câu hỏi là tinh thần cách mạng, nhiệt tình cách mạng trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường là lực đẩy hay lực cản? Tôi thấy ở hai nơi trong đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến đấu bảo vệ đất nước rất nổi bật, lập được nhiều chiến công đáng khâm phục. Song, trong việc phát triển kinh tế thị trường thì ì ạch, yếu kém. Đó là Nghệ An và Bến Tre (quê hương đồng khởi); hai tỉnh này đến nay  có thu nhập bình quân đầu người ở nhóm thấp nhất.Cần phải nghiên cứu để tìm cách biến sức mạnh trong nhiệt tình cách mạng của người dân thành sức mạnh trong phát triển kinh tế. Khi đất nước sống trong hòa bình thì phải ưu tiên phát triển kinh tế.

Trước đến nay, người ta cho rằng, người Nghệ ăn tiêu chặt chẽ, rất tiết kiệm, thậm chí là hơi ki bo. Nhưng Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã chỉ ra điều ngược lại. Bằng những sự việc, con người, ông Nguyễn Hùng Vĩ đã chứng minh là người Nghệ nói chung ăn tiêu khá rộng rãi, một bộ phận thậm chí ăn tiêu hoang phí để “giải quyết khâu oai”. Tôi có đứa cháu (ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) sau khi xây nhà và sắm nghề vây xong, nợ trên 400 triệu đồng. Ấy thế mà trước Tết vừa rồi, nó vay thêm trên 100 triệu đồng để mua xe SH chơi Tết.

Việc dân Nghệ An “chơi trội” thể hiện khá rõ ràng trong thực tế. Như đã nói ở trên, thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An rất thấp, nghĩa là Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo nhưng hiện tại Nghệ An là tỉnh có số lượng xe hơi, nhà lầu vào loại rất cao trong cả nước. Tỷ lệ công chức, viên chức, dân thường sở hữu xe hơi ở Nghệ An chắc đứng ở vị trí rất cao. Cứ nhìn vào lượng xe bốn bánh chạy ở Thành phố Vinh, các huyện lỵ thì có thể thấy rõ điều đó. Một người làm đại lý bán xe hơi cho hãng Toyota nói rằng, những năm gần đây, Nghệ An luôn ở top 3 trong số các tỉnh thành mua xe hơi của hãng. Còn việc dân Nghệ xây nhiều nhà lầu cũng thể hiện rất rõ. Quỳnh Long thuộc diện xã nghèo bãi ngang nhưng nhà lầu ở đó đua nhau mọc lên san sát. Có những thời điểm ở xã này có tới 100 gia đình xây nhà lầu cũng một lúc.

Việc ăn tiêu hoang phí đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và phê phán nhẹ nhàng, nhắc nhở tiết kiệm trong một bài báo nổi tiếng. Bài báo đó đăng trên báo Nhân Dân, số 2912, ra ngày 14/3/1962, có tiêu đề “Làm thế nào cho lạc thêm vui ?” , ký tên T.L. (T.L. - một trong hơn 50 bút danh của Bác Hồ). Tiêu đề của bài báo ngay từ đầu đã gây ấn tượng khá lý thú cho người đọc bởi cách chơi chữ của tác giả: từ “lạc” (thuần Việt) có nghĩa là cây lạc, củ lạc (đậu phộng) và lại vừa có nghĩa là vui (theo Hán Việt). Tính hấp dẫn của bài báo còn thể hiện ở phần mở đầu là một khúc đồng dao xứ Nghệ: “Dân Nghệ nhà choa/Mỗi năm ăn quà/Hết chín nghìn bảy (9.720) tấn gang”. Số là trước đó, trên Báo Nhân Dân (9-3-1962) có đăng một bài nói  ở  Nghệ An “Trên trời, dưới lạc”, đâu đâu cũng làm và bán kẹo Lạc. Chí ít mỗi tháng cũng tiêu tốn 54 tấn lạc, mỗi năm hết 650 tấn. Nếu xuất khẩu lạc ra nước ngoài, thì 1 tấn lạc đổi được 15 tấn gang.Nếu đồng bào Nghệ An bớt ăn quà, tiết kiệm lạc để xuất khẩu, thì mỗi năm đổi được 9.720 tấn gang, tương đương với  hàng trăm chiếc máy cày.

Như vậy, có thể thấy việc ăn tiêu hoang phí của dân Nghệ cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất kém phát triển. Nếu một nửa số tiền mua xe hơi, xây nhà lầu của Nghệ An đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp thì chắc chắn mức thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An hiện nay không đến mức thấp như thế.

Đã le lói những tín hiệu làm vui lòng người Nghệ

Trong những năm gần đây, người Nghệ sống trong và ngoài tỉnh đều có vẻ quan tâm hơn tới việc phát triển kinh tế, xem giàu có là một tiêu chí đáng tự hào chứ không phải đáng ghét nữa.Người Nghệ thông minh và dũng cảm, sẽ đánh giá đúng câu ngạn ngữ của Nga: “Chỉ có kẻ ngốc và người chết mới không thay đổi ý kiến của mình”. Thay đổi cách nhìn nhận, thay đổi tư duy, thay đổi quan điểm là điều quan trọng nhất.Điều này sẽ mở ra cơ hội và mang lại kết quả.

Đã le lói những tín hiệu vui đầu tiên.Năm 2017, tốc độ phát triển kinh tế của Nghệ An đã cao hơn tốc độ phát triển của cả nước: 8,25% so với 6,81%. Đây là điều mang lại hi vọng về việc Nghệ An sẽ rút ngắn khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người so với cả nước. Nếu duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao hơn cả nước từ 2 – 3 mỗi năm thì trong khoảng 10 năm, Nghệ An sẽ có thu nhập bình quân đầu người ngang bằng mức chung của cả nước.

Những khởi sắc về kinh tế có được là do Nghệ An kiên trì kêu gọi đầu tư. Không phải ngẫu nhiên mà Nghệ An đã tiến hành hội nghị xúc tiến đầu tư cả chục năm nay. Càng về sau, việc kêu gọi đầu tư càng bớt hình thức, đi vào thực chất và phát huy hiệu quả.Trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Nghệ An đã thu hút được 980 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 276 nghìn tỷ đồng, trong đó 927 dự án đầu tư trong nước với hơn 112 nghìn tỷ đồng và 53 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với hơn 163 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ vốn giải ngân trong giai đoạn ước đạt 41,5%, tương đương với 114,5 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Nghệ An đã cấp mới cho 176 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 14.561 tỷ đồng.

Ngày 10/3/2018, phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư ở thành phố Vinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An, tỉnh phải có tư duy mới, cách làm mới, hành động và hành động mạnh mẽ quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ và vận hội mới.

Ai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy trong cách làm kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Đổi mới tư duy cần tới trí tuệ và lòng dũng cảm. Hai thứ này vốn là thế mạnh của người Nghệ. Vậy người Nghệ ơi, hãy phát huy thế mạnh của mình để mở ra một trang mới trong việc xây dựng quê hương xô viết Nghệ An giàu mạnh./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443847

Hôm nay

298

Hôm qua

2307

Tuần này

21660

Tháng này

219021

Tháng qua

112676

Tất cả

114443847