Báo The Sunday Times ngày 3 tháng 8 năm ngoái [2003] có đăng bài nói về nhân vật tiếng tăm lừng lẫy một thời này, nay xin kể lại cho bạn đọc cùng nghe.
Hồi trẻ, bà Thatcher học Đại học Oxford chuyên ngành hoá học, sau chuyển sang học pháp lý, rồi trở thành một luật sư có hạng. Về sau bà hoạt động chính trị, trước khi được bầu làm Thủ tướng (1979) từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học. Hiện nay, ở tuổi 79 và đã nghỉ hưu được 14 năm, bà Thatcher đang sống cô đơn vò võ một mình, tình cảnh có vẻ buồn thảm lắm.[2] Chồng bà [3] qua đời hồi tháng 6 năm ngoái (2003). Cô con gái độc nhấtcủa bà [4] làm nghề báo, nhưng chỉ là một nhà báo quèn không chức tước tên tuổi. Mặc dù có bà mẹ lừng danh và trị vì đất nước lâu như vậy, nhưng cô chẳng được hưởng chút lộc nào của mẹ.
57 triệu thần dân của bà Thatcher cũng đã quên bà từ lâu. Tháng 10 năm kia, hôm sinh nhật lần thứ 77, bà nhận được cả thảy có 4 thiếp chúc mừng. Bây giờ bà gầy nhom, sức khoẻ và tình hình kinh tế không mấy lạc quan. Cô con gái rất lo, nhưng đồng lương nhà báo hiện nay của cô chẳng thể giúp được gì cho mẹ già. Báo Times viết: “Giờ đây bà Thatcher chỉ làm bạn với cái bóng của mình mà thôi”.
Thật ra thì chưa có gì bi thảm đâu, vì chế độ phúc lợi của nước Anh rất tốt, cái gọi là nghèo của bà chỉ là so với đời sống người Anh đang đi làm thôi, chứ dân nhiều nước khác thì còn lâu mới được như thế. Những người Á Đông chúng ta theo thuyết “văn hoá phương Đông cứu văn hoá phương Tây” có lẽ sẽ bất bình nói: để bà Thatcher sống như vậy, người phương Tây tàn nhẫn quá, không có tình người như phương Đông chúng ta.
Nhưng thực ra, đây lại chính là một ưu điểm của văn hoá phương Tây: dù bà có làm Thủ tướng 3 nhiệm kỳ liền đi nữa, khi về vườn rồi, thì xin lỗi nhé, bà cũng chỉ là một người dân thường chẳng có ưu đãi, đặc quyền gì hết. Nghĩa là bà cũng phải nếm cảnh già lão cô đơn, nghèo túng như mọi người về hưu khác, thế mới là xã hội bình đẳng.
Đây chính là một thành công của xã hội phương Tây, vì thế mà xã hội họ không tự nó thối nát đi đến chỗ tự sụp đổ.
Cuộc đời bà Thatcher chứng tỏ xưa nay bà chẳng có tham nhũng tham nhẽo gì hết, dù bà từng danh giá như thế, dù chồng bà từng làm trong Hội đồng Quản trị mấy công ty.
Một vài nước phương Đông hiện nay cũng học theo mô hình này, thật là điều rất đáng mừng. Tổng thống Kim Dae-jung [1925-2009] đang tại chức, hai cậu con dính vào chuyện tham nhũng bị toà xử tù, báo chí Hàn Quốc đưa tin ấy nhưng không hề nhắc tới tên ông bố của họ. Ai làm người ấy chịu, xã hội pháp trị mà! Trong chuyện ấy, bố cũng không giúp gì con, mà có giúp cũng chẳng được.
Báo Đức năm nào đăng tin và ảnh đương kim Thủ tướng Gerhard Schröder [sinh 1944] ngày Chủ nhật tự lái xe đưa cả nhà đi nghỉ. Vì là việc riêng nên ông không được phép dùng xe công, mà phải đi chiếc xe cà tàng của mình. Nhưng đội bảo vệ vẫn cứ phải thực thi phận sự bảo vệ Thủ tướng. Thế là trong ảnh người ta thấy một đoàn xe sang trọng của mấy anh bảo vệ chạy trước chạy sau chiếc xe cũ rích của ông Thủ tướng. Xem ảnh chẳng ai thấy có gì đáng thương hại cho vị đứng đầu quốc gia giàu nhất nhì châu Âu này.
Cũng xin bạn chớ có thương hại bà Thatcher. Đưa tin về cảnh về hưu cô đơn túng thiếu của bà, báo Times đâu có bôi nhọ nước Anh, ngược lại, đây còn là sự biểu dương mặt tốt của xã hội nước họ.
Từ đó, tôi rút ra được một quy luật: quan béo thì dân gầy, quan gầy thì dân béo. Dùng quan điểm ấy để xem thế giới chắc là không sai đâu./.
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Nguồn: Tạp chí Tuỳ bút (Trung Quốc), số 1/ 2004
Ghi chú của người dịch:
[1] Margaret Thatcher, 1925-2013, tên thời con gái là Margaret Hilda Roberts, con một gia đình bán thực phẩm, là phụ nữ đầu tiên và duy nhất được bầu làm Thủ tướng Anh và ở cương vị này lâu nhất trong thế kỷ 20. Khi về già, bà di chúc từ chối làm quốc tang để tránh lãng phí tiền của dân.
[2] Bà Thatcher qua đời năm 2013.
[3] Ông Denis Thatcher (1915-2003), năm 1951 cưới bà Thatcher sau khi đã ly dị vợ trước.
[4] Cô Carol Thatcher, sinh 1953, có một anh em sinh đôi.