Cuộc sống quanh ta

Hồi tưởng về Giáo sư Trần Đức Thảo

Thu Tân Tỵ 2001, Trường Đại học Sư phạm long trọng tổ chức lễ mừng 50 năm ngày thành lập (10/1951-10/2001).

Tôi có nhận được giấy mời tham dự và không hiểu vì sao sau đó tôi không đi dự được Lễ hội trọng thể này. Nhưng tôi vẫn nhận được món quà của Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là cuốn sách nhỏ Gương mặt và thành tựu khoa học (Hà Nội, 2001). Mở ra, ở trang 21 trở đi, tôi được nhìn lại gương mặt của các Thầy tôi, được xếp theo thứ tự, thứ tự gì nhỉ?): Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông… (nhưng lại không có GS. Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy). Và sau đó là thứ tự A, B, C tôi cũng thấy các bộ mặt Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng bên cạnh nhiều khuôn mặt sáng láng của Khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Vâng, các thầy tôi như đã kể trên, đều là những Giáo sư đầu ngành một thời của Trường Đại học Sư phạm. Và chúng tôi rất vinh dự vì có một thời làm cán bộ giảng dạy ở Đại học Sư phạm (từ năm 1956 như sách Gương mặt và thành tựu khoa học đã viết).

Tôi đã viết về các thầy Giàu, thầy Đào, thầy Huy, thầy Thông…

Hôm nay, theo Ban chỉ đạo Lễ mừng 45 năm Trường Đại học Tổng hợp (cũ) nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và sự năn nỉ của bạn bè, tôi dành những dòng dưới đây để ghi lại đôi điều về một người Thầy lớn khác của tôi: GS. Trần Đức Thảo.

Vì sao tôi lại viết quá chậm về thầy Thảo, tuy lúc còn sinh thời, nhà Thầy ở gần khu tập thể Kim Liên với tôi, căn phòng Thầy ở tầng 2 nhà B6, chỉ cách căn phòng của tôi một đỗi đường rất ngắn và gần như tháng nào tôi cũng sang thăm và trò chuyện cùng Thầy? Vì tôi sợ! Thầy Thảo là một nhà Triết học hiếm hoi ở Việt Nam.

 Khác với thầy Đào – cũng cùng ở một căn phòng B6 Kim Liên, gần thầy Thảo, mà gần như cho đến cuối đời, tuần nào Thầy – trò tôi cũng gặp nhau, trò chuyện, chuyện Sử, chuyện Đời. Tôi đâu có sợ việc gặp lại các Thầy sau khi các Thầy dính líu với sự kiện “Nhân văn – Giai phẩm”.

Tôi sợ gặp thầy Thảo vì trình triết lý của tôi quá thấp hơn Thầy, trò chuyện nhiều khi không hợp. Thầy cô đơn và tôi cũng cô đơn, nhưng lại cũng được tiếng “quảng giao”!

Tôi có thể cùng một ngày, một chiều, vừa hầu chuyện cụ Thủ tướng (đã quá cố) Phạm Văn Đồng và chỉ sau đó một lát thôi, tôi đã ngồi trên thảm cỏ, uống bia hơi, tán chuyện gẫu với ông bạn làm nghề đạp “xế lô” chột mắt! Mà ông bạn ấy không hề biết tôi là ai. “Bạn bia” thôi mà, đủ rồi. Thầy Thảo của tôi thì không. Ông khó nói chuyện với Thủ tướng cũng khó nói chuyện với người lao động đơn giản ở đô thị sống quanh Ông. Cô đơn, càng về cuối đời càng cô đơn. Đó là nét bản sắc, bản chất của Thầy. Cô bạn tôi một Tiến sĩ Nghệ thuật học bảo: Cô đơn là một trạng thái tâm lý để dễ dàng suy tư về triết học. Không biết có phải không nhỉ?

Có lần thầy Đào bảo tôi: Anh Vượng ơi, bây giờ tôi không dám ra chơi nhà anh Thảo nữa. Anh ấy “điên” rồi! Lúc nói thế này, lúc nói thế khác! (Tôi giật cả mình). Thầy Thông cũng có nhận xét tương tự. Và tuy cùng sống hoạt động ở Pari rồi ở Hà Nội bao nhiêu năm, các Thầy tôi gần như mấy chục năm cuối đời không hề gặp nhau… Tôi thì vẫn qua lại hỏi thăm đủ các Thầy, và tôi là kẻ “quyền biến”, hễ Thầy nọ gọi Thầy kia bằng “thằng” (đây là một sự thực đau đớn) tôi bèn dở trò nói lảng sang chuyện khác.

Tôi (sinh cuối năm 1934) nghe danh Thạc sĩ Triết học Trần Đức Thảo, Eleve de I’Escole Normale Superieure (Paris) từ khi tôi mới 9-10 tuổi. Có thật không? Rất thật! Lúc ấy, để tránh bom Mỹ trút xuống Việt Nam chống quân phiệt Nhật, nhà tôi cũng như các trường Nữ học Đồng Khánh của anh chị tôi, trường College Đỗ Hữu Vị (sau là Nguyễn Trãi) của các anh tôi đều bị sơ tán ở cái thị xã nhỏ bé mà đầy thơ mộng và hồ bán nguyệt Hưng Yên – Phố Hiến xưa.

Tôi là con út của một gia đình đông con nhiều cháu đến mức trên hai chục “mạng”. Tôi hay ăn theo, học leo, nói leo các anh chị và “nghe lỏm” chuyện người lớn. Tôi nghe bố và các bạn bố nói chuyện về Trần Đức Thảo với đầy vẻ cảm phục y như trước đây các bác nói chuyện về Nguyễn Mạnh Tường 22 tuổi là bi-docteue (hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa). Tôi có ngờ đâu chỉ mười năm sau, tôi có hân hạnh được là sinh viên của các bậc học giả lớn ấy. Tôi còn nhớ, khoảng 1952-1953, lớp tôi học Lịch sử Văn học Pháp với thầy Tường. Học nhờ căn nhà tranh của một nông dân khá giả xứ Thanh. Bỏ qua cái sự thật đó, thầy Tường vẫn bận “đồ lớn” (complet), ngực đeo đầy huy hiệu của thế giới (Thầy vừa đi Matxcơva tham dự Hội nghị Hòa bình toàn thế giới), bước vào lớp học với lũ sinh viên ngồi trên nền đất nện, Thầy nói với bọn tôi, giọng rất nghiêm túc chứ không bỡn một chút bợn cợn nào:

– Tại Đại giảng đường Trường Đại học Văn khoa này… (Tôi nhìn lên nóc mái nhà tranh với đầy tre luồng mà không dám cười), nhờ có cụ Hồ và cuộc kháng chiến vĩ đại này, các anh các chị có phúc mới được gặp tôi. (Vâng, phần lớn chúng tôi là con cái nông dân Thanh, Nghệ chân lấm tay bùn, đa số chúng tôi đã biết Hà Nội là cái gì đâu. Năm 1945-1947, cái nhà ga Hàng Cỏ đối với tôi là quá lớn. Anh cả tôi dẫn tôi đi dọc đại lộ Carreau (boulebvard Carreau, đường Lý Thường Kiệt nay), đến đầu đường anh tôi chỉ cái “đôm” (chỏm nóc) cao ngất ngưởng và bảo tôi: Đấy, Université Indochinoise (Đại học Đông Dương) đấy! Ngày xưa Cậu (chúng tôi gọi bố mẹ là Cậu Mợ) học cao đẳng ở đây đấy… Trời đất thằng ranh con nhà tôi có nằm mơ cũng chẳng bước chân nổi vào cái kiến trúc “hoành tránh” này. Hồi đầu Tiểu học tôi học rất lười và rất dốt. Chỉ thích nằm ngồi trong lòng mẹ và “sờ ti” mẹ. Mẹ thì chiều con út quá hơi ấm đầu một chút là tôi đã kiếm cớ nghỉ học. Ông tôi chỉ lắc đầu “Con hư tại mẹ…”. Và tôi chỉ mong rằng sau này tôi có thể làm một “Ông giáo làng” (hương sư) như chú Tuyên tôi là được rồi. Bà mắc bạo bệnh từ lúc tuổi mới bốn mươi và qua đời đúng năm tôi làm “tập sự trợ lý” của GS. Đào!).

Thầy Tường lại nói:

            – Các anh các chị hãy “profiter” (lợi dụng) dịp hiếm có này đi, hãy “profiter” tôi đi, học nhiều vào, càng nhiều càng tốt. (Khổ quá, từ năm 1950, Bộ Giáo dục đã có chỉ thị bỏ các môn học tiếng Anh, tiếng Pháp ở các trường Trung học phổ thông khiến thầy Dương Thiệu Tống – dạy Anh văn – trước khi bỏ chúng tôi, bỏ kháng chiến mà đi đã đọc cho chúng tôi bài thơ luật Đường ai oán:

Nào có ra gì cái tiếng Anh

TO DO, TO EAT cũng nằm quanh

(Thầy “nhái” bài thơ đầu thế kỷ XX:

            Nào có ra gì cái chữ Nho

Ông Nghè, Ông Cống cũng nằm co…)

Lúc chúng tôi học thầy Giàu, thầy Huy, thầy Tường… ở xứ Thanh, thì thầy Thảo mới ở Pari về nước và công tác ở Việt Bắc.

Tôi chỉ được nghe – như một huyền tích – về cuộc tranh luận giữa thầy Thảo và ông Jean Sartre, tổ sư nước Pháp về chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialisme – đâu chừng lúc ấy ta dịch là Chủ nghĩa Sinh tồn hay Tồn sinh gì đó).

Sau ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954 về lại Hà Nội tôi mới có dịp gặp lại thầy Thảo. Thầy được Nhà nước cử làm Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa (Giám đốc là GS. Đặng Thai Mai).

Tại Đại giảng đường thực sự (Grand mphithéâtre – nay tôi cũng thấy be bé thôi) ở số 19 Lê Thánh Tông, lúc đó mang tên “Trường Đại học Việt Nam” (tên Université Indochinoise bị xóa), thầy Thảo lên “phát động thi đua”. Tôi nhớ ông không dùng một từ ngữ chính trị nào như chúng tôi quen nghe – quen hiểu mà nói lại một kiểu sâu xa nào đó về “ý nghĩa triết học của phong trào thi đua yêu nước”. Thú thật, bọn sinh viên chúng tôi nghe “như vịt nghe sấm” vì chúng tôi chỉ quen những câu khẩu hiệu đại loại như:

Thi đua là yêu nước

Yêu nước phải thi đua…

Theo thời khóa biểu, mỗi tuần thầy Thảo lên lớp giảng cho bọn tôi 1-2 lần về Lịch sử Tư tưởng. Lúc nào cũng Đại giảng đường hoặc giảng đường A. Không bao giờ ông mang một quyển sách nào, thậm chí một tờ giấy nào tạm gọi là Giáo án. Cứ như thế một mình với thân xác và trí tuệ – tâm hồn, Ông ung dung đi vào lớp. Chả cần hỏi sinh viên xem lần trước mình đã giảng đến khúc đoạn nào. Đút tay vào túi quần, Ông cứ đi và nói (gần như không ngồi ghế bao giờ) như nói cho một mình ông nghe. Cũng không bao giờ ông hỏi sinh viên có hiểu ông nói cái gì không và có điều gì cần hỏi lại ông không.

Không, tuyệt đối không! Chúng tôi lũ cán bộ phụ trách sinh viên phải phân công cho các anh Phạm Hoàng Gia, Nguyễn Đình Chú… ghi lại các lời Thầy giảng rồi chỉnh đốn lại tý chút và đem quay ronéo làm tài liệu học tập cho toàn trường. Cuối cùng chúng tôi cũng có một tập gọi là Giáo trình Lịch sử tư tưởng in ronéo. (GS. Đặng Thai Mai thì cũng vậy. Chỉ có mỗi một bài đầu của Kinh Thi:

Quan quan thư cưu

Tại hà chi châu

Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu!

mà Ông giảng cho chúng tôi những… BA tháng lận! Theo nguyên tắc sư phạm thông thường, thì như thế là “cháy giáo án”. Thế nhưng các bậc thầy lớn thì đâu quan tâm đến các điều “nhỏ nhặt” cho dù Thầy đều tốt nghiệp ở Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội hay Sư phạm Cao cấp Paris!).

Tôi nhớ bài giảng đầu tiên của thầy Thảo là về sự ra đời của Quyền lực. Ông nói: “Quyền lực ra đời từ ngón tay và hành động chỉ trỏ, biểu trưng của “ra lệnh”.

Lớp học ngày càng ồn, rồi càng vắng vì lũ sinh viên ngu dốt chúng tôi gần như không hiểu gì mấy về những điều Thầy giảng. Và cùng cậy có anh Phạm Hoàng Gia (sau trở thành trợ lý của thầy Thảo, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý đã khuất), anh Nguyễn Đình Chú (bây giờ đã là Giáo sư Văn học) ghi bài giảng để sau mình đọc lại. Tôi không bỏ một buổi giảng nào chỉ vì mình trót mang tiếng là cán bộ Đoàn.

Thầy Đào sẽ có những người “nối nghiệp” là các Giáo sư lớn Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn…

Thầy Giàu sẽ có người nối nghiệp sáng giá như GS. Đinh Xuân Lâm.

Thầy Thảo tuyệt đối không có người nối nghiệp nào, y như thầy không hề có con “nối dõi tông đường”.

Thầy Thảo đang dạy chúng tôi năm thứ hai thì Thầy lấy vợ. Lúc ấy Thầy đã ở tuổi 40 (Thầy sinh khoảng năm 1917). Không ai trong chúng tôi được “báo hỷ” (Đám cưới diễn ra ở cư xá của thầy ở 16 Hàng Chuối, nghe đâu có độ một, hai chục người dự). Sáng hôm sau, chúng tôi vẫn lên lớp, chờ Thầy. Được một lát anh Trợ lý chính trị của Đại học Sư phạm Văn khoa, Đào Văn Nhâm (chắc thấy lớp tôi ồn ào “mất trật tự”) đã xuống bảo:

  • Trần Đức Thảo tối qua cưới vợ. Theo luật định Thầy được phép nghỉ một tuần. Mời lớp giải tán…

Lũ chúng tôi đang lục đục ra về thì Anh Thảo (lúc ấy chúng tôi gọi Thầy bằng Anh) đến. Ông ngơ ngác như không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thay mặt anh chị em đồng môn, tôi tiến ra chúc mừng Thầy vừa có phu nhân và nói: anh Nhâm bảo chúng em về vì Anh được quyền nghỉ một tuần. Thầy Thảo phẩy tay:

  • Làm gì có chuyện đó. Vào học!

Với bọn tôi, lúc bấy giờ đó là một “sự kiện rất lạ lùng”. Vừa nghe giảng, chúng tôi vẫn quan sát Thầy – vẫn như mọi khi, vẫn đi và nói đều đều – và xin nhân tiện nói thêm – Thầy Thảo gần như không cho sinh viên nghỉ giữa giờ. Nhà Triết học lớn, người Thầy lớn của chúng tôi, khi ấy sao mà chẳng bị coi là lập dị? Ông sống rất khác người, ăn mặc cũng khá lôi thôi.

Mẹ tôi mất (2-1957), thầy Huy, lãnh đạo Đảng, Trường đều đến chia buồn. Thầy Phạm Huy Thông còn gửi thiếp “chia buồn sâu sắc”. Thầy Thảo thì không. Tuyệt đối không, và đám tang qua đi, gặp tôi, Thầy cũng không nói một câu gì an ủi… Và như thế, nếu theo thói phép thông thường “giận Thầy thì giận cả đời”. Ông vượt hết mọi thói thường. Và Ông cô đơn là chí phải.

Phu nhân Ông là một trí thức Việt kiều, chuyên gia về giáo dục mẫu giáo – cũng bỏ Ông theo nghĩa đen – và lấy một trí thức lớn khác gốc Việt kiều. Tôi ở gần nhà Thầy, thi thoảng vẫn thấy “hai ông một bà” đi với nhau, êm ả. Họ hiểu biết, thông cảm với Ông, giúp đỡ Ông nhưng “chung sống” cùng Ông thì… thật khó! Tôi sang thăm Thầy, căn nhà Thầy ở vô cùng hỗn độn và phải xin nói thật là… bẩn thỉu.

Cậu ngồi xuống đây! Ông chỉ vào một cái ghế đẩu đầy bụi (khác hẳn với căn nhà thầy Đào ở bên có Cô lúc nào cũng “lụi hụi” quét dọn, sắp xếp lại đồ đạc sách vở đâu ra đấy).

Tôi nghiền thuốc lá từ thuở vị thành niên (bắt chước Bố/Cậu) đến nay vẫn không sao bỏ được cho dù được cho/tặng hay mua thì trên bất cứ bao thuốc lá nội – ngoại nào cũng có câu in ở rìa bao “Thuốc lá có hại cho sức khỏe”.

Thầy Thảo thì không bao giờ hút thuốc. Tôi xin phép Thầy hút thuốc vì tôi muốn hầu chuyện Thầy lâu lâu. Thầy bảo: Cứ tự nhiên! Tôi rất tiếc quanh căn phòng để tìm một cái gạt tàn thuốc lá. Không có! Tôi rụt rè hỏi về cái vung nồi gang và bảo: – Cậu gạt tàn vào đây!

Thật quá xá, phải không chứ vị Giáo sư – giảng viên – sinh viên thân kính?

Sau vụ việc “Nhân văn – Giai phẩm” (1956-1958) Thầy Thảo ra khỏi Đại học, hình như được điều về Nhà xuất bản Sự thật của Trung ương Đảng, lúc ấy do nhà Sử học Minh Tranh làm Giám đốc. Nhiều tháng đầu, Thầy Thảo dường như không được giao việc gì. Nhưng tháng tháng, người ta vẫn đưa đến Ông lương Giáo sư bậc nhất mà ở thời “kinh tế bao cấp” thì đây là một khối tiền to (quãng 150 VNĐ mà giá gạo chỉ là 0,4đ/kg). Ông không nhận, với một lập luận “rất Mácxít”:

  • Tiền lương là để trả cho những người lao động. Tôi không lao động gì. Vậy tôi không có quyền lĩnh lương!

Ông Minh Tranh, mà sau tôi cũng vô cùng thân thiết – đã nghĩ ra một “kế” mà tôi cho là rất hay – là tạo ra những “hợp đồng” với Thầy Thảo để ông hiệu đính các tác phẩm kinh điển dịch của K. Max, F. Engels. Và như thế, tiền “thu nhập” của Anh Thảo vẫn tương đương với tiền lương Giáo sư Đại học.

Thầy Thảo rất thạo tiếng Đức, như tiếng Pháp, tiếng Việt vậy. Ông là người Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết những tư tưởng triết học của Hegel, Marx, Engel… Công việc ấy rất thích hợp với ông và rất hữu ích cho lớp hậu học chúng tôi (từ 1963-1964, theo quyết định của Ủy ban Khoa học Nhà nước, chúng tôi phải học với các Giáo sư Viện sĩ Xô Viết một lớp nghiên cứu sinh về Triết học Mác – Lênin).

Khi dạy Triết – Lịch sử Tư tưởng cho chúng tôi, do lối giảng “kề cà” uyên bác quá của thầy Thảo chỉ dạy cho chúng tôi được từ tư tưởng cổ đại Hy – La đến tư tưởng Hegel, do đó mà về sau này mang tiếng là không hề dạy cho sinh viên chúng tôi tư tưởng Mác – Lênin. Thật ra tôi nhớ có lần thầy Thảo bảo với lũ sinh viên chúng tôi rằng:

Hegel là đỉnh cao nhất của chủ nghĩa Duy tâm. Marx là đỉnh cao nhất của chủ nghĩa Duy vật. Marx vốn là môn đồ phái Tả của Hegel. Chỉ cần bước một bước từ đỉnh cao này sẽ sang ngay đỉnh cao khác!

(Tư duy này của Thầy Thảo cũng đã từng bị phê phán bởi các vị gọi là Triết gia Mácxít).

Khi ông về Hà Nội Mùa thu 1954, đã có ban Văn – Sử – Địa và các tạp chí cùng tên do thầy Trần Huy Liệu đứng đầu. Thầy Thảo có viết mấy bài đăng trên tạp chí đó về Hịch tướng sĩ của đức Trần Hưng Đạo, về điền trang thái ấp thời Trần, về tính giai cấp của các nhân vật Truyện Kiều…

Trong khi thầy Đào Duy Anh dạy bọn tôi là chế độ phong kiến đạt đến đỉnh cao nhất là thời Lê Thánh Tông – Hồng Đức (1471-1497) thì thầy Thảo lại viết đời Trần là đỉnh cao nhất của chế độ phong kiến v.v…

Thôi thì mỗi Thầy một ý, lũ kiến ong sâu bọ chúng tôi chỉ biết nghe, đọc, nào có ý kiến riêng gì.

Nhưng lạ một điều, khoảng cuối năm 1955 – đầu năm 1956 gì đó, tôi đến thăm thầy Đào lúc ấy còn ở trong một tòa biệt thự số 16 Hàng Chuối, thầy Đào bảo tôi:

Anh Thảo mới là nhà Triết học, nhà Sử học thực thụ. Xem ra, tôi chỉ là người sưu tầm sử liệu mà thôi!

Tôi đang bái phục thầy Đào như một thần tượng mà Thầy lại nói với tôi những câu nhún nhường như thế, thế là thế nào nhỉ? Đến nay tôi vẫn chưa hiểu rõ.

Tôi cho rằng thầy Đào phục thầy Thảo ở phần tư duy Triết học, khái quát cao những tư tưởng triết lý lịch sử cổ kim.

Y như trước đó thầy Đào thán phục những tư duy triết lý – lịch sử của thầy Giàu vậy.

Cuối năm 1956, khi có quyết định của Nhà nước (do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký) sáp nhập hai Trường Đại học Sư phạm Tự nhiên (do GS. Lê Văn Thiêm làm Giám đốc) và Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (do GS. Đặng Thai Mai và GS. Trần Đức Thảo làm Giám đốc và Phó Giám đốc) và thành lập Trường Đại học Tổng hợp (do GS. Ngụy Như Kom Tum làm Giám đốc) thì các cây Đại thụ đều xuống làm Chủ nhiệm Khoa, Chủ nhiệm Bộ môn. Một khoa, nhưng phụ trách việc giảng dạy chung ở cả hai Trường Đại học Sư phạm (do GS. Phạm Huy Thông (Sử) và GS. Nguyễn Thúc Hòa (Toán) làm Giám đốc và Phó giám đốc) và Đại học Tổng hợp. GS. Lê Văn Thiêm làm Chủ nhiệm Khoa Toán Lý, GS. Đặng Thai Mai là Chủ nhiệm Khoa Văn.

Riêng ở Khoa Sử thì GS. Trần Đức Thảo làm Chủ nhiệm Khoa. Đấy là vị Chủ nhiệm Khoa đầu tiên của chúng ta mà đến nay PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc là vị Chủ nhiệm Khoa cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.

  1. Đào Duy Anh là Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam.
  2. Trần Văn Giàu là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử cận hiện đại Việt Nam.
  3. Phạm Huy Thông là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Thế giới.
  4. Trần Đức Thảo kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Tư tưởng.

Lũ chúng tôi vừa mới ra trường, được giữ làm tập sự trợ lý cho các Giáo sư Chủ nhiệm Bộ môn. Phan Huy Lê và tôi làm trợ lý cho thầy Đào. Đinh Xuân Lâm và Nguyễn Đức Sự làm trợ lý cho thầy Giàu. Phạm Hoàng Gia làm trợ lý cho thầy Thảo. Còn Lê Văn Sáu, Tôn Thất Chiêm Tế, Phạm Gia Hải… thì ở Bộ môn Sử Thế giới.

Đến niên khóa 1958-1959 mới chính thức chia Khoa. Bộ môn Sử Thế giới theo thầy Thông về Đại học Sư phạm. Sử Việt Nam theo thầy Giàu về Đại học Tổng hợp. Các Giáo sư đại thụ thì “mỗi người một ngả”. Thầy Mai, thầy Huy sang Viện Văn. thầy Đào sang Viện Sử. Thầy Tường về Viện Khoa học Giáo dục.

Còn thầy Thảo? Thì như đã viết ở trên, Thầy về Nhà xuất bản Sự thật. Nước chảy hoa trôi.

Lũ chúng tôi bơ vơ ở lại. Và trở thành cán bộ giảng dạy.

Rồi 25 năm sau, lần lượt chúng tôi trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư. Nói như Hà Văn Tấn – người vừa được giải thưởng Hồ Chí Minh (còn các Giáo sư thầy bọn tôi đều được “truy tặng”) – thì những thành tựu nghiên cứu giảng dạy của chúng tôi chỉ là cái “móng tay” của các vị Thầy – Giáo sư lớp trước.

Chúng tôi trưởng thành từ Khoa Sử là nhờ công ơn các Thầy dạy bảo. Và, nhờ tự học.

Hà Nội, cuối Thu Tân Tỵ 2001

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440773

Hôm nay

260

Hôm qua

2308

Tuần này

2677

Tháng này

215947

Tháng qua

112676

Tất cả

114440773