Cuộc sống quanh ta

Vì sự nghiệp Đổi Mới, vì nền dân chủ (II)

Năm 1981, 1982, tình hình chính trị rất sôi động, tiến tới Đại hội 5 của Đảng, một số anh em đặt nhiều hy vọng, nghĩ rằng trong nước đã có một số chính sách mới và đã trải qua một số thí nghiệm. Nhưng hi vọng vừa chớm nở lại tiêu tan, vì Đại hội 5 không đưa ra được cái gì mới, vẫn là chủ nghĩa xã hội theo lối giáo điều kinh điển thôi. Có điều được khẳng định lại cũng không dựa vào căn cứ nào cả, ví dụ như vấn đề “làm chủ tập thể”.

Trước Đại hội này, tôi có một bản kiến nghị gửi lên Trung ương. Sau đó, đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, gặp tôi trao đổi về kiến nghị này, nhưng không đi vào nội dung, chỉ đặt vấn đề là đừng có phổ biến. Rồi đồng chí hỏi tôi về thái độ của trí thức đối với Trung ương. Tôi nói là anh em trí thức bây giờ đều lấy làm lạ là tại sao Trung ương đối với tệ tham nhũng, buôn lậu… thì không trừng trị đích đáng, mà hễ trí thức nói một cái gì thì làm như quốc gia đại sự. Vì vậy, anh em chẳng muốn nói, muốn viết gì cả. Tôi nhìn đồng chí Nguyễn Đức Tâm, lúc đó thấy không hề phản ứng một tí gì, nét mặt không tỏ ra đồng ý hay không đồng ý, chỉ lảng đi, nói sang chuyện khác.

Đại hội 5 không giải quyết được vấn đề gì cơ bản, tình hình những năm sau đó ngày càng tồi tệ. Đất nước càng lâm vào khủng hoảng sâu sắc.

Từ năm 1985, tin tức về cuộc cải tổ ở Liên Xô làm cho chúng tôi rất phấn khởi. Qua tài liệu, phim ảnh (như phim “Sám hối”), thấy rõ ràng có những biến chuyển. Khi Thông tấn xã Liên Xô đề ra cuộc thi viết về “con người xã hội chủ nghĩa” cho tất cả các nước, ai giành giải nhất được một chuyến đi Liên Xô 10 ngày, tôi cũng muốn sang Liên Xô xem thay đổi như thế nào. Thế là tôi tham dự cuộc thi, và quả nhiên được giải nhất trong số 300 người dự thi. Hè 1985, tôi đi Liên Xô. Sang đến nơi, các đồng chí Liên Xô bảo đi nơi này nơi khác, nhưng tôi muốn ở lại Mátx-cơ-va xem không khí như thế nào. Hằng ngày tôi dạo phố, đi chỗ này chỗ khác, xem báo chí (tôi không nói được tiếng Nga, nhưng xem báo thì hiểu), sống trong không khí ở Liên Xô những ngày bắt đầu bước vào cải tổ.

Một việc đáng nhớ là vào một hiệu sách, tôi phát hiện có quyển tranh dân gian của Nga từ thế kỷ 17 - 18. Tôi giật mình vì có 2 tranh chuột, cũng như tranh chuột Đông Hồ của ta. Có thể nói là in hệt, cũng là một đề tài, nhưng có 2 cách vẽ. Có khác nhau là con mèo trong tranh Đông Hồ của ta là quan, con mèo trong tranh dân gian của Nga là vua Pie - Đại đế, người đã thống nhất nước Nga. Đấy là đám tang của vua Pie - Đại đế, mà những người gánh quan tài là chuột. Hai bức tranh chuột làm tôi rất thích thú. Tôi mua cuốn ấy mặc dù giá khá đắt là 13 rúp và giữ làm kỷ niệm cho đến bây giờ.

Tháng 9/1985, tôi ở Liên Xô về vài ngày thì xẩy ra một vụ tầy trời là đổi tiền. 10 đồng đang dùng đổi thành 1 đồng mới. Lệnh đổi tiền do đồng chí Phó Thủ tướng Tố Hữu ký. Đề ra đổi tiền như vậy, lãnh đạo tưởng rằng sẽ giải quyết được lạm phát, làm cho tình hình sáng sủa hơn. Thực ra, không phải như thế, khi kinh tế kém cỏi, sản phẩm quá ít, thì không thể kéo giá cả xuống được. Hậu quả là chỉ sau một thời gian rất ngắn, đồng tiền mới cũng mất giá luôn. Chủ trương này đụng chạm đến cả nước, thiệt hại nhất là những người chắt chiu gửi tiết kiệm, những cơ sở có chút ít vốn liếng, sau khi đổi tiền xong, coi như mất đi 9 phần 10. Dư luận xôn xao, người ta oán trách phàn nàn nói đáng lẽ không nên đưa nhà thơ lên làm kinh tế.

Sau đó, năm 1987, trong không khí hào hứng sau khi có đường lối đổi mới do Đại hội 6 của Đảng đề ra, nhân dịp báo “Văn nghệ” mở mục phỏng vấn về tiến trình dân chủ hoá, tôi viết một bài, nhan đề “Câu chuyện cũ, mới”. Bài báo mở đầu như sau:

“Vụ đổi tiền tháng 9 năm 1985 quả là một tai hoạ ập đến với nhân dân ta. Nhưng nói như một ngạn ngữ phương Tây, bao giờ tai hoạ cũng có mặt hay của nó. Lần đầu tiên ở nước ta mọi người đều thấy lãnh đạo tối cao cũng có thể phạm sai lầm nghiêm trọng. Trước đó một số người đã suy nghĩ như vậy, nhưng cái mới là nay số đông bắt đầu nghĩ như vậy. Và dĩ nhiên, tiếp theo là từ nay, ta không thể khoán trắng cho lãnh đạo suy nghĩ, động não thay thế cho mọi người. Quốc gia hữu sự, ai cũng có trách nhiệm không những gánh vác bằng chân tay, mà bằng cả trí óc nữa”.

Anh Nguyên Ngọc, Tổng biên tập báo “Văn nghệ”, sau này cho biết Ban biên tập bàn suốt một tối. Nếu đăng thì cấp trên nói tại sao cho đăng. Nếu không đăng thì phụ lòng bạn đọc. Cuối cùng, sáng sớm bàn với nhau mãi rồi quyết định cứ đăng. Bài báo này cũng gây một sự xôn xao lớn.

Trở lại chuyện năm 1985, theo yêu cầu của các bạn thanh niên, tôi viết một cuốn chừng 100 trang lấy tên là “Một đôi lời”. Nội dung cuốn sách nêu vấn đề: Bây giờ cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc đã hoàn thành, thanh niên phấn đấu theo lý tưởng nào đây? Tôi đặt vấn đề là tham gia xây dựng chế độ mới theo 3 phương hướng:

- Dân chủ hoá, xây dựng cho được một thể chế dân chủ về Nhà nước, về pháp luật.

- Quốc tế hoá là sống cho cả thế giới này chứ không phải chỉ bo bo cho dân tộc của mình.

- Khoa học hoá là đưa khoa học vào đời sống.

Đây là cuốn sách nhỏ, nhưng đưa ra được nhiều vấn đề trong tình hình đang sôi động, trong đó có một số ý mới, khác với suy nghĩ thông thường vào thời đó. Nhà xuất bản Thanh niên không dám in, tôi phải đưa vào thành phố Hồ Chí Minh, được Nhà xuất bản Trẻ cho in (*). Quyển này viết theo lối nói chuyện với các bạn thanh niên, vui và sinh động, nên đưa ra bán hết ngay.

Năm 1986 đánh dấu một bước ngoặt trong đời sống chính trị của nhân dân ta. Chuẩn bị Đại hội 6 của Đảng, cán bộ, đảng viên, người nào có suy nghĩ một tí đều xôn xao đặt vấn đề, bây giờ làm cái gì, làm như thế nào, chứ không thể ngồi yên được. Một mặt, tình hình khủng hoảng gay gắt thúc đẩy mọi người tìm giải pháp, mặt khác tin tức dồn dập về Đại hội 27 Đảng cộng sản Liên Xô cũng có tác động ảnh hưởng làm cho không khí càng sôi động thêm. Từ trước, dự thảo báo cáo Đại hội Đảng đưa xuống không mấy ai góp ý, coi như nhất trí và gần như để nguyên như vậy đưa ra Đại hội. Lần này, dự thảo của Bộ Chính trị đưa về cơ sở thảo luận hầu như bị bác bỏ gần hết, rất nhiều ý kiến đề nghị thay đổi bổ sung. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí Lê Duẩn mất, đồng chí Trường Chinh lên làm quyền Tổng bí thư. Đồng chí Trường Chinh lúc này đã nhiều tuổi, và từ trước đến nay vẫn có tiếng là cứng nhắc, giáo điều theo kiểu cổ điển. Nhưng lần này mọi người đều ngạc nhiên và vô cùng phấn khởi. Đồng chí Trường Chinh tập hợp ý kiến từ dưới lên, làm bản báo cáo khác hẳn dự thảo trình ra Đại hội. Mọi người đều hoan nghênh kính mến đồng chí Trường Chinh, người lãnh đạo rất trung thực, thấy được sai lầm trước cần phải thay đổi, có đóng góp quyết định làm cho ý kiến của quần chúng trở thành đường lối của Đại hội. Báo cáo đã nêu ra những tư duy mới và nói rõ những sự thật trước đây giữ kín, như bao nhiêu năm chúng ta đã lạm phí viện trợ của anh em có đến hàng 10 tỉ rúp... Có thể nói đường lối chung do Đại hội thông qua đáp ứng sự mong đợi của đảng viên và nhân dân.

Nhưng Đại hội 6 không hề thay đổi về tổ chức, nhân sự, chỉ thay đổi một tí bề ngoài, thực chất vẫn bảo thủ như cũ. Tôi có viết một bài đăng báo “Tuổi Trẻ”, nêu ý là không có con người mới thì đường lối mới cũng không ăn thua. Trong buổi chiêu đãi một đoàn Pháp ra về, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hỏi tôi: “Anh thấy thế nào, có phấn khởi về Đại hội 6 không?” Tôi nói chỉ phấn khởi 50% về đường lối, còn 50% về tổ chức thì không phấn khởi. Người ta mong đợi sẽ có Bộ Chính trị mới, ăn khớp với đường lối mới. Người ta hi vọng sự lãnh đạo của Đảng sẽ được trao vào tay 3 đồng chí là đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng. Nhưng người ta đã thất vọng. Dư luận rất lấy làm tiếc là 3 đồng chí này đã bỏ lỡ một thời cơ rất quý để đảm nhận vai trò lịch sử đưa đất nước tiến lên con đường mới.

Một việc nổi lên trong vấn đề nhân sự Đại hội 6 là về đồng chí Tố Hữu. Hồi ấy, trong buổi họp Quốc hội, đồng chí Tố Hữu (là Phó Thủ tướng) thay mặt Hội đồng Chính phủ đọc báo cáo, có tiếng đồn đại là đồng chí Tố Hữu sẽ làm Thủ tướng thay đồng chí Phạm Văn Đồng. Tôi gặp đồng chí Nguyễn Đức Tâm đề nghị đồng chí báo cáo với Bộ Chính trị là dư luận giới trí thức nghe tin đồng chí Tố Hữu có khả năng làm Thủ tướng, chẳng ai vui lòng cả. Trước Đại hội, tôi có viết một lá thư cho đồng chí Tố Hữu, đại ý nói: Trước kia, tôi rất mến phục tài thơ của anh, tôi thích thú nhiều bài thơ của anh và đã dịch một số bài đó ra tiếng Pháp đưa ra quốc tế. Nhưng anh làm lãnh đạo chính trị, đặc biệt về văn hoá văn nghệ, rồi làm Phó Thủ tướng làm kinh tế như thế này, không ai đồng tình, nhiều người oán trách, anh nên biết rõ. Dịp này anh nên tự nguyện rút lui, đừng ứng cử vào Trung ương nữa, trở về lại làm nhà thơ, chắc anh sẽ lấy lại được lòng kính mến tài làm thơ của anh. Không thấy thư trả lời của đồng chí Tố Hữu, và sau đó, đồng chí không trúng cử vào Trung ương nữa.

Tuy Đại hội 6 không đạt yêu cầu về mặt nhân sự, nhưng dù sao những tư duy mới, đường tối mới do Đại hội 6 đề ra cũng vẫn có tác động lớn đến thời cuộc, nhất là mấy năm đầu. Nhân dân háo hức chờ đợi việc thực hiện một số cải cách theo đường lối của Đại hội. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tỏ ra có ý muốn tiến hành những việc thay đổi quan trọng. Bản thân đồng chí viết một số bài báo ngắn lấy tiêu đề là “Những việc cần làm ngay”.

Đến tháng 10 năm 1987, mặc dù không ít khó khăn, đồng chí Nguyễn Văn Linh triệu tập được một hội nghị khoảng 100 văn nghệ sĩ, tôi cũng được đến dự với tư cách là nhà văn hoá. Vấn đề nêu ra trao đổi là: Tại sao văn nghệ trong mấy chục năm qua không phát triển được như ý muốn?

Với ý thức làm thế nào đây để tác động đến tình hình, tôi đi thẳng vào vấn đề:

“Trong những năm qua, văn học nghệ thuật của ta chưa đóng góp được đầy đủ vai trò của nó. Vì bị trói buộc. Sự lãnh đạo văn nghệ trong mấy chục năm qua nhiều lúc còn thô sơ, tỉa cành bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa làm rừng khai hoang... Những người làm báo, viết văn, làm phim thường xuyên được nhắc nhở phải làm như thế này, không được làm như thế kia! Bị trói buộc bởi một loạt huý kỵ... Lâu lâu lại nổ ra một vụ án: bài báo này, quyển sách kia, cuốn phim nọ bị kết án là “xét lại”, là “chống Đảng”, là “có tính kích động”… Mà thông thường bản án nào cũng có kỳ hạn, mãn hạn tù, còn bản án văn học thì cứ mãi mãi treo lơ lửng trên đầu..., một bản án chung thân, có khi còn hại đến cả con cháu...”. Tôi nêu vấn đề là 30 năm qua, anh em Nhân văn giai phẩm bị kết án, không biết đến bao giờ mới hết kỳ hạn. Án này đúng hay sai? Nếu mà sai thì bao giờ mới được trở lại làm nhà báo, nhà văn như cũ? Các nước nói đây là cái chết của chính trị. Tôi cũng nêu lên về khoa học xã hội có anh Trần Đức Thảo và anh Cao Xuân Hạo là 2 người rất tài giỏi, một ông về triết lý, một ông về ngôn ngữ học. Tác phẩm không được in, không được giảng dạy ở trường đại học. Mấy năm qua, tôi có chuyển một số tác phẩm của anh Trần Đức Thảo sang in ở Pháp. Tôi biết việc này là trái ý cấp trên, nhưng tôi vẫn làm, vì đó là những tác phẩm có giá trị, không xuất bản thì bỏ phí đi. Lãnh đạo phải có cách cởi trói ra thì văn nghệ mới phát triển được vv...

Tôi nói xong, đồng chí Nguyễn Văn Linh đứng dậy bắt tay thân thiết và đón nhận bản tham luận.

Cũng với tinh thần xây dựng thẳng thắn như vậy, các anh các chị văn nghệ sĩ phát biểu sôi nổi hào hứng. Hội nghị này thể hiện sự thông cảm sâu sắc giữa người đứng đầu Đảng với giới văn nghệ sĩ. Ngay trong Hội nghị đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thân mật gặp nhà đạo diễn Trần Văn Thuỷ, người đã thực hiện cuốn phim “Hà Nội trong mắt ai”, trước đây bị phê phán và cấm chiếu trong nhiều năm. Sau đó, cuốn phim này được chiếu trở lại.

Sau đó,  tờ báo “Văn Nghệ” khởi sắc lên rất nhiều. Có thể nói là trong 2 năm 1987, 1988, văn nghệ được “cởi trói”, người viết báo, người viết sách sôi nổi nhất từ trước đến nay.

Năm 1987, kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga được tổ chức trọng thể. Tôi bàn với anh Kiến Giang, ta viết sách in ra đi, đây là thời cơ hiếm có. Từ trước, lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô được phổ biến theo tài liệu của Stalin, về sau trở thành kinh điển của phong trào cộng sản quốc tế. Từ đầu năm, anh Kiến Giang đã chuẩn bị viết lại quyển lịch sử này theo quan điểm mới. Quyển này lấy tên là “Liên Xô, 70 năm trên đường khai phá”. Có thể nói đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, có quyển lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô từ khi mới thành lập cho đến kỷ niệm 70 năm, dựa trên những tư liệu mới từ sau 1985.

Đồng thời anh Kiến Giang còn viết 2 quyển nữa là: một quyển về đường lối chủ trương cải tổ của Đảng Cộng sản Liên Xô, một quyển về cải cách cơ cấu kinh tế ở Liên Xô. Cũng như trước, 3 quyển này (*), anh Kiến Giang phải giấu tên mà lấy tên tôi.

Các bài trong báo Nhân Dân với đề mục “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Nguyễn Văn Linh mở ra hướng đổi mới cho báo chí. Nhân đà đó, tôi viết một loạt bài về vấn đề dân chủ hoá, được đăng trên các báo, nhất là báo Lao Động, báo Tuổi Trẻ. Các bài này được tập hợp lại thành một quyển sách, lấy tên là “Đổi mới”, do Nhà xuất bản Thanh Niên in, nhưng trên bìa lại để một dấu hỏi lớn, ý là đổi mới có xu thế như vậy, nhưng có đi lên được hay không? Tôi cũng ra được một quyển khác, lấy tên là “Bàn và luận”, tập hợp một số bài đã in trong tạp chí Học tập. Nội dung quyển này nêu những vấn đề quan trọng trong cuộc sống cần được bàn và luận như vấn đề dân chủ, cải cách giáo dục, tập luyện dưỡng sinh v.v…

 

 Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp



(*) Quyển “Một đôi lời” Nhà xuất bản Trẻ Tp. HCM in năm 1985, năm 1997 được tái bản, có bổ sung.

(*) Quyển “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô và Đường lối cải tổ của Đảng Cộng sản Liên Xô” do NXB Phú Khánh in; quyển “Cải cách cơ cấu…” do NXB Thông tin lý luận in.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522499

Hôm nay

231

Hôm qua

2325

Tuần này

21273

Tháng này

220438

Tháng qua

121009

Tất cả

114522499