Cuộc sống quanh ta

Chúng tôi - cựu binh E271 miền Đông Nam Bộ anh hùng*

Cách đây 36 năm, nếu tính chính xác là từ ngày 9-11-1971, gần 3.000 cán bộ chiến sĩ trung đoàn 271 chúng tôi, chủ yếu từ các miền quê Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số ở các tỉnh khác, rời miền Bắc hậu phương, hành quân cuốc bộ vượt dãy Trường Sơn để bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường miền Đông Nam Bộ.

 Những chặng đường dài hành quân, với bao vất vả, khó khăn, gian khổ, lội suối, trèo đèo, vượt qua dốc cao dựng đứng, tập kích, phục kích, chống càn, chốt chặn, công đồn địch đều từng nếm trải. Bao miền đất lạ chúng tôi đã qua, có rất nhiều đồng đội thân yêu nằm lại đó.
Chiến tranh quá khắc nghiệt, đã ngốn đi không biết bao nhiêu con người và sức lực của chúng ta. Chúng tôi muốn quên đi, muốn chôn nó chặt sâu vào dĩ vãng. Mới ngày nào đó, cả trung đoàn 271 cùng hành quân vào chiến trường, quân đi nườm nượp chen kín mặt đường Trường Sơn. Nhìn về phía trước, phía sau vẫn không thể nào thấy được người đi đầu hay đi cuối đoàn quân.
Quân số lúc đó gần 3.000 người. Thế mà giờ đây, ngồi điểm lại, không biết có còn được ba trăm người nữa không? Dẫu biết rằng, sau gần bốn chục năm, có rất nhiều người do vết thương tái phát, hay di chứng của những cơn sốt rét giữa rừng Trường Sơn hoặc một lý do nào đấy đã đưa họ về thế giới bên kia vĩnh hằng cùng với tổ tiên, với những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường xa mà chưa được hưởng một giây phút của ngày toàn thắng, hoà bình, thống nhất đất nước.
Nhưng vẫn còn đó, những người bố, người mẹ và thân nhân của người đã hy sinh, cả cuộc đời còn lại vẫn khắc khoải nhớ về những đứa con rứt ruột đẻ ra, nuôi khôn lớn, đã ra đi mãi mãi. Ngay với tôi, ba người bạn thân thiết là Trần Ngọc Nam, Trần Văn Hồng và Nguyễn Văn Quế, cùng học một lớp ở Trường phổ thông cấp 3 Nghi Lộc 1, Nghệ An, cùng nhập ngũ một ngày, cùng một đơn vị khi vừa mới tham gia chiến trận được một thời gian ngắn, ba anh đã nằm lại trên mảnh đất chiến trường, không còn cơ hội để trở về gặp lại bố mẹ và những người thân nữa. Không thực hiện được lời hứa của mình và lời nguyện ước, mong đợi của người cha, người mẹ trong lần gặp cuối cùng, kể từ ngày chia tay các anh trước lúc lên đường ra tuyến lửa:
- Các con ra đi, chân cứng, đá mềm. Hãy nhớ trở về với bố mẹ! Bố mẹ ở nhà sẽ đợi chờ con!
Thế mà, các anh đã ra đi mãi mãi, để cho bố mẹ già tuổi đã ngoài tám, chín mươi, còn mang trên mình những căn bệnh hiểm nghèo, vẫn nén chịu bao đau đớn, gồng mình khắc khoải được sống, mong ngóng chờ đợi đứa con của mình trở về...
Như bố anh Hồng lúc chuẩn bị về với tổ tiên, ông đã cố gắng gượng một chút sức lực còn lại, gọi vợ và các con đến để trăng trối nguyện ước cuối cùng:
- Tổ tiên, ông bà đã đến gọi về, bố không chờ thêm được nữa. Bà nó và các con cố mà tìm thằng Hồng về nhé...
"Về đi anh!... Về cho mẹ yên lòng". Giờ đây, trong bốn đứa chỉ còn lại một mình tôi được may mắn trở về sau cuộc chiến, tuy còn phải mang theo mình bảy mảnh đạn đang nằm trong đầu và một số nữa nằm rải rác trong người.
Mới ngày nào đấy, đồng đội của tôi còn ngồi chật cả một toa tàu chở hàng, từ ga Cầu Giát đến Vinh, trên đường vào mặt trận. Giờ đây, khi kiểm lại chả còn được nhiều người nữa? Nếu như bây giờ chúng tôi tập hợp để lại ngồi vào trong toa tàu ngày ấy, sẽ lọt thỏm vào không gian mênh mông đó.
Đơn vị do tôi trực tiếp chỉ huy thời đó có 26 người, chủ yếu thuộc vùng quê huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, số còn lại ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên,... Cuối tháng 2-1974, tôi bị thương phải xa anh em ra miền Bắc điều trị, mấy năm gần đây, mới có điều kiện đi về các địa phương và nhờ các cựu chiến binh nơi đó tìm lại các anh. Vậy mà...!
Đặc biệt, có 11 người cùng ở thị xã Nghi Yên (Nghi Lộc, Nghệ An): Định, Phong, Trúc, Nghiêm, Trung, Thanh, Thái, Nhung, Cam, Luyện, Thiện cùng toa tàu ra trận với chúng tôi ngày nào sau cuộc chiến chỉ còn hai anh trở về, mà thực ra bây giờ chỉ còn một.
Người còn lại là cựu chiến binh Hoàng Văn Trung, đã để lại ở chiến trường năm nào một cánh tay. Cuộc sống đời thường của anh quá nhiều khó khăn, giờ lại càng thêm vất vả, nhưng không khuất phục và đầu hàng đói nghèo, anh đó tự mình cố gắng vượt lên.
Ngay từ những ngày đầu mới ra quân, Hoàng Văn Trung đã xác định: Phải cầm bút ôn thi vào đại học. Rồi kết quả đến không phụ sự cố gắng, chịu khó, kiên trì đó, khi trong tay có hai giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Vinh. Anh chọn vào học ở trường Vinh để được gần gia đình còn giúp đỡ bố mẹ già yếu. Hiện giờ, anh là Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở xã Nghi Yên.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhung, tuy vẫn còn mảnh đạn trong đầu, nhưng vẫn thi đỗ đại học, sau đó trở thành kỹ sư nông nghiệp. Anh có nguyện ước trở về quê nhà, đem kiến thức của mình phục vụ quê hương còn nghèo khó. Nhưng nguyện ước ấy của Nhung đành dang dở, khi vết thương sọ não trong đầu tái phát, để rồi khuất nẻo theo về với anh em đồng đội đang nằm lại ở những vùng quê xa.
Còn lại chín người nữa đã không được may mắn trở về với bố mẹ, gia đình, phải nằm lại trên mảnh đất chiến trường xưa. Hài cốt của các anh và cả hai bạn Hồng và Nam, tôi và thân nhân, đồng đội Hội Cựu chiến binh trung đoàn 271 lâu nay vẫn cố gắng kiếm tìm, mãi cho đến bây giờ vẫn chưa có kết quả. Phải chăng, đời người ai rồi cũng trở về cát bụi, trở về với hư vô?
Cũng có người trở về, được gặp cha già mẹ yếu và người thân, song phần đời còn lại chẳng có gì may mắn, nếu không muốn nói là phải gánh chịu những đau khổ tột cùng, vượt qua ranh giới chịu đựng của con người.
Không thể không nhắc đến hoàn cảnh của anh Vũ Văn Mô, quê ở xã Cát Bi, Quế Võ, Bắc Ninh. Do mang trong mình chất độc da cam từ thời còn ở chiến trường, nên ba đứa con của anh chị sinh ra đều "sống thì ngơ ngẩn, muốn chết cũng chẳng được". Họ phải sống trong hoàn cảnh đau khổ, thương tâm. Đứa con trai đầu đi học mãi mà không lên được một lớp. Suốt ngày lầm lì, không thốt nổi một lời, thỉnh thoảng lại vô thức nhìn về nơi xa xăm vô vọng.
Cháu thứ hai cũng ngây ngô, đập phá mọi thứ khi cơn động kinh bất ngờ ập đến. Khi cháu đến tuổi trưởng thành, anh chị đã cưới vợ cho cháu với hy vọng vợ nó sinh con, những đứa trẻ đó sẽ may mắn được ông trời thương tình để chúng có được cuộc sống bình thường như triệu triệu người rất bình thường trên đời này, không ngây ngây, dại dại như những đứa con hiện hữu. Một mong muốn giản đơn và rất chính đáng. Vậy mà, tất cả đều đi vào ngõ cụt. Vừa cưới vợ được mấy tháng, trong một lần lên cơn động kinh đứa con thứ hai đã kết liễu đời mình bằng một đoạn dây thừng oan nghiệt.
Cô con gái út tuy đã lớn tuổi, nhưng người vẫn gầy nhom, hai tay co quắp, run run, giật giật, ngây ngô, ngơ ngẩn, nước dãi rớt xuống đầy ngực, suốt ngày chỉ ngửa mặt lên trời cười một mình. Cháu vô tri đến cái tên của mình cũng không biết.
Cái cùng cực của tâm can và thể xác đã đến tột đỉnh, dồn ép lên những năm tháng cuối đời của họ. Bức bối quá, có lần anh Mô nghẹn ngào tâm sự:
- Các anh biết đấy, những ngày vượt Trường Sơn bao gian khổ, mang vác nặng, chịu đói lội suối băng đèo, trong chiến đấu không biết bao nhiêu lần phải nằm giữa mưa bom, bão đạn, thế mà tôi vẫn chịu được và đã trở về đây. Còn bây giờ, các anh thấy không? Làm sao có thể chịu thêm được nữa? Giá như ngày ấy ở chiến trường được chết đi, như nhiều đồng đội mình, thì ngày nay đỡ đau lòng... Vợ tôi có tội tình gì, mà phải dính dáng chuyện này? Sao lại bắt cô ấy phải gánh chịu chứ?...
Trước tình cảnh đó, các anh Lâm, Kiệm, Tân trong Hội Cựu chiến binh trung đoàn 271, đã tìm mọi cách giúp cháu vào làng Hoà Bình, Thanh Xuân, Hà Nội.
Chúng tôi làm những việc đó vì chúng tôi là đồng đội, tình bền chặt gắn kết, đã có một thời cùng vào sinh ra tử, từng không đắn đo giành cái nguy hiểm, gian khổ về mình, từng cứu mạng nhau, liều chết cõng nhau vượt qua làn bom đạn địch.
...Thuở ấy, lũ chúng tôi
Coi nhau như ruột thịt
Ngọt bùi cay đắng cùng chia
Viên thuốc cuối cùng, giọt nước cuối cùng, người nọ dúi người kia
Cao cả thiêng liêng thay, tình đồng đội...
Bài thơ viết dở[1]
Làm sao có thể ngồi yên, dửng dưng mà sống được khi những thân nhân liệt sĩ và nhiều đồng đội đang phải gánh chịu hoàn cảnh khó khăn, trớ trêu như vậy. Vì lẽ đó, sau một thời gian trở về đời thường, chúng tôi đã tự nguyện tập hợp lại, thành lập Hội Cựu chiến binh của trung đoàn 271 anh hùng. Tất cả là những người may mắn, "sót sổ" được trở về dù không còn nguyên vẹn sau chiến tranh. Mỗi người một quê, mỗi đứa một nghề trong cuộc sống mưu sinh còn đầy vất vả, như một bài thơ của anh Lê Cường đã viết:
Đồng đội tôi sau chiến tranh
Phần lớn về quê làm ruộng
Một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm
Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời
Đói no tuỳ lúc, tuỳ nơi...
Trong những anh em, đồng đội trở về sau cuộc chiến cũng có người thành đạt, đã và đang đảm nhận những trọng trách quan trọng do Nhà nước giao phó. Cựu chiến binh Hồ Xuân Hùng là một ví dụ. Anh là người bạn ở cùng tiểu đoàn huấn luyện với tôi. Anh từng làm Chủ tịch tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Anh Hà Văn Thái là đại đội trưởng của tôi ngày nào, sau này là đại tá, Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô. Hiện về nghỉ hưu tại phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội. Anh Trương Hữu Chí, nguyên là đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Máy và Công cụ công nghiệp. Ngoài ra, còn có nhiều cựu chiến binh tuy trong mình còn mang rất nhiều vết thương của chiến tranh, nhưng khi buông cây súng, trở về đời thường đã vội cầm bút, lên giảng đường đại học, trở thành những kỹ sư, tiến sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, như anh Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất khẩu cà phê Tây Nguyên, doanh nghiệp được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới, với sản lượng cà phê xuất khẩu chiếm 20% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước.
Cho dù hiện nay thế hệ chúng tôi không còn trẻ nữa, khi về với đời thường mỗi người một phận, sang hèn sướng khổ khác nhau, nhưng tất cả đều luôn nhớ về những người đã cùng một thời "vào sinh ra tử" và cả những ai nằm lại nơi chiến trường xa.
Từ đó đến giờ đã lâu, lớp bụi thời gian càng phủ dày theo năm tháng, nơi các anh đang nằm lại quá xa, cảnh vật ở đó bây giờ cũng khác xưa rất nhiều. Nhưng các cựu chiến binh chúng tôi, những người ở khắp mọi miền đất nước đã và đang kiếm tìm, lượm lặt mọi thông tin để cùng gia đình đưa hài cốt các anh về yên nghỉ nơi quê nhà.
Con số 50 liệt sĩ của trung đoàn 271 đã được tìm về với người thân, dẫu rằng rất ít so với số liệt sĩ còn nằm ở nơi xa xôi ấy nhưng dù sao, đây cũng là phần thưởng không nhỏ cho sự cố gắng không mệt mỏi của Hội Cựu chiến binh chúng tôi.
Trong những chuyến đi tìm đồng đội ở chiến trường cũ, phải kể đến vai trò của anh Nguyễn Lâm[2], Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh của trung đoàn 271 ở phía Bắc. Anh nhiều lần cùng với một vài đồng đội trong Hội Cựu chiến binh đi đến vùng đất năm xưa dò hỏi thông tin, cũng có lần anh đi cùng thân nhân liệt sĩ.
Trong những chuyến đi đó, có rất nhiều chuyện cảm động, vui, buồn. Đấy là chuyến đi tìm con của mẹ Soi (mẹ của liệt sĩ Nguyễn Đức Thắng).
Thực ra, khi Thắng hy sinh, đồng đội trong đơn vị đã không tìm thấy thi thể để đem về quy tập. Chúng tôi cứ giấu mẹ mãi chuyện này, nhưng cuối cùng đành thú thực về hoàn cảnh anh hy sinh. Sau nhiều đêm trăn trở, mẹ đề nghị:
- Các con cho mẹ vào nơi Thắng nó nằm, mẹ muốn thăm nơi ấy.
Lâm thay mặt anh em đưa mẹ vào thăm lại chiến trường xưa. Nơi đó giờ đã thay đổi nhiều. Cánh rừng đại ngàn năm nào của huyện Đắk RLấp, tỉnh Đắc Nông, nay là cánh rừng cà phê đang trổ đầy hoa màu trắng. Hương thơm man mát, dịu ngọt lan toả khắp cả một vùng. Phải chăng đấy là hương thơm linh thiêng tình mẫu tử, tình đồng đội của Thắng và những người bạn thân yêu đang nằm đâu đó, toả ra để đón mẹ và bạn bè đến thăm?
Lâm chỉ nơi Thắng đã hy sinh, mẹ đứng tần ngần, lặng yên, rồi từ từ ngồi xuống, lặng lẽ rút ra một mảnh vải đỏ. Thật bất ngờ, mẹ vun đất lại, bốc từng nắm, từng nắm bỏ vào mảnh vải rồi gói lại, sau đó đứng dậy, mắt hướng nhìn về nơi xa xăm, khấn thầm để gọi Thắng về. Nước mắt lưng tròng mẹ đưa gói đất cho Lâm:
- Con đưa nó về cho mẹ...
Lâm và mọi người không cầm nổi nước mắt, anh ngậm ngùi làm theo ý mẹ, mang gói đất về thờ tại gia đình - khu tập thể Viện Quân y 108, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nước mắt nhoà run rẩy bàn tay
Gói nắm đất nơi anh ngã xuống
Nâng niu như bế con thời bú mớm
Mẹ đưa anh về nơi anh sinh ra
Về đi anh đất đã nở hoa
Cuộc sống hôm nay có anh trong đó
Vẫn là anh, mãi thời trai trẻ
Về đi anh!Về cho mẹ yên lòng.
Kính tặng mẹ Soi.
Về đi anh[3]
Nói đến chuyện đi tìm đồng đội của Hội Cựu chiến binh chúng tôi, không thể quên được tấm lòng cao đẹp của anh Cao Phong Nhã, công nhân xưởng urê, Công ty Đạm Hà Bắc, quê ở Xuân An, Xuân Phúc, Yên Dũng, Bắc Giang.
Khi vừa nghe được thông tin ở nghĩa trang Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông có tên các liệt sĩ Hiếu, Thoa, Khải, Thành anh vội thông báo ngay với các gia đình liệt sĩ. Sau đó, anh cùng vợ chồng anh Lâm đến đón mẹ Tráng (mẹ của liệt sĩ Đỗ Mạnh Hiếu quê Bắc Giang) tức tốc vượt hàng nghìn cây số đến Đắc Nông tìm mộ.
Giờ đây, cả chặng dài dằng dặc như vậy, mọi người không thể đi bộ như năm nào được. Muốn đi phải có tiền? Nhưng lấy tiền ở đâu? Gia đình anh còn rất nghèo, nói chi là dư thừa. Để có tiền đi cùng với mẹ Tráng, ban đầu anh lên công ty trình bày hoàn cảnh xin ứng hai tháng lương. Thuyết phục mãi cơ quan cũng ứng trước cho một tháng lương. Số tiền này không thể đủ trang trải cho chuyến đi. Không một chút chần chừ, anh gọi người đến bán luôn hai con lợn đang thời kỳ lớn nhanh. Tiền vẫn thiếu, cố gắng lục lọi hết mọi thứ trong nhà để bán, nhưng chẳng còn thứ gì có giá trị... Mồ hôi đầy người, ướt đẫm cả chiếc áo lính màu xanh đang mặc, anh đứng tần ngần một lúc mà không nghĩ ra được phương án giải quyết nào. Anh chợt nhớ ra một thứ có thể bán được, đó là bốn sào lúa non đang đến thời kỳ trổ bông ở ngoài đồng.
- Thôi! Mẹ nó và các con thứ lỗi cho bố nhé, bố chỉ bán có hai sào thôi. Biết rằng, mùa này cả nhà ta sẽ đói, mẹ nó và các con ráng chịu vậy. Gia đình ta còn có bố, có mẹ và các con là hạnh phúc lắm rồi. Chứ những đồng đội của bố, chỉ có một mình bao năm nằm phơi nắng, phơi sương giữa rừng sâu không trở về. Bố phải đi vào trong đó để tìm các bạn.
Thật là cao cả, thiêng liêng thay tình đồng đội, không lời nào nói hết được tình cảm cao quý này.
...............

*): Trích trong lời giới thiệu tác phẩm CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ. Tiêu đề bài viết do VHNA đặt.

[1]. Tác giả Lê Cường - một đồng đội đã viết tặng Hội Cựu chiến binh trung đoàn 271. Anh Lê Cường hiện là Đại tá, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh còn là cố vấn cho chương trình trò chơi Truyền hình "Chúng tôi là c
[3]. Tác giả Hoàng Liêm, cựu chiến binh E27.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522502

Hôm nay

234

Hôm qua

2325

Tuần này

21276

Tháng này

220441

Tháng qua

121009

Tất cả

114522502