Cuộc sống quanh ta

Giáo sư Jerome Isaac Friedman, nhà vật lý Hoa Kỳ đạt giải Nobel năm 1990 đến thăm Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Ngày 02/08/2018, qua sự giới thiệu của Tiến sĩ Võ Văn Thuận, Giáo sư Jerome Isaac Friedman, người được giải Nobel Vật lý năm 1990, đã đến thăm Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), nhân dịp Giáo sư đến Việt Nam tham dự hội nghị “Cửa sổ nhìn ra thế giới (Windows on the Universe)” tại Quy Nhơn từ ngày 05/08 – 11/08/ 2018 kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội gặp gỡ Việt Nam. Tham gia buổi tiếp Giáo sư Friedman có Viện trưởng Trần Chí Thành, TS. Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, TS. Phan Việt Cương và TS. Hoàng Sỹ Thân.

Giáo sư Jerome Isaac Friedman (sinh 28 tháng 3 năm 1930 tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ) là nhà vật lý người Mỹ đã đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1990 cùng với Henry Kendall và Richard E. Taylor cho “Công trình nghiên cứu tiên phong của họ về tán xạ phi đàn hồi sâu của các electron trên các proton và neutron liên kết, là công trình có tầm quan trọng thiết yếu cho sự phát triển của mô hình quark trong ngành vật lý hạt“. Giáo sư là học trò của nhà vật lý vĩ đại Enrico Fermi, ông tổ của bom nguyên tử và lò phản ứng hạt nhân. Hiện nay ông vẫn là Giáo sư danh dự và làm việc tại Trường Công nghệ Massachusetts (MIT), Boston, Hoa Kỳ.

Vai trò quan trọng của khoa học cơ bản

Tại buổi trao đổi nói chuyện, Giáo sư Friedman đã chia sẻ nguyên nhân đưa ông đến với khoa học nói chung và vật lý nói riêng. “Thời còn là học sinh phổ thông, tôi rất yêu thích nghệ thuật và có một chút quan tâm đến khoa học, tuy nhiên mối quan tâm đó thật sự mạnh mẽ khi tôi đọc được cuốn sách về Thuyết tương đối của Einstein. Nó mở ra một góc nhìn mới cho tôi và làm sâu sắc thêm sự tò mò của tôi về thế giới vật chất. Đó là bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Thay vì nhận học bổng của Viện Nghệ thuật Chicago, tôi quyết định theo đuổi vật lý. Để khuyến khích các bạn trẻ lấy nghiên cứu khoa học là đích đến, niềm đam mê thì cần kích thích sự sáng tạo, tính tò mò. Chính vì vậy trong chuyến đi của tôi đến Việt Nam lần này sẽ có bài giảng tại hội nghị về “Chúng ta có thực sự tạo thành từ các hạt quark hay không?”.

Giáo sư Friedman đã sang Việt Nam từ 15 năm trước và rất yêu quý đất nước con người Việt Nam. Thông qua mối quan hệ với những nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt những nhà nghiên cứu trẻ là học trò của mình, Giáo sư nhận thấy khả năng nghiên cứu khoa học của người Việt. Ông cho rằng, đất nước Việt Nam sẽ có tương lai tốt đẹp nếu Việt Nam biết sử dụng và phát huy tiềm năng con người và sức mạnh của khoa học, công nghệ. Ngoài nghiên cứu ứng dụng, việc đầu tư cho khoa học cơ bản là cần thiết. Dù có thể chưa đóng góp ngay cho kinh tế xã hội, nhưng nó tạo ra đột phá và mở ra định hướng cho nghiên cứu ứng dụng, qua đó đóng góp vào sự phát triển của các quốc gia trên thế giới.

Việc đầu tư cho khoa học và công nghệ là cốt yếu, là nền tảng quan trọng của một đất nước. Giáo sư Friedman lấy minh chứng đất nước Singapore, từ một đất nước không có tài nguyên, phải lệ thuộc vào nguồn nước ngọt của Malaysia, đến nay, Singapore đã trở thành trung tâm tài chính không chỉ của châu Á mà còn của thế giới nhờ chú trọng đầu tư cho khoa học và giáo dục. Với vai trò quan trọng như vậy, Giáo sư cho rằng chúng ta cần phải cố gắng không ngừng để lãnh đạo và người dân hiểu cũng như thúc đẩy thực sự khoa học và nghiên cứu.

Tính an toàn và tương lai của điện hạt nhân

Trao đổi về vật lý hạt nhân, điện hạt nhân, Giáo sư Friedman chia sẻ, ông đã nhiều lần sang Nhật Bản và biết rõ nguyên nhân Fukushima. Ngoài các thông tin trên đại chúng, một sai lầm của Nhật Bản thời kỳ xây dựng Fukushima (những năm 1970) là sử dụng nguyên (copy) thiết kế nhà máy điện hạt nhân của Hoa Kỳ cho vùng đất khô và cao cho địa điểm gần biển, nơi có địa hình thấp sát biển. Chính vì vậy động cơ Diesel phát điện và hệ thống cấp điện đã bị tê liệt khi sóng thần ập đến. Khi áp dụng công nghệ từ các nước khác, vấn đề đặc thù của đất nước là vô cùng quan trọng để xem xét và đánh giá, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.

Giáo sư Friedman nhấn mạnh, “dù sao chăng nữa, điện hạt nhân là tất yếu và là giải pháp tốt cho vấn đề năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Có nhiều ý kiến cho rằng năng lượng nguyên tử không an toàn, nhưng trên thực tế, người ta không hề đề cập tới việc nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường và gián tiếp hàng triệu người trên thế giới chết vì ô nhiễm…”. Chính vì vậy, ông cho rằng “năng lượng nguyên tử an toàn hơn nhiều loại năng lượng khác”.

Trong cuộc trao đổi với Giáo sư Friedman, Viện trưởng Trần Chí Thành đã sơ bộ giới thiệu về Viện NLNTVN với gần 800 cán bộ nghiên cứu và các lĩnh vực nghiên cứu mà Viện đang thúc đẩy, đồng thời chia sẻ về thực tế nghiên cứu tại Việt Nam và vai trò của nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu thực nghiệm. Viện trưởng Trần Chí Thành nêu, Toán học là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đã quan tâm đầu tư từ rất sớm, và có những lợi thế, truyền thống nhất định, người Việt Nam yêu thích Toán học. Trong nghiên cứu hiện đại, Toán đóng vai trò quan trọng, đặc biệt Việt Nam có thể thúc đẩy Toán ứng dụng để đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế, xã hội. Trên nền tảng đó, mô phỏng tính toán là những công cụ không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học hiện nay, và đó là một trong những định hướng mà Viện NLNTVN đang cố gắng đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Viện NLNTVN sẽ cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước.

Đồng tình với nhận định này, Giáo sư Friedman cho rằng, Việt Nam có nhiều bạn trẻ giỏi, thực tế là họ đã có nhiều thành tích qua các cuộc thi Olympic quốc tế về khoa học tự nhiên, vấn đề là cần tạo điều kiện và cơ hội cho các bạn trẻ làm việc và phát triển.

Ngoài việc trao đổi về các vấn đề nghiên cứu, Giáo sư Friedman cũng chia sẻ các câu chuyện vui về người thầy của ông, nhà vật lý Enrico Fermi. Enrico Fermi có khả năng đặc biệt về giảng bài và nói chuyện thực sự dễ hiểu cho công chúng. Có một lần ông nghe một học trò của ông giảng về lý thuyết của mình. Sau khi nghe xong, ông nói, anh giảng xong tôi cũng chỉ hiểu được câu sau cùng. Khoa học là phức tạp, nhưng nếu biết cách chúng ta có thể truyền đạt dễ hiểu cho người nghe, và đó là một trong những khả năng cần thiết của người làm khoa học. Giáo sư Friedman cũng thường đi giảng cho các học sinh phổ thông về vật lý hạt nhân, về vũ trụ, và rất được các học sinh yêu thích. Một trong những bài giảng thú vị là “Từ những gì lớn nhất đến những gì nhỏ nhất”, nói đến các khái niệm thú vị về vật chất và vũ trụ.

Buổi gặp gỡ và trao đổi đã thực sự ấn tượng và tốt đẹp đối với các cán bộ Viện NLNTVN./.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522503

Hôm nay

235

Hôm qua

2325

Tuần này

21277

Tháng này

220442

Tháng qua

121009

Tất cả

114522503