Xứ Nghệ ngày nay

Văn hóa làng ở Nghệ An: Một cái nhìn gần

Trong môi trường hiện đại hoá, công nghiệp hoá, văn hoá nông thôn Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng cũng diễn ra một quá trình tiếp biến sâu sắc. Đây là quy luật tất yếu của cuộc sống. Quá trình phát triển đó, văn hoá làng Nghệ An vẫn giữ được sự gắn bó mật thiết giữa truyền thống và hiện đại, tuy nhiên cũng hình thành không ít những yếu tố văn hoá mới mang tính tiêu cực, ảnh hưởng không tốt tới môi trường văn hoá nông thôn tỉnh nhà.

Chúng ta mừng bởi bộ mặt đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn tỉnh nhà trong nhiều năm qua đã có sự thay đổi lớn, tích cực. Dân trí được nâng cao, mức sống được cải thiện. Diện mạo văn hoá nông thôn, văn hoá làng nhìn chung vẫn giữ gìn và kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống. Tính cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm được người nông dân Nghệ An miền xuôi và miền ngược trân trọng, gìn giữ, xem đó như là một sức mạnh tinh thần để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Văn hoá gia đình, dòng họ, văn hoá làng đã được vun đắp, di dưỡng, có thể chất lượng các danh hiệu còn phải tiếp tục trao đổi thêm nhưng con số hiện có 77,4% GĐVH, 44,1% LVH và hàng chục dòng họ văn hoá là khả quan. Các di sản vật thể như di tích đình, đền, chùa, miếu mạo một thời gần như mất đi hoặc xuống cấp trầm trọng, mươi lăm năm nay đã đồng loạt được người nông dân ở chính làng, xã, dù chưa thật giàu có nhưng đã chắt chiu đóng góp để khôi phục. Phong tục tập quán, những nét đẹp của các dân tộc đã bắt đầu được chú ý khôi phục và phát huy. Với sự hỗ trợ của nhà nước, dân tộc Ơ Đu đang trên bờ vực thẳm đã có tín hiệu để khôi phục. Dân được định cư, được học chữ mẹ đẻ... Người Thái bắt đầu học chữ Thái ở một số huyện vùng cao. Nhiều câu lạc bộ dân ca, dân vũ miền xuôi và miền ngược được thành lập và đang hoạt động theo tinh thần tự nguyện nhen nhóm một môi trường để các sinh hoạt văn hoá dân gian của người nông dân ở nông thôn có cơ hội bảo lưu và phát triển. Lễ hội đã xuất hiện nhiều hơn cả ở miền xuôi và miền núi.
Các giá trị văn hoá làng hôm nay đang còn được thể hiện khá rõ nét, dễ nhìn thấy nhất là ở các gia đình truyền thống nhiều thế hệ. Ở đó ta vẫn nhận thấy nề nếp, gia phong tốt đẹp. Đó là điều mừng, bởi trong bối cảnh hiện nay, gìn giữ gia phong là một khó khăn, một thách thức đối với các mĩ tục, các giá trị đạo đức truyền thống. Bên cạnh đó, những năm gần đây, số người ly hương, xuất ngoại đã đưa con cháu về đón tết, đón rằm, về giỗ tổ, hay hướng về quê góp công của để xây dựng quê hương ngày một tăng lên và phát triển thành một xu hướng. Đó là một dấu hiệu tích cực.
Tuy vậy, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thị trường hoá và toàn cầu hoá đã làm cho đời sống của người nông dân và nông thôn Nghệ An có sự biến đổi sâu sắc. Không gian nông thôn xưa gần như đã bị phá vỡ: không còn một cái cổng, một con đường dẫn vào làng, không còn cây đa, bến nước, sân đình, không còn những rặng tre ken dày. Đã nhiều đường, nhiều lối về làng, đường nhựa đường bê tông xoá dần đường đất, nhà ngói thay nhà tranh, tường xây xoá bờ rào cây cối, điện thoại di động phủ sóng mọi nơi. Không gian làng đã nhuốm màu đô thị. Chủ thể của văn hóa làng là người nông dân cũng đã tự đổi thay, bởi vậy văn hóa làng cũng có nhiều thay đổi. Người nông dân nhanh nhạy hơn trong tiếp thu cái mới, năng động và táo bạo hơn rất nhiều trong làm ăn và tổ chức cuộc sống. Dân trí vùng nông thôn được nâng lên rõ rệt góp phần nâng cao khả năng chắt lọc để phát huy cái tốt đẹp của truyền thống và tiếp thu mặt tốt của cái mới từ việc tang đến việc cưới. Một số tập quán sinh hoạt văn hoá mới đã được hình thành. Hàng năm ở một số huyện như Anh Sơn, Yên Thành... bà con đã tổ chức các sinh hoạt văn hoá để kỉ niệm ngày làng được công nhận là làng văn hoá. Các bạn trẻ ở nhiều nơi trước khi tổ chức hôn lễ đã đến viếng tại nghĩa trang liệt sĩ, các đền thờ danh nhân. Huyện Anh Sơn, từ nhiều năm nay đã hình thành một nếp sinh hoạt văn hoá đẹp là xóm, xã và gia đình tổ chức ngày truyền thống cho người cao tuổi làm đẹp thêm đời sống văn hoá làng.
 Tuy vậy, cũng có rất nhiều những cái mới lai căng, không phù hợp với văn hoá làng đã xâm nhập không gian nông thôn tỉnh nhà. Bạn trẻ nông thôn, kể cả vùng cao đã rất sành với game online. Quán game, karaoke đã nhanh chóng xuất hiện với tần suất dày. Các tệ nạn cờ bạc, mại dâm, ma tuý, đánh chém nhau… cũng nhiều hơn. Đó là một phần hậu quả của hàng loạt thanh niên nông thôn bỏ làng kéo nhau đi tìm việc ở các khu công nghiệp, các phố thị rồi mang về. Nhiều nữ thanh niên vùng đồng bằng và thậm chí vùng cao, vùng sâu đã sa ngã bán rẻ nhân phẩm để có tiền một cách nhanh chóng ở chốn thị thành. Ở nhiều gia đình dân tộc Thái bây giờ không hiếm những cô gái không biết thêu thùa, dệt thổ cẩm. Một lối sống buông thả, ăn xổi ở thì, chạy theo đồng tiền đã hình thành và đang có xu hướng gia tiến trong các bạn trẻ nông thôn. Họ không còn yêu thích trang phục truyền thống của dân tộc mình, ngại nói tiếng mẹ đẻ... Sự hiểu biết của họ về văn hoá dân tộc rất mỏng. Thanh niên nông thôn làm đám cưới hầu như chỉ dùng nhạc Tây xập xình. Từ nề nếp ứng xử trong nhà ra ngoài làng, ngoài bản, từ tín ngưỡng đến văn nghệ dân gian ở/của nông thôn miền xuôi và miền núi, của đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc đang bị rơi rụng, mai một và biến mất có mặt khá nhanh chóng và khó hiểu. Mặt khác, theo chiều hướng khác, là sự thái quá do thiếu hiểu biết và không loại trừ do thực dụng trong việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa có tính chất cộng đồng như sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội… Có một số hủ tục đang có biểu hiện xuất hiện trở lại nhất là trong các sinh hoạt tín ngưỡng. Cấu trúc, các giá trị đạo đức gia đình ở một số khu vực nhất là vùng bị/được đô thị hóa nhanh đang có nguy cơ xáo trộn hoặc đổ vỡ.
Không thể phủ nhận ở nông thôn tỉnh ta hiện nay, người dân vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đẹp, biết tiếp thu để chọn lọc một số yếu tố văn hoá mới, tích cực để làm phong phú hơn đời sống văn hóa của mình, nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rất rõ ràng là không gian vật chất và không gian tinh thần truyền thống của văn hóa làng đang bị tác động mạnh mẽ bởi sự vận động của quá trình CNH, HĐH, nhất là thị trường hoá. Cấu trúc và từ cấu trúc là tính chất, là các mối quan hệ nội tại của văn hoá làng, các giá trị của văn hóa làng đang biến đổi một cách nhanh chóng. Tốt hơn, đẹp hơn lên cũng có và làm cho nó bị xấu đi, méo mó đi, thiếu nhân văn đi cũng có.
Không ai có thể cưỡng lại sự vận động phát triển. Đó là quy luật. Chúng ta không thể không CNH, HĐH và thị trường hoá, không thể đứng ngoài cuộc của xu thế toàn cầu hoá. Thế nhưng, làm thế nào để vẫn tiến lên, vẫn phát triển, hiện đại và văn minh mà vẫn giữ được, bảo tồn được các giá trị tốt đẹp, có ý nghĩa bản sắc của văn hoá làng, của mỗi làng, mỗi vùng quê là điều cần bàn, cần làm. Đây không là câu chuyện của một làng, của riêng tỉnh Nghệ An mà là của cả nước, có điều là nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững thì ta phải biết trân trọng những gì ta đã và đang có. Chính vì vậy, trong quá trình CNH, HĐH có một nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề là chúng ta phải bảo vệ bằng được văn hoá nông thôn. Trách nhiệm đó là của chính quyền nhà nước, và của toàn xã hội mà trước hết và trực tiếp là người nông dân tỉnh nhà.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511658

Hôm nay

2321

Hôm qua

2336

Tuần này

22032

Tháng này

218531

Tháng qua

121356

Tất cả

114511658