Những góc nhìn Văn hoá

Ký ức về đội thuyền cảm tử của Quỳnh Long

Năm nay, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An dự định kỷ niệm 50 trận đánh tàu địch ngoài biển. Trận đánh đó xẩy ra vào ngày 8/8/1968 và nó không bao giờ phai mờ trong kí ức của nhiều người; cần phải lưu lại điều này. Tôi ủng hộ ý tưởng này và mong anh Trần Danh Phiêng (đại tá, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an Nghệ An) viết nhưng anh Phiêng nói: “Chú viết đi vì chú nắm rõ sự kiện này”. Tôi phải đánh thức những gì in sâu trong ký ức, cố gắng nhớ lại những gì mình nghe được ở các lễ báo công, mừng công...

Quỳnh Long – Làng biển với lịch sử bi tráng, hào hùng

Quỳnh Long là một xã miền biển đất chật, người đông. Diện tích của xã chỉ có khoảng 1,4 km2 nhưng dân số ngấp nghé gần chục ngàn người; kế sinh nhai chủ yếu dựa vào biển. Những người ngư dân Quỳnh Long là những “lão ngư” thiện chiến nhất, dày dạn sóng gió nhất, đánh cá vào loại giỏi nhất.

Đàn ông làng biển Quỳnh Long học bơi mỗi người mỗi kiểu.Khi tôi lên 5 tuổi, bố tôi đưa tôi lên thuyền ra biển.Người lấy dây buộc vào người rồi thả tôi xuống biển. Tôi quẫy đạp lung tung và có nguy cơ chìm thì bố tôi cầm dây kéo căng, tôi lại nổi trên mặt nước. Cứ như thế, sau 30 phút, tôi tự nổi được trên mặt nước, bố tôi nói: “Thế là con đã biết bơi!”. Cách học bơi này rất phổ biến với con trai làng biển.

Dù là đàn ông làng biển Quỳnh Long bơi rất giỏi nhưng vẫn phải trả giá cho chuyện mưu sinh ngoài biển. Một cơn bão biển bất ngờ ập đến (ngày xưa hầu như không ai biết thông tin dự báo thời tiết) là trong làng lại xuất hiện hàng loạt khăn tang. Bà ngoại tôi góa bụa năm 30 tuổi, bà nội mất chồng khi còn trẻ hơn: 26 tuổi. Hai người đàn bà trẻ quyết ở vậy thờ chồng, nuôi con nên cam kết làm thông gia với nhau.

Bố tôi mồ côi từ rất sớm nên ngay từ bé đã lăn lộn kiếm sống ở biển; người lớn lên nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tinh thông sóng nước. Bà nội tôi lại không muốn con trai mình thua kém con cái nhà người khác nên cố gắng cho bố tôi đi học. Khi Nhà nước chủ trương thành lập những hợp tác xã ngư nghiệp, bố tôi đi tiên phong. Vào giữa những năm sáu mươi của thế kỷ trước, xã Quỳnh Long có 4 hợp tác xã đánh cá là Cộng Hòa, Minh Thành, Phú Liên và Đại Liên. Hợp tác xã Phú Liên có 4 đội sản xuất với khoảng 30 chiếc thuyền gỗ loại nhỏ và 4 chiếc thuyền gỗ loại lớn. Loại thuyền nhỏ có 5 – 6 ngư dân, đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày. Loại thuyền lớn có 10 - 12 người, đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi biển có thể kéo dài 6 – 8 ngày.

Với cương vị chủ nhiệm hợp tác xã, bố tôi được sử dụng một chiếc radio để nghe tin tức và dự báo thời tiết.Ngoài ra, bố tôi còn có một bộ sách có tên “Trông mây, đoán thời tiết”.

Bình tĩnh đối mặt với chiến tranh khốc liệt

Khi chiến tranh phá hoại xẩy ra, dân biển gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là Quỳnh Long – nơi được xem là có căn cứ quân sự. Đó là ở núi Kiến có những đường hầm lớn và dài cùng với 4 cửa rất lớn gọi là K1, K2, K3, K4 do các đơn vị bộ đội xây dựng trong nhiều năm. Vào những năm 1965, 1966, 1967, 1968,  hầu như ngày nào cũng có bom rơi, đạn nổ ở nơi này, cả trên biển và trên đất liền. Đặc biệt, những chiếc thuyền to thì bị máy bay bắn, những chiếc thuyền nhỏ thì bị tàu chiến của địch bắt người, đốt lưới, phá thuyền.

Đứng trước tình hình này, Quỳnh Long không dùng thuyền lớn đi biển nữa, chỉ còn dùng thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Tuy vậy, ngư dân vẫn không được yên ổn làm ăn. Ngoài việc dùng máy bay, tuần dương hạm bắn phá và uy hiếp dân biển, Mỹ - ngụy còn dùng tàu biệt kích (loại tàu nhỏ, có tốc độ nhanh) luồn sâu vào những ngư trường có nhiều tàu thuyền để đốt lưới, phá thuyền, bắt ngư dân.

Từ năm 1966, Quân khu 4 đã thí điểm dùng thuyền đánh cá, trang bị vũ khí để đối phó với tàu chiến, tàu biệt kích của địch. Một số trận đánh lẻ tẻ đã diễn ra ở biển Thanh Hóa, Nghệ An. Vào đầu năm 1968, Quân khu 4 chủ trương mở rộng hình thức dùng thuyền ngư dân, kết hợp với tàu của Hải quân Việt Nam để giáng trả bọn tàu biệt kích. Quỳnh Long là một trong những xã được lựa chọn để tổ chức đội thuyền đánh tàu biệt kích.

Theo chủ trương, mỗi hợp tác xã của Quỳnh Long sẽ chọn từ 2 – 3 thuyền (mỗi thuyền 5 người) để làm nhiệm vụ này. Tất cả các thuyền đều đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của một ban chỉ huy chung. Những người tham gia được lựa chọn trên tinh thần tự nguyện xung phong, ưu tiên đảng viên.Theo nguyên tắc tổ chức, người chỉ huy đội thuyền này là xã đội trưởng của Quỳnh Long.Nhưng vấn đề đặt ra là người chỉ huy phải là một người đi biển giỏi, dày dạn kinh nghiệm đối phó với các tình huống bất ngờ xẩy ra trên biển.Bàn đi, tính lại, những người có trách nhiệm nhất trí cử bố tôi - ông Hồ Xuân Kế là chỉ huy trưởng, ông Vũ Quốc Trị là chỉ huy phó.Lúc này ông Kế đang là Chủ nhiệm hợp tác xã Phú Liên.

Trao lại chức Chủ nhiệm hợp tác xã cho người khác, ông Hồ Xuân Kế cùng với hơn 40 ngư dân bước vào huấn luyện chiến đấu. Phần lớn họ là những người trên 40 tuổi (hầu hết thanh niên đều nhập ngũ). Người cao tuổi nhất trong đội thuyền là ông Nguyễn Phán, sinh năm 1920, người ít tuổi nhất là anh Trần Xuân Gắng, sinh năm 1950.Sở dĩ anh Gắng không đi bộ đội vì anh là con một của một đôi vợ chồng già là trưởng một dòng họ lớn; cái tên của anh cũng nói lên sự nỗ lực của cha mẹ anh để anh được ra đời.

Chương trình huấn luyện chủ yếu là học cách sử dụng các loại vũ khí như B.40, B.41, thủ pháo, bộc phá, súng AK, súng cối. Được sự hướng dẫn tận tình của bộ đội quân khu 4, sau khoảng một tháng huấn luyện, các thành viên trong đội thuyền đã sửa dụng thành thạo các loại vũ khí.Ngày huấn luyện cuối cùng bắn đạn thật.Địa điểm được lựa chọn là dưới chân núi Mỏ Phượng, cạnh chùa An Thái. Lần đầu tiên người dân Quỳnh Long được thấy đạn B.40 xuyên sâu vào một đống đá và hất tung đống đá lên, nhiều viên đá biến thành vôi. Tối hôm đó, ở một địa điểm thanh vắng ngoài bờ biển, lễ truy điệu sống cho các thành viên đã được tổ chức trang trọng và lặng lẽ, mặc dù có bắn súng.

Lễ truy điệu sống diễn ra vì phương án tác chiến mang tính cảm tử. Đội thuyền được ngụy trang như những thuyền đánh cá bình thường.Khi tàu địch đến thì cột chặt lại và khai hỏa. Với phương án tác chiến như vậy, không thể tránh được thương vong. Mà lúc này, người làng biển bình thường cũng không sợ cái chết. Ban đêm, các gia đình chia con ra đi ngủ ở nhiều nhà khác nhau, đề phòng trường hợp bom rơi đúng hầm cũng không thể giết chết hết con của một gia đình.

Đội thuyền cảm tử và trận đánh oanh liệt

Vào khoảng tháng 5 -1968, các thuyền chiến đấu được trở về bến bãi của hợp tác xã mình nhưng giữ nguyên đội hình khi ra khơi làm nhiệm vụ.Hai chiếc thuyền của hợp tác xã Phú Liên cũng tích cực đánh bắt cá như bao chiếc thuyền khác, mặc dù nhiệm vụ hàng đầu của họ lúc này là chiến đấu.Biết là mình có thể hi sinh bất cứ lúc nào nên hình như những người trong đội thuyền trở nên nhân ái, bao dung hơn.Mỗi khi thuyền cặp bến, họ không xua đuổi bọn trẻ đi hôi cá, mà gọi lại, cho nhiều cá hơn.

Trong đội thuyền của Phú Liên lúc đó, chỉ có anh Nguyễn Bá Vanh (không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để vào bộ đội) và Trần Xuân Gắng là còn trẻ, chưa có vợ con. Nhưng rồi hai người cũng nhanh chóng cưới vợ sau đó.Đội thuyền gắn bó với nhau như trong một gia đình vì nhiệm vụ, vì vợ con đã đi sơ tán.

Ngày 7/8/1968, biển trở lại yên bình sau mấy ngày bão gió.Các thuyền lục tục chuẩn bị ra khơi, tuy nhiên, một số thuyền chưa muốn ra khơi vì ngày hôm sau là Rằm tháng Bảy âm lịch.Với dân biển, ngày này là một ngày hệ trọng, nhiều người muốn ở nhà cúng Rằm xong rồi mới đi biển. Ông Kế hiểu điều này nhưng vì đã nghỉ khá nhiều ngày do bão gió nên ông vẫn quyết định cho đội thuyền ra khơi với đội hình không đầy đủ, chỉ có 2 chiếc của Phú Liên và 1 chiếc của Cộng Hòa của ông Vũ Quốc Trị - chỉ huy phó, kiêm thuyền trưởng.

Trận đánh diễn ra vào sáng sớm ngày 8/8/1968. Hai tàu biệt kích của địch lẻn vào ngư trường của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Một chiếc áp sát thuyền đánh cá của đội thuyền chiến đấu; dây từ tàu địch được ném sang thuyền ta. Một người trên thuyền nắm lấy dây, kéo thuyền sát vào tàu địch và buộc chặt lại. Đúng lúc này, những người trên thuyền nhanh chóng lấy thủ pháo và súng B.40 lên (được cất giấu khéo léo và thuận lợi cho việc sử dụng), nhằm tàu địch khai hỏa.Bị tấn công bất ngờ bằng những loại vũ khí có sức công phá mạnh, tàu địch bùng cháy và chìm nhanh chóng.

Thấy vậy, chiếc tàu địch thứ hai hoảng hốt chạy ra xa và bắn vào các thuyền của ta.Lúc này, các thuyền nhổ neo, cơ động để hỗ trợ lẫn nhau.Tuy nhiên, hoả lực của ta chỉ ở tầm gần nên hiệu quả thấp. Chỉ có một khẩu cối 60 ly do chỉ huy Hồ Xuân Kế sử dụng là có thể gây sát thương cho tàu địch. Ông Kế ngồi sau lái, bình tĩnh bắn bằng súng cối 60 ly. Biết chiếc thuyền có thể gây nguy hiểm cho chúng  nên tàu địch tập trung hỏa lực bắn vào thuyền này. Trong khi đó, các thuyền khác cố gắng tìm cách đến gần tàu địch để có thể bắn hiệu quả hơn. Trận chiến diễn ra giằng co, quyết liệt giữa một bên có tàu chiến chạy bằng máy với các loại vũ khí hiện đại và một bên là những chiếc thuyền thô sơ với những con người quả cảm.

Trận đánh kết thúc khi chiếc tàu còn lại của địch mang đầy thương tích tháo chạy khỏi ngư trường của ta. Thiệt hại của hai bên là khá nặng nề. Phía địch: 1 tàu cháy và chìm cùng với toàn bộ binh lính trên đó; chiếc thứ hai cũng bị hư hỏng khá nặng với một số lính chết và bị thương. Phía ta: 2 thuyền bị chìm, 7 người hi sinh: Hồ Xuân Kế, Vũ Quốc Trị, Hồ Sĩ Vy, Nguyễn Phán, Trần Xuân Gắng, Trần Ngộ, Nguyễn Phi Bông; 2 người mất tích, 3 người bị thương (trong số những người bị thương có anh Nguyễn Bá Vanh, sau này tham gia một trận đánh khác, hi sinh và được phong Anh hùng).

Chiều muộn ngày Rằm tháng Bảy 1968, những người hi sinh được đưa vào bờ. Cả làng có đại tang nhưng tiếng khóc rất ít. Tôi chỉ khóc trong mấy phút đầu tiên khi nhìn thấy bố mắt nhắm nghiền nằm trong hội trường của xóm. Anh đầu đi bộ đội, anh thứ hai sơ tán theo trường, mẹ và các em sống ở làng sơ tán trên Quỳnh Tam; đêm đó, chỉ còn tôi và bà ở bên bố. Đúng nửa đêm, những người hi sinh được đưa ra nghĩa trang.Theo phong tục, đáng ra tôi phải chống gậy đi lụt lùi trước linh cữu bố nhưng vì buổi tối và đường xa, tôi được miễn điều này. Tôi xách gậy, đi bập bềnh phía sau bố trong ánh trăng sáng lạnh.

Trận đánh này gây tiếng vang lớn.Mấy ngày sau phóng viên báo Quân đội Nhân dân tìm về để đưa tin, viết bài. Họ hỏi ảnh chân dung của bố nhưng không ai có thể tìm ra vì hình như cả đời bố chưa chụp ảnh. Theo mẹ thì trong 4 người con trai, tôi giống bố nhất nên ngồi cho anh phóng viên phác thảo chân dung.

9 ngày sau trận đánh của đội thuyền Quỳnh Long, tức là vào ngày 17/8/1968, 3 tàu của Hải quân Việt Nam tổ chức một trận đánh khác, tiêu diệt gọn cả 2 tàu của địch. Nhưng các chiến sĩ của ta cũng chịu tổn thất khi đối đầu với máy bay địch. Chiến tranh, nhất là trong những trận chiến đấu để bảo vệ biển trời Tổ quốc, không tránh khỏi mất mát, hi sinh.Điều quan trọng nhất là chúng ta đã đánh trả và buộc kẻ thù phải tháo chạy.Tôi hiểu ra những điều này khi được mẹ cho phép thay mặt gia đình tham dự những cuộc mít tinh báo công, mừng công.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn với tinh thần quả cảm

Sau hai trận đánh liên tiếp, kẻ thù hiểu rằng, biển miền Trung đầy cạm bẫy đối với chúng.Có lẽ vì thế mà tàu địch rất ít xuất hiện.Cuối năm 1968, biển trời yên tĩnh hẳn.Lúc này xã Quỳnh Long đóng mới 4 chiếc thuyền lớn để đánh bắt xa bờ.Đoàn thuyền này được đặt tên “Đoàn thuyền Hồ Xuân Kế”. Từ đây trở về sau, những đoàn thuyền lớn của Quỳnh Long lại tung hoành khắp mặt biển xa.

Tôi đã lớn và rời làng; song, cứ hễ có thời gian và tôi lại về quê. Ban đêm, tôi thường ra bãi biển một mình. Trong những lúc như vậy, trong tôi vọng về những câu thơ của nhà thơ nào mà tôi không nhớ tên nhưng tôi thuộc ngay từ thuở mới biết đọc: “Ta lại bước trên đất này năm ấy/Hạt cát nào chẳng thấm máu cha anh/Trong tiếng sóng, nghe tiếng người vọng lại/ “Giữ lấy quê nhà, biển biếc trong xanh…”.

Quỳnh Long hiện nay đang phát triển nghề lưới vây với hàng trăm con tàu lớn. Mỗi khi có tin là tàu thuyền đánh cá của ta bị tàu Trung Quốc đâm chìm, những người lớn tuổi lại nói: “Nếu bây giờ Nhà nước có chủ trương như cách đây 50 năm, ngư dân chúng tôi lại xung phong nhận bộc phá, thủ pháo, B.40, B.41… để ra biển. Lúc đó thì tàu của họ có to mấy chúng tôi cũng không sợ”. Rõ rằng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ của những người ngư dân nửa thế kỷ trước vẫn góp phần khích lệ những người dân quê tôi.

Cuối cùng, xin được nói về một điều mà người dân Quỳnh Long còn thắc mắc: Xã có hai cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang (Ngoài Anh hùng Nguyễn Bá Vanh, còn có Anh hùng Hồ Sĩ Nhất nữa); hai danh hiệu Anh hùng tập thể là Dân quân và Công an Anh hùng. Ấy thế nhưng tại sao Quỳnh Long lại không phải là xã Anh hùng?!

Dẫu không có danh hiệu xã Anh hùng nhưng dân Quỳnh Long vẫn lao động hăng say với tinh thần quả cảm. Trận đánh của đội thuyền cảm tử 50 trước vẫn còn âm vang trong quyết tâm giữ biển của một làng chài với lịch sử bi tráng và hào hùng.

Tháng 8/2018

                                                                        

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530034

Hôm nay

2203

Hôm qua

2297

Tuần này

2203

Tháng này

216730

Tháng qua

0

Tất cả

114530034