Nhìn ra thế giới

Số phận của thuyết Trung Quốc vượt Mỹ

Sau mấy chục năm cải cách mở cửa thu hút lượng đầu tư cực kỳ lớn cùng các bí quyết công nghệ của phương Tây, sức mạnh mọi mặt của TQ đã có tiến triển vượt bậc, lần lượt bỏ xa các cường quốc khác và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Theo một dự đoán của phương Tây, tới khoảng năm 2030 kinh tế TQ sẽ thay Mỹ, chiếm vị trí thứ nhất.

Từ lâu trong giới học giả TQ đã hình thành “Thuyết TQ vượt Mỹ”. Nhân vật tiêu biểu của thuyết này là GS Hồ An Cương, Giám đốc Viện Nghiên cứu tình hình TQ [“Quốc tình Nghiên cứu Viện”, National Conditions Institute, NCI] thuộc Trường Hành chính Công của Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh – một cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu TQ.  

Có thể coi thuyết này được chính thức công bố từ ngày GS Hồ đăng trên “Học báo ĐH Thanh Hoa” số 1/2015 bài “Đánh giá quốc lực tổng hợp TQ-Mỹ (năm 1990-2013)”. Tháng 10/2017, ông lại đăng bài “Bí quyết nào khiến cho thực lực của Trung Quốc nhảy vọt lên hàng đầu thế giới”, trong đó đưa ra các biểu bảng phân tích tình hình TQ và Mỹ.

Ngay từ 21/12/2016, Hồ An Cương viết trong bài “Những thành tựu mới của lý luận trị quốc Tập Cận Bình kể từ Đại hội XVIII tới nay”: TQ đã trở thành nước lớn nhất trong ngành chế tạo (năm 2010), nước xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất (năm 2013) và là nền kinh tế lớn nhất thế giới (2014)… đã tiến vào trung tâm vũ đài thế giới, phát huy tác dụng lãnh đạo toàn cầu.

“Thuyết TQ vượt Mỹ” được truyền thông TQ tuyên truyền rùm beng sau khi tháng 1/2018, Hồ An Cương công bố bản Báo cáo khoa học tổng kết đánh giá tình hình mọi mặt của TQ và so sánh với Mỹ, rút ra nhận định: 

 “Thực lực kinh tế, thực lực khoa học công nghệ và quốc lực tổng hợp của TQ đã lần lượt vượt Mỹ vào các năm 2013, 2015 và 2012. Đến 2016, ba sức mạnh này của TQ so với Mỹ bằng 1,15 lần, 1,31 lần và 1,36 lần, đứng thứ nhất thế giới. Ngoài ra về sức mạnh quốc phòng, ảnh hưởng quốc tế và sức mạnh mềm về văn hóa, TQ cũng đang tăng tốc đuổi và vượt Mỹ”.

Những kết luận trên đã gây ra phản ứng ồn ào trong dư luận TQ. Không ít dân mạng TQ cực kỳ phấn khởi, tin chắc là nước mình đã vượt Mỹ, đánh giá đây là một báo cáo “có ý nghĩa thời đại”.

Hồ An Cương (sinh 1953) nhận bằng thạc sĩ tại trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh năm 1984, bằng tiến sĩ tại Viện Khoa học TQ năm 1988, hiện là GS kinh tế tại trường Hành chính công thuộc ĐH Thanh Hoa Bắc Kinh. Năm 2000, ông được cử làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình hình TQ. Tháng 1/2012, Trung tâm này chuyển thành Viện NCI, ông được cử làm Giám đốc. NCI hiện có 4 giáo sư, 2 Phó GS và 2 Trợ lý GS (associate prof.), 10 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, 7 nghiên cứu viên nửa thời gian.

Hồ An Cương thuộc phái học giả theo chủ nghĩa thắng lợi [triumphalism], ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa xã hội và Đảng CSTQ, hết lời ca ngợi chế độ xã hội của TQ tiên tiến nhất thế giới. Tháng 7/2013, ông viết trên “Nhân dân Nhật báo” : “So với xã hội dân sự (civil society)ở phương Tây, xã hội nhân dân (people's society) tỏ ra ưu việt hơn … Đó là một sáng tạo đổi mới vĩ đại về lý luận và thực tiễn của TQ”. “Xã hội nhân dân là xã hội XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Hồ viết trên Thời báo Hoàn cầu: Chế độ lãnh đạo tập thể của Bắc Kinh ưu việt hơn chế độ Tổng thống ở Mỹ hoặc chế độ Nghị viện ở Anh. Ông ủng hộ hệ thống doanh nghiệp sở hữu nhà nước (SOE), khác với Thủ tướng Lý Khắc Cường công khai tán thành giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế, Chính phủ nên giảm tác dụng trong ngành kinh tế.

Hồ An Cương viết và nói rất nhiều để ca ngợi Tập Cận Bình và tuyên truyền cho “Thuyết TQ vượt Mỹ”, là tác giả khá nhiều sách về chủ đề kinh tế, trong đó có sách tiếng Anh “China in 2020: A New Type of Superpower” (TQ năm 2020: Một siêu cường kiểu mới) với lời tựa của John Thornton, do Brookings Institution Press xuất bản năm 2011. Trang mạng của Đảng CSTQ và Chính phủ TQ cũng như các báo lớn nhất TQ đã đăng nhiều bài viết của ông.

Năm 2012, Hồ An Cương được bầu là đại biểu Đảng thành phố Bắc Kinh đi dự Đại hội XVIII Đảng CSTQ. Sau khi ĐH Thanh Hoa thiết lập chế độ Giáo sư cấp cao khoa Văn [tiếng Anh: senior professors of Liberal Arts. TQ chỉ lập chế độ Viện sĩ Khoa học Kỹ thuật không có Viện sĩ về khoa học xã hội, cho nên GS cấp cao khoa Văn được hưởng chế độ đãi ngộ ngang với Viện sĩ], tháng 1/2018 trường này lần đầu tiên công bố danh sách 18 người được bình chọn là GS cấp cao, trong đó có Hồ An Cương. Hiện nay ông được coi là một trong các học giả uy tín nhất ở TQ. 

Viện NCI là một Think-tank nhà nước có ảnh hưởng tới việc xác định các quyết sách lớn của Trung ương. Năm 2015 NCI lọt vào danh sách Top 25 Think-tank nhà nước cấp cao được thí điểm xây dựng ở TQ. Từ 1998 tới nay NCI là cơ quan biên soạn chính của “Báo cáo tình hình đất nước” (“Quốc tình báo cáo”), đã cung cấp hơn 1300 đợt báo cáo cho Trung ương và cấp Bộ - tỉnh, được Trung ương phê duyệt hơn 100 lần.

NCI tham gia nhiều dự án nghiên cứu chính sách nhà nước, đưa ra nhiều kết luận được trên chấp nhận và công bố trên “Báo cáo quốc gia”. Viện đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu học thuật trong nước và quốc tế. Viện NCI của Hồ An Cương được lãnh đạo ĐH Thanh Hoa biểu dương là Think-tank “thương hiệu” của ĐH Thanh Hoa, “tiêu biểu cho trình độ phát triển khoa học của TQ”.

Dư luận TQ cho rằng truyền thông Mỹ rất quan tâm tới các phát biểu của Hồ An Cương. Ví dụ trong bài “Trump’s Trade Threats Put China’s Leader on the Spot” trên tờ New York Times ngày 22/3/2018 có trích dẫn lời của Hồ, ý nói: 40 năm đã qua, nay là lúc Mỹ lắng nghe tiếng nói của TQ. (“After 40 years of being students, learning from our teacher,” he said, “now it is the time for the teacher to learn from its students.”).

Một bài khác trên báo này dưới tiêu đề  “The Rise of China and the Fall of the ‘Free Trade’ Myth” cũng trích dẫn câu nói của Hồ An Cương: “TQ trỗi dậy tương tự như nước Mỹ một thế kỷ trước (từng thay vị trí của Anh quốc)” và Hồ không quá lời khi nói như vậy.  [“The rise of China resembles that of the United States a century ago,” the Chinese scholar Hu Angang writes. He is not exaggerating.]

Mạng “YaleGlobal Online” của ĐH Yale ngày 6/6/2017 đăng bài “Now, Globalization With Chinese Characteristics” ngầm tỏ ý “Cuối cùng Mỹ sẽ bị TQ chế ngự”, trong đó có trích dẫn quan điểm của Hồ An Cương “Thực lực các mặt của TQ đã vượt Mỹ”…

“Thuyết TQ vượt Mỹ” thích hợp với dân TQ bình thường đã mê muội vì nghe quá nhiều những lời tuyên truyền thổi phồng quá đáng thành tựu của ĐCSTQ và của Tập Cận Bình. Sống trong bầu không khí sùng bái lãnh tụ và Đảng CSTQ, tầng lớp trí thức và có học nước này tuy không tin vào kiểu tuyên truyền ấy nhưng hầu hết họ không dám nói gì. 

Mọi người đều biết, theo Báo cáo Sức cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố (the Global Competitiveness Report published by the World Economic Forum) bản 2017-2018, TQ xếp thứ 27 trong số 137 nước được xếp hạng. Xét về mặt khoa học và kỹ thuật (KHKT), Mỹ đứng thứ nhất, tiếp sau là Anh và Nhật; TQ thậm chí chưa lọt vào Top 20, nói gì đến vượt Mỹ.

Trong hội nghị lần thứ 13 của Ủy ban thường vụ Chính hiệp khóa 12 (11/2015), Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tin TQ Miêu Vu [Miao Wei] khi giải thích kế hoạch “TQ chế tạo 2025” từng nói:

TQ cần 30 năm để trở thành cường quốc chế tạo.

Hiện nay ngành chế tạo toàn cầu gồm 4 thê đội. Thê đội thứ nhất là Mỹ, trung tâm sáng tạo đổi mới KHKT toàn cầu; thê đội thứ hai gồm EU và Nhật, thuộc lĩnh vực chế tạo cấp cao; thê đội thứ ba thuộc lĩnh vực chế tạo cấp trung và thấp, chủ yếu là các nước mới nổi, trong đó có TQ; thê đội thứ tư là các nước xuất khẩu tài nguyên, gồm OPEC, châu Phi, Mỹ Latin.

Về xếp hạng sức mạnh KHKT toàn cầu, số một là Mỹ, thứ hai là Anh, thứ ba là Nhật, sau đó đến Pháp, Đức, Phần Lan, Israel, Thụy Điển, Ý, Canada,… Thứ 11 đến 19 là Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Australia, Na Uy, Bỉ, Nga, Singapore, Hàn quốc. Không có TQ.

Trong 5 cấp bậc về sức mạnh KHKT toàn cầu, TQ ở vào cấp 4. 

Như vậy về KHCN, TQ còn thua kém khá nhiều nước, kể cả nước nhỏ.

Khi trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Phượng Hoàng, nhà kinh tế nổi tiếng Long Vĩnh Đồ [Long Yong Tu], nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương TQ, nguyên Trưởng đoàn TQ trong cuộc đàm phán gia nhập WTO, nguyên Tổng Thư ký Diễn đàn Bác Ngao, nói: Kết quả nghiên cứu của Hồ An Cương dẫn đến quan điểm nói TQ đã vượt Mỹ về thực lực kinh tế, thực lực KHKT và quốc lực tổng hợp là sai lầm, “Quan điểm ấy đã có tác dụng dẫn dắt sai lầm dư luận trong nước; ở nước ngoài, quan điểm ấy gây ra tác dụng dẫn dắt sai lầm càng lớn hơn”. Ông nói, xưa nay TQ chưa bao giờ coi việc vượt Mỹ về thực lực kinh tế là tiền đề trong xử lý quan hệ với Mỹ. “Dù là trên mặt phát triển thực lực, tố chất cá nhân hoặc quốc lực tổng hợp, TQ so với Mỹ còn một khoảng cách rất lớn. Để không ngừng đuổi và vượt trình độ tiến tiến trên thế giới, chúng ta cần có cảm giác bức bách và cảm giác nguy cơ chứ không cần cảm giác hí hửng tự mừng.” Long Vĩnh Đồ cho rằng nếu không hiểu tình hình nước mình, không nắm chính xác so sánh lực lượng của mình với toàn cầu thì sẽ không thể có cảm giác bức bách và cảm giác nguy cơ ấy.

Gần đây, sau khi nổ ra vụ công ty ZTE [báo đài TQ đưa tin về vụ này từ 16/4/2018], người khổng lồ về công nghệ thông tin TQ suýt nữa phá sản vì bị Mỹ ngừng cung cấp sản phẩm điện tử cao cấp và khi chiến tranh thương mại Mỹ-TQ bắt đầu căng thẳng, các quan chức và trí thức TQ dường như mới xem xét lại lập trường chủ nghĩa dân tộc của mình. Trước vụ ZTE, dư luận TQ tràn trề cảm giác kiêu hãnh “Nước ta giỏi thật”, giờ đây dân mạng TQ phổ biến cảm thấy buồn chán.

Ngày 21/6/2018, Lưu Á Đông Tổng biên tập “Nhật báo Khoa học và Kỹ thuật” (báo của Bộ KHKT) công khai phát biểu:

Về KHKT chúng ta còn cách Mỹ và các nước phát triển khác một khoảng cách rất lớn, điều đó ai cũng biết. Ngày nay, những thành tựu KHKT khiến chúng ta mừng rỡ khôn xiết, ví dụ máy bay cỡ lớn…,thì người ta đã có từ nửa thế kỷ trước. Một số dự án lớn giờ đây ta đang gian khổ tiến hành, như đưa người lên Mặt Trăng thì nước Mỹ từ năm 1969 đã thành công lớn… Thế mà ở ta vẫn có một số người lúc thì nói “4 Tân đại phát minh”, lúc thì nói “Đuổi và vượt [Mỹ] toàn diện”, trở thành “Nhất thế giới”Nếu TQ cho rằng mình có thể sớm thay thế Mỹ, trở thành quốc gia dẫn đầu KHKT thế giới thì đó chỉ là sự tự lừa dối.

Bài nói của Lưu trở thành tin “hot” trên dư luận, nhiều người tán thưởng là “dám nói thật”, thức tỉnh được những người mê muội vì cả tin vào “Thuyết TQ vượt Mỹ”. Quan điểm của Lưu tiêu biểu cho sự tái suy ngẫm của giới trí thức TQ trong tình hình mới.

Sau một số phản biện như trên, từ đầu tháng 8/2018, các mạng xã hội ở TQ dấy lên phong trào chống tuyên truyền khoa trương khoác lác [anti-hype movement], xuất hiện tiếng nói đòi hạ bệ các học giả theo “chủ nghĩa thắng lợi", trong đó Hồ An Cương bị nhiều người phê phán, chế nhạo. Có người nói kết quả nghiên cứu của Hồ chẳng khác gì bài tập của học sinh tiểu học, Hồ nghiên cứu với động cơ vì lợi ích của cá nhân mình, chỉ phí phạm tiền đóng thuế của dân…

Báo “South China Morning Post” 3/8/2018 đưa tin: Một nhóm cựu sinh viên tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa những năm 80 vừa gửi thư ngỏ tới Khưu Dũng [Qiu Yong] Hiệu trưởng trường này đòi sa thải Hồ An Cương vì những phát ngôn gây tranh cãi của ông.

Ngay cả Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập “Thời báo Hoàn cầu” cũng viết: “Một học giả nổi tiếng [ý nói Hồ An Cương] tuyên truyền rằng quốc lực tổng hợp của TQ đã vượt Mỹ. Tôi cảm thấy lo lắng sâu sắc về phán đoán ấy.” Trong xã luận ngày 1/8/2018, báo này có nêu ra 8 điều TQ cần làm, trong đó điều thứ nhất là về chiến lược phải giữ thái độ khiêm tốn và thế thủ, trong bất kỳ tình thế nào cũng không được chủ động khiêu khích Mỹ, cũng không chủ động thể hiện cho Mỹ thấy mặt mạnh của TQ.

Có thể thấy Tập Cận Bình đã vứt bỏ chiến lược “Giấu mình chờ thời” và chế độ nhiệm kỳ của Đặng Tiểu Bình, mà chủ trương tuyên truyền thổi phồng thành tựu mọi mặt của TQ. Điều đó hoàn toàn phù hợp với bầu không khí sùng bái Tập Cận Bình đang bao trùm nước này, thậm chí Quốc hội TQ còn sửa cả Hiến pháp với ý đồ muốn để ông Tập sẽ lãnh đạo TQ trong thời gian không hạn chế. Vì thế mà những “thành quả nghiên cứu” của Hồ An Cương dù rõ ràng là sai nhưng vẫn được báo đài TQ ca ngợi hết lời. Chế độ chuyên chế toàn trị và nạn sùng bái cá nhân dung túng cho những tiếng nói sai được tồn tại, còn những tiếng nói đúng, nói thật thì bị bịt miệng. Nhưng rốt cuộc cái sai không thể đứng vững mãi. Số phận “Thuyết TQ vượt Mỹ” của Hồ An Cương là một minh chứng.

---------

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444924

Hôm nay

2263

Hôm qua

2270

Tuần này

2533

Tháng này

220098

Tháng qua

112676

Tất cả

114444924