Một buổi hòa nhạc ở Belarus
Nguồn gốc chủng tộc, tiến trình lịch sử tạo nên diện mạo văn hóa
Văn hóa Belarus là sản phẩm của một thiên niên kỷ phát triển dưới tác động của một số yếu tố đa dạng. Những yếu tố này bao gồm môi trường sống; Bối cảnh và bản sắc dân tộc của người Belarus; Truyền thống tự quản tạo điều kiện thuận lợi cho các mối liên hệ với Tây Âu, nuôi dưỡng sự tự lực, tự cường và ý thức trách nhiệm công dân. Ở đây, chúng ta thấy những yếu tố tích cực nhất của người Slavơ đều được người Belarus gìn giữ và phát huy.
Người Slavơ là nhóm ngữ tộc lớn nhất châu Âu. Các dân tộc Slavơ hiện nay được phân loại thành ba nhóm: Slavơ Đông - chủ yếu là người Belarus, người Nga và người Ukraina; Slavơ Tây - chủ yếu là người Séc, người Kashubia, người Moravia, người Ba Lan, người Silesia, người Slovakia và người Sorb; Slavơ Nam - chủ yếu là người Bosnia, người Bulgaria, người Croatia, người Macedonia, người Serbia và người Slovenia.
Các nhóm dân tộc Slavo khá đa dạng song đều có sự liên hệ về mặt ngôn ngữ (hệ thống chữ viết Kirin), và ở mức độ nào đó là tôn giáo và văn hóa. Người Slavơ có thể được nhóm lại theo Chính thống giáo Đông phương, tôn giáo phát triển thứ hai của người Slavơ là đạo Công giáo Rôma. Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo của người Slavơ luôn chừng mực và tinh tế, hầu như không chi phối đời sống tinh thần của con người - tôn giáo chỉ là chỗ dựa của tin sâu xa với ý nghĩa tích cực.
Trong tiến trình phát triển của lịch sử, những trào lưu chính trị - tư tưởng tác động mạnh mẽ và chi phối đời sống tinh thần của người dân Belarus. Sau những năm dài sống trong cường quốc Liên Xô (cũ) (1917 - 1991) và hơn 30 năm độc lập (từ 1991 đến nay), người Belarus đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa hiện đại mang bản sắc riêng dựa trên những đặc điểm truyền thống của người Slavơ trên nền tảng lĩnh hội phong cách hiện đại. Sống giữa một châu Âu đang có mâu thuẫn và chia rẽ giữa Liên minh châu Âu và Liên bang Nga, đang có xung đột vũ trang ác liệt giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Ukraina, người Belarus phải tạo ra thế cân bằng để tồn tại và phát triển. Những giá trị văn hóa giúp họ giữ được sự độc lập tương đối và định hướng tương lai trong điều kiện phức tạp này.
Chú trọng phát huy và phát triển văn học, âm nhạc, thể thao
Với người Belarus, văn học là “trái tim” của nghệ thuật, là “linh hồn” của văn hóa. Hoạt động văn học ở Belarus có từ thế kỷ 11. Vào thế kỷ 12, St. Cyril xứ Turaw, được tôn kính trong số những người Slavơ Chính thống giáo là “Thánh Chrysostom thứ hai”, đã viết các bài giảng và thánh ca. Vào thế kỷ16, Francisk Skorina xứ Polatsk đã dịch Kinh thánh sang tiếng Belarus và viết phần giới thiệu. Vào thế kỷ 17, nhà thơ Belarus Simeon Polotsky là người đầu tiên mang phong cách văn học Baroque đến Moscow.
Văn học Belarus hiện đại bắt đầu vào nửa đầu thế kỷ 19 với tác phẩm của Yan Chachot và Vincent Dunin-Martsinkyevich, những người đã dịch một phần sử thi Master Thaddeus của nhà thơ Ba Lan Adam Mickiewicz sang tiếng Belarus. Các tác phẩm văn học kinh điển đầu thế kỷ 20 bao gồm các tác phẩm của các nhà thơ Maksim Bahdanovich, Ales Harun, Vladimir Zylka, Kazimir Svayak, Yanka Kupala, và Yakub Kolas và các nhà văn Zmitrok Byadulya và Maksim Haretski. Nhiều nhà văn trong số này đã là cộng tác viên của tờ báo Belarus có ảnh hưởng Ruộng đồng của ta, xuất bản tại Vilnius trong giai đoạn 1906 - 1916. Có tầm quan trọng sống còn đối với việc hiểu được tình trạng khó khăn về văn hóa của Belarus trước chiến tranh và cách mạng là vở kịch Người bản địa (1922) của Kupala và tiểu thuyết ngắn Hai linh hồn (1919) của Haretski.
Nhiều nhà thơ và nhà văn xuôi xuất sắc đã tạo được dấu ấn của mình trong những năm 1920, bao gồm các nhà thơ Vladimir Dubovka vàYazep Pushcha, tiểu thuyết gia Kuzma Chorny, và nhà văn châm biếm kiêm nhà viết kịch Kandrat Krapiva. Những cuộc trao đổi văn chương của Pushcha với nhà thơ Andrey Aleksandrovich vào cuối những năm 1920 đã dẫn đến sự kiểm soát chính trị chặt chẽ hơn đối với các hoạt động văn hóa của Belarus.
Những nhà văn đáng chú ý nhất trong việc bảo tồn và phát triển truyền thống văn học Belarus trong những năm 1940 và 1950 là các nhà thơ Pimen Panchanka và Arkadi Kulyashov và các nhà văn văn xuôi Yanka Bryl, Ivan Shamyakin và Ivan Melezh. Họ là những người truyền cảm hứng cho thế hệ sau.
Những năm 1960 đánh dấu sự khởi đầu của một sự hồi sinh quốc gia khác với các tiểu thuyết Vasil Bykau vàUladzimir Karatkievich. Trong số các nhà văn cuối thế kỷ 20, cần lưu ý đến các nhà thơ Yawhyeniya Yanishchyts và Ales Razanov và nhà văn truyện ngắn Anatol Sys. Những nhà văn nổi tiếng khác của cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là Svetlana Alesyevich, Volha Ipatava, Slavamir Adamovich, Bykau, Ales Adamovich…
Belarus từ lâu đã có âm nhạc dân gian riêng của mình. Cũng có một truyền thống đáng kể về âm nhạc nhà thờ từ thế kỷ 16 trở đi. Sự phát triển của âm nhạc cổ điển phần lớn là một đặc điểm của giai đoạn kể từ Thế chiến II. Trong số những nhà soạn nhạc, đáng chú ý nhất là Kulikovich Shchahlow, những người khác bao gồm Yawhen Hlyebaw, nhà soạn nhạc của vở opera Mùa xuân của chúng ta (1963) và vở ballet Alpine Ballad (1967), và Yawhen Tsikotski, người có các tác phẩm bao gồm các vở opera Mikhas Padhorny (1939-1957) và Alesya (1944). Có một nhạc viện âm nhạc ở Minsk và một hội giao hưởng quốc gia. Các buổi hòa nhạc được tổ chức thường xuyên tại các lâu đài Nyasvizh (Nesvizh) và Mirsky, được UNESC công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào vào năm 2005 và 2000.
Người Belarus thích nhiều môn thể thao khác nhau và có khả năng chơi ở đỉnh cao. Môn thể thao phổ biến nhất chắc chắn là bóng đá; hầu hết các thị trấn và làng mạc Belarus đều có các đội nghiệp dư và bán chuyên nghiệp, trong khi các thành phố lớn hơn tài trợ cho các đội chuyên nghiệp thường thi đấu quốc tế. Bóng rổ cũng được nhiều người theo dõi và có một số đội chuyên nghiệp. Các môn thể thao phổ biến khác là khúc côn cầu trên băng, điền kinh, thể dục dụng cụ, đấu vật và đặc biệt là quần vợt. Từ thời còn Liên Xô, nữ vận động viên quần vợt nổi tiếng là Natalia Zvereva, ngày nay là Azarenka và Sabalenka (vừa đoạt chức vô địch Giải quần vợt Mỹ mở rộng 2024).
Người Belarus đã thi đấu trong đội tuyển Olympic của Liên Xô từ năm 1952 đến năm 1988. Tại Thế vận hội năm 1972 ở Munich, vận động viên thể dục dụng cụ Olga Korbut đã giành được ba Huy chương vàng. Belarus đã có lần đầu tiên tham dự Thế vận hội một mình tại Olympic mùa hè năm 1996 ở Atlanta. Trong các Thế vận hội này và các Thế vận hội sau đó, các vận động viên Belarus đã giành được nhiều huy chương ở các môn điền kinh, đấu vật, thể dục dụng cụ, cử tạ và chèo thuyền, cùng nhiều môn khác. Tinh thần thể thao của người Belarus luôn luôn ở mức cao, họ hoạt động thể thao vì sức khỏe và màu cờ sắc áo quốc gia.
Trân trọng và bảo tồn những di sản văn hóa, lễ hội
Tính đến năm 2021, có bốn Di sản Thế giới tại Belarus. Hai trong số đó là của riêng Belarus. Thứ nhất, đó là Lâu đài Mirsky nằm trong một khu vực có lịch sử đầy biến động, ảnh hưởng đến sự phát triển của nó. Việc xây dựng bắt đầu vào cuối thế kỷ 15, theo phong cách Gothic. Các công trình tái thiết sau đó được thực hiện theo ảnh hưởng của thời kỳ phục hưng và Baroque. Nó đã bị hư hại nặng nề trong các cuộc chiến tranh Napoleon và phục hồi vào cuối thế kỷ19.
Quần thể lâu đài Mirsky nằm ở thành phố Mir vùng Karelichy thuộc tỉnh Hrodna, Belarus
Thứ hai là Lâu đài Nesvizh. Đây là nhà của gia đình Radziwiłł, những người đã xây dựng và bảo trì nó từ thế kỷ 16 đến năm 1939. Gia đình Radziwiłł là những người bảo trợ cho khoa học và nghệ thuật và đã mời các nghệ sĩ, thợ thủ công và kiến trúc sư đến thị trấn Nesvizh. Khu phức hợp bao gồm lâu đài dân cư và lăng mộ-nhà thờ Corpus Christi, cùng với bối cảnh cảnh quan của chúng.
Thứ ba là Rừng Białowieża (chung với Ba Lan) là một quần thể rừng lớn, bao gồm các khu rừng nguyên sinh rộng lớn, nằm trên biên giới giữa Ba Lan và Belarus. Khu vực này là nơi sinh sống của quần thể bò rừng bizon châu Âu tự do lớn nhất, cũng như sói, linh miêu, rái cá...
Thứ tư là Vòng cung trắc địa Struve (chung với Estonia, Phần Lan, Latvia, Litva, Na Uy, Moldova, Nga, Thụy Điển và Ukraina). Đây là một loạt các điểm tam giác, trải dài trên khoảng cách 2.820 km. Các điểm được thiết lập trong một cuộc khảo sát của nhà thiên văn học Friedrich Georg von Struve - người đầu tiên thực hiện phép đo chính xác một đoạn dài của kinh tuyến, giúp xác định kích thước và hình dạng của Trái Đất. Ban đầu, có 265 điểm trạm. Di sản thế giới bao gồm 34 điểm ở mười quốc gia (từ Bắc vào Nam: Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Estonia, Latvia, Litva, Belarus, Moldova, Ukraine), năm trong số đó nằm ở Belarus.
Ngoài ra, còn một số công trình kiến trúc đang được thẩm định và dự kiến sẽ được công nhận trong tương lai. Đó là Kênh đào Augustow được xây dựng vào năm 1823-1839, Nhà thờ Chúa Cứu Thế Biến Hình được xây dựng từ năm 1152 đến năm 1161, Đài tưởng niệm các anh hùng của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại: Pháo đài Brest và Đồi Mamayve, một số nhà thờ cổ.
Một điều rất đáng chú ý là Chính phủ Belarus thường xuyên tài trợ nhiều cho festival văn hóa hàng năm gắn với các di tích văn hóa và các sựu kiện lịch sử. Những sự kiện này là nơi các ca sĩ, nghệ sĩ, nhà soạn nhạc, diễn viên nổi tiếng Belarus thể hiện mình. Các festival kết thúc với những buổi lễ trong đó những giải thưởng được trao để vinh danh những nhà soạn nhạc nổi tiếng Belarus. Nhiều ngày lễ quốc gia, như Ngày độc lập, Ngày chiến thắng thường được tổ chức trang trọng với nhiều sự kiện như trình diễn pháo hoa và duyệt binh. Đa số các festival được tổ chức tại Vitebsk hay Minsk.
Lễ hội nhảy lửa ở Belarus
Belarus là một quốc gia trung bình ở châu Âu với dân số hơn 9 triệu người, diện tích 207.560 km² nhưng có vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn ở châu Âu. Dựa trên những giá trị văn hóa được tạo dựng trong tiến trình lịch sử, Belarus mong muốn đóng góp có ý nghĩa vào việc tạo dựng và giữ gìn hòa bình ở châu Âu.
HBK
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số 14 - Tháng 9/2024)