Những góc nhìn Văn hoá

Khuynh hướng lý luận phê bình phương Tây thế kỷ XXI: "Chủ nghĩa mảnh ghép"

1. Sở dĩ tôi gọi khuynh hướng lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XXI là “chủ nghĩa mảnh ghép” là do những nguyên nhân sau:

Hiện nay tôi đang chủ biên cuốn văn học Lí luận tiền duyên độc bản - bộ kỷ yếu tiêu biểu về phê bình và lí luận văn học phương Tây đương đại. Từ khi tôi tiếp xúc với tư liệu này, tôi đã phân chia các vấn đề đáng chú ý nhất của lĩnh vực văn học phương Tây thành 5 phương diện lớn:

(1) sự phát triển hiện đại của vấn đề truyền thống lí luận văn học; (2) vấn đề phê bình kinh điển và văn học sử; (3) Sự mở rộng của không gian phê bình - lí luận văn học, (4) “Hậu văn” và sự kết thúc của lí luận văn học ; (5) vấn đề thân phận với lí luận văn học. Các vấn đề của 5 phương diện này không phải là do tôi hư cấu, mà là khái quát từ khuynh hướng tổng thể của nó và các vấn đề nóng đang được quan tâm. Đương nhiên, đây vẫn không phải là toàn bộ lĩnh vực lí luận. Ví dụ, “Anh ngữ hóa”, và “sáng tác Anh ngữ mới” chính là vấn đề trọng yếu của lí luận và phê bình văn học Anh Mỹ thời đại hậu thực dân. Nhưng lĩnh vực lí luận này đối với giới lí luận và phê bình văn học Trung Quốc, dường như cho thấy rõ sự khác biệt so với tầm nhìn lí luận của chúng ta.

 Mặt khác, ở bất cứ một lĩnh vực lí luận nào trong đó, chúng ta cũng có thể phát hiện ra rằng, tuy vấn đề họ quan tâm rất giống nhau, nhưng lập trường, xuất phát điểm, căn cứ lí luận, phương thức luận thuật và kết quả đạt được là khác xa nhau. Nói một cách khác, cách nhìn của họ đối với cùng một vấn đề là hết sức đa dạng, gần như không tìm được chủ điệu nào. Ví dụ, về phương diện “sự mở rộng không gian của lí luận - phê bình văn học”, chúng ta có thể thấy đủ các phương pháp khác nhau: phê bình giới tính và siêu giới tính, phê bình nữ tính, phê bình luân lí, phê bình quỷ quái, phê bình sinh thái, phê bình không gian, phê bình duy vật, …
Tình trạng này cho chúng ta biết, trong thời đại tiêu dùng hậu hiện đại, lí luận và phê bình văn học phương Tây đã sớm cáo biệt cục diện cơ bản và hoàn cảnh của thời kỳ hiện đại và tiền hiện đại, tức là có một trào lưu tư tưởng chủ đạo hoặc một khuynh hướng lí luận và phê bình văn học mang tính chi phối, ảnh hưởng đến hình thái ý thức xã hội. Nếu chúng ta nhất định phải tìm ra một giọng điệu chủ đạo trong xu hướng của lí luận phê bình văn học phương Tây thì sẽ thấy rõ diện mạo “mảnh ghép”, tôi tạm gọi đó là “chủ nghĩa mảnh ghép”. Hàm nghĩa cơ bản của nó là: các quan điểm lí luận và các phương pháp phê bình đan xen lẫn nhau, giữa chúng không có quan hệ nội tại, điểm quan tâm và góc độ rất khác nhau, hình thành nên một cục diện trăm nhà đua tiếng.
“Chủ nghĩa mảnh ghép” là đặc trưng điển hình của chủ nghĩa hậu hiện đại, cũng là diện mạo cơ bản của nền văn hóa và tư tưởng phương Tây hiện nay. Xét về mặt biểu trưng, “chủ nghĩa mảnh ghép” của hậu hiện đại một mặt tích cực tìm kiếm tính “đa nguyên”, từ đó đối kháng với sự khống chế và điều khiển của hình thái ý thức chủ lưu, mặt khác lại lộ rõ một thực tế là “vụn vặt hóa”, tức không lấy việc xây dựng một hệ thống lí luận rộng lớn làm mục tiêu, thường xuyên từ một góc độ đặc trưng hoặc trình bày một quan điểm, hoặc tiến hành “giải thiêng” đối với lí luận truyền thống, thậm chí phá vỡ giới hạn khoa học, vượt quá các tầng khoa học chuyên môn đi sâu vào bàn luận từng vấn đề (như vấn đề “sex”).
Nên nhìn nhận khuynh hướng này thế nào? Theo tôi: sự xuất hiện của “chủ nghĩa mảnh ghép” phù hợp với khuynh hướng cơ bản của chủ nghĩa tư bản đương đại, tức từ “chủ nghĩa Ford” chuyển sang “sản xuất và tích lũy linh hoạt”, cho tới “chủ nghĩa tiêu dùng” và “hậu hiện đại”. Hiện nay khuynh hướng này trong quá trình diễn biến phát triển, ảnh hưởng và hậu quả của nó đang ngày một rõ rệt, cùng đó là khuynh hướng toàn cầu hóa tư bản đang thâm nhập vào mọi khu vực và mọi nền văn hóa trên thế giới. Như vậy, chúng ta nên dựa trên thực tế của Trung Quốc, để đưa ra phán đoán một cách sáng suốt hơn, chứ không phải căn cứ một cách mơ hồ sau đó đi tìm vấn đề “nóng” của lí luận và phê bình. Vấn đề “nóng” của phương Tây chưa chắc đã “nóng” đối với Trung Quốc, ngược lại cũng như vậy.
2. Trong bối cảnh của “chủ nghĩa mảnh ghép”, “kết thúc luận” và “tiêu vong luận” dường như đã trở thành một luận điểm gây được sự chú ý, chẳng hạn: chúng ta thấy các mệnh đề kiểu: “cái chết của lí luận”, “cái chết của phê bình”, “cái chết của tác giả”, “cái chết của lịch sử”. Kì thực, trong hàng loạt mệnh đề “Kết thúc” hay “tiêu vong”, chúng ta có thể thấy được một cách rõ rệt ý đồ của các tác giả, tức là họ trước sau đều xuất phát từ một lập trường lí luận để đối kháng hoặc giải cấu trúc một lí luận khác, chứ không phải là hoàn toàn phủ định lí luận – phê bình. Ví dụ, tác giả người Mỹ - John Barth đã từng viết một bài có ảnh hưởng rất rộng lớn “Văn chương cạn kiệt”, bài viết này đã dẫn ra một vấn đề được giới phê bình văn học phương Tây gọi là “cái chết của phê bình”. Nhưng, sau khi đọc bài viết này một cách tỉ mỉ, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, ý đồ thực sự của Barth là muốn khiêu chiến với “chủ nghĩa tả thực” (mà ở Trung Quốc vẫn thường dịch là “chủ nghĩa hiện thực”, kỳ thực đây là một sự nhầm lẫn rất lớn), mà mục đích khiêu chiến của ông lại là muốn mở ra một “không gian mới” cho sáng tác văn học, muốn đạt được mục đích này trước hết phải khiêu chiến với quan niệm “văn học” truyền thống - bất luận là “văn học” xét về ý nghĩa tổng thể hay “văn học” xét về ý nghĩa đặc định. Những ví dụ kiểu này rất nhiều.
Trước tình hình này, chúng ta phải xem xét thận trọngý đồ thực sự của các tác giả khi đưa ra “Kết thúc luận” hay “tiêu vong luận”, tức trên thực tế, cái mà họ muốn khiêu chiến là gì, chẳng hạn, họ muốn khiêu chiến truyền thống, khiêu chiến kinh điển, khiêu chiến chính lí luận – phê bình văn học, hay là muốn khiêu chiến những quan niệm cũ trong lí luận – phê bình văn học? Nếu chúng ta lý giải một cách cẩn thận ý đồ của họ, kết luận rút ra được sẽ là: họ muốn khiêu chiến với những quan niệm cũ trong lí luận – phê bình văn học.
Ở một góc độ khác, việc giải cấu trúc đối với lí luận chỉ có thể vận dụng vũ khí lí luận. Bản thân điều “không hợp lý” này đã nói rõ: lí luận (bao gồm phê bình) không thể bị “giải cấu trúc” được. Cuốn Kinh điển phương Tây của Harold Bloom phản đối việc “lí luận hoá” văn học nghệ thuật, kiên trì quan điểm “nghệ thuật và lí luận đối lập nhau”. Nhưng vũ khí Bloom dùng để phản đối “lí luận hoá” là lí luận văn học của chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XVIII, XIX, đặc biệt là lấy lí luận văn học của Jean – Jacques Rouseau làm đại diện, hạt nhân của nó là khởi xướng “tự do thẩm mỹ”, trên thực tế là dùng “thẩm mỹ” để phản đối “lí luận”. Nhưng, cái gọi là “thẩm mỹ” lại phải dùng “lí luận” để hạn định; một khi đã dùng “lí luận” để hạn định thì “thẩm mỹ” lại rơi vào địa hạt của “lí luận”.
Kỳ thực, lí luận văn học nghệ thuật phương Tây từ thế kỷ XX lại nay vẫn luôn tồn tại những trào lưu phản lí luận rất lớn. Thực tế này khiến cho chúng ta nghĩ đến: “lí luận” trên thực tế là con dao hai lưỡi – nó phải tiến hành phản tư và khái quát đối với thực tiễn sáng tác văn nghệ (tức cái gọi là “lí luận hoá”), mà một khi đã khái quát như vậy, thì cơ hồ đã hình thành nên một sự “khống chế” vô hình hoặc hữu hình đối với thực tế sáng tác, tạo ra sự “uy hiếp” đối với cá tính của người sáng tạo.
Theo tôi, điều “không hợp lý” này chúng ta vĩnh viễn khó có thể loại bỏ. Nếu vậy, chúng tại lại càng luẩn quẩn trong mối mâu thuẫn giữa lí luận và thực tiễn, hoặc luôn tưởng rằng lí luận đứng cao hơn thực tiễn, như vậy chắc chắn không thể thoát ra khỏi cái vòng quái quỷ này. Con đường duy nhất khả dĩ là: chúng ta phải làm sáng tỏ sứ mệnh của lí luận, cũng tức là nó sẽ lấy phương thức của chính nó để xây dựng một hệ thống giá trị, chứ không phải là đi “chỉ đạo trực tiếp” cái gì sáng tácthực tế, hoặc tệ hơn là “giáo huấn” sáng tác và tác giả. Nếu nói giới lí luận phê bình văn học Trung Quốc muốn rút ra từ lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại những điều “giáo huấn” gì thì e rằng đây chính là sự giáo huấn lớn nhất.
3. Truyền thống cũng là một vấn đề quan trọng trong bối cảnh “chủ nghĩa mảnh ghép”. Chúng ta đã sớm biết rằng – phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX lại nay lấy “phản truyền thống” để nổi danh. Từ người mở đường cho chủ nghĩa hiện đại – Charles Baudelaire đến chủ nghĩa hậu hiện đại hôm nay, truyền thống vẫn luôn là mục tiêu công kích chủ yếu của các nhà nghệ thuật và các nhà lí luận đang nêu cao ngọn cờ “đổi mới”. Những ví dụ về mặt này khó mà kể hết.
Nhưng, khi chúng ta đọc lại một cách tỉ mỉ những tác phẩm “phản truyền thống” nổi tiếng của các nhà lí luận (từ Friedrich Wilhelm Nietzsche đến Michel Foucault, Jean Francois Lyotart), trên thực tế có thể phát hiện ra một sự thực khiến rất nhiều người ngạc nhiên: một khi họ nói đến “truyền thống”, quả thực là họ biết rõ từ chân tơ kẽ tóc. (Phả hệ học tri thức của Michel Foucault là một ví dụ điển hình). Con đường mà họ đi là: lấy “truyền thống” để chống lại “truyền thống”. Cách làm như vậy có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Chúng ta cần phải cảnh giác đối với khuynh hướng này. Lí do là ở chỗ: một mặt, truyền thống trước sau đều là nguồn tư liệu để chúng ta tiến hành xây dựng lí luận và cũng là nguồn tư liệu mà chúng ta cần dựa vào để phản lí luận: bất luận ở Trung Quốc hay phương Tây, điểm này đều không thể né tránh.
Mặt khác, truyền thống cũng rất khó bị “phản”, cũng giống như việc giải cấu trúc lí luận phải mượn vũ khí lí luận, việc phản truyền thống cũng phải nhờ vào truyền thống. Đối với giới lí luận phê bình văn học Trung Quốc, điều được đặc biệt chú ý đồng thời cũng là vấn đề không giống với phương Tây là: từ thời mãn Thanh đến nay chúng ta đã hình thành nên một thói quen trở về với truyền thống. Muốn thay đổi thói quen này, e rằng còn phải đi một quãng đường rất dài.
Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện ra rằng, lí luận phê bình văn học phương Tây hết sức coi trọng việc lí giải “văn bản”, ít khi tán “lí luận” suông. Điều này cũng có thể làm nên sự khác biệt rất lớn giữa “họ” và “chúng ta”. Khi chúng ta nói đến “chủ nghĩa nữ tính”, thường viện dẫn những tác phẩm tiêu biểu về chủ nghĩa nữ tính có ảnh hưởng lớn. Hay khi chúng ta bàn đến “phê bình quỷ quái”, cũng sẽ lấy dẫn chứng từ những tác phẩm tiêu biểu của phê bình quỷ quái. Trên thực tế, từ phương pháp “đọc kỹ” do “phê bình mới” Anh Mỹ mở ra, hiện nay đã được giới học thuật Anh Mỹ tiếp nhận rộng rãi, trở thành một mắt xích cơ bản nhất trong việc rèn luyện học thuật. Là một nhà lí luận, điều trước tiên không phải là có thể tuỳ tiện luận bàn mọi hệ thống lí luận hoặc mọi lí luận, mà phải trên cơ sở “đọc kỹ” mới thấu hiểu rõ ràng. Nói một cách khái quát, việc xây dựng lí luận không phải là dựa vào lí thuyết suông, mà phải dựa vào sự kiến giải thấu đáo đối với “văn bản”.
Tóm lại, khuynh hướng của lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XXI không tồi tệ như chúng ta nhầm tưởng, cũng không phải là một tấm thép như chúng ta tưởng tượng. Trong quá trình phát triển không ngừng của nó, có những phái “tiên phong”, cũng có những phái bảo tồn truyền thống, nhưng nhiều hơn cả lại là những người đi theo con đường trung gian: Họ không muốn đi lại con đường cũ của truyền thống, nhưng trước phương hướng mới họ lại cảm thấy hoang mang, bối rối, thà rằng lựa chọn một con đường của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa thực chứng, trở thành một cá thể độc lập trong tổng thể “bức tranh ghép”. Ngoài ra, họ còn nảy sinh các khuynh hướng mới là mẫn cảm trước thực tiễn, đây cũng là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.
                                                                         Lê Dương dịch                    
                                                      Theo Nghiên cứu lí luận văn nghệ số 6.2005
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528574

Hôm nay

2230

Hôm qua

2291

Tuần này

2847

Tháng này

215270

Tháng qua

0

Tất cả

114528574