Cuộc sống quanh ta

Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau: Hiệu ứng nào cho Việt Nam?

Căng thẳng và hoà dịu vẫn “sóng đôi” khi cùng với việc ép nhau trong bang giao, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều có các tuyên bố mềm mỏng nhằm tạo bầu không khí thuận lợi trước cuộc hội kiến giữa hai thủ lĩnh. Xung đột trên Biển Đông và vấn đề thương mại nhiều khả năng sẽ là những hồ sơliên quantrực tiếp đến Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 14/11,tuyên bố với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Singapore,Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn đưa quan hệ “đối tác toàn diện” Việt – Mỹ lên một tầm cao mới, có ý nghĩa đặc biệt.

“Tầm cao mới” của “Đối tác toàn diện” Việt—Mỹ chỉ có thể là “Đối tác chiến lược”. Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN-33 gợi lại sự kiện diễn ra trước đây một năm. Đấy lànhân tuần lễ Quốc khánh Hoa Kỳ(4/7/2017), tại tp. Hồ Chí Minh, cả bà Tổng Lãnh sự Mỹ lẫn Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, trước sự hiện diện của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, lần đầu tiên trong lịch sử, đã cùng nhau chúc mừng mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ”. Xem thế để thấy, bang giao Việt – Mỹ ‘de facto’ (trên thực tế) đã là “Đối tác chiến lược toàn diện”, vấn đề bây giờ là ‘de jure’ (trên văn bản chính thức) khi nào công bố mà thôi. Sỡ dĩ bang giao Việt—Mỹ trở lại trong các tựa đề chính của truyền thông quốc tế tuần qua, vì trong các “đánh tiếng” về các định hướng thoả thuận Trung—Mỹ cuối tháng tới đây, chưa thấy hé lộ bất kỳ khả năng nào để dàn xếp các xung đột trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.

 

Tam giác tháo nút căng thẳng

Cho đến thời điểm được đón đợi cuối tháng này, đã có nhiều tương tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, với hàng loạt các nỗ lực mở đường cho cuộc hội kiến giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng này.Cuộc gặpđược các nhà quan sát kỳ vọng sẽ phần nào hóa giải những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.Các hoạt động cấp tập nổi bật nhất được nhắc tới đầu tiên, đó là “tam giác tháo nút căng thẳng” đã được thiết lập giữa Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Dương Kỳ Sơn với cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger và với giới tinh anh từ phố Wall. Tuy nhiên, “tam giác” này có mang lại kết quả như kỳ vọng của Bắc Kinh hay không, cho đến nayđó vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Chỉ biết, tại các cuộc gặp này, Dương Kỳ Sơn luôn nhắc lại quan điểm, Trung Mỹ hợp tác thì cả hai bên cùng có lợi, nếu chia rẽ thì sẽ cùng chịu thiệt hại.

Sự tái xuất của Phó Chủ tịch nước Dương Kỳ Sơn, bạn chí cốt và là “cánh tay phải” của Chủ  tịch Tập Cận Bình sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, là khá bất ngờ và thật sôi động. Hãy nghe phát biểu của Phó Dương tại Diễn đàn Kinh tế Mới ở Singapore do tập đoàn Bloomberg tổ chức (6—7/11). Hãy xem các cuộc “tái ngộ” giữa ông Dương với những bạn cố tri, như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, hay cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson.Đấy là chưa nói, khi trở về Bắc Kinh, Vương Kỳ Sơn một lần nữa, lại gặp Kissinger sau khi ông này có cuộc hội kiến chưa ai biết nội dung với Chủ tịch, Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Theo bình luận của tờ “Economic Journal”, việc Dương Kỳ Sơn gặp gỡ các cựu quan chức chính phủ Mỹ và giới tinh anh Phố Wall là không ngẫu nhiên. Trước thềm cuộc gặp Trump—Tập tại Buouros Aires, Dương Kỳ Sơn muốn “lobby” tối đa mạng lưới quan hệ ở Mỹ để khơi thông “dòng chảy” Trung—Mỹ vố đang bế tắc. Vấn đề là các nhân vật truyền thống nói trên có giúp Trung Quốc được gì hay không?

 

Hãy nghe một phần bài phát biểu mới đây của vị Cố vấn về thương mại cho Nhà Trắng Peter Navarro, tác giả của cuốn sách ăn khách nhất “Chết dưới bàn tay Trung Quốc” (từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS) thì có thể trả lời câu hỏi trên. Chính ông Navarro mới đây đã chỉ trích giới tinh anh Phố Wall tìm cách gây áp lực, vận động Tổng thống Trump đi tới thoả hiệp với Bắc Kinh. Navarro phát biểu không úp mở, điều này gây tổn hại cho các lợi ích của nước Mỹ, đồng thời Navarro cũng nhấn mạnh, Washington không cần tới các ý kiến của các chuyên gia nói trên. Navarro không hề dấu diếm rằng, chính quyền Trump không những không nghe theo ý kiến của giới tinh hoa Phố Wall, mà thậm chí còn kịch liệt tẩy chay họ. Phát biểu này cũng được cho là nhằm thẳng vào Henrry Paulson, người được “tố giác” là đã nhiều lần “bắn tin” giúp Trung Quốc. Còn đối với các nguyên lão như Kisinger, chính có lần Tổng thống Trump đã đánh giá, Kisinger là một cây đại thụ nhưng gốc đã bị rỗng ruột.

 

Từ “lobby” đến đối mặt công khai

Tính hiệu quả không cao của các dàn “lobby” nói trên được thể hiện rõ nhất qua các thương lượng công khai vừa qua giữa Trung Quốc và Mỹ. Tước hết, đó là cuộc đối thoại an ninhngoại giao Mỹ—Trung tại Washington. Cuộc này đáng phải diễn ra từ tháng 10/2018, nhưng do bang giao hai nước căng thẳng nên gác lại đến 9/11 vừa qua. Trong cuộc đối thoại ấy, lần đầu tiên, phía Mỹ đã công khai thúc giục Trung Quốc rút tên lửa ra khỏi Trường Sa, ngừng các hoạt động quân sự hóa trên các đảo Trung Quốc cưỡng chiếm. Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo sau đó, ngoại trưởng Mỹ lại cũng thanh minh: “Hoa Kỳ không theo đuổi chiến tranh lạnh hay chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc”.Trongmột thông cáo đưa ra cùng ngày, bộ Ngoại giao Trung Quốcmô tả cuộc đối thoại cấp cao 2+2 (gồm cả những người đứng đầu về ngoại giao lẫn quốc phòng)vừa qua là “thẳng thắn, xây dựng và rất thành công”.Về vấn đề bất đồng lớn giữa hai bên, ông Mike Pompeo nói: “Tôi cũng rất thành khẩn nói về bất đồng rất lớn giữa chúng ta. Chúng tôi bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục các hành động quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những điều cam kết trước đây”.

Tiếpcuộc gặp nói trên là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-33, cấp cao Đông Á (EAS-13) tại Singapore và diễn đàn APEC-26 tại Papua New Guinea. Ở cả ba diễn đàn này (13—18/11), tuy tổng thống Trump không tham gia trực tiếp, nhưng Phó Tổng thống Mike Pence đã đại diện cho Tổng thống Trump. Tại các diễn đàn hàng năm này, Mỹ đã thuyết phục ASEAN về sáng kiến thiết lập một khu vực “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP).Nhưng năm nay, ta thấy “khẩu khí” của phái bộ Mỹ thật khác thường. Phó Tổng thống Pence đã cảnh báo Bắc Kinh rằng, sự hành xử hung hăng của Trung Quốc tại khu vực ẤnThái Dươnglà hoàntoàn không thể chấp nhận được.Tuy Phó Tổng thống Mỹ không “vạch mặt chỉ tên” nước nào là “báquyền và xâmlược”(empire and aggression), nhưng có thể ngầm hiểu, đó là Trung Quốc, khi ông Pencenhấnmạnh: “Chúng ta đều đồng ý rằng “bá quyền” và “xâm lược” không thểcó chỗ đứngtrong khu vựcẤn TháiDương. Hãy để tôi khẳngđịnh rõ: Quan điểm của Mỹ về khu vực này làkhôngbỏquanướcnào, nhưng đòi hỏi các quốc gia phảiđối xử với các nước khác bằng sự tôn trọng— tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả các nước và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Căng thẳng và nghiêm trọng hơn,Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Tập Cận Bình đãkhông xuất hiện cùng nhau trong các bứchình chụp lãnh đạo APEChôm 17/11. Như vậy APEC-26 là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế châu Á lần đầu tiên kết thúc mà không có Tuyên bố chính thức của các vịlãnh đạodo mâu thuẫn MỹTrung về thương mại.Thủ tướng nướcchủ nhà Papua New Guinea Peter O'Neillgiải thích:“Hai người khổng lồ trong phòng đã không đồng ý với nhau”.Vào cuối tuần trước, Phó Tổng thống Mike Pence đã có bài phát biểu quan trọng về “Chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) của Mỹ tại APEC-26ở Papua New Guinea. PhóTổng thốngMikePence ​​đãđưara các biện pháp cụ thể nhằmđối phó lại “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” (BRI) củaChủ tịch Tập Cận Bình.

 

Thương mại dội lại Biển Đông

Tại các đối thoại an ninh và ngoại giaoMỹTrung 9/11, ngoài yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa ra khỏi các đảo cơi nới, Mỹ còn đưa ra lời cảnh báo đối với Bắc Kinh trong việc nhắc nhở Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Mỹ tuyên bố trước Trung Quốc về tầm quan trọng của việc tàu thuyền và máy bay quân sự, dân sự phải được hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp, phù hợp với luật pháp quốc tế. Quan điểm cứng rắn này của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã được cả Ngoại trưởng Pompeo và bộ trưởng Quốc phòng Mattis thể hiện trong cuộc họp báo chung với đoàn Trung Quốc do chủ nhiệm Uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và bộ trưởng Quốc phòng Nguỵ Phương Hoà dẫn đầu.

Phản ứng trước phát biểu của Pompeo, Dương khiết Trì cho rằng, Bắc Kinh có quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết ở những khu vực mà ông gọi là “lãnh thổ” của Trung Quốc. Không những thế, Dương uỷ viên còn lên tiếng cảnh báo Mỹ “ngưng ngay việc đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến gần những đảo đá của Trung Quốc…” Bộ trưởng Quốc phòng Mattis lập tức bác bỏ: “Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nới nào luật pháp quốc tế cho phép”. Tranh thủ dịp này, phía Mỹ tái khẳng định cam kết xây dựng “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP), một khu vực dựa trên nền tảng luật pháp và trật tự quốc tế cũng như sự ổn định của toàn vùng.

Tuy nhiên, ngày 16/11 tuần qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng, ông lạc quan về khả năng giải quyết tranh chấp thương mại MỹTrung sau khi nhận được phản hồi từ phía Bắc Kinh đối với các yêu cầu của Washington.Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump nói rằng phản hồi của Trung Quốc về cơ bản là đầy đủ, nhưng chưa đề cập đến 45 vấn đề lớn. Giới phân tích nói rằng đây là dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ còn mất nhiều thời gian để đàm phán sau cuộc họp dự kiến diễn ra giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc vào cuối tháng này ở Argentina.“Trung Quốc muốn có một thỏa thuận”, ông Trump nói. “Họ đã gửi một danh sách những việc mà họ sẵn sàng làm. Đó là một danh sách dài, nhưng tôi chưa chấp nhận được. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng tôi đang làm rất tốt trong vấn đề Trung Quốc”. Xem vậy, để thấy căng thẳng và hoà diệu vẫn “sóng đôi” khi bên cạnh các sức ép trong bang giao, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều có những tuyên bố theo hướng mềm mỏng nhằm tạo bầu không khí thuận lợi trước cuộc gặp giữa hai “ông trùm”. Ngày 5/11, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ tăng cường nới lỏng các điều kiện gia nhập thị trường, thúc đẩy mở cửa trong nhiều lĩnh vực, từ viễn thông đến giáo dục, từ y tế đến văn hoá. Ông Tập cũng hứa sẽ trừng phạt các hành vi xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là hành vi xâm hại các bản quyền tri thức.

 

Hàng Trung Quốc mác Việt Nam

Về phía Mỹ, cũng trong ngày 5/11, Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn đạt được thoả thuận thương mại bình đẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Cộng hoà mất quyền kiểm soát ở Hạ viện, hy vọng này có phần giảm xuống. Nhưng dù cóbày tỏ thiện chí đến đâu, thì Mỹ vẫn hết sức nâng cao cảnh giác trước các hành động nhập nhèm thương mại. Và trong các hồ sơ về thương mại trên nguyên tắc “bình đẳng và có đi có lại”, Mỹ rất quan tâm đến chủ trươngcủa giới chức Quảng Tây, theo đó, xem cuộc thương chiến Trung—Mỹ là cơ hội để xúc tiến kế hoạch về bảy “khu vực phát triển kinh tế biên mậu” với Việt Nam.Mối quan ngại ở đây là, khu vực biên mậu Việt—Trung rất có thể là những nơi “trú ẩn” cho các công ty sản xuất hàng Trung Quốc nhưng dán nhãn, mác Việt Nam.Đặc biệt gần đây, xuất hiện hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước toa rập với doanh nghiệp Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa Trung Quốc. Họtính chuyệnlắp ráp sản phẩm củaTrung Quốc nhưng dán nhãn “made in Vietnam” để tránh né thuế của Hoa Kỳ.Đây cũng là một phần trong kế hoạch hợp tác rộng lớn hơn được ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội năm ngoái, thuộc về chiến lược đầy tham vọng “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI).

Theo South China Morning Post, một trong các khu nói trên nằm ở thị xã Bằng Tường và thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Lãnh đạo thành phố cho biết họ muốn tạo ra một khu hợp tác kinh tế với Việt Nam với nguồn vốn, vật liệu và nhân công tự do.Hẳn nhiên, việc Việt Nam và một số nước ASEAN có quan hệ tuỳ thuộc nhiều mặt với TQ không phải là câu chuyện gì mới mẻ. Các nước này vốn dĩ vừa lệ thuộc vào Trung Quốc, vừa là đối thủ cạnh tranh.Hiệu ứng từ cuộc thương chiến giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, nếu được xử lý một cách chuyên nghiệp, có thể là mối lợi tiềm tàngkhông chỉ đối với Việt Nam.Việc Mỹ áp thuế vào hàng Hoa lục có thể làm tăng nhanh tốc độ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Đặc biệt đối với Việt Nam, trong số 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, có đến 8 mặt hàng cùng loại với đối thủ Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế.

 

Tình trạng nói trên có thể là một mối lợi bất ngờ, nếu được thiết kế một cách bài bản, Việt Namtiếp tục thu hút được hàng loạt đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có những tên tuổi lớn như Samsung hay Hyundai.Nhưng nếu bộ Thương mại Mỹ phát hiện hàng loạt sản phẩm Trung Quốc lại dán mác “made in Vietnam” thì hiệu ứng thuận từ cuộc thương chiến sẽ trở nên nghịch.Cho dù Việt Nam có thể chống chếvới kết quả điều tra, bằng cách trưng dẫn các hoạt động tạo thêm giá trị gia tăng trên các sản phẩm xuất sang Mỹ. Nhưng vấn đề cơ bản hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong vụ này là phải xây dựng đạo đức kinh doanh trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.Nếu không thì có thể phải trả giá đắt, giống như trong các vụ điều tra về thép trước đây. Không loại trừ, sau khi kết luận ngã ngũ, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cao hơn cho các sản phẩm “made in Việt Nam” thì thật là lợi bất cập hại./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434764

Hôm nay

235

Hôm qua

2349

Tuần này

21414

Tháng này

211812

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434764