Nhìn ra thế giới

Thư viện thế hệ mới, biểu tượng của tự do, dân chủ và bình đẳng Phần Lan

Mặc dù chỉ có khoảng 600 000 dân và đã có 37 thư viện công cộng (không kể các thư viện của trường học, cơ quan, bệnh viện) hoạt động rất hiệu quả, song thủ đô Helsinki vẫn quyết định xây dựng thêm Thư viện Trung tâm Helsinki như một món quà nước Cộng hòa Phần Lan tặng cho công dân của mình nhân 100 năm độc lập (1917-2017). Sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi công (tháng 9/2015), ngày 5/12, một ngày trước sinh nhật lần thứ 101 của Phần Lan, Oodi, chính thức mở cửa đón chào công chúng.

 Oodi là món quà 100 năm độc lập được chờ đón nhất không chỉ của riêng thủ đô Helsinki mà còn là của người dân cả nước. Nó cho thấy người Phần Lan coi trọng sách và thư viện như thế nào trong cuộc sống của mình. Nhất là trong khi vì khủng khoảng kinh tế và sự phát triển của công nghệ mà một số quốc gia phải cắt giảm các dịch vụ công dân, chẳng hạn như Anh đã đóng cửa tới 478 thư viện trong cả nước năm 2017[1].

Nằm ở trung tâm khu vực “kim cương” của Helsinki, Oodi được bao quanh với Tòa nhà Nghị viện, Tòa nhà báo chí, Trung tâm Âm nhạc, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và hướng ra Quảng trường Nhân dân. “Với vị trí đặc biệt đó, Oodi sẽ đưa người dân xích lại gần hơn với các cơ quan quyền lực cũng như văn hóa, nghệ thuật, góp phần tạo ra sự tương tác và hiểu biết mới.” (Phó Thị trưởng Helsinki, Nasima Razmyar) và Oodi thực sự “tượng trưng cho các giá trị cốt lõi nhất của xã hội Phần Lan, như giáo dục, văn hóa, bình đẳng và cởi mở”, (Jan Vapaavuori, Thị trưởng Helsinki).

Theo Đạo luật Thư viện mới được sửa đổi năm 2017, thư viện công cộng không chỉ là nơi phục vụ sách báo mà còn như là một trung tâm văn hóa cung cấp thông tin đáng tin cậy, các dịch vụ linh hoạt và sáng tạo, khuyến khích người dân học tập suốt đời. Điều này cũng được phản ánh trong Oodi: vừa là một tòa nhà của sách vừa là nơi trải nghiệm thành phố linh động. Ngoài dịch vụ thư viện truyền thống, Oodi còn có quán café, nhà hàng, phòng chiếu phim, gallery nghệ thuật, studio và bảo tàng thành phố. “Oodi sẽ là ngôi nhà chung, nơi gặp gỡ và làm việc miễn phí của tất cả mọi người” (Anna-Maria Soininvaara, Giám đốc Oodi). Oodi dự kiến sẽ phục vụ 10 000 người mỗi ngày, tức khoảng 2,5 triệu mỗi năm. Ngoài ra nó được chờ đón là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất của Helsinki và Phần Lan trong tương lai.

Oodi là một thư viện của kỷ nguyên mới và là người tiên phong trong các dịch vụ thư viện, hoạt động như một người định hướng cho thế giới thư viện. Ví dụ, Oodi đã sử dụng công nghệ robot mới nhất cho phép các chuyên gia thư viện tương tác với khách hàng. Hiện tại Oodi vẫn còn một vài hạng mục chưa hoàn thành. Tuy nhiên, “Ngay cả khi tòa nhà đã hoàn thành thì bản thân thư viện cũng sẽ không bao giờ được hoàn thành. Oodi và các dịch vụ của nó sẽ luôn luôn sống động và phát triển”, Anna-Maria Soininvaara, Giám đốc Ood nói.

Với diện tích 17.250 mét vuông, Oodi gồm ba tầng với 3 cửa vào từ ba hướng, trong đó hướng chính diện nhìn ra quảng trường Nhân dân và Tòa nhà Nghị viện. Trần được thiết kế như bầu trời thu nhỏ, tường bao xung quanh đều là bằng kính, có nơi cao tới 5 mét. Trên mái có 14 cửa sổ bằng kính để lấy ánh sáng từ bầu trời. Để có thêm ánh sáng, các giá sách ở đây chỉ có độ cao 150cm. 

Ba tầng, ba bầu không khí

Tất cả các dịch vụ trong Oodi đều phục vụ công chúng từ sáng sớm đến đêm khuya bảy ngày một tuần. “Oodi sẽ là ngôi nhà chung, nơi gặp gỡ và làm việc miễn phí của tất cả mọi người”, Anna-Maria Soininvaara, Giám đốc Oodi nói. Quan điểm kiến trúc của nó dựa trên ý tưởng phân phối các chức năng của thư viện cho ba tầng khác nhau, trong đó mỗi tầng thích hợp với môi trường hoạt động của nó.

Tầng một

Tầng một là một không gian có nhịp độ nhanh và linh hoạt với sảnh đợi rộng rãi phục vụ nhiều sự kiện. Ở đây có bàn thông tin thư viện và quán cà phê. Một không gian dành cho Brygga, nơi bạn có thể tìm thấy thông tin, hình ảnh về quy hoạch, nhà ở, giao thông và môi trường của Helsinki do cơ quan môi trường thành phố phụ trách ở Oodi.

Nằm giữa tầng này là một hội trường đa chức năng rộng 240 mét vuông với 184 chỗ ngồi. Hội trường có thể chuyển thành những phòng nhỏ phù hợp với những sự kiện ít người, nhờ có tường di chuyển được. Gần lối vào phía đông bắc là chỗ vui chơi trong nhà Loru. Nó giống như là một công viên ngoài trời, mà bạn có thể dùng bữa khi trời mưa.

Tầng này vẫn còn đủ chỗ cho một phòng chiếu phim. Phòng chiếu phim sẽ đi vào hoạt động ở Oodi vào tháng 1 năm 2019. Phòng chiếu phim được đặt tên theo ngôi sao điện ảnh Phần Lan, Regina Linnanheimo và do Viện điện ảnh quốc gia vận hành.

Từ sảnh chính, một cầu thang cuốn dẫn lên các tầng trên của tòa nhà. Hình dạng của chúng tương tự như cấu trúc của sợi DNA. Cầu thang thép màu đen nặng 80 tấn trông như treo trong không khí vì chúng không có cột trụ mà được giữ bằng sự kết nối của các bậc thanh.

Tầng hai

Tầng hai là nơi dành cho học tập và làm việc. Màu xám chủ đạo của tần này tạo nên bầu không khí tập trung. Các kết cấu ở đây để ở dạng thô ráp, không che phủ. Các cột thé được đánh véc ni màu bạch dương nhẹ. 

Nằm ở một góc khuất của tầng là nơi tĩnh lặng: bạn có thể thư giãn và thiền định. Không gian sẽ vẫn có màu xanh lá cây, giúp trấn tĩnh lại. Các cây không gây dị ứng, tỏa nhiệt sẽ có mặt ở đây.

Cạnh nơi tĩnh lặng là phòng Sự kiện: Các bức tường thông minh của căn phòng mờ đi và sáng lên với ánh điện, phản ánh hình ảnh. Một không gian một trăm mét vuông được dùng như một phòng trưng bày nghệ thuật thuật kỹ thuật số và một không gian giảng dạy ảo.

Các phòng làm việc: Phòng làm việc nhỏ có thể được đặt trước để nghiên cứu hoặc làm việc riêng. Một số phòng có thể được sử dụng mà không cần đặt trước.

Khu vực giữa và phía sau của tầng có các xưởng nhỏ. Ở đây có các chỗ để bạn có thể làm các việc bằng tay với nhiều dụng cụ từ máy in 3D đến máy may và máy cắt laser tới máy in nhãn. Trên tầng hai còn có các studio hiện đại để chơi các nhạc cụ, ghi âm, quay phim và chỉnh sửa.

Ngoài ra ở mặt trước bên trái còn có phòng dành cho các nhóm nhỏ. Các phòng này có thể được đặt cho các hoạt động tập thể như hội họp, sinh hoạt hay ngay cả đối với các bữa tiệc sinh nhật cho trẻ em.

Tầng ba

Màu trắng toát ở tầng này tạo ra sự tương phản mạnh mẽ với bầu không khí xám tối của tầng dưới. Ở trên cùng, một mái nhà phủ đầy mây, trải rộng và được phản chiếu với ánh sáng tự nhiên lọt qua các cửa sổ kính tròn trên mái tạo nên một không gian giống như thung lũng. Sẽ không quá lời khi nói trần này là bầu trời của sách!

Bầu không khí thư viện truyền thống ở tầng ba của Ood đáp ứng các dịch vụ thư viện hiện đại, cho phép bạn đọc học hỏi và thư giãn. Ở đây có 100.000 cuốn sách cho mượn, một quán cà phê và chín cây sống. Sách dành cho trẻ em nằm trên một gác xép riêng cho phép các em có cơ hội thưởng thức những câu chuyện chiêm nghiệm và những khoảnh khắc tưởng tượng thú vị.

Sau trần nhà-bầu trời sách, điểm nhấn của tầng này là 6 chiếc ghế ngồi đọc như những ốc đảo trắng xếp thành hàng ở giữa, cạnh cầu thang chính. Góc phải của tầng là những bậc thang gỗ dùng làm ghế ngồi trông rất đẹp mắt và tiện dụng.

Các bức tường kính suốt từ trần đến sàn ở mặt sau được thiết kế để chịu được 150 năm và cũng là những cơn bão khó khăn có thể gây ra bởi khí hậu thay đổi. Các bức tường kính cao nhất 9 mét. Các tấm kính lớn nhất nặng 1.500 kilo.

Đặc biệt, trên tầng ba có ban công mở ra quảng trường Nhân dân cho phép nhìn được toàn cảnh tòa nhà Nghị viện, Trung tâm âm nhạc, Bảo tàng dân tộc, Tòa nhà Phần Lan và các công trình kiến trúc, cảnh quan khác xung quanh vịnh Töölö. Ban công có độ cao ngang bằng với bậc thềm cao nhất của Nhà Nghị viện nói lên việc học tập cũng quan trọng như chính trị trong đời sống xã hội của nước này. Trên ban công này có quán cà phê để có thể vừa đọc sách, ngắm cảnh vừa nhâm nhi li cà phê hay nước giải khát.

Oodi cũng là một ngôi nhà của nhiều đối tác. Dưới cùng một mái nhà, khách hàng còn được phục vụ phim ở studio Kino Regina (với hơn 200 chỗ ngồi) của Viện Điện ảnh quốc gia, giải trí ở công viên Loru, tìm hiểu thông tin ở Helsinki-Info hay nơi đại diện của Brygga – cơ quan môi trường đô thị và EU @ Oodi, cung cấp thông tin về EU. Dịch vụ nhà hàng và quán cà phê trên tầng 1 và tầng 3 được cung cấp bởi Fazer. Các hoạt động của Oodi cũng được liên kết và hợp tác chặt chẽ với những người hàng xóm của khu vực Töölönlahti, cụ thể là Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Kiasma, Nhà Âm nhạc và Tòa nhà báo chí.

Oodi là sản phẩm của sự hợp tác giữa nhà nước và người dân

Trong tổng chi phí 98 triệu euro dành cho Oodi có 30 triệu euro do chính phủ trung ương cấp, còn lại là của chính quyền thành phố Helsinki và đóng góp của các công ty tư nhân và cả các cá nhân. Nhiều tổ chức, hội đoàn khác nhau đã tham gia vào việc đưa quan điểm của người dùng đến với kế hoạch của Oodi. Người dùng tương lai không chỉ đóng góp tiền mà còn đóng góp ý tưởng, cách thức bố trí của thư viện. Tên gọi Oodi cũng là kết quả từ cuộc thi đặt tên được tổ chức công khai trên mạng tới lần thứ hai.

Oodi do do Văn phòng Kiến trúc ALA ở Helsinki thiết kế và tập đoàn YIT của Phần Lan xây dựng. Cuộc thi kiến trúc quốc tế mở được công bố vào tháng 1 năm 2012 đã nhận được 544 đề án gửi đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó một nửa là của các công ty thiết kế nước ngoài. Tháng 6 năm 2013, ALA đã được tuyên bố là người chiến thắng. Kết luận của Hội đồng tuyển chọn các tác phẩm dự thi viết: “Bản thiết kế của ALA là một công trình có tiêu chuẩn rất cao, khoáng đãng và đầy ấn tượng. Nó cung cấp các điểm khởi đầu tuyệt vời cho sự phát triển một khái niệm hoạt động hoàn toàn mới của thư viện.”

Oodi chính thức được YIT khỏi công vào tháng 9 năm 2015. Ngôi nhà bao gồm nhiều hạng mục độc đáo đòi hỏi các giải pháp chuyên môn đặc biệt của các nhà xây dựng, chẳng hạn như hai mái vòm bằng thép mà tòa nhà nằm trên đó. Cầu nối cong được xây dựng trên hai thanh ray thép dài khoảng 100 mét. Nội thất của mặt tiền được bao phủ bằng gỗ thông trong nước, với chiều dài tổng cộng lên tới 116 km. Gỗ thông không chịu được biến động thời tiết. Do đó, việc xử lý bề mặt gỗ đặc biệt được chú ý.

“Không ai xây dựng được kiểu tòa nhà này một mình, mà chìa khóa cho sự thành công của dự án và giải pháp cho những thách thức khác nhau là sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên. Thật vinh dự được dẫn đầu một công trình tập hợp một đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vự xây dựng. Chúng tôi sẽ đem hết khả năng làm việc của mình để làm nên một công trình xứng đáng cho tương lai” Giám đốc YIT Tero Seppänen đã nói như vậy.

8 giờ sáng ngày 5/12 Oodi mới chính thức làm lễ khánh thành và mở cửa đón người dân. Nhưng chương trình của lễ khánh thành đã được công bố trước gần 1 tháng. Lễ khánh thành sẽ tổ chức suốt từ lúc mở cửa cho đến chiều ngày hôm sau, 6/12 – ngày quốc khánh Phần Lan. Nhiều chương trình nghệ thuật, hoạt động văn hóa và âm nhạc mang đậm tính dân tộc được chờ đón rất hấp dẫn. Ngoài việc mở cửa và kêu gọi người dân đến tham dự miễn phí, lễ khánh thành còn được truyền hình trực tiếp trên YLE - kênh truyền hình của quốc gia.

Trong 2 ngày khánh thành và mở cửa đón khách đầu tiên, Oodi đã đón nhận 55 ngàn người đến tham quan và làm việc. Sau lễ khánh thành, hàng triệu người trên thế giới còn được mục kích công trình mới này của Phần Lan qua một số bài viết trên các tờ báo lớn thế giới như: New York Times[2], Lonely Planet[3], Wallpaper.com, trang mạng hàng đầu về nghệ thuật, kiến trúc[4].

Mà cũng không phải đến khi khánh thành thư viện mới này mới được chú ý.Trước đó, từ tháng 5/2018 trên trang Theguardian.com, trang mạng của một tờ báo lớn ở Anh, đã có bài viết về Oodi và các thư viện ở Phần Lan với tiêu đề: “The borrowers: why Finland's cities are havens for library lovers – Người đọc: Vì sao các thành phố của Phần Lan là thiên đường của những người yêu thư viện”[5]. Bài viết này đã được một số báo dịch và trích dịch sang tiếng Việt[6].

Thị trưởng thành phố Helsinki, Jan Vaapavuori, đã nói về việc xây dựng Oodi: “Bằng cách xây dựng thêm thư viện Oodi, chúng tôi muốn Helsinki có được một hình ảnh tổng thể của một thành phố tự do, minh bạch, cởi mở, coi trọng nền dân chủ văn hóa nghệ thuật, xã hội mở. Trong thế giới ngày nay, bạn phải cạnh tranh nguồn đầu tư và người tài thì sức mạnh mềm đang trở nên quan trọng.Bảo tàng nghệ thuật và nhà hát được xây dựng ở khắp mọi nơi, nhưng không phải là thư viện.”



[1]https://www.theguardian.com/cities/2018/may/15/why-finlands-cities-are-havens-for-library-lovers-oodi-helsinki

[2]https://www.nytimes.com/2018/12/06/arts/design/helsinki-library-oodi.html

[3]https://www.lonelyplanet.com/news/2018/11/21/oodi-finland-100th-birthday-gift-citizens/

[4]https://www.wallpaper.com/architecture/oodi-public-library-helsinki-ala-architects-finland

[5]https://www.theguardian.com/cities/2018/may/15/why-finlands-cities-are-havens-for-library-lovers-oodi-helsinki

[6]- https://spiderum.com/bai-dang/Tai-sao-Phan-Lan-la-thien-duong-voi-nhung-nguoi-yeu-thu-vien-adv

- https://tuoitre.vn/phan-lan-thien-duong-cho-nguoi-doc-sach-20180

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114489193

Hôm nay

270

Hôm qua

2310

Tuần này

21003

Tháng này

216505

Tháng qua

120271

Tất cả

114489193