Nhìn ra thế giới

Quảng bá văn học ra nước ngoài - Cách làm của Phần Lan

      Ngạn ngữ Việt ta có câu: “hữu xạ tự nhiên hương” với nghĩa có tài đức hay chất lượng tốt thì sẽ được biết đến rộng rãi. Thế nhưng trong thời đại ngày nay, cái “hữu xạ” vẫn chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Ngày nay, mặc dù có sự phát triển và trợ giúp của các phương tiện truyền thông hiện đại, song mọi lĩnh vực từ kinh tế, du lịch tới văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, muốn tồn tại, phát triển một cách bền vững và được biết đến rộng rãi hơn đều cần đến việc quảng bá, giới thiệu một cách có hiệu quả.

      Có thể thấy rõ điều này qua kinh nghiệm quảng bá văn học của Phần Lan.

      Tiếng Phần Lan: một ngôn ngữ nhỏ bé và “kỳ dị”

      Là một trong hai ngôn ngữ chính thức của khoảng 5,4 triệu người sống ở Phần Lan và hơn một triệu người sống ở nước ngoài (chủ yếu là ở Thụy Điển, Mỹ, Canada), tiếng Phần Lan chỉ được xếp thứ 117 trong danh sách các ngôn ngữ có nhiều người nói trên thế giới (một vị trí rất thấp so với thứ 15 của tiếng Việt). Mãi cho đến năm 1892, tiếng Phần Lan mới được sử dụng như ngôn ngữ chính thức, ngang hàng với tiếng Thụy Điển trên phạm vi toàn quốc, còn trước đó chỉ có tiếng Thụy Điển là ngôn ngữ chính thức ở Phần Lan.

      Đến năm 1917, khi Phần Lan tuyên bố trở thành nước cộng hòa độc lập, tiếng Phần Lan mới bắt đầu dần dần chiếm ưu thế hơn tiếng Thụy Điển. Ngày nay, tiếng Phần Lan vẫn chỉ là một trong hai ngôn ngữ chính thức của quốc gia, cùng với tiếng Thụy Điển. Tiếng Phần Lan không thuộc họ ngôn ngữ Ấn - Âu mà thuộc họ ngôn ngữ Finno - Ugric, cùng với tiếng Hungary và tiếng Estonia. Mặc dù chỉ là ngôn ngữ mẹ đẻ của hơn 5 triệu người, được coi là một ngôn ngữ “kì dị” và khó học với người nước ngoài, nhưng hiện nay tiếng Phần Lan đang được dạy ở khoảng 100 trường đại học khắp nơi trên thế giới.

      Một nền văn học viết non trẻ trên bản đồ văn học thế giới

      Phần Lan là một quốc gia non trẻ, mới trở thành một quốc gia độc lập năm 1917. Trước đó, trong vòng 108 năm (từ 1809-1917), Phần Lan chỉ là một công quốc tự trị thuộc Nga. Còn trong hơn 6 thế kỷ trước, Phần Lan chỉ là một phần của Thụy Điển[1]. Do đặc điểm lịch sử như vậy, nền văn học Phần Lan gồm hai bộ phận chủ yếu là văn học viết bằng tiếng Thụy Điển và văn học viết bằng tiếng Phần Lan. Ngoài ra, có một bộ phận văn học viết bằng tiếng Sami, một ngôn ngữ bản địa có khoảng 1.900 người nói ở Phần Lan.

      Văn học viết Phần Lan được coi là ra đời vào giữa thế kỷ 16 với bản dịch Tân Ước từ tiếng Hy Lạp, La Tinh và Đức sang tiếng Phần Lan (1543) của giám mục Mikael Agricola, người đồng thời được coi là cha đẻ của chữ viết tiếng Phần Lan. Song phải đến ba thế kỷ sau, khi sử thi Kalevala[2] được xuất bản lần đầu tiên (năm 1835, 1849), ngôn ngữ văn học dân tộc Phần Lan mới được định hình và đến năm 1870, với việc xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Seitsemän veljestä” (Bảy anh em)[3] của nhà văn Aleksis Kivi, văn học viết bằng tiếng Phần Lan mới thực sự được hình thành và bắt đầu sinh sôi, nảy nở. Trong giai đoạn này, bộ phận văn học viết bằng tiếng Thụy Điển ở Phần Lan cũng xuất hiện nhiều tác giả nổi tiếng, như Johan Ludvig Runeberg, Johan Vilhelm Snellman, Zacharias Topelius.

      Thế nhưng, chỉ chưa đầy bảy thập kỷ sau khi được coi là chính thức ra đời với cuốn tiểu thuyết đầu tiên, văn học Phần Lan đã ghi một dấu ấn trên bản đồ văn học thế giới mà không ít nền văn học có truyền thống lâu đời mơ ước, với một tác giả được nhận giải Nobel văn học vào năm 1939 là Frans Eemil Sillanpää[4]. Bảy thập niên sau, một nhà văn nữ (sinh năm 1977) là nhà văn thành công nhất của Phần Lan hiện nay - Sofi Oksanen - cũng có tên trong danh sách 116 tác giả được đề cử giải Nobel Văn học năm 2015 dù tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn này chỉ mới xuất bản cách đây chưa lâu (2003). Có thể nói đây là một minh chứng phản bác lại ý kiến cho rằng các tác phẩm văn học không được viết bằng các thứ tiếng phổ biến trên thế giới khó giành được giải Nobel danh giá.

      Được ươm trồng và quảng bá một cách thiết thực, hiệu quả

      Hội Văn học Phần Lan (SKS) - một hội nghề nghiệp, ra đời từ rất sớm (1831), trước cả sự khai sinh của nền văn học viết Phần Lan. Mục đích ban đầu của SKS là thúc đẩy sự phát triển của văn học viết bằng tiếng Phần Lan và thực sự đã có vai trò rất to lớn trong sự phát triển của văn học và văn hóa nước này. Mặc dù là một hội nghề nghiệp, hoạt động dưới sự điều hành của một hội đồng quản trị như hàng trăm ngàn hội nghề nghiệp khác ở nước này, nhưng SKS đã phát triển lớn mạnh và trở thành một cơ quan văn học, văn hóa rất có uy tín của Phần Lan. Ngày nay SKS gồm có: hai trung tâm lưu trữ (trong đó trung tâm lưu trữ văn học dân gian có một bộ sưu tập tư liệu văn học dân gian vào loại phong phú nhất trên thế giới), một thư viện, một phòng xuất bản, một phòng nghiên cứu và một trung tâm thông tin, quảng bá văn học (FILI). Ngoài ra, SKS còn là chủ nhân của 4 quỹ tài trợ mang tên 4 nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, hàng năm tài trợ cho các nhà văn và nhà nghiên cứu văn học, văn hóa Phần Lan.

      Trung tâm xuất khẩu văn học Phần Lan - FILI

      Để giới thiệu văn học Phần Lan ra nước ngoài và đưa văn học nước ngoài đến với người đọc Phần Lan, năm 1977, Hội Văn học Phần Lan thành lập Trung tâm trao đổi văn học (tên tiếng Anh là Finnish Literature Exchange, viết tắt: FILI). Kinh phí hoạt động của FILI chỉ được nhà nước cấp 80%, còn lại 20% là từ nguồn tự khai thác. Các hoạt động của FILI bao gồm:

      - Tài trợ kinh phí, kết nối với dịch giả, nhà xuất bản nước ngoài cũng như trong nước,

      - Tổ chức các cuộc trao đổi, giới thiệu tác phẩm mới của các nhà văn với các dịch giả,

      - Tổ chức các khóa tập huấn về dịch cho các dịch giả,

      - Tổ chức các chuyến thăm Phần Lan cho các nhà xuất bản nước ngoài,

      - Tham dự các hội chợ sách ở nước ngoài cũng như trong nước,

      - Cập nhật và duy trì ngân hàng dữ liệu các tác giả và tác phẩm Phần Lan được dịch ra tiếng nước ngoài từ năm 1839 đến nay cũng như doanh thu bản quyền của Phần Lan hàng năm.

      Ngoài ra, từ năm 2003, FILI còn phụ trách tạp chí “Book from Finland” với mỗi tháng một số bằng tiếng Anh, cung cấp thông tin về văn học Phần Lan cho bạn đọc nước ngoài. Những năm gần đây, hàng tháng FILI còn có Newsletter trên mạng, cung cấp thông tin về hoạt động của FILI và danh mục các tác phẩm, tác giả, dịch giả mới được dịch và xuất bản ở nước ngoài của văn học Phần Lan.

Seminar do FILI tổ chức cho các dịch giả dịch văn học Phần Lan và văn học nước ngoài

sang tiếng Phần Lan, Thụy Điển ngày 25/10/2018 tại Helsinki

      Có thể nói hoạt động quan trọng và nổi bật nhất của FILI là làm bà đỡ cho các tác phẩm dịch kể cả các sách dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển và tiếng Sami được xuất bản và phát hành ở Phần Lan. Những năm gần đây, mỗi năm FILI dành khoảng 700.000 euro tài trợ cho các dịch giả và các nhà xuất bản trong và ngoài nước với khoảng 500 gói trợ giúp. Phần lớn số kinh phí này dành trợ giúp các nhà xuất bản một phần tiền nhuận bút trả cho dịch giả (từ 50-70%), trợ giúp một phần tiền in cho các nhà xuất bản nước ngoài (chủ yếu là dành cho các truyện tranh), trợ giúp dịch giả kinh phí đi đường và làm việc với các đối tác (các nhà xuất bản, nhà in, phát hành…) ở các nước xuất bản tác phẩm dịch. Ngoài ra, FILI còn tài trợ cho một số dịch giả lần đầu tiên dịch tác phẩm Phần Lan ra tiếng mẹ đẻ của mình và tài trợ cho việc quảng bá tác phẩm dịch văn học Phần Lan ở nước ngoài. Gói tài trợ này chủ yếu dành cho các nhà văn Phần Lan có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài tham gia các lễ ra sách, hội thảo về tác giả, tác phẩm ở nước ngoài.

      Về chuyên môn, bắt đầu từ năm 2002 trở đi, cứ hai năm một lần FILI lại kết hợp với Trung tâm trao đổi sinh viên quốc tế (CIMO) thuộc Bộ Giáo dục Phần Lan tổ chức một khóa học cho các dịch giả mới. Khóa học kéo dài 2 tuần này chủ yếu dành cho các sinh viên học tiếng Phần Lan như một ngoại ngữ mới tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp. Từ năm 2013, lần đầu tiên FILI còn hợp tác với 7 Viện Văn hóa Phần Lan ở nước ngoài và một số nhà xuất bản ở Phần Lan tổ chức khóa cao học cho các dịch giả dịch văn học Phần Lan. Ngoài ra, FILI còn kết hợp với CIMO cung cấp kinh phí và việc thực tập trong sáu tháng cho sinh viên học tiếng Phần Lan ở các trường đại học nước ngoài muốn trở thành dịch giả. Hầu hết những người tham gia các khóa này hiện nay đều theo đuổi nghề dịch.

      Mỗi năm FILI còn tài trợ cho hai đến bốn dịch giả nước ngoài đến Phần Lan làm việc trong vòng một tháng tại “tư gia” của FILI ở Helsinki. Chương trình tài trợ này bao gồm tiền vé máy bay, chỗ ở và một khoản tiền thù lao 250 euro.

      Ngoài tài trợ từ FILI, mỗi năm Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan còn trao Giải thưởng Nhà nước về dịch thuật cho các dịch giả nước ngoài có đóng góp cho việc xuất khẩu văn học Phần Lan ra nước ngoài dựa trên sự lựa chọn và giới thiệu của FILI. Giải thưởng này hiện có trị giá 15,000 euro.

      FILI đã thực sự trở thành ngôi nhà của các dịch giả Văn học Phần Lan và những người làm xuất bản sách Phần Lan. Hiện nay FILI đã kết nối được một đội ngũ hơn 300 dịch giả dịch văn học Phần Lan từ 47 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, trong đó có tiếng Việt.

      Một số tác phẩm văn học Phần Lan đã được dịch sang tiếng Việt, trong đó có một số tác phẩm Nhà xuất bản nhận được sự hỗ trợ từ FILI:

 

Bìa một số tác phẩm văn học Phần Lan đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam

 

       - Kalevala - sử thi Phần Lan, NXB Văn học, 1994

      - Tuyển tập văn học Phần Lan hiện đại, NXB Hội Nhà văn, 2000

      - Chiếc mũ của phù thủy, NXB Kim Đồng, 2010

      - Mumi và sao chổi, NXB Kim Đồng, 2013, 2017, 2019

      - Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, NXB Kim Đồng, 2013

      - Đứa trẻ vô hình, NXB Kim Đồng, 2014

      - Ngày hạ chí nguy hiểm, NXB Kim Đồng, 2014

      - Mùa đông huyền bí, NXB Kim Đồng, 2016

      - Bảy anh em, NXB Công an Nhân dân, 2016

      - Người trong đêm hè, Nhà xuất bản Phụ nữ, 2016

      - Tháng Mười một ở Thung lũng Mumi, NXB Kim Đồng, 2017

      - Bà đỡ- tình yêu ngày tận thế, NXB Phụ Nữ, 2018

      Theo dữ liệu của FILI, mỗi năm có từ 300-400 tác phẩm văn học Phần Lan được dịch ra khoảng 40 ngôn ngữ nước ngoài. Doanh thu từ việc bán bản quyền của các nhà xuất bản và các công ty phát hành Phần Lan trong 4 năm gần đây liên tục tăng, đạt trên dưới 2 triệu euro/năm (năm 2014 là 2,2 triệu, năm 2013 là 2, 25 triệu, năm 2012 là 1,98 triệu và năm 2011 là 1, 26 triệu). Thị trường xuất khẩu sách lớn nhất của Phần Lan là Đức, Anh, Mỹ và Liên bang Nga.

      Một trong bốn lý do đem đến cho văn học Phần Lan sự thành công đó là hoạt động tài trợ, quảng bá rất hiệu quả của FILI.

      Truy cập ngân hàng dữ liệu của SKS[5] bạn có thể biết được ngôn ngữ, tác giả, tác phẩm gốc, dịch giả, dịch phẩm, nhà xuất bản và năm xuất bản của các bản dịch. Theo ngân hàng này cho tới thời điểm hiện nay, 11 tác giả Phần Lan đã có tác phẩm được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó ba tác giả được dịch nhiều nhất là Elias Lönnröt 57 thứ tiếng (chỉ với Kalevala), Tove Jansson được dịch ra 43 thứ tiếng và Sofi Oksanen được dịch ra 37 thứ tiếng. Cũng theo ngân hàng dữ liệu này, trong vòng 5 năm trở lại đây, có 17 ngôn ngữ dịch ít nhất 10 tác phẩm văn học Phần Lan ra các ngôn ngữ ấy. Ngôn ngữ dịch nhiều nhất là tiếng Đức, với năm ít nhất là 17 tác phẩm (2015), nhiều nhất là 111 tác phẩm (2014), nhờ việc Phần Lan là chủ đề của Hội chợ sách quốc tế Frankfurt.

      Mỗi lần vào ngân hàng dữ liệu của SKS, tôi chợt nghĩ tới nhiều lần đọc thấy một số người viết: “Truyện Kiều” đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng nước ngoài hay “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng và nghĩ: con số “hàng chục” đó cần được chuyển thành những con số cụ thể. Điều này không khó trong điều kiện ngày nay và đó là việc cần làm trước tiên với trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài với tác phẩm văn học Việt Nam.

      Thay cho lời kết

      Mặc dù chỉ là một trung tâm thuộc một hội nghề nghiệp với 5 nhân viên, mỗi năm chỉ nhận 80% kinh phí từ nhà nước, còn 20% phải tìm kiếm từ tài trợ của các tổ chức và cá nhân nhưng Trung tâm trao đổi văn học Phần Lan (FILI) đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ, gặt hái những thành công mà các quốc gia khác ngưỡng vọng.

      Nhìn vào những hoạt động và kết quả mà FILI làm được cho văn học Phần Lan, tôi không khỏi liên tưởng tới việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài của nước ta và hiệu quả của các cuộc hội thảo “Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài” mà Hội Nhà Văn đã tổ chức (2002, 2010 và 2015) và mới đây (16/02/2019). Rồi tôi lan man nghĩ tới “Thư gửi đại gia” của giáo sư Trần Hữu Dũng đầu năm 2015[6].

      Liệu cách làm rất hiệu quả của Phần Lan có thể là kinh nghiệm nên tham khảo với những ai đang quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài?

                                                                                                                                                                                                                                                                 Helsinki Rằm tháng Giêng, Kỷ Hợi 2019



[1]Nhiều người coi giai đoạn này Phần Lan bị cai trị bởi Thụy Điển là không đúng.

[2]Đã được dịch trọn vẹn ra 56 thứ tiếng, trong đó có bản tiếng Việt của Bùi Việt Hoa được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1994. Ngoài ra còn rất nhiều bản dịch tóm tắt, trong đó tiếng Việt có 3 bản dịch khác nhau.

[3]Bản dịch tiếng Việt có tên “Bảy anh em” do Bùi Việt Hoa dịch, Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản tháng Giêng năm 2016

[4]Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Frans Eemil Sillanpää là Ihmiset suviyössä đã được dịch giả Bùi Việt Hoa dịch sang tiếng Việt với tiêu đề “Người trong đêm hè”, Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản năm 2016

[5]http://dbgw.finlit.fi/kaannokset/index.php?lang=ENG

[6]http://www.viet-studies.info/THDung/THDung_ThuGuiDaiGia.htm; http://www.diendan.org/viet-nam/thu-gui-dai-gia

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434835

Hôm nay

2106

Hôm qua

2349

Tuần này

21485

Tháng này

211883

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434835