Nhìn ra thế giới

“Nếu bạn muốn có giấc mơ Mỹ, hãy đến Phần Lan”

Lời người dịch:

Nguyên văn tiêu đề trên là lời của cựu lãnh đạo Đảng Lao động Anh, Ed Miliband năm 2012: “If you want the American dream, go to Finland”[1], được dẫn lại trong cuốn sách “The Nordic Theory of Everything: In search of a better life” của Anu Partanen, do Happer xuất bản năm 2016. Trong cuốn sách này, tác giả đã so sánh và đối chiếu cuộc sống ở Mỹ với cuộc sống ở các nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Iceland) dựa trên bốn lĩnh vực chính: giáo dục, bảo hiểm sức khỏe, việc làm và an sinh xã hội để chỉ ra rằng các nước Bắc Âu có những chính sách ưu việt, bình đẳng hơn Mỹ và người dân các nước Bắc Âu thực sự có tự do, độc lập cá nhân và hạnh phúc nhiều hơn so với người Mỹ.

5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Nhân việc hai năm liền Phần Lan được Liên hợp quốc xếp là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, tiếp theo là 3 nước khác của Bắc Âu[2], chúng tôi trích dịch một chương trong cuốn sách nói trên.

* * *

1. Câu chuyện về hai thành phố

Người đàn ông mặc mấy lớp quần áo trong đó có hai chiếc quần, khuôn mặt bị che phủ bởi bộ râu quai nón, đầu tóc bù xù và bẩn thỉu. Ông ta nói lẩm bẩm, vây xung quanh là các túi đựng đầy các đồ dùng lỉnh kỉnh của ông ta. Rồi ông ta tè ra quần. Chúng tôi bước lên và tránh xa như nhiều người khác làm thế trước chúng tôi. Mặc dù tay tôi bịt chặt mũi, song vẫn không thể chặn lại được mùi hôi thối.

Cảnh tượng đó chỉ có thể thấy trên phim từ một tiểu thuyết của Charles Dickens miêu tả cảnh bần cùng hóa của thế kỷ XIX. Nó có thể là hình ảnh bắt gặp ở một số nước nghèo thuộc thế giới thứ ba. Nhưng trái lại nó hiện hữu vào thế kỷ XXI ở một bến tàu điện ngầm sạch sẽ và ngăn nắp của thành phố New York không lâu sau khi tôi đặt chân lên nước Mỹ và nó đã khiến tôi khó chịu trong nhiều ngày.

Trước đó, dĩ nhiên, tôi đã từng gặp những người vô gia cư. Nhưng trong cuộc đời mình tôi chưa bao giờ nhìn thấy hình ảnh tàn tạ, rách rưới như người đàn ông mà tôi gặp ở bến tàu điện ngầm New York.

Các nước Bắc Âu có những bệnh nhân tâm thần, những kẻ nghiện rượu, ma túy và thất nghiệp, nhưng tôi không thể hình dung một người trong tình cảnh tương tự như người đàn ông kia trên các đường phố thủ đô của Phần Lan cũng như của các thành phố Bắc Âu khác. Thông thường mọi người có chỗ để ở, nếu không phải trong các nhà công cộng thì ở các nhà tạm lánh. Và khi bạn nhìn thấy một người nào đó đôi khi tự nói với mình trước đám đông, thì hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ coi đó là người có vấn đề về tâm thần hơn ở Mỹ. Việc bắt gặp người đàn ông đó ở bến tàu điện ngầm New York là một trong những thời điểm cho tôi thấy rõ rằng ở nước Mỹ bạn là chính bạn.

Cuối cùng tôi quen với việc nhìn thấy cảnh vô gia cư là không chú ý nữa. Thay vào đó tôi tập trung sự chú ý của mình vào phía sau của hình ảnh.

Khi tôi bắt đầu gặp mọi người và thỉnh thoảng được mời tới các sự kiện hay tụ họp trong các căn hộ với các tầng áp mái có cửa sổ nhìn ra các tòa nhà chọc trời của Manhattan hay các ngôi nhà xây bằng gạch nâu đỏ vài ba tầng với vườn cây phía sau, tôi bắt đầu làm một phép tính mới trong đầu. Làm thế nào họ có được như vậy? Một số người này là các luật sư, bác sĩ, nhà tài chính, những nghề dễ dàng giải thích tài sản của họ, nhưng một số là các nghệ sĩ, nhân viên của các quỹ bất vụ lợi hay người làm việc tự do với các dự án riêng của họ. Phong cách sống dễ tiếp nhận của họ làm tôi bối rối, nhưng tôi cảm thấy kinh ngạc và vui mừng khi phải đối mặt với những ví dụ nâng cao như vậy về khả năng trả thù lao cho tài năng của nước Mỹ. Giấc mơ Mỹ dường như vẫn còn hiện hữu và tốt đẹp, chưa kể nằm trong tầm tay của tôi. Nếu tất cả những người ấy thực hiện được nó, chắc chắn tôi cũng làm được.

Cuối cùng tôi nhận ra rằng nhiều người có lối sống đắt tiền nhưng một nghề có thu nhập thấp dường như có sự giúp đỡ tiền của gia đình. Tôi hy vọng nó không khiến ai đó từ châu Âu ngột ngạt, như tôi, chỉ ra rằng thừa hưởng sự giàu có, thay vì tự mình làm nên là ngược lại với giấc mơ Mỹ. Mỹ trở thành một quốc gia độc lập, một phần là để bỏ lại phía sau tầng lớp quý tộc cố thủ của đất nước cũ, để bảo đảm cơ hội cho người Mỹ được là những người đàn ông và phụ nữ tự lập.

Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, đã sống ở Phần Lan, Pháp và Australia. Giờ đây ở Mỹ tôi cảm thấy dường như không phải tôi đến xứ sở của Thomas Jefferson, Abraham Lincoln và Martin Luther King mà là một nước cộng hòa cuối thế kỷ mười chín của những sự cực đoan - một mặt cố thủ của cải, quyền lực và đặc quyền và mặt khác nghèo đói tuyệt vọng, vô gia cư và bất hạnh. Đúng là một sáo ngữ. Nhưng điều đó làm cho thực tế của nó không kém phần tàn bạo. Chưa bao giờ tôi thấy sự bất bình đẳng rõ ràng như vậy, không phải ở bất kỳ quốc gia nào khác trong thế giới công nghiệp hiện đại.

Với những ai đến từ một nước Bắc Âu thật khó hiểu khi bắt gặp một kiểu bất bình đẳng về thu nhập như vậy ở Mỹ. Mỗi người trong 25 nhà quản lý quỹ phòng hộ hàng đầu của Mỹ đã kiếm được gần một tỷ đô la năm 2013, trong khi thu nhập trung bình của một người Mỹ khoảng 50 ngàn đô la. Cùng lúc đó số lượng người tìm kiếm sự giúp đỡ ở nhà tạm trú vô gia cư đạt kỷ lục. Điều đó nói lên rằng nhiều người trong số họ không nghiện ma túy hoặc bị bệnh tâm thần, mà là các gia đình lao động.

Hoa Kỳ đang trở lại thời đại của Rockefeller, Carnegies và Gatsby vĩ đại và xu hướng đó không có dấu hiệu chậm lại. Sau các cuộc khủng khoảng tài chính, thu nhập của những người giàu nhất đã nhanh chóng phục hồi, trong khi sự cải thiện đối với đại đa số người Mỹ không đáng kể. Trong thời gian 2009-2012, nhóm 1% người đứng đầu thu nhập gần 90% thu nhập của cả nước. Đây không phải là vấn đề chỉ liên quan đến khủng hoảng tài chính. Mức thu nhập rơi vào những người Mỹ giàu nhất - 1%, hoặc thậm chí 0,1% - đã tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây, trong khi phần người Mỹ còn lại phải đối mặt với thu nhập trì trệ hoặc thậm chí tiền lương giảm.

Lý do thường được đưa ra ở Mỹ cho những thay đổi này giờ đây đã trở nên quen thuộc. Đó là toàn cầu hóa, tự do thương mại, sự bãi bỏ các quy định và công nghệ mới, cho phép những tài năng sáng giá nhất thống trị các lĩnh vực rộng lớn hơn và tích lũy được nhiều của cải hơn. Ngày nay, CEO có tầm nhìn nhất chủ trì một tập đoàn đa quốc gia rộng lớn, thay vì có năm mươi chuyên gia hàng đầu điều hành các công ty nhỏ hơn. Sản phẩm có chất lượng nhất giờ được bán ở khắp nơi, thay thế các sản phẩm địa phương. Do những tiến bộ trong công nghệ và công việc tay nghề thấp chuyển cho các nước nghèo, công nhân ở các nước phát triển cần các kỹ năng ngày càng chuyên môn. Số ít người có kỹ năng như vậy giành lợi thế. Phần đông không có chịu thịt thòi. Đồng thời việc sắp xếp thời gian công việc đã trở nên kém ổn định. Công việc bán thời gian, thu nhập thấp, trở nên phổ biến, vì công nghệ cho phép người làm đánh giá sản phẩm và vì thế sức mạnh của các liên đoàn lao động giảm đi.

Tuy nhiên, những lý do lặp đi lặp lại này không phải là toàn bộ câu chuyện. Mọi quốc gia giàu có đang đối phó với tất cả những thay đổi này, chứ không chỉ có Mỹ. Tuy nhiên, kinh nghiệm đã khác biệt như thế nào ở những nơi như các quốc gia Bắc Âu, nơi đã nỗ lực nghiêm túc để thích nghi với tương lai mới dũng cảm này với các chính sách quản trị thông minh phù hợp với thời đại. Sự bất bình đẳng gia tăng không chỉ đơn giản là kết quả từ những thay đổi không thể tránh khỏi trong thị trường tự do. Phần lớn theo sau các chính sách cụ thể, có thể thay đổi trực tiếp theo cách này hay cách khác.

Mặc dù thực tế đòi hỏi ngược lại, thuế của Mỹ đã trở nên thuận lợi hơn cho những người giàu có. Một phần kết quả của sự thay đổi thiển cận này là các chính sách xã hội của Mỹ đã phải chuyển từ hỗ trợ người nghèo nhất sang giúp đỡ tầng lớp trung lưu. Bất bình đẳng thu nhập đã tăng lên ở mọi nơi, nhưng ở Mỹ, điều này đặc biệt rõ rệt bởi vì thuế và các dịch vụ của chính phủ chưa đủ làm giảm bớt tác động của những thay đổi trên thị trường so với những nơi khác trong thế giới phát triển hiện đại.

Những người quan sát từ các quốc gia Bắc Âu như tôi không phải là những người duy nhất bị bối rối bởi thực tế mới lỗi thời của Mỹ - mà Người Mỹ cũng thế. Khi một nghiên cứu hỏi người Mỹ đánh giá sự phân phối tài sản hiện thời ở Mỹ, những người được hỏi đánh giá thấp mức độ bất bình đẳng. Khi hỏi để "Xây dựng một nước Mỹ tốt hơn" bằng cách xây dựng các bản phân phối với mức độ bất bình đẳng lý tưởng của họ, họ đã đưa ra các bản phân phối công bằng hơn nhiều so với đánh giá thấp của sự phân phối thực tế.

Dường như người Mỹ trung bình đã đồng cảm hơn nhiều với các nguyên lý cơ bản của lý thuyết tình yêu Bắc Âu hơn là có thể tưởng tượng. Và có những ý kiến ở Mỹ cũng như ở châu Âu tiếp tục khẳng định rằng sự bất bình đẳng lớn trong thế kỷ XIX là hiện trạng mới, kết quả không thể tránh khỏi của tiến bộ công nghệ. Trên thực tế, tất cả các nghiên cứu đều cho thấy trong kỷ nguyên siêu hiện đại của chúng ta, toàn cầu hóa, thương mại tự do, bãi bỏ quy định và công nghệ mới đã làm đảo ngược các mối quan hệ truyền thống, các xã hội đang và sẽ tiếp tục thành công là các xã hội của các quốc gia Bắc Âu, nơi ban hành các chính sách của chính phủ để đảm bảo sức khỏe cho nguồn nhân lực của họ. Khi càng có nhiều công dân cần trình độ học vấn cao, sau đó tiếp tục làm việc như những người làm tự do, các doanh nhân hay các hợp đồng và dự án ngắn hạn trong các nền kinh tế năng động ngày nay, chính phủ the kiểu Bắc Âu là chìa khóa thành công cho một quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ vẫn giữ quan điểm rằng bất bình đẳng thu nhập là một tình trạng không thể tránh khỏi và thậm chí có thể được mong muốn. Điều này là dễ hiểu, vì nước Mỹ từ lâu đã được biết đến như một nơi mà mọi người đều có cơ hội cải thiện số phận cuộc sống của mình. Đấy là điều giấc mơ của người Mỹ hướng đến: kéo mình lên bằng đôi ủng của mình, vươn lên thành giàu có từ giẻ rách. Lẽ tự nhiên những người làm việc chăm chỉ thu được nhiều thành quả hơn. Sẽ không có vấn đề gì nếu một số người giàu có hơn đáng kể so với những người khác, miễn là mọi người đều có cơ hội thành công. Vấn đề là khi nói đến cơ hội, Hoa Kỳ đã tiến xa hơn và đi theo hướng khác. Cơ hội thành công đó ngày càng trở nên hiếm hoi hơn.

2. Cha truyền lại cho con

Mỹ tự coi mình là xứ sở của các cơ hội. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Cách tốt nhất để định lượng cơ hội là đo lường sự linh động xã hội đi lên - khả năng mọi người nâng cao mức sống của họ và khiến con cái họ làm tốt hơn họ. Nước Mỹ thực sự sở hữu một di sản tự hào và không thể xóa nhòa: Nó đã mang đến một cuộc sống mới cho hàng triệu người nhập cư - bao gồm cả bản thân tôi - trong suốt phần lớn lịch sử của nó. Nhưng khảo sát tiếp theo khảo sát cho thấy rằng tính linh động xã hội đi lên đã giảm sút ở Mỹ, trong khi nó tăng lên ở những nơi khác, đặc biệt là phía Bắc châu Âu và đặc biệt là ở khu vực Bắc Âu.

Bằng chứng rõ ràng và thuyết phục cho điều này không thiếu. Chẳng hạn, lấy tương quan thu nhập của người cha với đứa con trai của người đó. Một giáo sư người Canada tên là Miles Corak đã phát hiện ra rằng ở Mỹ và Anh, xã hội ít linh động nhất, gần một nửa lợi thế mà một người cha có thể có trong thời gian của mình được truyền lại cho một người con ở tuổi trưởng thành, và đây không phải là kết quả của sự chăm chỉ và thành công cá nhân của người con mà có thể được giải thích bằng những lợi thế thuộc về gia đình. Ngược lại, ở các nước Bắc Âu, có rất ít lợi thế không công bằng này.

Một số nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất về vấn đề này đã được dẫn dắt bởi Markus Jantti, một nhà kinh tế người Phần Lan tại trường đại học Helsinki, người đã cùng các đồng nghiệp của mình nhìn vào nhược điểm của di truyền - nói cách khác, cơ hội thành công của bạn sẽ kém đến mức nào nếu bạn sinh ra từ một gia đình thu nhập thấp. Họ đã phát hiện ra rằng ở Mỹ, 40% người sinh ra từ gia đình có thu nhập thấp nhất dẫm chân tại chỗ. Ở các nước Bắc Âu, con số đó chỉ là 25%.

Có một lý do rất rõ ràng và đơn giản cho sự khác biệt. Như một số nghiên cứu đã chứng minh, các xã hội có bất bình đẳng thu nhập ít hơn có xu hướng di chuyển lên cao hơn cho công dân của họ. Hoa Kỳ bị mắc kẹt trong quá khứ khi tìm đến cơ hội bình đẳng mà cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, Alan Krueger đã đưa ra thuật ngữ "Đường cong Gatsby vĩ đại" để mô tả mối liên hệ giữa bất bình đẳng gia tăng và tính linh động xã hội giảm đi ở Mỹ. Chắc chắn có thể lúc đầu nghèo và sau đó giàu có ở Mỹ, nhưng nghiên cứu cho thấy làm điều đó ở Mỹ khó hơn nhiều so với ở các quốc gia giàu có khác. Nước Mỹ không còn là vùng đất của cơ hội, mà là miền bắc châu Âu. Đó là thực tế khiến cựu lãnh đạo Đảng Lao động Anh, Ed Miliband đã nói toạc móng heo trong một bài phát biểu vào năm 2012: “If you want the American dream, go to Finland” (Nếu bạn muốn có giấc mơ Mỹ, đến Phần Lan).

Các nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của giấc mơ Mỹ đã được tranh luận, nhưng thủ phạm rõ ràng nhất là sự bất bình đẳng của người Mỹ về thu nhập, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nguồn của cải dành cho gia đình. Không có gì bí ẩn tại sao lại như vậy: Hoa Kỳ đơn giản là không theo đuổi các chính sách công cơ bản đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội theo cách mà các nước Bắc Âu áp dụng.

  Ở Phần Lan, cam kết đơn giản mà quốc gia đã đưa ra để thống nhất giáo dục Phần Lan thành một hệ thống trường công chất lượng cao cho tất cả đã tạo ra một sự khác biệt to lớn. Hai quốc gia có thể dành một tỉ lệ sản phẩm quốc nội của họ cho giáo dục ngang nhau, nhưng Miles Corak đã lưu ý, nếu chi tiêu này được dành cho giáo dục mầm non chất lượng cao, và tất cả các trường tiểu học và trung học đều có thể tiếp cận được cho mọi học sinh thì dường như việc tạo ra giáo dục đại học tư chất lượng cao chỉ có thể tiếp cận được với một số ít. Rõ ràng Phần Lan đã cân nhắc áp dụng cách tiếp cận thứ nhất để đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21, trong khi Mỹ bị mắc kẹt với cách tiếp cận sau, dẫn đến thiệt hại nặng nề và trực tiếp cho hàng triệu trẻ em của họ.

Chăm sóc sức khỏe với chi phí phải chăng, chăm sóc trẻ, trường học và trường đại học hỗ trợ sự công bằng về cơ hội, nhưng ở Mỹ, việc đáp ứng của các dịch vụ này không chỉ rất có giới hạn, mà còn bị giảm đi trong những thập kỷ gần đây. Để có được một nền giáo dục tốt ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém. Các gia đình có thu nhập thấp ở Mỹ tìm thấy ngày càng nhiều trở ngại theo cách của họ, trong khi những người giàu có thể mua cho con cái họ tất cả các thứ họ cần: sách vở, sở thích, gia sư, trường tư, bác sĩ và các mối quan hệ. Sau nhiều lần ngưỡng mộ các siêu thành đạt người Mỹ, tôi phát hiện ra rằng cha mẹ họ cũng rất xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của họ và có tiền.

Không có gì sai với một xã hội trong đó cha mẹ đạt được thành công làm động lực cho thành công tương tự của con cái họ. Nhưng điều đó khác với một xã hội trong đó một số ít gia đình có nguồn lực tài chính và hậu cần lớn hơn nhiều so với những người khác và có thể cung cấp nhiều lợi thế hữu hình hơn cho con cái họ mỗi bước đi. Ở Mỹ, tôi dường như ít thấy người thành công mà tôi đã gặp thành công một cách tự lực, không dựa vào nguồn gốc của gia đình. Trong xã hội Mỹ có một sự đa dạng tuyệt vời về tài năng của trẻ em thuộc mọi tầng lớp. Tuy nhiên, trong số rất nhiều những đứa trẻ này - đặc biệt là những đứa trẻ không giàu có - những tài năng này không được phát hiện và nuôi dưỡng. Nói cách khác chúng bị bỏ quên.

Các quốc gia Bắc Âu ý thức rằng họ không thể lãng phí tiềm năng của bất kỳ đứa trẻ nào, bất kể vận may của chúng trong cuộc sống là gì.

Kaarina - người mẹ đã từng nói với tôi về việc được tự do thế nào khi chồng được nghỉ sau khi chị sinh để chăm sóc con - đã trải qua một mất mát gia đình khủng khiếp khi những đứa con của cô ấy mới vài tuổi. Chồng của Kaarina bất ngờ qua đời vì ung thư. Anh ta đã không mua bảo hiểm nhân thọ, và đáng tiếc là cô không có nhiều từ nguồn trợ cấp gia đình khác. Cô phải một mình xoay xở và nuôi hai đứa trẻ.

Đây là một cú đánh cảm xúc khủng khiếp, và đối với một gia đình trung lưu người Mỹ, đó cũng có thể là một cú đánh tài chính khủng khiếp. Thế nhưng, ở Phần Lan, Kaarina đã vượt qua được bệnh tật và cái chết của chồng mà không phải chịu bất kỳ khoản nợ nào. Đối với những người mới bắt đầu, tất nhiên không có bất kỳ hóa đơn y tế đáng kể nào cho việc điều trị ung thư của anh ta. Cô ta và các con của cô đã nhận được tiền trợ cấp của người còn sống từ chính quyền, ngoài tất cả các chế độ thông thường dành cho các gia đình.

Các con của cô có thể, đương nhiên, cũng tiếp tục học miễn phí ở trường công chất lượng cao, và có thể tham gia các lớp học ở các câu lạc bộ sau giờ học ở trường. Khi con trai lớn của cô quyết định rằng cậu ta muốn theo học một trường trung học tiếng Anh ở một khu phố chủ yếu dành cho các nhà ngoại giao và gia đình giàu có, tất cả những gì cần làm là vượt qua kỳ thi vào. Không cần đóng học phí và phương tiện giao thông công cộng đưa cậu ta đến trường và ngược lại. Trẻ con tiếp tục với các sở thích mà chúng chọn: bơi trong bể bơi công cộng, judo bốn lần một tuần tại một câu lạc bộ địa phương, tập thể dục tại các cơ sở của trường và võ thuật hỗn hợp tại trung tâm thể thao công cộng của thành phố miễn phí.

Các hoạt động chúng tham gia không tốn kém lắm, bởi vì chúng chủ yếu được tài trợ bởi chính quyền địa phương và dành cho tất cả mọi người. Sau này, nếu bọn trẻ muốn học lên đại học hay trường dạy nghề, chúng cũng không phải nộp tiền học. Và vì các chính sách bố mẹ được nghỉ đẻ và chăm sóc con hào phóng mà cả Kaarina và chồng cô ta đều không bị mất việc làm và Kaarina trở lại làm việc tự do của cô như cũ sau khi chồng cô mất và cô hết thời gian nghỉ trông con. “Tôi là một ví dụ tốt về những gì xảy ra với một người không có gia đình và không có ông chủ để được giúp đỡ.” Kaarina nói. “Nếu ở một nơi nào khác trên thế giới, không phải ở các nước Bắc Âu, cuộc sống của gia đình tôi và tương lai của các con tôi, chưa nói đến địa vị xã hội và kinh tế của bản thân tôi, sẽ bị đảo lộn một cách khủng khiếp. Bây giờ sự mất mát chỉ mang tính cá nhân và về tình cảm”.

Đấy là ý nghĩa của việc có các chính sách xã hội cân nhắc kỹ để hỗ trợ quyền tự chủ của cá nhân nhằm bảo đảm sự độc lập của trẻ em và đảm bảo sự phát triển tài năng của trẻ em trong tương lai. Ở Mỹ, nếu bạn đủ may mắn, bạn có thể có các nguồn lực riêng để vượt qua các thử thách trong cuộc sống. Bạn cũng có thể bị ám ảnh bởi nhận ​​thức rằng bạn có thể đã nhận được những lợi thế không công bằng so với những người khác đang phải chịu đựng. Điều này có thể làm suy nhược ý thức của mọi người rằng họ là chủ nhân của số phận, rằng họ đã giành được thành công của riêng mình.

Cá nhân tôi đã có thể sống cuộc sống của mình ở Phần Lan không chỉ tự hào về thành tích của chính mình mà còn tự hào về sự tham gia của tôi trong một khế ước xã hội đã trải qua thời gian rất dài để mang lại cho mỗi cá nhân một cơ hội thành công. Không ai có thể bảo vệ trẻ em khỏi nỗi đau của cái chết của cha mẹ hoặc chấn thương của việc đối phó với bệnh tâm thần, thêm vào, bạo lực hoặc rắc rối khác trong một gia đình.

Trẻ em sẽ luôn lớn lên trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, một số này tốt hơn một số khác. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể hài lòng với những thành tựu của chính mình vì tôi biết rằng xã hội của tôi ít nhất mang đến cho mọi người những cơ hội giống nhau - ít nhất là ngang với bất cứ nước nào trên thế giới vào lúc này - và so với những người khác, thành tích cá nhân của tôi là của riêng tôi, và không đơn giản là kết quả của việc được ban phát từ một nền tảng gia đình may mắn.

Ngoài ra, tôi có thể chạm tới giấc mơ của mình mà không cần phải chăm chăm dựa vào một điều mà hầu hết người Mỹ ngày nay đều phải đau đầu lo lắng là: tiền.

3. Tương lai của tầng lớp trung lưu

Đây là một lờ tuyên bố: Mỹ là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới và tầng lớp trung lưu của Mỹ là tầng lớp trung lưu tốt nhất thế giới. Phần đầu tiên của tuyên bố đó vẫn đúng. Phần thứ hai đã từng đúng nhưng không còn được lâu nữa. Một nghiên cứu về dữ liệu thu nhập ở các quốc gia khác nhau trong hơn 35 năm cho biết rằng thu nhập sau thuế của các gia đình trung lưu ở Canada - vốn đứng sau những người ở Mỹ năm 2000 - hiện có vẻ cao hơn so với nước láng giềng ở phía Nam. Thu nhập trung bình ở nhiều nước châu Âu vẫn theo sau người ở Mỹ, nhưng khoảng cách ở một số nước, như Na Uy và Thụy Điển, nhỏ hơn nhiều so với một thập kỷ trước. Xu hướng đó không đáng ngạc nhiên. Mặc dù kinh tế Mỹ đã tăng trưởng đáng kể trong vài thập kỷ qua, gia đình người Mỹ năm 2013 kiếm được không nhiều hơn so với năm 1988.

Thu nhập của người nghèo ở Mỹ còn tệ hơn nhiều. Một gia đình ở mức thứ năm thấp nhất, thu nhập ít hơn so với một gia đình mức tương tự ở Canada, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan hoặc Hà Lan. Ba mươi lăm năm trước điều ngược lại là đúng.

Nhưng con số chỉ nói lên một phần của câu chuyện. Từ phần thu nhập thực tế giảm, người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu cũng đang cố gắng trang trải chi phí gia tăng cho chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em và giáo dục. Trái lại, ở các nước Bắc Âu, cho dù mọi người kiếm được nhiều hơn hay ít hơn người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu hay tầng lớp thấp hơn, người dân Bắc Âu không cần phải trích ra từ thu nhập thực tế của họ để trang trải cho những lĩnh vực nói trên như người Mỹ. Mỹ vẫn cung cấp một số cơ hội để trở nên giàu có một cách tuyệt vời, nhưng đối với đại đa số người Mỹ, ngay cả một cuộc sống trung lưu thoải mái cũng trở nên khó khăn hơn để tiếp cận và duy trì.

 Các biện pháp để khôi phục lại sức sống của giấc mơ Mỹ đã được biết đến và sẵn có. OECD khuyến nghị ba bước để chống lại những thay đổi đã làm xáo trộn thị trường lao động: đầu tư vào lực lượng lao động bằng cách tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và trông giữ trẻ em; tạo ra những công việc tốt hơn mà trả nhiều tiền hơn, đặc biệt là ở các tầng lớp thấp hơn; và sử dụng một hệ thống thuế được thiết kế tốt để giảm bớt sự bất bình đẳng và tăng cơ hội.

Người Mỹ đã sẵn sàng cho những thay đổi này. Trong một khảo sát năm 2014 của Trung tâm nghiên cứu Pew, những người Mỹ được hỏi đã coi khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới hiện nay, trước cả sự thù hận tôn giáo và sắc tộc hoặc vấn đề môi trường. Các tiểu bang và thành phố đã tự mình tăng mức lương tối thiểu. Các dây chuyền thức ăn nhanh đã bắt đầu trả cho công nhân của họ mức lương cao hơn - một số thậm chí mười lăm đô la một giờ - trong khi vẫn kiếm được lợi nhuận. Nhà kinh tế học đoạt giải thưởng Nobel, Paul Krugman, đã chỉ ra rằng Hoa Kỳ thực sự có truyền thống lâu đời để những người có thu nhập lớn nhiều nhất và những người sở hữu tài sản lớn nhất đóng góp thuế nhiều hơn.

Các quốc gia Bắc Âu cung cấp một lộ trình rõ ràng để đối phó với sự bất bình đẳng đang gia tăng ở Mỹ. Một nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel khác, Joseph Stiglitz, đã lưu ý rằng Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy đều đã thành công trong việc đạt được thu nhập hoặc bình quân đầu người nhanh như Mỹ, nhưng với sự bình đẳng lớn hơn nhiều. Trong khi sự phân biệt giai cấp ở Mỹ trở nên gắn kết chặt hơn và sự linh động xã hội ngày càng trở thành một huyền thoại, thì ở các nước Bắc Âu, sự linh động đi lên là một thực tế lành mạnh.

Nhìn chung, người dân Bắc Âu ủng hộ sự dàn xếp bởi vì rõ ràng nó công bằng và thường hoạt động rất tốt. Những gì Phần Lan và các nước láng giềng của nó làm là thực thi điều mà nước Mỹ bây giờ chỉ thảo luận. Một công dân của Finland, Na Uy hoặc Đan Mạch ngày nay dường như vượt lên trên tình trạng kinh tế xã hội của cha mẹ mình hơn là một công dân Hoa Kỳ. Tất cả điều này có nghĩa là ở các nước Bắc Âu, người ta thực sự có thể tạo ra sự giàu có cho mình. Chính quyền ở các quốc gia Bắc Âu có xu hướng giống như một trọng tài, người đảm bảo rằng lĩnh vực này được cân bằng và tuân thủ các quy tắc, nhưng đứng ra bên đường và để các thực thể cạnh tranh xác định ai là người có điểm cao nhất. Nếu trọng tài dừng cuộc chơi và lấy điểm của những người chiến thắng và đưa họ cho những người thua cuộc, đó là điều mà một số người Mỹ dường như nghĩ xảy ra ở các nước Bắc Âu, tất nhiên không ai muốn chơi.

Mặc dù lý thuyết Bắc Âu về tình yêu có thể khiến các quốc gia Bắc Âu phải tìm ra công thức thành công mà họ đã phát triển và đưa vào sử dụng hiệu quả như vậy, nhưng không có gì vốn có sẵn. Ngày nay, nhiều người Mỹ thực sự nhìn thấy các vấn đề về thuế, bất bình đẳng thu nhập và cơ hội theo những cách phản ánh các giá trị cốt lõi giống như lý thuyết Bắc Âu về tình yêu, và đang hướng tới các chính sách phù hợp hơn cho các thách thức của thế kỷ 21.

Mỹ vẫn là đất nước mà người dân ở nơi khác trên thế giới ngưỡng mộ. Nó đã tạo ra một lối sống mà nhiều người trên thế giới chỉ có thể mơ ước, một cuộc sống ngập tràn tự do cá nhân, của cải vật chất và một mức độ tự do lựa chọn trong mọi thứ, từ mua sắm đến tôn giáo lẫn lối sống. Nước Mỹ tiếp tục chào đón người nhập cư và hàng triệu người bị thu hút bởi lời hứa về cơ hội và cuộc sống tốt hơn. Mỹ không nên để cho những tính năng thiết yếu tuyệt vời về bản thân mình bị mất đi. Thay vào đó, Mỹ có thể và nên làm nhiều hơn để bảo vệ chúng. Vì nước Mỹ đã đi trệch khỏi lý tưởng của chính mình và trong thực tế, người Mỹ ngày nay tận hưởng ít cơ hội hơn so với người dân của các quốc gia giàu có khác. Vùng đất của cơ hội cần phải mang lại cơ hội.

                                                                                                                                                                                                                                                                             

 

 

 

 



[1]https://www.theguardian.com/politics/blog/2012/may/21/ed-miliband-social-mobility-live

[2]https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-03-20/finland-ranked-world-s-happiest-country-for-second-year-running

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530565

Hôm nay

2125

Hôm qua

2312

Tuần này

2734

Tháng này

217261

Tháng qua

0

Tất cả

114530565