Du lịch xứ Nghệ

Cần một nhận thức đầy đủ hơn về du lịch văn hóa

Du lịch văn hóa đang và sẽ là một thế mạnh của du lịch Nghệ An bởi nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng và khá độc đáo. Đó là hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể có đặc điểm, diện mạo riêng, phản ánh lịch sử, truyền thống và bản sắc của các cộng đồng dân cư đã và đang tồn tại trên vùng đất xứ Nghệ. Và chính các đặc điểm, các giá trị nhân văn và sự tồn tại sống động của nó trong cuộc sống của các cộng đồng dân cư cũng là mục tiêu khám phá, tìm hiểu của khách du lịch. Nếu biết khai thác, biết biến nguồn tài nguyên thành các sản phẩm du lịch thì nhất định loại hình du lịch này sẽ đem lại nhiều kết quả to lớn, hiệu quả cao, cho cộng đồng trên nhiều phương diện, cả văn hóa và kinh tế.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chúng ta, hoặc chưa có một nhận thức đầy đủ, hoặc chưa chú trọng, hoặc chưa hội đủ năng lực và kinh nghiệm để phát triển loại hình du lịch này như có thể và mong muốn.

Trước hết, về nhận thức, không ít các cơ quan, tổ chức vẫn chưa đánh giá đúng tiềm năng và hiệu quả của loại hình du lịch này. Chúng ta vẫn chưa có một kiểm kê, đánh giá cần thiết trên cơ sở khoa học nguồn tài nguyên đáp ứng cho loại hình du lịch văn hóa. Hoặc có người đánh giá quá cao, hoặc có người đánh giá quá thấp. Không phải di sản văn hóa hoặc các giá trị văn hóa nào cũng là tài nguyên du lịch và cũng không phải tài nguyên nào cũng có thể trở thành sản phẩm để đáp ứng các nhu cầu của du khách. Chúng ta vẫn đang quá chú trọng đến các di sản có giá trị lịch sử hoặc các giá trị tồn tại trong trạng thái tĩnh mà ít chú ý đến các giá trị đang tồn tại trong sự tồn tại sống động của các cộng đồng dân cư; Chú trọng nhiều đến các giá trị vật thể mà chưa chú ý nhiều đến các giá trị phi vật thể; Chú trọng nhiều đến quảng bá, tiếp thị mà ít quan tâm tạo ra và trau dồi các sản phẩm phục vụ du khách. Chúng ta chú trọng nhiều đến khai thác tài nguyên mà ít chú ý sự tồn tại bền vững của nó; Chú ý nhiều đến hiệu quả kinh tế mà ít chú ý đến hiệu quả văn hóa và giáo dục; Chú ý nhiều đến lợi ích của nhà kinh doanh mà ít chú ý đến lợi ích của chủ nhân các nguồn tài nguyên. Trong kinh doanh du lịch văn hóa, chúng ta vẫn thể hiện vai trò của nhà kinh doanh mà không mấy thực hiện vai trò sứ giả văn hóa của cộng đồng, dân tộc. Thông điệp văn hóa vẫn đang bị mờ nhạt đằng sau các phép tính hiệu quả kinh tế… của các doanh nhân du lịch. Và cái đáng nói là chúng ta chú trọng khai thác chứ không quan tâm nâng niu bảo vệ các giá trị đích thực của các nguồn tài nguyên, làm cho nó không chỉ tồn tại bền vững mà còn được làm giàu hơn, phong phú hơn các giá trị qua sự bồi đắp của thời đại. Đó là một sự tận thu, một sự bóc lột quá khứ đáng phê phán. Đó là chưa nói đến nhiều cách làm thiếu khoa học trong cách ứng xử với các di sản văn hóa/tài nguyên du lịch. Nếu tiếp tục tình trạng này thì lợi ích kinh tế trước mắt sẽ bào mòn các giá trị văn hóa dân tộc.

Thứ hai, từ những nhận thức có thể còn phiến diện nêu trên, chúng ta, các nhà quản lý và các nhà kinh doanh du lịch, chưa tập trung nhiều nỗ lực để phát triển du lịch văn hóa. Bởi vậy, nhìn chung, nguồn tài nguyên này của chúng ta đang bị quên lãng hoặc đang bị phôi pha dần theo năm tháng, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể. Và vì vậy chúng ta chưa có một sản phẩm du lịch nào vừa có hàm lượng văn hóa cao, độc đáo, mang bản sắc xứ Nghệ lại vừa có hiệu quả kinh tế cao.

Thứ ba, hệ quả tiếp theo của cách nhận thức phiến diện, cách làm hời hợt là chúng ta chưa thể hình thành được một đội ngũ làm du lịch văn hóa chuyên nghiệp. Rất cần thiết phải có hai phẩm chất, một con người làm văn hóa và một con người kinh doanh trong một con người làm du lịch văn hóa. Điều đó đang là một khoảng cách lớn trong thực tại.

Thứ tư, chúng ta chưa định hình được, cả trong lý thuyết và thực tiễn, một mô hình giá trị của văn hóa du lịch nói chung và ngay trong hoạt động du lịch văn hóa nói riêng. Đây sẽ là một cách trở vô cùng lớn trong quá trình hội nhập để phát triển loại hình du lịch này ở tỉnh ta.

Du lịch văn hóa là đem lại các giá trị nhân văn của các cộng đồng, các dân tộc cho mọi người, để cùng và giúp mọi người khám phá những giá trị vô bờ bến của văn hóa, hướng mọi người đến Chân Thiện Mỹ thông qua các sản phẩm du lịch. Còn rất nhiều việc để làm cho sự mở mang và phát triển du lịch văn hóa, không chỉ ở Nghệ An mà là cả nước. Chậm trễ là có lỗi, nhưng không biết cách làm, làm ẩu cũng là có lỗi. Có lẽ, nên bắt đầu bằng những nhận thức khách quan và khoa học về Văn Hóa trước khi tìm cách khai thác nó với tư cách là một nguồn tài nguyên, một động lực của phát triển.

                                         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511618

Hôm nay

2281

Hôm qua

2336

Tuần này

21992

Tháng này

218491

Tháng qua

121356

Tất cả

114511618