Từ ý kiến cử tri và chất vấn của các đại biểu, đã làm phát lộ nhiều vấn đề lớn của giáo dục tỉnh nhà rất cần được quan tâm một cách nghiêm túc, đụng chạm tới chiến lược phát triển giáo dục và tương lai phát triển của tỉnh.
Đó là các vấn đề đầu tư cho giáo dục; chế độ đãi ngộ đối với giáo viên; chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; vấn đề đầu tư cho giáo dục mầm non; bạo lực học đường; học phí và chính sách, thủ tục miễn giảm; vấn đề tuyển dụng, cơ cấu giáo viên; vấn đề chuyển đổi loại hình trường; vấn đề chất lượng giáo dục… Trong đó có nhiều vấn đề nổi cộm, gây bức xúc, nhiều vấn đề còn có những quan điểm khác nhau.
Tại phiên thảo luận tại Hội trường, sau khi đại biểu phát biểu, ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD – ĐT đã có những ý kiến trao đổi, giải trình. Trước thắc mắc của cử tri về việc ngành giáo dục tham mưu cho UBND tỉnh mức thu lệ phí tuyển sinh vào THPT là 100 nghìn/em liệu có quá cao, có trái với chủ trương phổ cập giáo dục và giảm các loại đóng góp cho dân hay không, ông Lê Văn Ngọ cho biết ngành giáo dục đã tính toán theo hướng thu đủ chi, vì ngân sách các trường THPT không có mục dành cho hoạt động này. Mặt khác, sau khi học xong bậc THCS, các em học sinh còn có các con đường khác như học nghề, học bổ túc… Tuy nhiên, đại biểu vẫn chưa đồng tình với giải thích của ông Lê văn Ngọ, cho rằng mức thu như vậy là còn cao hơn cả lệ phí thi đại học. Đại biểu cũng nêu băn khoăn, quy định giảm giảm 50% học phí cho đối tượng học sinh có cha mẹ thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo rất khó triển khai, vì tiêu chí thu nhập bằng 150% thu nhập của người nghèo rất khó xác định. Ông Lê Văn Ngọ cũng thừa nhận đây đnag là một vấn đề nan giải, cần có sự đóng góp ý kiến, giải pháp của các cấp các ngành.
Khi ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD – ĐT đăng đàn chất vấn chiều ngày 9/10, hội trường “nóng” lên với những vấn đề được cử tri quan tâm. Với 3 vấn đề: Việc thực hiện một số chế độ chính sách đối với giáo viên đứng lớp chưa đúng theo quy định; tình trạng lạm thu ở các cơ sở trường học; bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng…., ông Giám đốc Sở đã phải đọc bản giải trình trong thời gian khá dài. Phải nói rằng đây là những vấn đề không mới, đã tồn tại qua nhiều năm, Sở GD – ĐT đã phối hợp với các ban ngành để giải quyết, song chưa có sự chuyển biến về căn bản, thậm chí có những biểu hiện nặng nề hơn (như tình trạng lạm thu, bạo lực học đường…).
Về vấn đề thực hiện chế độ phụ cấp đứng lớp cho giáo viên chưa đúng quy định ở nhiều địa phương, ông Lê Văn Ngọ cho rằng đây là do hậu quả của tình trạng giáo viên dôi dư, trong khi đó, một số huyện lại tiếp tục tuyển dụng, hợp đồng thêm những giáo viên mới, vì vậy, ngân sách càng eo hẹp. Ông Giám đốc cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về bộ phận quản lí giáo dục của một số huyện, và lãnh đạo Sở đã chỉ đạo kiên quyết để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên. Đến nay tình hình đã chuyển biến tốt, làm tốt nhất là Đô Lương. Các huyện còn lại hứa sẽ hoàn thành việc chi trả chế độ cho giáo viên trước tháng 1/2011. Ông Lê Văn Ngọ cũng nhận trách nhiệm của lãnh đạo ngành trong việc thiếu kiểm tra đốn đốc dẫn đến thiệt thòi quyền lợi cho giáo viên.
Vấn đề lạm thu trong các nhà trường, ông Lê Văn Ngọ thừa nhận có những cơ sở giáo dục tự ý đặt ra các khoản thu sai quy định như tiền bảo vệ, đồng phục…Nguyên nhân do ngân sách giáo dục eo hẹp, do một số trường vận dụng không đúng chủ trương xã hội hoá giáo dục. Tuy nhiên, qua kiểm tra các trường đều chi đúng mục đích, chưa phát hiện tiêu cực. Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Thị Quỳnh Anh (đơn vị Diễn Châu), ông Lê Văn Ngọ cho biết mỗi năm các trường huy động được khoảng 40 -45 tỷ đồng, ít hơn so với thời điểm còn khoản thu phí xây dựng bắt buộc (khoảng 60 tỷ đồng). Có những thông tin được đại biểu đưa ra khiến cả hội trường bất ngờ. Bà Cụt Thị Nguyệt (Kỳ Sơn) cho biết có địa phương như xã Keng Đu, dự án xây trường cao tầng xong rồi nhưng có đến 4 phòng học phải đóng cửa, bỏ trống vì không có bàn ghế. Nguyên nhân là do dự án chỉ đầu tư xây dựng trường, không đầu tư thiết bị, còn người dân thì quá nghèo không thể đóng góp được. Trong khi đó, ở địa bàn thành phố, có những trường bổ đầu học sinh chia đều mỗi em lên đến 495 nghìn đồng hay cao hơn chi phí xây dựng trường, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh cho biết. Trách nhiệm trong vấn đề này trước hết thuộc về nhà trường, và có phần của các cấp quản lí giáo dục.
Tình trạng bạo lực học đường khiến cả xã hội băn khoăn, lo lắng được ông Lê Văn Ngọ phân tích khá kĩ lưỡng, quy về các nguyên nhân thuộc về tâm sinh lí, về môi trường sống, về nhà trường…Nhưng chung quy lại là do trách nhiệm của người lớn, mà trước hết và quan trọng nhất là vai trò của gia đình.
Sau khi ông Lê Văn Ngọ đọc văn bản giải trình, có nhiều ý kiến trao đổi lại, chất vấn thêm, các cử tri theo dõi qua đài truyền hình cũng gửi câu hỏi cho ban thư kí. Trong đó theo chúng tôi có những điều rất đáng quan tâm như đầu vào ngành sư phạm ngày càng thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, vấn đề nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo trong xã hội, vấn đề phối hợp các lực lượng Gia đình – Nhà trường – Xã hội để giáo dục đạo đức cho học sinh, vấn đề giáo dục toàn diện… Mặc dù thời gian chất vấn và trả lời chất vấn đã dài, song còn những vấn đề chưa trao đổi được. Nhận xét về nội dung trả lời chất vấn của ông Lê Văn Ngọ, ông Trần Hồng Châu, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng nội dung trả lời đã rõ ràng, song cần cụ thể hoá hơn về các giải pháp, đặc biệt là ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém để xác định trách nhiệm của mình.
Từ kì họp HĐND, chúng tôi nhận thấy bức tranh giáo dục đang còn không ít mảng dở dang, màu sắc còn chưa tươi sáng. Ngành giáo dục đang tồn tại không ít những mâu thuẫn, nghịch lí cần được tập trung giải quyết, với một sự nỗ lực rất lớn và nhiều giải pháp mạnh, mang tính đột phá.
Thực tế đó thể hiện hai vấn đề, thứ nhất, cử tri, các tầng lớp nhân dân luôn quan tâm, mong muốn cho giáo dục phát triển, và thứ hai, quả thật, bản thân ngành giáo dục đang còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, để vươn lên xứng tầm trong thời đại mới.