Người xứ Nghệ
Hai danh nhân người Nghệ sinh năm Mão có công với triều Tây Sơn
Lăng mộ La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn. Ảnh: Hồ Hà
1. Đậu Yên (1759-1792)
Đậu Yên sinh năm Kỷ Mão (1759), mất năm Nhâm Tý (1792), quê ở làng (L.) Yên Dũng Hạ, nay thuộc phường (P.) Trung Đô và Bến Thủy, thành phố (TP.) Vinh, tỉnh (T.) Nghệ An. Ông là chú ruột của Đậu Khâm (1762-1792), cả hai đều là dũng tướng có nhiều công lao trong Khởi nghĩa Tây Sơn, do Hoàng đế Quang Trung lãnh đạo.
Theo gia phả họ Đậu và lời kể của các bô lão trong dòng họ, trong làng, Đậu Yên và Đậu Khâm sinh ra trong một gia đình nông dân kiêm nghề chài lưới ở hạ lưu sông Lam. Thời tuổi trẻ, ông và cháu thường tụ tập cùng đồng môn học tập, rèn luyện, bày trận địa đấu võ nghệ trên rú Quyết; lại tổ chức các đội thuyền đua tranh vẫy vùng rượt đuổi nhau ngược xuôi trên sông Lam cho đến tận biển Song Ngư. Ông thông minh, có sức khỏe, tiếp thu nhanh phái võ Hồng Lam, nên thường vô địch trong các cuộc thách đấu và sớm có tư chất của một vị tướng. Ông lại có lòng yêu nước, thương nòi, hay làm việc nghĩa nên được mọi người kính nể.
Thời Lê - Trịnh và Trịnh - Nguyễn phân tranh, xã hội nhiễu nhương, các thế lực lớn cạnh tranh ngấp nghé ngôi vua, lập chúa. Các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ ở khắp nơi trong nước. Triều đình Lê - Trịnh giao cho Quận Việp - Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776) làm Thống lãnh quân cơ đi đánh dẹp Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương, thắng trận được gia phong Đại tư đồ, kiêm trấn thủ Sơn Nam, tước Việp Quận công. Ông thu nạp được nhiều tướng giỏi dưới trướng, nổi tiếng như Quận Huy, Nguyễn Hữu Chỉnh… Hữu Chỉnh (? - 1787) người L. Cổ Đan, X. Đông Hải, H. Chân Phúc, nay là X. Phúc Thọ, H. Nghi Lộc, T. Nghệ An, con nhà phú thương Nguyễn Mẫn. Năm 16 tuổi đã đỗ Hương cống, rồi thi đỗ Tam trường khoa thi Tạo sĩ (thi võ), văn võ song toàn, tính phóng khoáng, thích giao du, được Hoàng Ngũ Phúc cho làm môn khách trong trướng, sau giúp việc cho Quận Huy (Hoàng Đình Bảo). Quận Huy bị giết, Hữu Chỉnh chạy vào Nam theo Tây Sơn. Đậu Yên được Hữu Chỉnh thu nạp làm tướng, có chiến công đánh địch, sau đầu quân cho Tây Sơn từ năm 1786. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, ông xông pha đánh địch nhiều trận, lập nhiều công tích. Giặc Thanh sang xâm lược nước ta, Đậu Yên là một bộ tướng tiên phong, dẫn quân vượt sông Gián Khẩu, diệt gọn đồn tiền tiêu của giặc, rồi cùng các đạo quân Tây Sơn khác nhanh chóng tiến vào Thăng Long, vây chặt đồn Hạ Hồi, buộc quân địch phải tháo chạy toán loạn. Ông tả xung hữu đột trên khắp các mặt trận, lập được nhiều chiến công, nên sau đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung ban cho ông tước Đô Yên hầu, Tham đốc Quận công. Cháu ông cũng lập nhiều công lao được ban chức Bắc Thành chánh quản hùng uy. Đâu Yên cùng cháu lại được giao nhiệm vụ làm tướng trấn giữ Đèo Ngang. Tại đây, ông đã trấn áp được bọn Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Tiến Tân thường hay đưa quân đến quấy phá quân Tây Sơn. Ngày 15/1/1792, trong một trận truy kích địch, Đậu Yên và cháu Đậu Khâm chẳng may cùng bị trúng tên tẩm độc và mất. Hai ông cháu được an táng tại Đèo Ngang. Đến năm 1797, họ Đậu và dân làng Yên Dũng Hạ mới cải táng, đưa hài cốt về chôn cất tại quê nhà, nay là vùng đất Phượng Hoàng Trung Đô và lập đền thờ (gần Trường Đại học Vinh). Đậu Yên được nhà Tây Sơn ban là Phúc thần và phong sắc là Đô Yên hầu, Tham đốc Quận công. Đậu Khâm được ban là Khâm phụng quân Bắc Thành, Chánh quản Hùng võ vệ, Thượng tướng quân. Thần Đậu Yên và Đậu Khâm linh thiêng hộ Quốc, phù dân, nên được triều Nguyễn về sau ban các sắc phong là Dực bảo Trung hưng đoan túc tôn thần.
2. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804)
Nguyễn Thiếp sinh năm Quý Mão 1723 - mất năm 1804. Người ở Mật thôn, X. Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, H. La Sơn, phủ Đức Quang, nay thuộc xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Dòng họ Nguyễn Thiếp nguyên quê gốc ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Thân sinh là Nguyễn Quang Nhuận, thân mẫu là người họ Nguyễn Trường Lưu (thuộc dòng họ Tiến sĩ Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự...). Ông húy là Minh, tự Quang Thiếp (sau kiêng húy bỏ chữ Quang - tên chúa Trịnh Giang), còn có tự Khải Xuyên, Hạn Ham, hiệu Lạp Phong Cư Sĩ, Bùi Phong Cư Sĩ, Cuồng Ẩn, Hạnh Am. Ông còn được tôn các hiệu: Lục Niên Tiên Sinh, Hạnh Am Tiên Sinh, Nguyệt Ao Tiên Sinh, La Giang Phu Tử; vua Quang Trung ban cho tên La Sơn Tiên Sinh.
Thời nhỏ, ông học chữ từ người chú là Tiến sĩ Nguyễn Hành, nên học rất giỏi. Khi Nguyễn Hành ra làm Hiến sát sứ Thái Nguyên đã gửi ông cho bạn thân là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm rèn dạy thêm. Chưa được 1 năm thì chẳng may chú ông đột ngột mất ở lị sở, ông đau buồn, phát bệnh bỏ đi lang thang, may được một cụ già ở thôn Vệ Hạ, xã Do Nhân đưa về chăm sóc, thuốc thang, rồi mới lần về được đến nhà.
Năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), Nguyễn Thiếp đi thi hương ở trường Nghệ An, khoa Quý Hợi và đậu Hương giải. Sau khi đậu, ông không có chí làm quan, nên không dự thi Hội, lui về ở ẩn, đọc sách Thánh hiền và du ngoạn đây đó. Ông lấy vợ là bà Đặng Thị Nghi, con gái của Thái bộc Đặng Thái Bàng ở Uy Viễn, Nghi Xuân.
Đến năm Mậu Thìn (1748), ông mới ra Bắc Hà dự thi Hội, do thầy học là Nguyễn Nghiễm thúc dục. Sách "Dã sử nhật ký" có ghi ông thi đậu Tam trường (Hội thí trúng tam trường). Năm Bính Tí (1756), ông được bổ chức quan Huấn đạo Anh Đô. Đến 1762, ông được bổ Tri huyện Thanh Giang (sau là Thanh Xuyên, rồi Thanh Chương). Năm 46 tuổi (Mậu Tí - 1768), ông xin từ quan, về xã Nam Hoa làm nhà trên núi Bùi Phong, thuộc dãy Thiên Nhẫn ở ẩn và dưỡng bệnh. Theo sách "Lê Mạt tiết nghĩa lục" và "Thối thực ký văn" của Trương Quốc Dụng thì nhà cửa (của Nguyễn Thiếp) tuy sơ sài, nhưng cũng được đặt tên thanh nhã, nhà ở là "Thận Tật am" (Am dưỡng bệnh), lại có "Vọng Vân đình" (Đình ngắm mây) và "Giới thạch trai" (nhà đá vững)...
Hàng ngày, ông đọc sách, dạy vài ba học trò lớn nhỏ, dạo chơi cảnh sơn thủy. Phong cảnh nơi đây rất nên thơ, đối diện là Hoàng Bảng, có Lục Niên thành (Vọng gác tiền tiêu của Bình Định Vương Lê Lợi), có suối Bộc Bố - thác nước tuôn reo suốt ngày đêm, trông như một dải lụa trắng; có ao Tiên thiên nhiên trong mát, phía dưới là dòng Lam trong xanh... là những đề tài thi hứng cho Hạnh Am Tiên sinh. Ông nổi danh xa gần và được tôn gọi là Lục Niên Tiên sinh. Hoàng giáp Bùi Huy Bích, làm Hiệp trấn Nghệ An có gửi thư ca ngợi ông:
"Khác người chỉ có một ông
Ấn quan trao trả, non sông thỏa tình
Người ta trỏ Lục Niên Thành
Nam Sơn cạnh núi náu mình am Ông..."
(La Sơn Hoàng Xuân Hãn dịch)
Ông có bài thơ đáp :
"Hoan Châu xưa chịu lính
Tài lực chẳng còn bao
Huống hai ba năm nay
Mùa mất biết nhờ đâu
Dân mười phần, năm, sáu
Chết đói với phiêu lưu...
Giám nhờ quan Thừa truyền
Hết lòng cứu nguy nhau"...
Nhờ đó, quan Hiệp trấn có nới tay với dân trong trấn.
Năm Canh Tí (1780), Chúa Trịnh Sâm triệu ông vào Kinh, đến tháng 2, năm Tân Sửu (1781) mới về. "Gia phả" chép: "Chúa Trịnh Sum nghe tiếng cụ, sai người mời ra Đông Kinh để lo việc nối ngôi vua Lê (định cướp ngôi). Cụ ra bảo làm thế không phải, nên rốt cuộc Chúa không dùng".
Năm 61 tuổi (1783), ông soạn tập "Hạnh am thi cảo" (tập hợp các bài thơ của ông sáng tác) và viết bài "Hạnh am ký" lược thuật cuộc đời mình qua 60 năm bất như ý.
Cuối năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ sai người đưa thư và vàng lụa lên núi Bùi Phong mời ông ra giúp việc. Ông gửi trả vật phẩm, có thư phúc đáp với cớ mình kém cỏi, tuổi cao yếu đau và lo việc hương hỏa gia đường để thoái thác. Nguyễn Huệ còn thư từ tha thiết mời ông đến hai lần nữa với lời lẽ chân thành, cầu thực, nhưng ông vẫn từ chối.
Đến tháng 4 năm Mậu Thân (1788), trên đường ra Thăng Long trừ Vũ Văn Nhậm, dừng lại ở Lam Thành (Hưng Nguyên), Nguyễn Huệ bèn gửi thư khẩn thiết mời ông xuống hội kiến "Nay thiên hạ khốn khổ, không cùng Phu Tử cứu gỡ thì không biết cùng ai...". Ông đành xuống núi "Gia phả" chép: Cụ đến, Huệ trách rằng: "Đã lâu nghe đại danh. Ba lần cho tới mời, Tiên sinh không thèm ra. Ý Tiên sinh cho quả nhân là thằng giặc nhỏ không đủ làm anh hùng trong thiên hạ chăng ?".
Cụ trả lời: "Hơn 200 năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được, lại lập nhà Lê. Với danh nghĩa chính thì anh hùng ai lại chẳng theo. Nếu giả tiếng danh nghĩa, nói dối tôn vua để lấy tiếng thì lại hóa ra một kẻ gian hùng ".
Huệ bèn đổi sắc mặt, ngồi dịch ra mà tiếp đãi rất trọng...
Nguyễn Huệ đã ủy cho ông giúp việc xem đất dựng đô ở Phù Thạch (Lam Thành), rồi ở Yên Trường (tức Phượng Hoàng Trung Đô).
Cuối năm 1788, được tin cấp báo 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ theo lời khuyên của các tướng, đắp đàn ở phía Nam núi Ngự Bình làm lễ tế cáo trời đất rồi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, ngày 25, Quang Trung lập tức ra lệnh xuất quân tiến ra Bắc đánh đuổi quân Thanh. Ngày 29, đại quân ra đến Nghệ An, đóng lại 10 ngày để tuyển thêm quân, được thêm hơn một vạn quân tinh nhuệ. Vua Quang Trung tổ chức cuộc duyệt binh lớn, lại triệu La Sơn Phu Tử đến dự và hỏi kế đánh quân Thanh:
"Quân Thanh sang đánh, nay ta đem quân chống cự, về kế công thủ và được thua Tiên sinh cho biết thế nào?"
Thấy được khí thế quyết tâm diệt giặc của binh sĩ Tây Sơn và lòng nhiệt tình ủng hộ của dân chúng, Nguyễn Thiếp trả lời:
"Nay trong nước trống không, lòng người ly tán. Quân Thanh ở xa lại, tình hình quân ta sức mạnh, sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa Công ra chuyến này chẳng qua 10 ngày là giặc Thanh sẽ tan" (1)
Lời Phu Tử rất hợp với ý của Quang Trung. Nhà vua đã quyết định một chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh trong toàn bộ chiến dịch này. Đây là một cuộc tiến công thần tốc chưa từng có trong lịch sử từ trước cho đến lúc bấy giờ và đã nhanh chóng đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Sau ngày đại thắng quân Thanh (Xuân Kỷ Dậu - 1789), vào tháng 3, Vua Quang Trung về đến Nghệ An, lại mời Phu Tử đến bàn quốc sự. Vua lại cấp cho ông thêm thuế để làm Tuế Bổng thuộc xã Nguyệt Ao, quê ông. Ông dâng sớ từ chối, nhưng nhà vua lại xuống chiếu buộc ông phải nhận:
"Trẫm ba lần xa giá Bắc Thành, Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng "Một lời nói mà nổi cơ đồ". Tiên sinh hẳn có thế chứ không phải là hạng người bo bo làm việc gần mình mà thôi. Gần đây, vì Trẫm không biết lấy gì tỏ tình đãi hiền, nên đặc ban một xã làm lễ ưu lão. Ấy là Trẫm bởi lòng rất thành thật...".
La Sơn Phu Tử đã thật sự ra hợp tác với nhà Tây Sơn và được Quang Trung coi là bậc thầy rất trọng vọng. Nhà Vua mong muốn và đã sử dụng được tài năng "Kinh bang tế thế" của Phu Tử và cũng muốn lấy đó làm ảnh hưởng để thu phục Sĩ phu Bắc Hà vốn rất kính phục ông.
Đầu tháng 7 năm Tân Hợi (1791), nhận được chiếu triệu vào Kinh của vua Quang Trung, Phu Tử đã vào Phú Xuân và dâng lên vua bản tấu bàn về 3 việc mà ông cho là thiết yếu nhất. Đó là: Bàn về "Quân đức", "Nhân tâm", "Luật pháp học" và đều lấy "Dân" làm gốc... "Sự đạo thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình chính mà thiên hạ trị".
Chưa đầy 10 ngày sau cuộc hội kiến, Nguyễn Thiếp vừa về đến núi Bùi Phong thì nhận được chiếu của vua Quang Trung:
"Ông tuổi đức đều cao, tất cả Sĩ phu đều trông ngóng như núi Thái Sơn, Sao Bắc đẩu. Nay trong nước đã yên. Trẫm toan hưng khởi chính học. Ông đã lấy học thuật biện rõ bên tà, bên chính trong phép học. Trẫm rất vui lòng. Trẫm định đặt Sùng chính Thư viện ở Vĩnh Kinh, tại núi Nam Hoa, ban cho ông làm chức Sùng chính Viện Viện trưởng. Cho ông hiệu La Sơn Tiên sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy...
Từ rày, phàm trong các viên tư nghiệp, đốc học, mỗi năm nếu có ai học hay, hạnh tốt thì sẽ kê quê quán, tên họ đạt đến thư viện, giao cho ông khảo sát đức nghiệp và hạnh nghệ, tấu lên triều để chọn mà dùng.
Ông nên giảng rõ đạo học dùng đức nhân tâm để cho xứng với ý trẫm khen chuộng kẻ tuổi cao, đức lớn"...
Nhà vua lại ủy cho ông việc dịch các sách Tiểu học, Tứ thư, Kinh thư, Thư dịch từ chữ Hán ra Quốc âm, để phục vụ cho chính sách cải cách giáo dục triều Tây Sơn - dùng chữ Nôm làm chính thống. Giúp việc này, cùng ông còn có các Nho sĩ nổi tiếng đương thời, như Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Tiến sĩ Phan Tố Định, Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, v.v...
Chí hướng tốt đẹp của Phu Tử vừa hòa cùng nhịp đập trái tim lớn - minh quang của người Anh hùng áo vải thì bỗng đột ngột vua Quang Trung mất vào ngày 22 tháng 7 năm Nhâm Tý (16/9/1792). Sau đó, Nguyễn Thiếp trả hết bổng lộc cho triều đình Quang Toản, sống cảnh hàn Nho trên núi Bùi Phong cho đến cuối đời. Ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (đầu năm 1804), Phu Tử không bệnh mà mất, thọ 81 tuổi. Trái tim của một bậc cái thế ngừng đập trong nỗi u hận, nhưng cũng đủ lưu lại cho hậu thế một nhân cách lớn - ưu dân, ái quốc của một kẻ sĩ.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số tết Quý Mão 2023)
Chú thích:
(1) Hoàng Xuân Hãn. La Sơn Phu Tử .- H.: Giáo dục; 1998, Tr.1051
Tài liệu tham khảo:
- Danh nhân Hà Tĩnh - Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, 1998
- Danh nhân Quân sự Việt Nam: T.2.- H.: Quân đội nhân dân, 2006
tin tức liên quan
Videos
Luận bàn về văn hóa ứng xử
Từ “Vịnh” đến “Vinh”
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Hồi sinh trang phục truyền thống người Ơ Đu
Phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ trên không gian số
Thống kê truy cập
114521076
2153
2291
22117
219015
121009
114521076