Đất Nghệ

Truyền thống yêu nước và cách mạng của dòng họ Đặng làng Lương Điền

Về với vùng đất Thanh Chương chúng ta không thể không nhắc đến dòng họ Đặng làng Lương Điền. Với hơn 350 năm tồn tại và phát triển, dòng họ Đặng đã xây dựng cho mình nhiều truyền thống tốt đẹp,  trong đó nổi bật nhất là truyền thống yêu nước và cách mạng.

Từ thế  kỷ thứ XVII, thủy tổ Đặng Quang Uy đã có nhiều đóng góp để bảo vệ quê hương đất nước, từng được sắc phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân. Về sau, có Tri huyện Đặng Thai Giai, treo ấn từ quan về ủng hộ nghĩa quân Phan Đình Phùng, hay Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Đặng Quý Hối, … là những yếu nhân của Hội Duy Tân do Phan Bội Châu sáng lập. Rồi Đặng Thai Mai ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường đã tham gia hoạt động cách mạng thông quan hội Tân Việt, hội Việt Nam thanh niên, nhiều lần bị bắt giam. Không những vậy, những người con gái của dòng họ cũng tích cực tham gia hoạt động cách mạng ở Xiêm như bà Đặng Thị Quỳnh Anh, Đặng Thị Hợp… Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dòng họ Đặng làng Lương Điền đã có hơn 10 người con tham gia phong trào yêu nước và cách mạng, trong số đó có 04 người đã trở thành những tấm gương cộng sản Nghệ An: Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Đặng Thai Mai và Đặng Thị Quỳnh Anh. 

 

* Đặng Thai Giai (1841 - 1918)

Đặng Thai Giai tên tự là Thai Hài, sinh năm Tân Sửu (1841) tại làng Lương Điền, xã Bích Triều, tổng Bính Triều (nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương). Từ nhỏ, Đặng Thai Giai đã thể hiện tư chất thông minh, nhanh nhẹn, có chí khí và rất cương trực.Năm Mậu Dần (1878) ông dự kỳ thi Hương và đậu Cử Nhân. Theo sách “Khoa bảng Nghệ An (1075-1919)” của Đào Tam Tỉnh cho biết: “ Đặng Thai Hài, người xã Lương Điền, nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương. Đậu khoa Mậu Dần -Tự Đức 31 (1878)”. Đặng Thai Giai được xem là người khai khoa cho làng Lương Điền thời Nguyễn. Trong lời tựa cuốn gia phả họ Đặng, Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục đã viết: “Thế là họ Đặng đã khai khoa cho cả vùng([i]). Sau khi đậu Cử nhân, ông đượcbổ làm Huấn đạo ở tỉnh Quảng Trị. Một thời gian sau Đặng Thai Giai lại được cử ra huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa giữ chức Tri huyện. Chính vì vậy, nhân dân trong vùng thường gọi Đặng Thai Giai với cái tên kính trọng là “Cụ huyện Đặng”.

Đặng Thai Giai với bản tính cương trực thẳng thắn, lại là một trí thức nho học, có tinh thần tự tôn dân tộc nên khi thực dân Pháp vào Trung Kỳ ông đã không cam chịu làm tay sai cho giặc nên đã “treo ấn từ quan” trở về quê nhà hưởng ứng phong trào Cần Vương mà trực tiếp là liên kết với tướng Cao Thắng([ii]) lúc này đang đóng quân ở đồn Nu thuộc địa bàn làng Lương Điền để đánh giặc. Điều này cũng được Đặng Thai Mai chép trong hồi ký: “ Năm giặc Pháp đánh tỉnh Thanh Hóa… ông nội tôi treo ấn từ quan, đem gia đình về quê… Ông nội thì sau ngày về làng cùng ông em ruột hưởng ứng lời hiệu triệu của cụ Phan Đình Phùng và cộng tác với đề Thắng([iii])

Từ khi ông cáo quan về quê nhà thì ngôi nhà của ông đã trở thành nơi gặp gỡ đàm đạo bí mật của nghĩa quân Cần Vương cùng các sĩ phu yêu nước trong đó có cụ Phan Bội Châu nhằm tìm ra con đường cứu nước cứu dân. Hồi ký của Đặng Thai Mai chép: “Ngôi nhà quê làng Lương Điều là chỗ đi lại của nhiều nhà chí sỹ như Phan Bội Châu, Ngư Hải, Tùng Nham, cùng với nhiều thanh niên, học sinh bàn bạc công việc mở hội cày, hội buôn, chọn học sinh đi du học”.[iv]

Năm 1915, Thực dân Pháp bắt và kết án Đặng Thái Giai vì tội ủng hộ nghĩa quân Phan Đình Phùng. Mãn hạn tù, chúng không cho ông về nhà mà quản thúc tại Vinh. Đến năm 1918, Đặng Thai Giai ốm nặng, thực dân Pháp cho chuyển về quê 10 ngày sau thì ông qua đời.   

 

* Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn (1866-1923)

Nhà thờ Đặng Nguyên Cẩn

Đặng Nguyên Cẩn còn có tên là Đặng Thai Nhẫn, hiệu là Thai Sơn, là con trai đầu của cử nhân Đặng Thai Giai và bà Đinh Thị Hoan([v]). Ông sinh năm Bính Dần (1866). Đặng Nguyên Cẩn là người thông minh, học giỏi, có chí khí. Năm Mậu Tý (1888), lúc này ông lấy tên là Đặng Thai Nhẫn tham gia kỳ thi Hương đậu Cử nhân. Theo “Khoa bảng Nghệ An (1075-1919)” của Đào Tam Tỉnh cho biết “Đặng Thai Nhẫn người làng Lương Điền, nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương đậu khoa Mậu Tý - Đồng Khánh 3 (1888)”([vi]). Sau khi đậu Cử nhân, ông được cử giữ chức Huấn Đạo huyện Hưng Nguyên. Năm Ất Mùi (1895), ông đổi tên là Đặng Nguyên Cẩn tham gia kỳ thi Hội và đậu Phó bảng. Ông được bổ vào làm việc tại Quốc Sử quán ở kinh thành Huế. Tại nơi đế đô này, Đặng Nguyên Cẩn có điều kiện nghiên cứu tân thư, tân văn và quen biết các chí sỹ duy tân đến từ các địa phương trong cả nước. Theo Đặng Thai Mai hồi ký có chép: “Dầu sao đế đô hồi này cũng đang tụ tập được một số trí thức nổi tiếng “hay chữ”  và có tâm huyết. Mấy năm làm “kinh quan”, ông thân tôi đã có dịp liên lạc với các vị chí sĩ như Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Đào Nguyên Phổ…Thư phòng chật hẹp của ông Thai Sơn trong nội thành cũng là nơi các bạn thanh khí gặp nhau, bàn bạc từ văn chương thơ phú, đến tình hình nước nhà và thế giới. Đây cũng là nơi gặp gỡ nhiều bạn tâm giao trước đây như Phan Bội Châu, Ngư Hải.v.v…([vii])

Sau một thời gian làm việc ở Kinh đô Huế, Đặng Nguyên Cẩn được bổ làm Đốc học([viii]) tỉnh Nghệ An. Trong thời gian này, ông đã tích cực tham gia và ủng hộ Duy Tân Hội do người bạn đồng môn là Phan Bội Châu khởi xướng nhằm mở mang dân trí, bồi dưỡng dân khí.Trước khi Phan Bội Châu xuất dương, Đặng Nguyên Cẩn đã nói với Phan tiên sinh như sau: “Anh cứ việc đi. Còn ở trong nước đang cần kíp nhất là những việc khai dân trí, thực dân tài, những việc đó tôi với anh em như ông Tập Xuyên([ix]) có thể gánh nổi([x])

Để có thêm kinh phí ủng hộ phong trào Đông Du cũng như làm quen với tổ chức hội buôn, vào năm 1906, Đặng Nguyễn Cẩn cùng một số người khác thành lập hiệu buôn với tên gọi “Triêu Dương thương quán”.

Năm 1907, triều đình điều ông vào làm Đốc học tỉnh Bình Thuận. Đến năm 1908, vì tích cực tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ nên ông bị kết án 13 năm tù khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo([xi]) cùng với các sĩ phu tiêu biểu như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh… “Kẻ thù đã kết án và đày ra Côn Đảo cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn (số tù 7448), Ngô Đức Kê cùng hàng chục thân sỹ Bắc, Trung, Nam([xii]).

Suốt trong thời gian phụ trách việc giáo dục ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận đi đến đâu ông cũng đưa tư tưởng mới dạy cho học trò, ra sức truyền bá tư tưởng duy tân, cổ súy cho nền tân học, nhằm cổ vũ lòng tự tôn dân tộc và tinh thần yêu nước cho giới trí thức trẻ. Nhận xét của Thi Bằng về Đặng Nguyên Cẩn như sau:“Trong buổi tân cựu giao thời, ông Đặng Nguyên Cẩn cũng như ông Trần Quý Cáp, chính là người gieo mầm tân học trong nước….Học thuyết Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu bấy giờ lan rộng ở xứ ta một phần lớn là nhờ sức tuyên truyền của ông”([xiii])

Đặng Nguyên Cẩn là một văn thân yêu nước tiến bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã có nhiều đóng góp cho phong trào Duy Tân, Đông Du của nước nhà và là một tác gia nổi tiếng với nhiều tác phẩm thơ văn yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.“Ông từng được giới sỹ phu nhất trí tôn là bậc đàn anh về đạo đức và học vấn, các ông Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…đều tỏ rõ sự kính trọng và khâm phục Đặng Nguyên Cẩn([xiv])

Huỳnh Thúc Kháng đã phác họa chân dung Đặng Nguyên Cẩn trong tập Thi tù tùng thoại như sau: “Cụ Đặng Nguyên Cẩn, một nhà túc nho, sĩ phu Nghệ - Tĩnh xem như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu, là một người bạn già của Phan Bội Châu. Vóc người nhỏ bé, mặt mũi đen xạm, ngoài văn học ra không biết thứ gì! Tướng cụ xấu, nếu không quen biết mà gặp cụ lần đầu tất cho là một người không biết “chữ nhất là một”, mà ai dè trong bụng như một kho sách, khí áp ngàn cân, cái ngòi bút cổ cảnh không ai sánh, cùng với cái tướng xấu quê đen quạm kia, hiệp thành cái lạ mà người đời ít có([xv])

 

* Tú Tài Đặng Thúc Hứa (1870 - 1931)

Đặng Thúc Hứa còn gọi là Ngọ Sinh, ông sinh năm 1870, là con thứ 2 của ông Đặng Thai Giai và là em trai của Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn. Năm Canh Tý (1900), ông tham gia kỳ thi Hương và đậu Tú tài nên còn gọi là Tú Hứa.

Năm 1905, Đặng Thúc Hứa tham gia Duy Tân Hội và được giaophụ trách việc quyên góp kinh phí cho thanh niên Đông Du. Năm 1908, Đặng Thúc Hứa sang Trung Quốc và được Phan Bội Châu giao cho nhiệm vụ sang Nhật Bản mua súng chuyển về nước để ủng hộ cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Điều này được chép trong Phan Bội Châu niên biểu như sau: “ Cuối tháng Hai năm ấy, đụng ông Ngọ Sinh([xvi]) ở trong nước ra mang số bạc ông Ngư giao cho tôi là 2500 đồng hơn….Trước đưa 2000 cho ông Ngọ Sinh, ông Đặng Tử Mẫn qua Nhật mua súng([xvii])

Năm 1909,([xviii])  Đặng Thúc Hứa được Phan Bội Châu phái sang Xiêm xây dựng cơ sở cho cách mạng, ông được xem là người đầu tiên khai phá ra hướng “Tây Du”. Theo cuốn “Lịch sử Nghệ Tĩnh tập 1” cho biết: “Đáng chú ý là hướng xuất dương trong những năm chiến tranh (chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) không còn là sang Nhật mà đi sang Xiêm, rồi Trung Quốc nơi Phan Bội Châu đang hoạt động. Người đầu tiên có công khai phá ra hướng đi này là Đặng Thúc Hứa)”([xix]) Từ đây bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài của Đặng Thúc Hứa trên đất Xiêm.

Năm 1909, Đặng Thúc Hứa sang Xiêm mở trại cày. Trong giai đoạn từ năm 1909 - 1924, các cơ sở Việt Kiều ở Xiêm phát triển mạnh. Lúc này, Đặng Thúc Hứa đi đến những nơi có Kiều bào sinh sống để cố kết họ hướng về tổ quốc, kiên trì xây dựng cơ sở trong Kiều bào để làm hậu cứ cho cách mạng và chuyên tâm dạy dỗ lớp thiếu niên để đào tạo lớp người thay thế mình làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Đi theo tiếng gọi của phong trào Đông Du, hàng trăm thanh niên yêu nước của Nghệ Tĩnh đã vượt núi, băng rừng sang trại cày của Đặng Thúc Hứa rồi sang Trung Quốc để hoạt động, trong số đó có nhiều người con ưu tú đã trở thành những yếu nhân quan trọng trong phong trào cách mạng Việt Nam như: Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu... “Thông thường những thanh niên Việt Nam xuất dương sang Xiêm đều qua trạm đón tiếp ở Phì Chịt rồi mới qua U Đon để dự lớp huấn luyện chính trị. Học viên nào tiến bộ nhanh, Đặng Thúc Hứa sẽ sắp xếp mọi thủ tục, kinh phí cần thiết để gửi họ sang Quảng Châu, nơi có nhiều nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động, dự các lớp huấn luyện chính trị. Trong số đó có những người về sau đã trở thành những nhân vật nổi tiếng như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong…tính từ năm 1909 đến năm 1925 đã có hàng trăm thanh niên Nghệ - Tĩnh ra đi theo bước chân Đặng Thúc Hứa”([xx])

Cuối năm 1927, đầu năm 1928, do tình hình ở Trung Quốc rất phức tạp, Chính phủ Quốc dân Đảng lùng sục gắt gao để bắt cán bộ của ta nên Tổng bộ Hội Thanh niên đã chỉ đạo các lớp huấn luyện chính trị dài hạn ở Quảng Châu chuyển sang Xiêm để tiếp tục học tập cho hết chương trình cũng như mở thêm các khóa mới. Đồng chí Võ Mai đã từng được Tổng Hội Thanh niên giao nhiệm vụ đưa cán bộ sang huấn luyện ở Trại Cày của Đặng Thúc Hứa tại U Đon, Xiêm([xxi]). Điều này cũng được thể hiện qua Thông cáo của chánh mật thám Viên Chăn (Lào) gửi Toàn quyền Đông Dương về hoạt động của cụ Tú Hứa ở Xiêm ngày 12 tháng 5 năm 1927 cho biết: “Trường học cộng sản thành lập hồi tháng sáu âm lịch năm ngoái do Tú Hứa được bố trí trong một ngôi nhà sàn bằng tranh. Các lớp học dạy bằng chữ Quốc ngữ do các giáo viên Nho Chương và Đặng Đậu tên này là cháu của Tú Hứa từ Trung Quốc sang năm ngoái… trường học này có khoảng ba chục học sinh tất cả là người Việt, hiệu trưởng là Lê Nghĩa tức Nho Bang. Tài chính của trường do một hội bí mật ở Xiêm gọi là hội Thân Ái cung cấp([xxii]).

Tháng 3 năm 1928, Nguyễn Ái Quốc sang Xiêm để vận động cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã gặp Đặng Thúc Hứa và các hội viên của hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đây. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã dựa vào các cơ sở cách mạng ở Xiêm do Đặng Thúc Hứa gây dựng để tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo thêm nhiều cán bộ cốt cán gửi về hoạt động cách mạng trong nước.  Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương cũng có đoạn chép: “Sự kiện này chứng tỏ trại cày của Đặng Thúc Hứa là nơi nuôi dưỡng, hun đúc biết bao thanh niên trở thành cán bộ cách mạng, là một căn cứ địa quan trọng để bảo vệ lực lượng cách mạng, duy trì việc huấn luyện, truyền bá chủ nghĩa Mác –Lenin qua Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc về trong nước. Hơn thế nữa, chính nơi đây là cái nôi để hình thành “Đông Dương viện trợ bộ”, góp phần quyết định cho việc phục hồi các Đảng bộ Nghệ An – Hà Tĩnh vào những năm 1933 - 1934”([xxiii]).

Hồ Chí Minh đã đánh giá những cống hiến của Đặng Thúc Hứa cho phong trào cách mạng Việt Nam tại Xiêm như sau: “Đặng Thúc Hứa là yêu nước cách mạng chân chính của Việt kiều, người có công xây dựng các cơ sở quần chúng cách mạng ở Xiêm, có công lớn trong việc dạy dỗ và đào tạo thanh niên trở thành những hạt nhân đầy nhiệt huyết trong phong trào cứu quốc và cách mạng ở hải ngoại với tư cách là một người hiệu triệu quần chúng Việt Kiều trên đất Xiêm([xxiv])

Ngày 12/2/1931, sau chuyến công tác từ Xiêm Mây về UĐon, Đặng Thúc Hứa đã lâm bệnh và qua đời, mộ ông được táng tại chùa Bản Chích,  xã Mạc  Khen, huyện Mường, tỉnh U Đon Thani, Thái Lan.

 

* Giáo Sư Đặng Thai Mai (1902-1984)

Đặng Thai Mai là con trai của Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn. Ông sinh ngày 25 tháng 12 năm 1902, tại làng Lương Điền (nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Được sinh ra trong đại gia đình cách mạng nên từ sớm Đặng Thai Mai đã hình thành tư tưởng yêu nước. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã tích cực tham gia các phong trào cách mạng. Trong thời gian này ông kết bạn với Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Quang Phiệt là những người bạn cùng quê hương Thanh Chương có cùng chí hướng đấu tranh cách mạng. Đến ngày 14/7/1925, các ông đã cùng với một số sinh viên và tù chính trị cũ tại Trung kỳ thành lập ra hội Phục Việt([xxv]).

Nhà thờ Đặng Thai Mai

Năm 1925, Đặng Thai Mai ra Hà Nội học Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Đây là thời kỳ Đặng Thai Mai tham gia nhiều hoạt động cách mạng như: phong trào biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và hoạt động tích cực trong tổ chức đảng Tân Việt.

Năm 1928, Đặng Thai Mai tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương được bổ vào Huế dạy trường Quốc học. Tại Huế, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và nhiều lần bị bắt giam.

Trong thời kỳ mặt trận dân chủ (1936 - 1939), Đặng Thai Mai hoạt động rất sôi nổi và có nhiều công hiến cho sự nghiệp cách mạng. Năm 1936, Đặng Thai Mai được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu ra ứng cử và Viện Dân biểu Trung Kỳ, ông vừa dạy học vừa tham gia viết sách báo nhằm tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về xây dựng nền văn hóa mới cho nước nhà.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đặng Thai Mai được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cũng như làm quản lý ở các cơ quan, ban ngành như: Đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hóa (1947-1948), Hội trưởng Hội Văn hóa Việt Nam(1948 - 1949), Giám đốc Trường Đại học Văn hóa Liên khu IV (1950), Giám đốc Sở Giáo dục liên khu IV. Liên tục là đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ khóa I đến khóa V, Viện trưởng Viện Văn học (1960 - 1976) và Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam… nhưng công việc ông gắn bó lâu nhất là nghề giáo. Có thể nói đó là nghề nghiệp chính, ông đã làm từ khi mới bước vào đời cho đến tận khi trút hơi thở cuối cùng.

Trong điếu văn vĩnh biệt ông, nhân danh Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Huy Cận nói: “Đặng Thai Mai dạy học với tấm lòng say mê của “một nhà truyền giáo”. Trong dạy học, thầy luôn tâm niệm dạy làm sao để trò có thể phát triển và đi sâu, đi xa hơn mình vì kiến thức là vô bờ. Chính bản thân thầy cũng luôn tự nhận mình là bậc thang để học trò có thể trèo lên những nâng thang mới ngày càng cao hơn.”

Đặng Thai Mai xứng đáng với lời giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I (1946), khi đề cử ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục; “Một người đã lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ([xxvi]).

Trong lĩnh vực văn học của nước nhà Đặng Thai Mai được đánh giá là học giả lỗi lạc. Ông là người tiên phong biên soạn bộ lí luận văn học đầu tiên và cũng là lí luận văn học mác xít. Disản lí luận văn học phong phú của Giáo sư Đặng Thai Mai để lại sẽ là kho tàng cho lớp hậu sinh kế thừa và phát triển.

Do những cống hiến về hoạt động xã hội, chính trị và văn hóa nghệ thuật, năm 1982, Đặng Thai Mai đã được chính phủ nước CHXHXN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minhvà được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I vào ngày 10/9/1996 tại Quyết Định 991 KT/CTN cho các công trình nghiên cứu xuất sắc của ông về văn học Việt Nam và văn học thế giới.

Đặng Thai Mai đã có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực và thực sự trở thành nhà cách mạng, nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo, nhà văn hóa. Người đời đã ca ngợi và đánh giá ông ở nhiều góc độ nhưng tựu trung vẫn nhất trí cao rằng ông là người Việt Nam trong sáng và mẫu mực, tài năng và đức độ.

Đặng Thai Mai mất ngày 25 tháng 9 năm 1984 trong sự tiếc thương của gia đình người thân, nhiều thế hệ học trò, bạn bè, giới tri thức, độc giả và nhân dân Việt Nam.

 


[i] Gia phả họ Đặng, làng Lương điền, tr 3

[ii] Cao Thắng hay còn gọi là Đề Thắng người Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh,Cao Thắng sớm tham gia nghĩa quân và trở thành trợ thủ đắc lực của thủ lĩnh Phan Đình Phùng trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê, ông  là vị chỉ huy dũng cảm và xuất sắc của lực lượng nghĩa quân.

[iii] Đặng Thai Mai hồi ký, tr120

[iv] Đặng Thai Mai hồi ký, tr124

[v] Bà Đinh Thị Hoan là con gái của Tiến sỹ Đinh Nho Điền, là chị gái của Ngự sử Đinh Nho Điển, con cháu dòng họ Đinh nổi tiếng huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Bà Đinh Thị Hoan là một người phụ nữ thông minh, đảm đang và có tinh thần yêu nước, chấp nhận hy sinh mất mát để ủng hộ chồng, con tham gia các phong trào yêu nước, cách mạng. .

[vi] Đào Tam Tĩnh, 2005, Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919), NXB Nghệ An, tr242

[vii]  Đặng Thai Mai hồi ký, tr63,64

[viii] Từ sau cải cách năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), Đốc học là một trong bốn quan cấp tỉnh (Bố chính, Án sát, Đốc học, Lãnh binh) hợp thành một bộ tham mưu thân cận nhất của Tổng đốc để chỉ đạo hoạt động ở tỉnh và ở các cấp phủ, huyện, tổng, xã

[ix] Tập Xuyên tên hiệu của Ngô Đức Kế

[x] Phan Bội Châu toàn tập, tập 6(200), Nxb Thuận Hóa, tr132

[xi] Nhà tù Côn Đảo - “địa ngục trần gian” nay thuộc tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu. Đây là hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt gian, chuồng cọp… Cùng với nhà tù Phú Quốc, đây là một trong những địa điểm giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Cai ngục ở đây đã dùng nhiều hình thức tra tấn từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sĩ bị giam tại đây

[xii] Ý kiến đánh giá của Viện Lịch sử Đảng tại CV số 48 ngày 15 tháng 6 năm 2018 về những đóng góp của Đặng Nguyên Cẩn

[xiii] Văn hóa Nghệ An, Đặng Nguyên Cẩn - Nhà khoa bảng, nhà yêu nước và duy tân, số ra ngày thứ 6 ngày 16 tháng 12 năm 2016, tác giả Nguyễn Cảnh Lâm

[xiv] Ninh Viết Giao, Từ điển nhân vật xứ Nghệ, NXB tổng hợp TPHCM, tr150,151

[xv] Lịch Sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 - 20010), tr32

[xvi] Phan Bội Châu thường gọi Đặng Thúc Hứa là Đặng Ngọ Sinh.

[xvii] Phan Bội Châu toàn tập, tập 6(200), Nxb Thuận Hóa, tr 204

[xviii] Có tài liệu chép năm 1910

[xix] Ban Nghiên cứu lịch sử tỉnh Nghệ An, (1984), Lịch sử Nghệ Tĩnh tập I, NXB Nghệ Tĩnh, tr 327

[xx] Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 - 20101),tr 39

[xxi] Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương(1930 - 2010), tr40

[xxii] Nội dung bản thông cáo của của chánh mật thám Viên Chăn (Lào) gửi Toàn quyền Đông Dương về hoạt động của cụ Tú Hứa ở Xiêm ngày 12 tháng 5 năm 1927.

[xxiii] Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương(1930 - 2010), tr40

[xxiv] Mấy mẩu chuyện về Đặng Thúc Hứa, tập chí nghiên cứu lịch sử số 79, tháng 10 năm 1965, tr32

[xxv] Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương, tr24.

[xxvi] Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV, 1945 - NXB Sự thập Hà Nội -1984, tr110

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441410

Hôm nay

2127

Hôm qua

2283

Tuần này

21314

Tháng này

216584

Tháng qua

112676

Tất cả

114441410