Xứ Nghệ ngày nay
Đánh giá đúng nguồn nhân lực của người Ơ Đu để có chính sách phát triển hợp lý
Một buổi họp bàn về xóa đói giảm nghèo của người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An
Người Ơ Đu ở Nghệ An nằm trong 16 tộc người trong cả nước thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người) và đang được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội của nhà nước. Tỉnh Nghệ An có hẳn Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2025 (theo Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 của UBND tỉnh). Theo đó, mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của họ; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu. Cố gắng để đến năm 2025, đời sống của người dân theo kịp được các cộng đồng xung quanh. Tuy nhiên, để đề án này đạt hiệu quả cao hơn, cần đánh giá đúng nguồn nhân lực của người Ơ Đu hiện tại để có các giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện các đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội.
Người Ơ Đu ở Nghệ An tập trung chủ yếu ở huyện Tương Dương. Trong đó, Văng Môn là bản tái định cư lớn nhất của người Ơ Đu, cũng là trung tâm tập trung nhiều người Ơ Đu nhất. Hiện nay, người Ơ Đu đang đối diện với nhiều vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển cũng như trong việc khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống. Để giải quyết các vấn đề khó khăn cho người Ơ Đu, chúng ta cần phải làm nhiều việc, trong đó quan trọng là giải quyết vấn đề con người.
Bản Văng Môn (xã Nga My) hiện có 103 hộ gia đình với 447 nhân khẩu, trong đó có 98 hộ gia đình người Ơ Đu với 328 nhân khẩu. Người Ơ Đu sống theo hộ gia đình từ 2-3 thế hệ cùng sinh sống. Về giới tính, người Ơ Đu ở Văng Môn có tỷ lệ nam giới đang khá cao so với nữ giới (64,9% nam và 35,1% nữ). Về thể chất, đối với đàn ông trung bình cao 1,60m và cân nặng 55kg, đối với phụ nữ trung bình cao 1,53m và cân nặng 50kg. Xét về lực lượng lao động, hiện nay, người Ơ Đu ở Văng Môn có 226 người (chiếm 69%) trong độ tuổi lao động, (từ 15 đến 60 đối với nam và 15 đến 55 đối với nữ). Tuy nhiên, số người trong độ tuổi này đang đi học (từ THCS đến THPT và chuyên nghiệp) là 72 người chiếm 31,8% lực lượng lao động. Số lực lượng lao động dự bị trong tương lai gồm có 58 người (đang học mầm non và tiểu học). Như vậy, xét về mặt tổng quan thì nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển của người Ơ Đu ở bản Văng Môn tương đối trẻ, khỏe.
Nhà tái định cư của người Ơ Đu ở bản Văng Môn
Về trình độ nguồn nhân lực, hiện nay, trong số 328 người Ơ Đu ở đây chỉ có 21 người được đào tạo chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học, chiếm 6,4% dân số. Trong đó, ĐH: 12 người, CĐ: 7 người và trung cấp: 02 người. Trong số 21 người này, có 7 người về quê và xin được việc (3 người làm ở xã Nga My, xã Yên Tĩnh và xã Tam Đình) và 4 người làm việc ở huyện (2 người làm công an và 2 người làm trong ngành y) chiếm 30%, còn lại 14 người (chiếm 70%) thì hoặc đi làm công nhân ở các khu công nghiệp ở xa, hoặc ở lại quê làm nông nghiệp.
Nhìn chung, nguồn nhân lực của người Ơ Đu ở Văng Môn còn trẻ, năng lực thể chất tốt và trình độ đào tạo đang ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, về cơ bản, Văng Môn vẫn là bản nghèo. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đến đây nhưng hiệu quả vẫn còn thấp, đời sống người dân vẫn còn chậm phát triển. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa có chính sách phát triển nguồn nhân lực hợp lý. Như ông Vi Văn Đậu, Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, dù rất cố gắng và dành nhiều ưu tiên nhưng không phải người Ơ Đu nào đi học về cũng bố trí được công việc ở địa phương. Khi các em học tập xong không xin được việc gần nhà, phải đi làm thuê trái ngành cũng ảnh hưởng đến tâm lý của những người khác.
Trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An có nhấn mạnh đến nội dung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người Ơ Đu. Đây là điều cần thiết. Nhưng để có hiệu quả thì cần phải có cách làm hợp lý. Trước hết cần phải làm cho tâm lý của người dân ở đây thay đổi, bỏ qua mặc cảm tự ti. Thực tế, trải qua một thời kỳ lâu dài trong thân phận “cuông”, “nhóc” (tầng lớp làm thuê, thấp kém), là “người Tày Hạt” (người rách rưới) đã làm cho người dân mặc cảm, ít tiếp xúc và thiếu ý chí, thiếu sự chủ động vươn lên trong quá trình phát triển. Xốc lại tinh thần cho đồng bào là một việc làm khó nhưng cần thiết, bởi lúc nào người dân còn mặc cảm tự ti thì cũng khó mà phát huy được nội lực của mình. Người Ơ Đu đang đi ra học tập lên cao hơn, nhiều hơn cho thấy họ đang hướng đến sự phát triển. Nếu có chính sách hợp lý để sử dụng được hầu hết những người được đào tạo thì sẽ khuyến khích được người dân cho con em học hành đến nơi đến chốn hơn. Một vấn đề đáng lo ngại là sự tác động tiêu cực của các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người dân Ơ Đu ở đây. Chính sách hỗ trợ một mặt giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tiếp cận sự phát triển, nhưng mặt khác cũng làm cho người ta trở nên ỷ lại vào chính sách nhà nước, thiếu ý chí vươn lên, thiếu tinh thần lao động. Khi được tái định cư đến Nga My, người Ơ Đu cũng được nhiều ưu tiên. Từ việc xây dựng nhà cửa đường sá đến việc cấp đất sản xuất và hỗ trợ cây giống, con giống. Ở góc độ nào đó thì những điều kiện họ có còn tốt hơn một số cộng đồng khác trong vùng. Nhưng họ lại không phát huy được hết những nguồn lực mình có. Bản thân nhà cửa được cấp cho, sau nhiều năm sử dụng đã bị hư hỏng thì họ cũng không tìm cách để tu sửa mà xem đây là nhiệm vụ mà chính quyền phải làm cho họ. Có những trường hợp không đủ điều kiện để tu sửa nhà cửa nhưng cũng có những trường hợp họ không muốn tu sửa vì cho rằng nhà nước phải làm cho họ. Như bà Mạc Thị Tím, Trưởng bản Văng Môn chia sẻ: “Người dân trong bản còn nghèo. Nhưng cơ hội để thoát nghèo cũng không phải là không có. Người dân được nhà nước quan tâm nhiều hơn, được đầu tư nhiều hơn. Nhưng quan trọng là người dân phải quyết tâm vươn lên để thoát nghèo, để phát triển. Nếu người dân không chịu khó làm ăn, không muốn thoát nghèo thì nhà nước có hỗ trợ bao nhiêu cũng không đạt hiệu quả được”.
Bên cạnh việc tạo ra tâm lý vững vàng, tránh sự ỷ lại vào chính sách thì cũng cần có những biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các phương diện. Trước hết là đào tạo nguồn nhân lực theo chiều sâu, hướng đào tạo chuyên nghiệp từ trung cấp, cao đẳng, đại học…. cho những người trẻ tuổi. Thứ hai là đào tạo kỹ năng sản xuất, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tiếp cận kỹ thuật cho những người dân trong độ tuổi lao động. Những người dân này có nhiều tri thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp truyền thống nhưng lại thiếu kỹ năng, kỹ thuật trong sản xuất hiện đại nên cần phải được giúp đỡ. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm hài hòa hai nguồn tri thức: tri thức hiện đại và tri thức dân gian để người dân phát triển nhưng không mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Những lớp tập huấn, những khóa đào tạo cần tập trung vào thực chất, hướng người dân đến học hỏi những tri thức, phương pháp và kỹ năng cần thiết cho phát triển chứ không phải đến để lấy số lượng. Thực tế là một số lớp tập huấn đã diễn ra mang tính hình thức, những người tổ chức thì lấy số lượng người tham gia làm mục tiêu quan trọng, còn người dân đi tập huấn để nhận về một khoản tiền hơn là để tiếp nhận kiến thức. Điều này vô hình chung lại tác động tiêu cực đến người dân.
Nói tóm lại, dù còn nhiều khó khăn nhưng nguồn nhân lực người Ơ Đu ở Văng Môn cũng có nhiều thuận lợi để phát triển. Đó là nguồn lao động trẻ, có sức khỏe và có kinh nghiệm trong việc canh tác nông nghiệp truyền thống. Và trình độ nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao qua việc các thế hệ trẻ ngày càng có ý thức học tập nhiều hơn. Nhưng để phát huy được hiệu quả nguồn nhân lực này thì cần giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó cần thiết phải xóa bỏ tâm lý tự ti, nâng cao tinh thần của người dân. Từ đó tìm kiếm và thực hiện những phương pháp hỗ trợ hợp lý để nâng chất lượng và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực. Nếu tạo được đòn bẩy từ nhân tố con người thì những đề án hỗ trợ phát triển dành cho người Ơ Đu sẽ hiệu quả hơn. /.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511610
2273
2336
21984
218483
121356
114511610