Những góc nhìn Văn hoá
Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu từ góc nhìn phê bình sinh thái [kỳ 1]
Trong xã hội hiện đại, cùng với tốc độ đô thị hóa và sự ỷ lại vào khoa học kĩ thuật con người đang ngày càng quay lưng với tự nhiên, khai thác quá mức khiến cho tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Thiên nhiên trả thù con người không phải chỉ bằng các thảm họa, thiên tai mà đáng sợ hơn, trả thù bằng sự biến mất của chính nó. Cái “dây chuyền sống” huyền diệu của tạo hóa đang ngày càng bị phá hủy. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi mà vấn đề biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của mỗi quốc gia dân tộc nữa mà có ảnh hưởng đến toàn thế giới, phê bình sinh thái (ecocritisim) xuất hiện đưa ra những thông điệp phản tỉnh về văn hóa trước tình trạng khủng hoảng môi sinh.
Nguyễn Minh Châu được coi là “người mở đường tài hoa và tinh anh nhất” (Nguyên Ngọc) ngay cả việc ông ý thức rất sớm các vấn đề sinh thái. Bằng nhạy cảm của người cầm bút, ông nhận thấytự nhiên hiện hữu như là một nhân vật, một thực thể có tâm trạng, số phận và luôn có một cái nhìn chất vấn lại con người (Một lần đối chứng, Khách ở quê ra, Cỏ lau…). Ông cũng đề cập từ rất sớm “niềm tin pha lẫn âu lo” về tương lai đô thị hóa (Khách ở quê ra, Sống mãi với cây xanh…).Là một trong những tác giả tiên phong cho văn học Việt Nam thời kì đổi mới, tác phẩm Nguyễn Minh Châu đưa ra những dự cảm rất minh xác về hình tượng người nông dân/ngư dân trong văn học sinh thái (Chiếc thuyền ngoài xa, Phiên chợ Giát…). Những đề xuất tiên tri của ông vẫn được các nhà văn viết về đề tài sinh thái tái khẳng định.
1. Thiên nhiên - những sinh mệnh độc lập
Các nhà phê bình sinh thái phản đối sự nhân cách hóa loài vật, phú cho loài vật những đặc điểm và tính cách chẳng khác gì con người, chẳng qua đấy là sự phóng chiếu tư tưởng, tình cảm nhân loại vào thế giới tự nhiên. Nhưng bằng cách đó, nhân loại đã tự làm nghèo mình đi vì “người ta đã xóa đi những bí ẩn của loài vật” [5,13]. Nguyễn Minh Châu khẳng định một cách viết khác về loài vật, từ chối cách viết của kiểu truyện đồng thoại là phú cho loài vật những đặc điểm con người mà đề xuất một cách nhìn mới “Với những mẩu chuyện loài vật cỏn con vui vui này, một đôi lần suýt nữa tôi đã làm một công việc sai lầm là đem viết thành sách Kim Đồng cho trẻ em đọc” (Một lần đối chứng - Nguyễn Minh Châu). Nguyễn Minh Châu đã dành những trang viết thật đẹp để ca ngợi những bản tính tốt đẹp của con mèo: từ tình yêu đầy thơ mộng “Điệu vũ khúc tình yêu dưới trăng trên mái ngói giữa chàng và nàng cứ kéo dài mãi như thế, như một thứ ngôn ngữ tuyệt vời của tình yêu không bao giờ có thể thổ lộ cạn lời” cho tới cảnh quấn quýt đầy tình mẫu tử với bầy con “động đậy cái đuôi, dạy các bài học vỡ lòng cho con về sự rình mò và chộp bắt” [2, 364]. Nhưng gạt bỏ cái ý định viết truyện thiếu nhi để quan sát con mèo, nhà văn phát hiện ra tính nết tự nhiên của loài vật, nó cũng nhanh chóng quên ngay bầy con đã bị giết chạy để theo “tên sát nhân man rợ”. Việc con mèo “chuồi mình ra khỏi đôi cánh ta bảo vệ đầy tình âu yếm” của cháu Lan như là “biểu tượng cho cái lí trí ngây thơ của con người trong cuộc chiến đấu không cân sức với sức mạnh khủng khiếp của “bản năng giống loài” [8, 97]. Vậy là, ở đây đã có một quan niệm khác trong cách nhìn về loài vật trong sự đối sánh với con người. Con người phân chia tình cảm thành cao thượng thấp hèn còn ở con vật không có sự phân chia ấy, chúng sống theo bản năng. Với mọi loại tình cảm chúng đều hết lòng như vậy: con mèo thật sự đau buồn trước cái chết của bầy con nhưng nó cũng hết lòng vì tình yêu của nó. Nếu đem tình cảm của loài người ra để cắt nghĩa sẽ không tránh khỏi khiên cưỡng. Muốn nhìn loài vật như chính bản thể của nó - không áp đặt, Nguyễn Minh châu đã từ chối cách viết về loài vật như kiểu truyện đồng thoại với một cốt truyện về tình yêu và luân lí. Tác giả nhìn đời sống qua con mắt chính loài vật, như bản chất tự nhiên, hoang dã, bên ngoài mọi tình cảm cao thượng, trong sáng của con người; ngoài cả những định kến, ý định áp chế như là từ chối sự áp đặt giản đơn những quy luật đời sống vào quy luật của tạo vật. Việc “mèo vẫn hoàn mèo” thể hiện “khát vọng khôn cùng muốn nắm bắt tâm hồn muôn loài” để thấy “Cuộc sống vượt ra ngoài phạm vi của thói quen “tưởng tượng” “liên tưởng”, “nhân cách hóa” thường tình” [10, 241]. Chính cách nhìn này đã giúp Nguyễn Minh Châu phát hiện ra một hiện thực bề sâu, mở ra chủ đề phát hiện chân lí qua những chi tiết dường như trái ngược nhưng lại phù hợp theo logic đời sống. Việc tha bổng con bò Khoang về rừng nhưng con vật đã quay trở lại là một cách nhìn như thế. Chưa xét đến những biểu tượng đằng sau đó, chỉ tính riêng việc biểu hiện tập tính của loài vật thì đây là một cái nhìn thấu suốt. Loài vật có lẽ xa lạ với ý niệm “được thả tự do” của lão Khúng, nó trở về nhà như là một thói quen của giống loài, bất chấp mọi ý định cao đẹp, trong sáng của con người, con bò Khoang vẫn xử sự theo quy luật muôn đời của nó.
Hôm trước của buổi chia tay Thơi ra chiến trường, Lực (Cỏ lau, Nguyễn Minh Châu) đã cùng vợ vào vùng núi Đợi khai hoang trồng sắn. Nếu không có chiến tranh, mỗi gia đình sẽ được sống bình dị như vậy, vật lộn với cỏ cây hoang dại để lao động, để sống hạnh phúc giản dị, đời thường.Khi chiến tranh kết thúc, thì cây cỏ mọc lên. Lực đi tìm hài cốt đồng đội ở vùng núi Đợi, anh nhận thấy cả một vùng đất toàn là cỏ lau bao phủ. Đó là cái phi nhân loại (nonhuman) tồn tại đối lập con người (human), vùng cỏ lau mọc lên ấy nhắc chúng ta về sự tồn tại của thế giới tự nhiên ngoài con người. Cỏ lau lại được nuôi dưỡng bằng xác thịt của những người ngã xuống và làm cho con người biến mất đi (không tìm thấy hài cốt của các liệt sĩ): “Tôi nhẩm đếm số bao ny lông, không khỏi ghê sợ với những cánh rừng cỏ lau. Đang nằm ngủ im sau lưng tôi là những đồng chí mình mà chúng tôi phải mở không biết bao nhiêu chiến dịch vật lộn với cỏ lau trong vùng núi Đợi mới dành lại được… Cỏ lau đã nhanh chóng xóa đi mọi dấu vết đã được đánh dấu trên các tấm sơ đồ mộ chí”. Cỏ lau -cái tự nhiên vĩnh hằng nhắc nhở chúng ta cảm giác về sự vô nghĩa của chiến tranh: nhiều máu xương đã đổ, rồi biến thành cây cỏ. Tính chất triết lí của truyện ngắn do vậy thật sâu sắc: con người đã chiến đấu, đã hi sinh, đã thối rữa và lãng quên chỉ có thiên nhiên vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở, không hề nao núng, tồn tại mãi mãi.
Descartes, triết gia người Pháp thế kỉ 17, từ bỏ quan niệm nguyên thủy về vạn vật hữu linh, cho rằng loài vật chỉ là những cỗ máy phức tạp mà thôi, chúng chẳng hề có linh hồn, vì vậy sẽ chẳng có ngôn ngữ và tình cảm. Lí thuyết này đã được nhân loại đón nhận nồng nhiệt, bởi điều đó giải phóng họ ra khỏi nỗi boăn khoăn trước sự giết hại động vật. Thế nhưng, tư tưởng đó đã bị những người yêu động vật chỉ trích, nhất là khi mà các nhà khoa học chứng minh động vật có cảm giác, tư duy và ngôn ngữ, ví như con ngựa có tư duy như một đứa trẻ [9, 208]. Thậm chí, Desmonnd Morris, một nhà động vật học khi nghiên cứu về hành vi của các con thú bị nuôi nhốt trong vườn thú nhận thấy chúng cũng bị stress và có những cách giải tỏa stress gần giống như con người [xem thêm 9].
Con bò Khoang trong Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu) được miêu tả đầy đủ ngoại hình, tính cách, số phận, tâm hồn: có ngoại hình “cái xoáy chỗ mút mông”, cảm giác “Nó khụt khụt lỗ mũi đánh hơi mùi đất ẩm sương đêm lẫn mùi ngai ngái, hăng hắc xông lên từ một cái quang cỏ” [2, 576], và cả dự cảm về số phận của mình “con bò cũng tỏ vẻ buồn bã, hay là bằng bản năng của loài vật, nó đã cảm thấy được nó đang đi chuyến cuối cùng của đời nó” [2, 580], thậm chí là có số phận. Trên hành trình dắt con bò Khoang ra chợ Giát, con bò đã gợi dậy một thế giới hoang vu, âm u, mờ mịt của cuộc đời nhòe nhòa trong muôn vàn đối lập tương tranh giữa tủi cực, vất vả, cực nhọc nhiều mất mát nhưng cũng đầy yêu thương, gắn bó, xen lẫn giữa tối tăm, mịt mùng và ánh sáng của lão Khúng.
Christopher Manes chỉ trích “Địa vị chủ thể phát ngôn được khư khư ôm giữ như là đặc quyền chỉ dành riêng cho con người”[15, 15]. Cái nhìn này theo ông, đã giới hạn ngôn ngữ trong phạm vi nhân loại, liên quan đến khả năng có chữ viết. Các nhà phê bình sinh thái khẳng định rằng “quan điểm coi tự nhiên là câm lặng, không có tiếng nói, cũng chủ yếu cho thấy về sự khước từ lắng nghe của chính chúng ta chứ không phải là về năng lực giao tiếp của tự nhiên”, “không đồng nghĩa với việc cho rằng thế giới tự nhiên chỉ là một cái gì hoàn toàn câm lặng” [12].Cuộc đối thoại giữa các loài cây cối, gió, đất mẹ… trong Đại hội các loài cây là một minh chứng cho quan niệm đó. BácThôngcó thể trò chuyện với chúng bằng ngôn ngữ riêng. Cuộc trò chuyện của bác với cây Sấu cảm động biết nhường nào. Gặp bác, “cây Sấu vồn vã từ cõi bất tử bước ra ôm choàng lấy cái con người mà nhà họa sĩ đã gắn chặt vào hình ảnh mình bốn mươi năm nay”. Người ta sẽ không nhận ra được đâu là con người đâu là thiên nhiên nữa khi “Cả hai đều nước mắt dàn giụa”. Qua cuộc trò chuyện đầy viễn tưởng với cây Sấu chúng ta nhận ra rằng thiên nhiên có vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần của con người. Có lẽ không ai hiểu bác Thông bằng cây Sấu- một thực thể thiên nhiên. Trong lòng cây Sấu bác là một con người vĩ đại biết bao “Hãy mong sao nhiều người trở thành người như bác”. Trong mắt mọi người bác “Già đến mức tính nết hóa ra gàn dở”, nhưng đối với cây cối, bác trở thành ân nhân “Dòng họ quê mùa của bác ba đời nay là niềm ân huệ của bà mẹ Đất ban cho các loài cây cối” [2, 420]. Chỉ những người thật sự yêu thương cây cối mới có thể nhận ra cảm giác của cây cỏ. Trong con mắt của ông Thông, việc chặt cây sấu là “làm thịt” khiến cho “thân cây bị lột vỏ đang ứa nhựa, ở những khoảng vỏ mới bị lột nom đỏ hỏn như da đứa trẻ sơ sinh” (Sống mãi với cây xanh, Nguyễn Minh Châu). Khi cây sấu bị hạ xuống bác Thông như bị mất đi một phần trên cơ thể của mình vậy “Cây sấu vẫn bình thản mà ông lão thấy đau, y như sắp phải đứng để người ta cưa tay cưa chân mình”; cảm nhận được “Tiếng máy cưa xoèn xoẹt cứa vào da thịt ông lão” [2, 451].
Coi tự nhiêncó sinh mệnh nghĩa là thay đổi quan niệm về chính con người, không phải con người độc quyền có ngôn ngữ, tư duy, tình cảm và cảm xúc“Đất cát cũng có tiếng nói của nó nhưng tính nết của đất vốn lầm lì, ít lời, hàng trăm năm mới mở miệng thốt lên một tiếng và con người ta thường dựa vào đó, suy ngẫm để mà sống” [2, 404].Cây xanh trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau 1975 không chỉ có ngôn ngữ, nó còn là những thực thể sống có ý thức, có đời sống tinh thần phong phú với những suy nghĩ, tình cảm và kí ức riêng. Nó không chỉ gắn bó với con người như một người bạn tri âm mà còn mang linh hồn và cảm nhận sâu sắc về đời sống của con người. Cuộc đời của bác Thông, của bà Ngan, chuyện tình của Loan và Huân đều hiện ra qua thiên hồi ký đầy cảm động của cây sấu và cây cột điện.Thiên nhiên không còn chỉ là nền cảnh, là cái cớ cho sự xuất hiện của con người mà thiên nhiên phản biện lại con người, nhắc nhở trở lại với con người vai trò của nó trong đời sống tâm hồn “Một thảm họa của tâm hồn con người,- cây si nói, - các cặp trai gái ngày nay vừa cưới xong đã thấy chán nhau. Cây cơm nguội và cây bằng lăng không tán thành nhận định của cây si nhưng lại cùng với đại biểu ra lời kêu gọi các thanh niên ngày nay hãy có đầu óc tưởng tượng phong phú hơn nữa”[2, 412]; “Thiên chức của các loài cây cối chúng ta trong thế kỉ tới là làm sao cho mỗi con người của xã hội công nghiệp có một nhà thơ trong bản thân” [2, 413].
Không chỉ Nguyễn Minh Châu xây dựng những hình tượng song song: lão Khúng -con bò Khoang (Phiên chợ Giát -Nguyễn Minh Châu), con mèo -nhà văn (Một lần đối chứng- Nguyễn Minh Châu), cây cối -bác Thông…, các tác giả sau năm 1975 cũng đối xứng hình tượng con người - loài vật: gia đình Toản - con chó Bi (Chó Bi, đời lưu lạc - Ma Văn Kháng) ông Diểu - gia đình con khỉ (Muối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp), ông Sáu - con bìm bịp (Biển người mênh mông - Nguyễn Ngọc Tư), ông lão - con vịt Cộc (Cái nhìn khắc khoải - Nguyễn Ngọc Tư)… Xây dựng song song hình tượng loài vật và con người là một motip quen thuộc trong văn học thế giới: lão Tanabai và con ngựa (Vĩnh biệt Gunxarư - Aitmatop), Giôn Thóctơn và con chó Bấc (Tiếng gọi nơi hoang dã - Jack London), người trên thảo nguyên và sói thảo nguyên (Tôtem sói - Khương Nhung)… Do đó, sự xây dựng song trùng hai hình tượng thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả về cái nhìn bình đẳng với tạo vật, thể hiện một tư duy đối thoại. Khác với các truyện truyền thống về loài vật, chỉ có một nhân vật xuyên suốt câu chuyện, chỉ có một tiếng nói cất lên sau hình tượng đó, tiếng nói mà con người phú cho loài vật. Ngược lại, trong các truyện này, bên cạnh thế giới con người là thế giới muông thú với những tình cảm, tính cách, cá tính… rất riêng. Cách viết này là một cách cảm nhận thế giới mang tính cách tân vì con người đã từ bỏ cái nhìn kiêu ngạo “con người là kiểu mẫu của muôn loài” để có một cái nhìn bình đẳng với tạo vật, coi vạn vật là một sinh thể độc lập.
Quan niệm này là tìm trở về với trái đất hồn nhiên, tìm về tư tưởng “vạn vật hữu linh” nguyên thủy,là quay lại thái độ bình đẳng với tạo vật mà người hiện đại đánh mất. Thực ra, từ xưa loài vật vẫn được coi là có linh hồn, có tiếng nói riêng, có cách cảm về đời sống riêng.Nguyễn Minh Châulắng nghe tiếng nói của tự nhiên, không phải với thái độ của một kẻ thống trị chinh phục thiên nhiên mà coi đó là một sinh thể độc lập có khả năng đối thoại lại với thế giới người. Quan niệm coi thiên nhiên như là những sinh mệnh riêng, một chỉnh thể tồn tại bên ngoài con người, bên ngoài mọi ý chí của con người đã mở ra “chiều sâu” cho việc nắm bắt những hiện tượng đời sốngnhư ý kiến của nhà văn Mạc Ngôn “tôi bỗng cảm thấy cỏ cây quanh mình, và cả bò dê nữa, đều có thể trò chuyện với con người, chúng chẳng những có sinh mệnh, mà còn có cả tình cảm nữa” [13, 9].
2. Niềm âu lo đô thị hóa
“Phê bình sinh thái từ đó, tưởng nhớ Trái đất thông qua sự phơi bày trước con người khoản nợ của văn hóa đối với tự nhiên” [12, 153]. Một trong những “khoản nợ” ấy biểu hiện ở những vấn đề đô thị.
Đô thị hóa sẽ là một quy luật không thể cưỡng lại được, thành phố mở rộng, các khu công nghiệp sẽ mọc lên như bản vẽ của chàng kiến trúc sư Huân trước khi hi sinh ở chiến tranh biên giới. Nhưng Nguyễn Minh Châu sớm nhận ra những vấn đề của đô thị: Đô thị lấn át đi không gian cây xanh. Phát triển đô thị đi kèm với “những mảng xanh trong thành phố” bị thu hẹp nhỏ lại. Việc cây sấu - một cái cây cổ thụ ở cái ngõ nhỏ, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, gắn bó với những số phận, mỗi tâm hồn bị chặt đi để xây dựng “khu dân cư điển hình đẹp đẽ nhất Hà Nội”. Trong đời sống đô thị, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trở nên phai nhạt. Con người nhiều khi say mê tìm kiếm cuộc sống vật chất mà quên mất những giá trị tinh thần mà thiên nhiên mang lại. Chính vì thế Nguyễn Minh Châu mới đưa ra triết lý “Chinh phục thiên nhiên? Đúng, đời sống loài người là một chuỗi dài quá trình chinh phục thiên nhiên, nhưng cũng thật là thiếu thỏa đáng và thậm chí nguy hiểm nếu không nghĩ đến công việc hòa hợp với thiên nhiên” [2, 411].
Thiên nhiên nuôi dưỡng tâm hồn, trí tưởng tượng của con người. Thiên nhiên là một phần trong đời sống tinh thần con người mà nếu không biết gìn giữ, con người sẽ đánh mất chính bản thân mình. Khi đời sống đô thị càng văn minh, hiện đại, con người dường như lãng quên thiên nhiên và đánh mất tâm hồn “Chúng ta quên vai trò chủ yếu của thiên nhiên trong sự sinh tồn của mình” [6, 21]. Khi người ta đốn hạ cây sấu, coi nó như vật vô tri, là những món lợi cho những toan tính ích kỉ của con người (làm củi, làm mặt ghế, cánh của tủ…) mà không nhận ra được những tầng văn hóa của cây xanh tỏa bóng, hạ cây sấu là cũng xóa luôn một chứng tích lịch sử của thủ đô kiêu hùng kháng Pháp. Đến lúc mất cây sấu thật rồi bácThôngtrở thành một con người cô độc, “Lẻ loi, ông bước ra thềm. Rồi lại lững thững đi ra ngõ. Ông lão đi tìm cây sấu” [2, 454]. Cây sấu bị chặt đi để lại trong lòng bác một khoảng trống không gì có thể lấp được “Đối với ông lão, dù có xây cả một dãy phố hàng chục tầng, cũng không lấp nỗi cái khoảng trống ấy” [2, 454]. Qua đó Nguyễn Minh Châu cũng muốn thức tỉnh con người phải có ý thức bảo vệ thiên nhiên. Vì thiên nhiên là một phần quan trọng trong cuộc sống tinh thần của con người. Nếu không biết bảo vệ, giữ gìn nó thì dần dần con người sẽ đánh mất chính cả bản thân mình.Sống mãi với cây xanhcòn là niềm ai hoài của tác giả với những thói quen sinh thái: những gói xôi được gói trong những chiếc lá bàng, lá sen sạch sẽ; có cô bé cứ mỗi đêm giao thừa lại lén bỏ vào thùng thư một chiếc lá; người dân thủ đô vẫn thường gom những chiếc lá rụng xuống làm củi đốt.
Đô thị là không gian giam cầm. Trong công trình nổi tiếng Vườn thú người, Desmonnd Morris đã đưa ra một giả thiết nhiều tranh cãi. Ông hình dung đô thị, nơi con người đang sống là một dạng vườn - thú - người “Con vật người hiện đại không còn sống trong các điều kiện tự nhiên đối với loài của nó. Bị giam hãm không phải do những người sưu tập vườn thú mà do chính cái trí óc xuất chúng của mình, con người đã tự nhốt bản thân vào trong một bầy thú nuôi nhốt khổng lồ luôn hoạt động không ngừng nghỉ, nơi nó thường xuyên bị tổn hại do căng thẳng” [9,16]. Cảm giác này được nhìn nhận rất rõ qua cách nhìn của lão Khúng về thành phố bức bối. Nhà văn mô tả cái ngột ngạt của khu phố qua con mắt của lão nông dân từ “quê ra”, một người sống tự do hồn nhiên gữa núi non “Ừ cũng lạ thật cái anh dân thành phố, sống như thế này mà cũng sống được, chẳng có vườn tược, chẳng có cây cối, ăn, ở, ỉa, trên đầu nhau, chỉ thấy tường là tường” [2, 353]. Quen gắn bó với mảnh đất hoang sơ mênh mông nhưng thân thuộc cho nên khi bước vào thành phố lão lấy làm lạ. Lão Khúng chính là hiện thân của tự nhiên, của bản tính hoang dã không thể nhận diện được cái thành phố không có một sự đánh dấu bản sắc nào, khiến lão “lạc lung tung”, “hết leo lên tầng thượng đỉnh lại lộn xuống tầng dưới cùng”. Mỗi nhà là một cái chuồng nhỏ và cả khu phố là một cái chuồng lớn bủa vây lấy lão khiến lão ngột ngạt, hoảng loạn. Ánh sáng đèn, một biểu tượng của văn minh đô thị cũng chỉ làm lão trở nên lạc lối thêm “Đèn trong các lùm cây và trong các nhà bật sáng, mà lão vẫn không sao tìm được lối về nhà ông chú. Toàn thân lão run lẩy bẩy như người lên cơn sốt và trong tâm hồn lão tự dưng dâng lên một nỗi niềm cô độc” [2, 353]. Chuyến đi ấy đã khiến lão Khúng mơ hồ cảm nhận được sự bất ổn của không gian đô thị. Chúng ta thừa nhận rằng Nguyễn Minh Châu là người rất giỏi đưa ra những dự cảm. Nguyễn Minh Châu sớm nhận ra sự hấp dẫn của đô thị với những người trẻ tuổi. Trong nhiều trang viết, nhà văn đã thể hiện niềm khao khát của các nhân vật về các khu công nghiệp (những thăm dò địa chất mà cô kĩ sư Loan và dự án của chàng kĩ sư - người yêu cũ của mụ Huệ) hay ánh sáng đô thị hấp dẫn mở ra khi những đứa con của lão Khúng xuống Vinh để bán những sọt cà chua… Dũng - cậu con trai cả lên thành phố tìm người cha đẻ người thành phố như là một biểu tượng cho hành trình tìm đến đô thị. Nhưng lão Khúng thì khác, lão sống giữa đất đai cây cỏ chan hòa nên cảm thấy cô độc giữa thành phố, giữa rất nhiều người. Trong không gian tù hãm của đô thị, con người sống giữa đồng loại nhưng lại coi đồng loại như những kẻ dành lấy miếng ăn của mình. Niềm cô độc mà lão Khúng cảm nhận đã chạm vào chính xác cái bất ổn của đô thị. Do vậy, lão bỗng nhiên lo sợ cho những đứa con của lão, những đứa trẻ nông thôn lúc nào cũng mơ về thành phố với một không gian tràn đầy ánh sáng. Văn minh đô thị có một sức hấp dẫn sẽ kéo những người trẻ đến đó mà có lẽ là một quy luật không thể cưỡng lại được nhưng ông cũng sớm nhận ra những bất ổn của đô thị. Khi đứa con gái của lão Khúng hốt hoảng khi đi từ thị trấn về “con Hương, đứa con gái nổi tiếng xinh đẹp của lão đi học dưới trường cấp III của huyện được về nhà chiều thứ bảy. Mới chập choạng tối chứ đã khuya khoắt gì (…) trông thấy đứa con gái mặt cắt không còn giọt máu, guốc dép vứt đằng guốc dép, chạy bán sống bán chết từ dưới con dốc trước nhà lên, hốt hoảng như bị lợn rừng rượt…” [2, 582] lão đã cảm giác đầy âu lo “Bây giờ con người đã đông hơn con vật, sắt thép đã đông hơn cây cối, vậy mà lão lúc nào cũng nơm nớp” [2, 582]. Khi gia đình lão Khúng mới lập nghiệp sống hồn nhiên còn hiện tại lúc nào cũng đầy âu lo “Y như thể ngày ấy mặt đất đâu đâu cũng là rừng rú, người thì ít lác đác (…) ấy thế mà cái sợ lại không nhiều như bây giờ, con người ta sợ nhau nhiều hơn là sợ beo trăn, cọp hổ” [2, 581], Đúng là càng văn minh, con người càng nhiều âu lo hơn. Quả là, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu “thể hiện một niềm hi vọng đầy lo âu vào tương lai đô thị hóa” [2, 452].
(Còn nữa)
tin tức liên quan
Videos
Chùa Diệc - Diệc cổ tự - Diệc cổ Tùng lâm
Luận bàn về văn hóa ứng xử
Từ “Vịnh” đến “Vinh”
Roy Medvedev: “Stalin từng mơ ước trở thành nhà văn”
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Thống kê truy cập
114520856
2224
2339
21897
218795
121009
114520856