Xứ Nghệ ngày nay
Xem gì ở Bảo tàng Nghệ An?
Độc đáo hình ảnh mô phỏng hang Thẩm Ồm
Ngày 19/12/2019, nhân Kỷ niệm 40 năm thành lập, Bảo tàng Nghệ An đã khánh thành phần trưng bày nội thất sau một thời gian dài chờ đợi. Đây là dấu mốc thực sự quan trọng, mở ra một trang mới trong hoạt động của Bảo tàng. Từ nay, du khách khắp mọi miền có thể đến để tận mắt xem những tài liệu, hiện vật quý và hiểu hơn về thiên nhiên, con người, văn hóa Nghệ An. Không cuốn hút người xem bằng lối kiến trúc độc đáo, cảnh quan đẹp như những bảo tàng khác trong cả nước nhưng Bảo tàng Nghệ An chắc chắn là một điểm không nên bỏ qua khi đặt chân đến thành phố Vinh.
Nhà trưng bày Bảo tàng Nghệ An được xây dựng với quy mô 3 tầng, tổng diện tích trưng bày khoảng 3.000m2. Nội dung trưng bày được chia làm 5 chủ đề, đưa người xem đi lần lượt theo dòng lịch sử, tái hiện lại quá trình từ thời tiền sử đến nay. Tại đây có 31.327 đơn vị tài liệu, hiện vật có giá trị và 3 bảo vật quốc gia là: Hộp đựng xá lị khai quật được tại di chỉ Tháp Nhạn, huyện Nam Đàn (Nghệ An), dao găm có cán hình rắn ngậm chân voi và muôi có cán gắn tượng voi khai quật được tại di chỉ làng Vạc, thị xã Thái Hòa (Nghệ An).
Tái hiện nghề rèn của người Mông tại bảo tàng
Tầng một là khu vực khánh tiết và trưng bày theo chuyên đề. Tại đây, ngay khi bước vào, người xem sẽ ấn tượng với hình ảnh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở vị trí trung tâm, phía sau là trích lời căn dặn của Người trong bức thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An vào năm 1969. Hai bên tường là các bức phù điêu khắc họa hình ảnh con người, văn hóa truyền thống Nghệ An. Tầng 2 của bảo tàng trưng bày 2 chuyên đề: Nghệ An - Thiên nhiên và con người; Nghệ An từ thời tiền sơ sử đến buổi đầu dựng nước và một đề mục của chuyên đề 3 về truyền thống khai ấp, lập làng. Khu vực trưng bày hình ảnh về thiên nhiên xứ Nghệ được bố trí trong không gian với gam màu xanh chủ đạo. Tại đây, người xem không chỉ ấn tượng với những bộ sưu tập, được cung cấp thông tin qua những bảng số liệu tổng hợp mà như còn được thấy khung cảnh thiên nhiên kỳ thú hiện lên qua những mô hình tái hiện không gian núi rừng, thảm thực vật - động vật của Nghệ An. Nét đặc sắc nhất của tầng hai chính là khu vực trưng bày về 6 tộc người cùng sinh sống trên địa bàn: Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu và Mông. Mỗi dân tộc được bố trí một khu vực với cách trưng bày riêng độc đáo. Thông qua các tranh, ảnh, mô hình, hiện vât, hình ảnh 6 dân tộc sẽ được tái hiện một cách sống động, giúp người xem hiểu khá chi tiết về đặc điểm dân tộc, địa bàn cư trú, phong tục, tập quán, trang phục,… của họ. Khu vực trưng bày nội dung “Nghệ An từ thời tiền sơ sử đến buổi đầu dựng nước” là nơi có rất nhiều hiện vật quý, được khai quật tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn. Tại đây, chúng ta có thể xem bản đồ khảo cổ học để có cái nhìn tổng quát và tận mắt xem hiện vật trống đồng Đông Sơn cùng nhiều công cụ bằng đá, đồng,… của các nền văn hóa Hòa Bình, Quỳnh Văn, Bàu Tró trên đất Nghệ. Nét độc đáo của khu vực trưng bày này chính là hình ảnh mô phỏng hang Thẩm Ồm (hang Lớn) ở xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Đây là di tích có dấu vết của loài người xuất hiện sớm nhất trên đất Nghệ An với niên đại cách ngày nay khoảng 20 vạn năm. Tiếp nối dòng thời gian là khu vực trưng bày truyền thống khai ấp lập làng với nhiều hiện vật độc đáo làm nổi bật các nghề thủ công và truyền thống hiếu học của người Nghệ. Đặc biệt, tại đây có bức tượng của Lý Nhật Quang - người có công khai lập nhiều vùng trên đất Nghệ, được nhân dân tôn làm Thành hoàng và lập đền thờ ở nhiều nơi. Toàn bộ không gian này được trưng bày với gam màu nâu trầm chủ đạo, làm nổi bật lên vẻ đẹp của thời gian, của lịch sử và con người.
Tài nguyên động - thực vật Nghệ An được thể hiện một cách sinh động, chi tiết qua các bảng số liệu kết hợp với mô hình trưng bày
Tầng ba của bảo tàng là nơi trưng bày đề mục 2 của chuyên đề 3 (đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ TK I đến năm 1945) và 2 chuyên đề còn lại: Nghệ An trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước (1945-1975), Nghệ An trên bước đường đổi mới (từ 1976 đến nay). Toàn bộ nội dung này được trưng bày chủ yếu theo chiều dọc khiến người xem không chỉ cảm nhận được dòng chảy của thời gian, tiến trình lịch sử mà còn như được đi giữa muôn trùng ký ức gian khó, đau thương mà đầy hào hùng của người Nghệ. Cách bố trí không gian này còn khiến người xem như cảm nhận được sự phát triển của mảnh đất này, được đi từ quá khứ đến hiện tại để thấy một Nghệ An hôm nay vươn lên mạnh mẽ với nhiều thành tựu kinh tế, văn hoá - xã hội. Điểm ấn tượng của tầng 3 là nhiều hình ảnh, hiện vật, thống kê về một thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm khốc liệt của nhân dân Nghệ An. Người xem sẽ thực sự xúc động khi chứng kiến những chiếc ba lô, bức thư, khẩu súng, xe đạp và nhiều vật dụng khác gắn liền với các chiến sỹ cũng như nhân dân thời chiến.
Với cách trưng bày nội dung theo tiến trình lịch sử, Bảo tàng Nghệ An mang đến cho người xem một hình dung khá toàn diện, đầy đủ về quá trình hình thành, phát triển của tỉnh nhà. Tuy nhiên điều này cũng có những hạn chế nhất định, trong đó đáng chú ý là chưa làm nổi bật hay tạo điểm nhấn về văn hóa xứ Nghệ. Bảo tàng sẽ độc đáo hơn nếu khu vực trưng bày về 6 dân tộc trên địa bàn được đầu tư kỹ lưỡng hơn để làm nổi bật các đặc trưng trong văn hóa, tín ngưỡng của họ. Người xem cần thấy được những khác biệt trong lễ cưới hỏi, ma chay, mai táng, cầu cúng,…của các cộng đồng người. Đặc biệt, mỗi dân tộc nên giới thiệu về một nét văn hóa đặc trưng riêng có bằng hiện vật hoặc mô hình (ví dụ như tái hiện lễ đón tiếng sấm của người Ở Đu, dựng cây nêu mô phòng trong lễ hội Xăng Khan của người Thái, không gian diễn xướng dân ca Ví Giặm của người Kinh,....). Một số nội dung tại bảo tàng hiện nay được trưng bày tương đối đơn giản, chủ yếu bằng tranh, ảnh nên chưa thực sự cuốn hút. Bên cạnh đó, không gian của bảo tàng từ đầu vốn được thiết kế chưa ấn tượng nên rất khó cho bố trí, trưng bày sao cho đẹp mắt và độc đáo.
Mặc dù còn có những hạn chế nhất định trong không gian và cách thức trưng bày, chú thích hình ảnh, tuy nhiên, có thể nói Bảo tàng Nghệ An là điểm dừng chân không thể bỏ qua đối với người dân xứ Nghệ cũng như những du khách từ mọi miền. Kho tài liệu, hiện vật phong phú và giá trị nơi đây sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu được một vùng đất với rất nhiều nét đẹp trong cảnh quan thiên nhiên và con người, một vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử đã vượt qua nhiều khó khăn, thăng trầm để vươn lên đầy tự tin và nhiều thành tựu như hôm nay. Để ngày Tết và những chuyến du Xuân trở nên thật ý nghĩa, đừng quên ghé thăm Bảo tàng Nghệ An và nói cho con em mình biết, nhớ về nguồn cội!
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511599
2262
2336
21973
218472
121356
114511599