Xứ Nghệ ngày nay
Thể thao Tân Kỳ: Thành công và những trăn trở
Các xã trên địa bàn huyện tham gia giải bóng chuyền lễ hội Bươn Xao
Nói đến thể thao Tân Kỳ nhiều cán bộ làm thể thao phong trào trong tỉnh đều phải thừa nhận Tân Kỳ có một phong trào thể thao quần chúng rất phát triển. Quả thật, có dịp về dự Lễ khai mạc lớp bóng đá năng khiếu TNNĐ thì mới thấy được người dân nơi đây "máu" thể thao đến độ nào. Bóng đá ở Tân Kỳ được xem như là “đặc sản”. Người xem từ khắp nơi trong huyện đến cổ vũ đông nghịt. Tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt cả thị trấn Lạt mỗi khi nhưng pha bóng hay của các cầu thủ nhí. Anh Phan Đức Toại (ở thị trấn Lạt ) cho biết: “Cứ mỗi lần đội bóng của huyện đi thi đấu thì bà con trong huyện, thị trấn lại rôm rả chuẩn bị, rủ nhau đi hò reo cổ vũ. Năm nào đội bóng đá TNNĐ thắng giải bà con phấn chấn hẳn lên”.
Nhưng không chỉ có bóng đá, mà ở nhiều môn thể thao khác, nhất là các môn bóng chuyền, cầu lông hay bơi lội..., đã trở thành "món" không thể thiếu trong đời sống của nhiều người dân Tân Kỳ. Theo số liệu thống kê của Phòng VHTT huyện, đến nay số hộ gia đình thể thao của huyện đạt 24,5%, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên là đạt 33,9% dân số, đã có trên 30 câu lạc bộ thể thao duy trì hoạt động thường xuyên. Đây là những con số vượt khá cao so với mức bình quân chung của tỉnh. Với phong trào khá mạnh, thể thao Tân Kỳ luôn là đối thủ "khó chịu" với các địa phương trong các cuộc tranh tài thể thao cấp tỉnh. Dù đang là một trong những huyện nghèo của tỉnh nhưng thể thao Tân Kỳ luôn nằm trong tốp đầu của trong số 10 huyện miền núi của Nghệ An. Tại Giải bóng đá Thiếu niên – Nhi đồng lần thứ XXIII Cúp báo Nghệ An năm 2019, cả hai đội bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng thi đấu xuất sắc và cùng nhau lọt tới trận chung kết. Đội bóng TN Tân Kỳ đã dễ dàng vượt qua TN Quỳnh Lưu giành ngôi vô địch, đáng tiếc đội bóng NĐ Tân Kỳ lại thua NĐ Quỳ Hợp trên chấm luân lưu 6m chỉ giành HCB. Như vây, bóng TN- NĐ đã có tới 7 lần giành ngôi vô địch tại sân chơi này. Ngoài ra, Tân Kỳ còn đạt giải Nhì toàn đoàn tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Nghệ An năm 2019. Tham gia giải đấu võ cổ truyền tại Lễ hội Làng Sen tỉnh Nghệ An năm 2019 đạt 01 huy chương bạc, 03 huy chương đồng; tham gia giải “đường đua xanh” tỉnh Nghệ An năm 2019 kết quả đạt 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng xếp thứ 4/27 đoàn.
Không những thế Tân Kỳ còn chú trọng đã huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, các xã Nghĩa Hoàn, Nghĩa Thái, Tiên Kỳ… đã mạnh dạn đầu tư, vận động nhân dân quyên góp vật liệu, công sức xây dựng SVĐ. Phong trào làm các công trình thể thao như sân bóng chuyền, cầu lông tại các làng, bản để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thể thao của bà con cũng có nhiều khởi sắc. Hiện nay, 22/22 xã, thị trấn đều có sân vận động, , 6 sân bóng cỏ nhân tạo, có 11 bể bơi (trong đó có 5 bể bằng bê tông đủ tiêu chuẩn, 6 bể bơi di động). Trong năm 2019, toàn huyện đã tổ chức gần 200 giải thể thao ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với các môn thi như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bắn nỏ, kéo co... Các giải đấu được tổ chức ở cơ sở nhằm khích lệ phong trào tập luyện TDTT quần chúng, tạo sân chơi bổ ích giữa các tầng lớp nhân dân, xây dựng tình đoàn kết xóm, làng, bản góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội. Cũng từ các giải đấu ở cơ sở đã tạo điều kiện để Tân Kỳ phát hiện và tuyển chọn được những tài năng thể thao tiêu biểu trong phong trào để bồi dưỡng, tham gia thi đấu các giải của tỉnh. Các môn bóng chuyền, bóng đá, bắn nỏ, bơi lội... đã trở thành thế mạnh của Tân Kỳ tại các giải đấu lớn trong tỉnh.
Huyện Tân Kỳ tham gia tổ chức Giải bóng đá các lớp năng khiếu nghiệp dư cơ sơ tỉnh Nghệ An năm 2019
Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT trên địa bàn huyện Tân Kỳ đang còn nhiều thiếu thốn. Do đó, việc tổ chức các giải thể thao truyền thống gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng tới thành tích, chất lượng của giải. Anh Hoàng Xuân Hạnh - Trưởng phòng VHTT-TT huyện chia sẻ: “Việc có được một sân vận động và nhà thi đấu thể thao cấp huyện cho đến giờ vẫn là mơ ước của người dân Tân Kỳ chúng tôi”. Do vậy, hiện nay, huyện Tân Kỳ cũng chỉ mới duy trì được 4 giải đấu cấp huyện (một giải với các môn trong Lễ hội Bươn Xao, giải bóng đá, giải bóng chuyền và giải cầu lông). Việc tổ chức các giải đấu còn nhờ vào cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Nhiều giải đấu do các đơn vị tự đứng ra tổ chức.
Cái khó của Tân Kỳ trong hoạt động TDTT hiện nay còn rất nhiều, cả về cơ sở vật chất lẫn kinh phí hoạt động, từ huyện cho đến cơ sở. Cho đến giờ, huyện đã quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà thi đấu, nhưng tất cả đang nằm trên giấy, bởi kinh phí đầu tư xây dựng nằm ngoài khả năng của huyện. Kinh phí chi cho hoạt động TDTT của huyện còn rất eo hẹp, chỉ với 150 triệu đồng/năm. Còn ở cấp xã, hằng năm chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng cho các hoạt động thể thao. Vì vậy, việc tổ chức các giải đấu thể thao phong trào gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc kêu gọi sự hỗ trợ, tài trợ để tổ chức các giải đấu từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị vẫn còn khiêm tốn. Việc xây dựng các thiết chế VHTT-TT cơ sở gặp muôn vàn khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa như Phú Sơn, Đồng Văn, Tân Hợp, Giai Xuân, Tiên Kỳ… điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, địa hình phức tạp, tỷ lệ hộ đói nghèo còn khá cao...
Có được những kết quả trong phong trào TDTT quần chúng của huyện Tân Kỳlà một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để phong trào phát triển bền vững hơn nữa rất cần sự hỗ trợ, đầu tư nhiều hơn về nguồn lực, tài chính của tỉnh và của huyện.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511618
2281
2336
21992
218491
121356
114511618