Xứ Nghệ ngày nay

Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc - một đời đam mê “thanh âm dân tộc”

                                        

NHƯT Nguyễn Đình Túc và các nhạc cụ dân tộc tại nhà riêng

Trong cuộc đời ai cũng có một niềm đam mê riêng. Người đam mê hội họa, người đam mê âm nhạc, người thì đam mê công nghệ… nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm hay kiên trì để theo đuổi sở thích ấy đến cùng. Với nghệ nhân Nguyễn Đình Túc, “nhạc cụ dân tộc” là đam mê, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Bằng tình yêu và tâm huyết, những “thanh âm dân tộc” đã theo ông đi qua chiến trường lửa đạn, qua những gian nan của cuộc sống. Cho đến hôm nay, khi tóc đã ngả màu hoa râm, ông vẫn ngày đêm miệt mài với các nhạc cụ dân tộc với mong muốn góp phần giữ gìn, phát huy, và trao truyền những giai điệu bản sắc dân tộc để những thanh âm đó được mãi ngân xa.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc sinh năm 1956 tại thôn 7, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu - vùng quê giàu truyền thống văn hóa văn nghệ. May mắn hơn nữa, ông được sinh ra trong một gia đình yêu văn nghệ, mẹ là một người hát dân ca nổi tiếng trong vùng, cậu ruột lại là người thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc. Chính những yếu tố đó đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu đối với âm nhạc trong ông. Và không biết từ lúc nào những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của những nhạc cụ dân tộc đã ngấm vào người trở thành đam mê, sở thích theo ông suốt cả cuộc đời.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc cho biết, ông rất yêu thích âm nhạc truyền thống, trong đó có nhạc cụ dân tộc. Ngay từ khi còn bé, cậu học trò Đình Túc đã từng nhiều lần bị mẹ mắng, thậm chí vứt luôn cả đàn vì mải lo đánh đàn mà không lo làm việc giúp mẹ. Nhưng vì yêu thích nên ông Túc vẫn không từ bỏ sở thích của mình. Năm 12 tuổi, ông được cậu ruột là Phạm Đình Mỹ dạy cho thổi Sáo, kéo Nhị, chơi đàn Măngđôlin, những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Tới khi lên cấp ba, ông mới theo học Đàn bầu. Với tư chất thông minh bẩm sinh, khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và sự tập luyện miệt mài, ông Túc đã chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc, trong đó thành thạo 5 loại đàn, gồm: đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tam, đàn tứ. Đàn bầu và đàn nhị là hai loại nhạc cụ mà ông chơi điêu luyện về mặt kĩ thuật, sâu lắng về mặt cảm xúc nhất. Tuy nhiên, ông vẫn luôn giữ vị trí số một cho đàn bầu, nhạc cụ dân tộc đặc trưng, thuần túy của người Việt. “Có người ví khi chơi đàn bầu, đàn nhị thì tay phải cầm que gẩy, cầm vĩ là “Cha sinh” ra âm thanh, tay trái cầm đàn là “Mẹ dưỡng” âm thanh, quả không sai” - ông Túc tâm sự. Đặc biệt với lòng yêu thích và đam mê hai cây đàn này, gần 50 năm qua, ông đã không ngừng tập luyện, học hỏi để khi gảy đàn, kéo vĩ, âm thanh phát ra nghe êm gọn, mượt mà, bàn tay trái nắn vuốt cần, rung nhấn, luyến láy sao cho tiếng đàn ngọt ngào, chuẩn xác. Tạm dừng câu chuyện, ông Túc đàn cho tôi nghe một vài bản nhạc bằng đàn bầu và đàn nhị. Có trực tiếp nghe thì mới hiểu hết được điều ông nói “nhạc cụ dân gian để biết chơi thì dễ nhưng để đánh cho hay thì rất khó, không phải ai có kỹ thuật tốt cũng đánh hay được mà cái quan trọng là phải biết cảm thụ và có cảm xúc”.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nghệ nhân Nguyễn Đình Túc luôn là một trong những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của trường. Nhập ngũ năm 1974, khi chiến trường đang ác liệt, trong thời gian ở Binh chủng Đặc công, ông thường xuyên tập luyện để phục vụ đồng đội và nhân dân. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiếng đàn của ông đã trở thành liều thuốc tinh thần khích lệ các chiến sĩ trên bước đường hành quân đầy chông gai, nhen nhóm niềm tin vào ngày toàn thắng. Hòa bình lập lại, năm 1981, ông Túc trở về quê hương tiếp tục với những bộn bề của cuộc sống gia đình. Mặc dù cuộc sống sau khi giải ngũ gặp rất nhiều khó khăn, ông đã phải tạm gác đam mê với âm nhạc, xoay xở để kiếm sống với rất nhiều nghề nhưng ngọn lửa đam mê vẫn âm ỉ cháy trong con người ông. Để tới khi cuộc sống có khá giả hơn, ngọn lửa đó được dịp để bùng phát. Ông đã tham gia các lớp tập huấn nhạc cụ dân tộc do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức, tham gia học thêm đàn đáy ở nghệ nhân Trần Hải (Câu lạc bộ Ca trù huyện Diễn Châu), đồng thời là cộng tác viên của các CLB văn nghệ của huyện nhà, như: CLB Dân ca, CLB Ca trù. Ông cũng là Chủ nhiệm CLB Tế lễ của huyện Diễn Châu.

NHƯT Nguyễn Đình Túc hòa tấu cùng nhóm nhạc tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Diễn Châu năm 2008

Với niềm đam mê và tâm huyết, nghệ nhân Nguyễn Đình Túc tập luyện miệt mài không quản ngày đêm trên những ngón đàn để trau dồi kỹ năng. Vợ ông, bà Phan Thị Quán, chia sẻ: “Ông đánh đàn cả đêm nên người dân quanh vùng thường tới để nghe, có khi đông kín cả nhà. Gần đây, sợ ảnh hưởng tới các cháu nhỏ đang học, ông phải đưa đàn đi nơi khác để đánh”. Ông cho biết: “Có khi đang làm việc mà nghe trên đài hay ti vi có một bản nhạc hay là thả việc đó đi để xem, để nghe và lấy giấy bút ghi lại”. Lâu dần, ông Túc đã trở thành nghệ nhân đàn bầu nổi tiếng với các ngón đàn điêu luyện. Hiện tại, ngoài tham gia dàn nhạc tế lễ phục vụ ngày giỗ các dòng họ, tang lễ -  những việc ông cho là nghề kiếm gạo để nuôi đam mê, ông luôn có mặt trong các cuộc thi, hội diễn với các tiết mục độc tấu đàn bầu hoặc đệm đàn cho các tiết mục trong các cuộc thi, hội diễn. Trong đó, có nhiều tiết mục đạt giải cao như: 2 giải A độc tấu đàn bầu (Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2006, Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang 2006), HCV độc tấu đàn bầu (Liên hoan Nghệ thuật quần chúng LLVT Quân Khu 4), HCB độc tấu đàn bầu với tiết mục “Vì miền Nam” (Liên hoan Nghệ thuật quần chúng LLVT Quân Khu 4 năm 2007). Tiếng đàn của nghệ nhân Nguyễn Đình Túc còn góp phần đem lại giải cao cho các CLB trong huyện (như CLB Ví Giặm xã Diễn Lâm, xã Diễn Thái, xã Diễn Mỹ) tại các cuộc thi, hội diễn cấp huyện, tỉnh. Không chỉ tham gia các cuộc thi và liên hoan lớn, các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ trong vùng không khi nào thiếu tiếng đàn, tiếng sáo của ông Túc. Cứ có lời mời là ông sẵn sàng dùng tài năng của mình phục vụ mọi người mà không đòi hỏi thù lao. Ông Trương Như Nghĩa, Trưởng ban Văn hóa xã Diễn Kỷ chia sẻ: “Ông Túc là một người đa tài, đặc biệt là chơi các nhạc cụ dân tộc, luôn nhiệt tình trong các phong trào văn hóa, văn nghệ từ thôn xóm cho đến xã, huyện”.

Điều đáng trân quý ở ông là luôn mong muốn nhiều người biết đến các nhạc cụ dân tộc. Trong bối cảnh lên ngôi của nhạc hiện đại, nhạc dân tộc đang bị mai một theo thời gian, số người đam mê nhạc cụ dân tộc ngày càng hiếm. Điều đó làm ông luôn trăn trở, canh cánh trong lòng, thôi thúc ông truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, khi có ai xin học đàn, ông luôn sẵn sàng, thậm chí ông đến tận nhà để truyền dạy. Đến nay, ông đã truyền dạy cho 15 người, cả người lớn và các cháu nhỏ tuổi. Quý nhất là có cháu còn nhỏ tuổi mà đã yêu nhạc cụ dân tộc, đánh thành thạo, điêu luyện và đạt nhiều giải cao như Ngô Hoàng Anh (sinh năm 2005) đạt giải A độc tấu đàn bầu tại Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2011. Với ông, việc truyền dạy và biểu diễn nhạc cụ dân tộc không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm đối với việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của quê hương, dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú mà Nhà nước trao tặng trong năm 2019.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511618

Hôm nay

2281

Hôm qua

2336

Tuần này

21992

Tháng này

218491

Tháng qua

121356

Tất cả

114511618