Diễn đàn
Chuyện dài khen thưởng
Định nghĩa về “khen thưởng”, khoản 2, Điều 3 Luật Thi đua Khen thưởng ghi: “Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Về nguyên tắc khen thưởng, Khoản 2, Điều 6 của Luật này quy định: “Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời”.
Những điều sơ đẳng ấy, ai cũng biết, người làm công tác tham mưu về thi đua khen thưởng càng phải biết.
Thế nhưng trong thực tế không phải lúc nào việc khen thưởng cũng đúng người, đúng việc như luật định. Thậm chí, không ít trường hợp tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm vẫn được cấp có thẩm quyền ra quyết định khen thưởng.
Câu chuyện mới đây ở Quảng Trị là một minh chứng.
Tập thể Công ty và Văn phòng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 (gọi tắt Cty Đường 9), vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”; 2 cá nhân (kế toán trưởng và chuyên viên phòng Kế hoạch kỹ thuật) của Công ty được tặng Bằng khen.(1)
Điều đáng nói ở đây là, Cty Đường 9 nhiều lần bị phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc để thất thoát cả ngàn ha đất rừng. Trong đó, nhiều cán bộ công nhân viên của Cty Đường 9 đã chiếm dụng đất rừng thuộc diện công ty quản lý với diện tích lên đến hàng chục ha.
Cuối năm 2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị kiểm tra, báo cáo phản ánh tình trạng lấn chiếm rừng theo thông tin báo chí phản ánh và chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm; Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm vùng II và Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị làm rõ thông tin phản ánh tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở huyện Cam Lộ (thuộc lâm phần Cty Đường 9 quản lý).
Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan chức năng báo cáo kết quả kiểm tra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thuộc lâm phần Cty Đường 9 quản lý thì công ty này lại được UBND tỉnh khen thưởng, khiến dư luận hồ nghi.
Bởi sai phạm của Cty Đường 9 đã được phản ánh nhiều lần trên báo chí, người dân địa phương ai cũng biết chỉ có cơ quan tham mưu là Ban thi đua khen thưởng tỉnh không biết.
Điều 27 Luật Thi đua, Khen thưởng quy định rõ danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Sáng tạo, vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước;
b) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;
c) Có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
d) Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
Điều 72 quy định Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nghĩa vụ công dân;
b) Có phẩm chất đạo đức tốt; đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
c) Tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh là cơ quan chuyên môn phải thuộc Luật Thi đua Khen thưởng như lòng bàn tay, chả nhẽ lại không biết việc khen thưởng cho một tập thể có sai phạm nghiêm trọng đang trong quá trình kiểm tra làm rõ là trái luật?
Thực ra, không phải Ban không biết. Nhưng chuyện khen thưởng nhiều khi nó cũng “tế nhị” lắm lắm.
Sau khi báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết đã yêu cầu bộ phận tham mưu về thi đua khen thưởng kiểm tra, rà soát lại. “Nếu có vấn đề sơ suất trong khâu thẩm định hồ sơ khen thưởng thì tôi sẽ chỉ đạo thu hồi bằng khen, quyết định khen thưởng”, Chủ tịch tỉnh khẳng định.
Thiết nghĩ, với vụ việc này, không đơn giản chỉ là chuyện thu hồi bằng khen, quyết định khen thưởng không thôi. Việc cần làm rõ ở đây là tại sao Cty đường 9 sai phạm giữa thanh thiên bạch nhật như thế mà Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh (qua nhiều cấp xét duyệt, thẩm định hồ sơ) vẫn “lờ” đi để đưa vào danh sách khen thưởng?
Việc khen thưởng không trúng đối tượng rõ ràng là đã vi phạm điều 14 của Luật Thi đua Khen thưởng: Khen thưởng trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước; kê khai gian dối, làm giả hồ sơ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định khen thưởng trái pháp luật. Kết quả là làm lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể trong thi đua, khen thưởng; đặc biệt là vô hình trung cản trở phong trào thi đua.
Trường hợp của Cty đường 9 không phải là hi hữu. Còn nhiều trường hợp khen không thực chất, phản tác dụng từng khiến dư luận bất bình như chuyện phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn; chuyện trao tặng Huân chương Lao động cho ông Trịnh Xuân Thanh, Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Mới đây nhất, một ông cựu Bộ trưởng đang thụ án cũng đã từng nhận Huân chương Độc lập,…
Dường như đã được mặc định, các danh hiệu khen thưởng cao quý hàng năm đều “lọt” vào tay… lãnh đạo(!). Thế cho nên dân gian mới có câu “Đường sữa phát từ trên xuống, cuốc xẻng phát từ dưới lên”.
Quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo tạo nên sức mạnh quyết định sự thành bại của phong trào thi đua nhưng những danh hiệu như “Lao động xuất sắc”, “Chiến sỹ thi đua” đối với họ mãi mãi chỉ là niềm mơ ước, còn huân, huy chương thì chưa bao giờ dám nghĩ tới. Những danh hiệu cao quý đó chỉ được “phân phối” cho cán bộ lãnh đạo các cấp trong cơ quan, đơn vị - những người có toàn quyền quyết định việc xét thi đua khen thưởng - dù thực tế họ chẳng có thành tích gì đặc biệt. Bởi thế mới có chuyện, có vị cả đời công chức ngồi ghế lãnh đạo năm nào cũng được khen, khôi hài hơn lại tự mình ký quyết định khen mình. Khen lắm, khen nhiều thành ra bệnh danh hão, nếu chẳng may năm nào đó không được khen thì cũng buộc cấp dưới phải đưa vào danh sách khen thưởng để xướng lên trước mặt quan khách rồi mượn giấy khen của đồng nghiệp lên bục nhận cho oai như câu chuyện bi hài của nữ Hiệu trưởng Trường tiểu học nọ ở Kiên Giang. Thế cho nên mới có báo chạy tít “Phải cấm lãnh đạo nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua”!(2)
Đất nước có biết bao người lao động, biết bao viên chức, chiến sỹ đang ngày đêm làm việc một cách thầm lặng, chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, thiệt thòi thậm chí cả hy sinh tính mạng. Họ hành động vì cái tâm của mình đối với công việc, tuyệt nhiên không phải vì các danh hiệu thi đua khen thưởng dù họ xứng đáng được như vậy. Phần thưởng lớn nhất đối với họ là được làm việc mà mình tâm huyết, được thấy mình có ích cho xã hội.
Họ là đối tượng đáng lẽ phải được quan tâm nhiều hơn như Chỉ thị số 34-CT/TW của Trung ương về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” đã nêu: “Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số”.
Nếu thực hiện theo đúng luật, đúng chỉ đạo của Trung ương thì sẽ đảm bảo tính chính xác, công bằng, hạn chế được những bất cập không đáng có trong việc xét tặng các danh hiệu thi đua khen thưởng bấy lâu nay.
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
(2). https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phai-cam-lanh-dao-nhan-danh-hieu-chien-si-thi-dua-post189284.gd
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tiếp nhận thiết bị công nghệ số hướng dẫn di tích
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114523064
250
2264
21838
221003
121009
114523064