Diễn đàn
Cách ly có gì đâu mà phải “xoắn”?
Để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng, biện pháp hiệu quả nhất là cách ly đối tượng nghi nhiễm virus Corona hoặc người từ vùng có dịch trở về. Chỉ cách đó mới giúp nhà chức trách và ngành y tế kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa tác hại của nó tới sức khỏe cộng đồng dù việc tổ chức cách ly là rất phức tạp, tốn kém sức người, sức của.
Hiện nay, từ nhân sự phục vụ cho đến mọi chi phí cách ly đều đang được nhà nước bảo đảm. Cá nhân người cách ly hoàn toàn miễn phí. Được biết, con số trong diện cách ly của cả nước cho đến nay đã lên đến gần 40 ngàn người và còn tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới.
Thế mới biết, áp lực tinh thần và vật chất đè nặng lên vai Chính phủ và các cấp chính quyền là như thế nào. Nhưng với tinh thần chống dịch như chống giặc, Chính phủ cùng các địa phương đã và đang làm hết sức mình vì tính mạng của người dân và sự ổn định của trật tự xã hội.
Trong bối cảnh đó, nhân dân đồng lòng cùng Chính phủ, chia sẻ gánh nặng vật chất, thực hiện các yêu cầu cơ bản góp sức chung tay ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Niềm tin chiến thắng “giặc” Covid-19 lan tỏa từ người đứng đầu Chính phủ cho đến mỗi người dân khắp mọi miền đất nước.
Điều đáng buồn là trong cơn hoạn nạn này, dư luận chứng kiến không ít người có thái độ và hành vi ứng xử phản cảm đối với việc cách ly.
Trước hết là họ biểu lộ tâm trạng sợ hãi khi bị cách ly, dù đó là việc làm cần thiết để bảo vệ chính mình, người thân và cộng đồng.
Ngoài mục đích phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh, việc cách ly nên được xem là cơ hội hiếm có giúp nhiều người trải nghiệm cuộc sống khác với đời thường của mình. Nói là trải nghiệm nhưng thực ra chả có gì là ghê gớm, chỉ khác với một kỳ nghỉ dưỡng là không được thoải mái đi đây đi đó nhưng vẫn được cơm bưng nước rót, lại có thêm bạn bè mới. Còn chia sẻ với người thân, bạn bè cũ ư? Chuyện nhỏ giữa thời đại công nghệ số. 14 ngày cách ly chỉ thoảng qua như một giấc ngủ trưa nếu người trong cuộc vui vẻ chấp nhận nó với ý thức trách nhiệm cao đối với cộng đồng.
Người viết bài này hơn mười năm trước cũng đã từng bị cách ly. Số là hôm đó bỗng dưng sốt cao lại đang giữa mùa dịch H5N1. Vào bệnh viện, bác sỹ chưa cần khám xét gì mà hỏi ngay, có đi thành phố (Hồ Chí Minh, nơi có dịch bệnh) về không? Đáp có, cách đây hơn một tuần. Bác sỹ nghe vậy liền lệnh ngay, đưa xuống khu cách ly. Nghe thế, tôi cũng như người nhà bỗng thấy lo lắng nhưng phải chấp hành. Giường bệnh khu cách ly chỉ có manh chiếu mỏng. Phòng bệnh bốc mùi ẩm mốc chắc lâu nay không có ai vào điều trị. Cả khu chỉ lác đác dăm ba bệnh nhân. Ti vi không, điện thoại không. Quả là cách ly đúng nghĩa.
Ngày hôm sau có kết quả xét nghiệm. May quá, tôi chỉ bị sốt thông thường, được chuyển về khoa nội điều trị. Nhưng dù sao thì đấy cũng là một sự trải nghiệm cần thiết.
Kể lại mẩu chuyện trên để thấy rằng, trên đời này, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Điều quan trọng là mỗi người tự xác định được điều đó để luôn sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Trở lại với chuyện cách ly vì dịch Covid-19. Tại sao nhiều người phải “xoắn” vì nó, không chỉ người được cách ly mà cả người nhà của họ?
Họ “xoắn” để rồi ta thán, chê bai, dè bỉu; để rồi tìm mọi cách trốn cách ly, để rồi phụ bạc đất nước, đồng bào đã giang tay đón họ trở về từ vùng dịch. Họ chê khu cách ly không sạch sẽ, sang trọng, thức ăn không ngon như họ tưởng dù họ là những người còn rất trẻ, những du học sinh tuổi mới mười chín đôi mươi.
Còn người thân họ cũng “xoắn” không kém. Sự việc diễn ra ở khu cách ly KTX khu A Đại học Quốc gia TP.HCM ngày hôm qua, hôm kia khiến dư luận không khỏi buồn lòng. Hàng trăm thân nhân người cách ly chen chúc nhau tay xách nách mang nào mì tôm, thức ăn, nước uống; nào quạt điện, tủ lạnh, ti vi, chăn nệm,… để “chi viện” cho con em mình, mặc dù nhà nước vẫn đảm bảo điều kiện ăn uống sinh hoạt tối thiểu cho mọi người trong khu cách ly.
Chưa hết, họ kêu ca, khiếu nại bất chấp lệnh ngưng tiếp tế rồi tìm cách ném hàng qua bờ rào, xả rác (bao bì, túi đựng đồ tiếp tế) bừa bãi.
Những người “xoắn” lên vì cách ly đâu biết, bao nhiêu chiến sỹ quân đội, công an, bao nhiêu y bác sỹ đang phải làm việc trong điều kiện căng thẳng, lán trại, sàn nhà với manh chiếu mỏng là nơi để nghỉ ngơi, chợp mắt mà dưỡng sức cho cuộc chiến chống dịch đầy cam go, thử thách.
Họ cũng đâu biết hơn trăm ca nhiễm mới virus corona đều là người từ vùng dịch trở về. Còn hàng vạn người khác cùng chuyến bay tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong đó có họ. Một người nhiễm bệnh liên đới cả trăm người, kéo theo sự vận hành của cả hệ thống phòng, chống dịch của địa phương.
Cho nên, lúc này hơn bao giờ hết, cần lắm sự sẻ chia của mỗi người với nhà nước, với những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Vậy mà không ít người vẫn “xoắn” lên vì sự ích kỷ trong lối sống của riêng mình. Nhiều người đặt câu hỏi, những cá nhân ỉ ôi chuyện cách ly vì dịch bệnh là ai?
Họ quen sống co mình trong vỏ ốc riêng tư hay được bao bọc trong nhung lụa thì “xoắn” cũng chẳng có gì là khó hiểu.
Xin hãy gạt sang một bên cái tôi cá nhân của mình mà mở lòng với đất nước, với cộng đồng, để cùng nhau chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Đó là lời nhắn nhủ nhưng cũng là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân Việt yêu nước thương nòi lúc này.
tin tức liên quan
Videos
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Khu di tích Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tiếp nhận thiết bị công nghệ số hướng dẫn di tích
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522898
2148
2282
21672
220837
121009
114522898