Những góc nhìn Văn hoá
Trần Đình Sử - Người biện hộ cho hình thức nghệ thuật
1. Chuyên luận Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử xuất bản lần đầu năm 1987. Nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý khi coi sự hiện diện của cuốn sách này là một sự kiện trong đời sống học thuật ở thời điểm ấy. Đi xa hơn việc đúc kết phong cách của một tác giả, Thi pháp thơ Tố Hữu có lẽ là chuyên luận đầu tiên ở Việt Nam ý thức việc trình bày khung lý thuyết (framework) mà nhà nghiên cứu làm việc với nó. Khung lý thuyết ấy là thi pháp học hiện đại. Dù kế thừa tư tưởng của một số nhà thi pháp học Nga, trong đó dấu ấn đậm nét là Mikhail Bakhtin, nhưng hoàn toàn có thể nói Trần Đình Sử đã kiến tạo mô hình nghiên cứu của riêng ông. Mô hình ấy phát huy hiệu năng không chỉ trong việc nghiên cứu tác giả, tác phẩm mà còn có thể cho phép nhìn ra được sự vận động trong chiều sâu của lịch sử văn học. Hàng loạt các khái niệm được trình bày trong cuốn sách đã đi vào đời sống học thuật, trở thành những khái niệm công cụ quan trọng trong nghiên cứu văn học như quan niệm nghệ thuật về con người, kiểu tác giả, không gian-thời gian nghệ thuật… Có thể nói, với những khái niệm công cụ mới này, cả một hệ đề tài học thuật mới đã được mở ra và chưa bị vắt kiệt cho đến tận thời điểm này.
Khái niệm trung tâm của thi pháp học trong mô hình nghiên cứu của Trần Đình Sử là “hình thức mang tính quan niệm”. Đỗ Lai Thúy đã có một nhận xét xác đáng về đóng góp của Trần Đình Sử trong việc biện luận cho khái niệm này: “… thi pháp học đã gỡ bí cho phê bình văn học, ít nhất là một điểm. Nhưng là điểm cốt tử. Đó là vấn đề hình thức nghệ thuật.”[1] Đỗ Lai Thúy và trước đó, Nguyễn Hưng Quốc trong Thơ, v.v và v.v…[2] đều nói đến một truyền thống xem nhẹ, thậm chí coi thường hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam. Truyền thống ấy vốn dĩ đã cắm rễ trong nhận thức của dân gian, coi hình thức là bình còn nội dung là rượu. Nhận thức ấy lại được củng cố thêm bởi tinh thần của Nho giáo, vốn chủ trương “văn dĩ tải đạo”, theo đó, văn chương được nhấn mạnh trước hết ở chức năng của nó như là công cụ để truyền tải và lan tỏa “đạo”. Đặc biệt, trong thời hiện đại, suốt một thời gian dài, qua lăng kính của phê bình xã hội học thô thiển, một sáng tạo bị quy kết là “chạy theo chủ nghĩa hình thức” đồng nghĩa với việc tác phẩm đó lệch lạc về tư tưởng và thẩm mỹ. Định kiến về hình thức, quả thực, chính là nhân tố nội tại kìm hãm sự phát triển văn học; phê bình, nghiên cứu văn học khi xem nhẹ hình thức cũng xa rời chức năng và nhiệm vụ quan trọng nhất của nó - giúp khám phá và đánh giá văn học như một hiện tượng nghệ thuật.
2. Vậy “hình thức” trong tư duy lý thuyết của Trần Đình Sử được diễn giải như thế nào? Trước hết, nó được xóa bỏ thế đối lập nhị nguyên trong mối quan hệ với “nội dung”. Hình thức ở đây phải được hiểu như quan niệm của Bakhtin là “hình thức kiến tạo”: đó không phải là hình thức của đối tượng miêu tả mà là hình thức của cái nhìn đối với thế giới của người nghệ sĩ, hình thức của tư duy nghệ thuật. Nó không chỉ nằm trên bề mặt biểu kiến của tác phẩm nghệ thuật mà thuộc về nguyên tắc thế giới quan giống như một tác lực (force) chi phối quá trình xây dựng thế giới nghệ thuật của nhà văn. Thế giới ấy là thực thể thẩm mỹ, kết tinh trong đó những ý nghĩa mà người nghệ sĩ muốn cấp cho đời sống, được hiện hình thông qua lao động của anh ta trên chất liệu. Chỉ ở lớp hình thức mang tính quan niệm này, ta mới có thể nhìn ra được tính tích cực chủ động của người nghệ sĩ trong tư cách chủ thể sáng tạo. Nếu một nhà văn lớn được coi là một nhà tư tưởng lớn thì đến đây phải khẳng định: nhà tư tưởng ấy chỉ có thể bộc lộ mình trong hình thức. Hay nói rõ hơn, hình thức chính là chiều kích tư tưởng của nhà văn.
Trần Đình Sử đã chứng minh thuyết phục mệnh đề trên trong những nghiên cứu trường hợp cụ thể. Trong Thi pháp Truyện Kiều, ông cho rằng tư tưởng chủ đạo trong tác phẩm của Nguyễn Du là “thân mệnh tương đố”. Nhưng đó không phải là tư tưởng đã có sẵn từ trước và toàn bộ văn chương Truyện Kiều chỉ là phương tiện để diễn ý. Ngược lại, tư tưởng ấy sinh thành trong hình thức tự sự mà chỉ đến Nguyễn Du mới được khai phá. Nó trước hết hiện lên qua tần số lặp lại đến mức ám ảnh của chữ “thân” trong Truyện Kiều với nét nghĩa chỉ sự tồn tại cụ thể, cảm tính với những trải nghiệm riêng tư của mỗi cá nhân. Nhân vật của Nguyễn Du, khi được khám phá từ bình diện “thân”, đã không còn mang tính chất của kiểunhân vật đạo lý vốn là đặc trưng của văn học trung đại, mà trở thành dạng nhân vật tâm lý. Kiểu con người tâm lý này lại được kiến tạo từ hàng loạt các chiến lược tu từ tự sự, hay nói giản dị hơn, tù cách kể chuyện của Nguyễn Du. Trong đó, nổi bật lên là sự đổi thay điểm nhìn trần thuật, kể chuyện theo cái nhìn và tâm trạng nhân vật thay vì từ bên ngoài. Bên cạnh đó, người kể chuyện còn được cá tính hóa, kịch tính hóa, không chỉ làm công việc dẫn dắt câu chuyện mà còn gợi mở người đọc khám phá và đồng cảm với nội tâm của nhân vật.[3] Cách phân tích của Trần Đình Sử trong Thi pháp Truyện Kiều dẫn tới kết luận: điều làm nên tính đột phá của Nguyễn Du vàTruyện Kiều là ở chỗ ông là người sáng tạo hình thức mới. Chính hình thức mới này mới khiến Truyện Kiều không phải là phiên bản mô phỏngKim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà có một địa vị tự thân. Nếu tầm vóc của Nguyễn Du là tầm vóc của một nhà tư tưởng thì tư tưởng ấy phải được hình thức hóa.
Trong môt nghiên cứu ngắn khác về truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, Trần Đình Sử chỉ ra cấu trúc đối thoại chính là phương diện phức tạp nhất và cũng mang tính đột phá nhất của tác phẩm này. Những cách đọc “Chí Phèo” trước đó thường chỉ nhìn thấy nhân vật Nam Cao tồn tại trong không gian xã hội là làng Vũ Đại, cố gắng tìm ra những mâu thuẫn xã hội được miêu tả trong tác phẩm và quy cho chúng là nguyên nhân chính tác động lên số phận nhân vật. Theo Trần Đình Sử, quan trọng hơn, cần phải nhận ra môi trường ý thức được tạo nên bởi quan điểm, lời nói của các nhân vật trong tác phẩm. Những quan điểm, lời nói này hướng vào nhau, khiêu khích lẫn nhau, tranh cãi với nhau, ngay cả người kể chuyện - dù đứng ở ngôi thứ ba – cũng không còn là người kể chuyện toàn tri, thấu suốt. Điều này dẫn đến chỗ tổ chức lời trần thuật trong truyện ngắn này khác với văn xuôi Tự lực văn đoàn hay một số đại diện của chủ nghĩa hiện thực. Nó là một lối trần thuật đạt đến độ căng, từ đó kể một bi kịch khác - “bi kịch của con người với môi trường thiếu nhân tính”[4]. Tính chất thiếu nhân tính ấy không chỉ nằm ở thế lực cường hào ác bá mà sâu xa hơn nằm trong định kiến hẹp hòi bao quanh các nhân vật. Như vậy, cấu trúc đối thoại không phải là thủ pháp chuyên chở nội dung mà cần phải được hiểu là hình thức tạo sinh nội dung. Điều thách thức nhất nhưng lại là điểm khởi đầu của sự chiếm lĩnh tác phẩm nghệ thuật chính là tri nhận được lớp hình thức ấy.
3. Sức thuyết phục của nghiên cứu thi pháp học qua thực hành của Trần Đình Sử có lẽ trước hết nằm ở các thao tác phân tích và chứng minh của ông. Không sa vào tư biện, cũng như đi xa hơn việc dựa vào chủ nghĩa kinh nghiệm hay ấn tượng, những nghiên cứu của Trần Đình Sử nhận được sự hưởng ứng bởi sự mạch lạc, logic của khung tư duy mà nhờ đó, có thể quan sát được những phương diện sâu xa hơn, bản chất hơn của các hiện tượng văn học mà truyền thống lí luận phê bình nệ kinh nghiệm và ấn tượng không chạm tới. Tuy nhiên, sức gợi mở lớn nhất trong thực hành thi pháp học của Trần Đình Sử nằm ở chỗ ông thoát khỏi tính chất đóng kín và tĩnh tại của thi pháp học cấu trúc luận. Thay vào đó, tư duy nghiên cứu của ông là tư duy lịch sử. Ngay từ trong Thi pháp thơ Tố Hữu, có thể nói không quá lời rằng nhiệm vụ quan trọng nhất mà ông theo đuổi là khảo cổ sự vận động các hình thức của thơ ca, phát hiện phả hệ của chúng. Phát hiện về tính chất điệu nói trong thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu là một đóng góp nổi bật của chuyên luận này. Sự hiện diện của câu thơ điệu nói ngay trong tập thơ đầu tay Từ Ấy là bằng chứng cho thấy cần thiết phải đặt Tố Hữu vào thời đại của Thơ mới.[5] Nếu như Thơ mới là cuộc cách mạng trong thơ ca thì thành quả của cuộc cách mạng ấy chính là câu thơ điệu nói. Đối lập với kiểu câu thơ điệu ngâm đặc trưng của thi ca trung đại, câu thơ điệu nói không chỉ phá vỡ những luật lệ trong vần, nhịp, số chữ trong câu, hay thù pháp hòa thanh, cho phép lớp ngôn ngữ gắn liền với tiếng nói con người tràn vào địa hạt của thi ca. Điều mà Hoài Thanh từng nghi ngại về sự xâm lăng của chất văn xuôi vào thơ thì Trần Đình Sử cho thấy thực ra đây chính là sự đột phá của Thơ mới, nó làm phong phú khả năng biểu đạt của lời thơ và nhất là cho phép giọng điệu cá nhân của nhà thơ được thể hiện sắc nét - điều mà câu thơ điệu ngâm hạn chế. Câu thơ điệu nói vì thế không chỉ là một tổ chức ngôn từ theo thi luật mới mà mang theo một nhãn quan mới, trong đó tiếng nói cá nhân với vô vàn sắc thái, cung bậc đa dạng trở thành bình diện biểu hiện quan trọng nhất của thơ ca.
Trong Thi pháp Truyện Kiều, để định vị thể loại tác phẩm của Nguyễn Du, Trần Đình Sử chứng minh sự xuất hiện những rạn nứt của mô hình truyện Nôm truyền thống ở Đoạn trường tân thanh. Ông chỉ ra những cải biến về cốt truyện, lời văn đa chủ thể, đậm tính chủ quan, cái nhìn nghệ thuật nhiều chiều, cách kết thúc không giải quyết hoàn toàn vấn đề, từ đó, cho thấy tác phẩm Nguyễn Du đã hội tụ phẩm chất của tiểu thuyết. Nhưng Truyện Kiều thuộc về loại hình tiểu thuyết nào? Theo Trần Đình Sử, tác phẩm của Nguyễn Du có nhiều đặc điểm tương đồng về mặt loại hình với tiểu thuyết cảm thương. Một mặt, Truyện Kiều nằm trong dòng mạch của khuynh hướng cảm thương vốn nổi lên trong thời đại Nguyễn Du mà Chinh phụ ngâm được xem là cột mốc. Những biến động khốc liệt của thời đại đặt con người vào trong những vòng xoáy trớ trêu, những thăng trầm khắc nghiệt khiến văn chương trở thành tiếng kêu thương cho những số phận cá nhân nhỏ bé bị tổn thương, dập vùi. Mặt khác, hoàn toàn có thể nhìn Truyện Kiều trong một viễn cảnh so sánh rộng hơn như Trần Đình Sử gợi ý: đặt nó trong mối quan hệ với tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa theo dòng cảm thương và tiểu thuyết tình cảm chủ nghĩa của phương Tây cũng nổi lên ở thế kỷ XVIII.[6]
Chú ý đến tính lịch sử của hình thức, thực chất, cũng là chú ý đến tính văn hóa của hình thức. Cách làm việc ấy của Trần Đình Sử nhận được sự cộng hưởng từ những nghiên cứu sau đó. Chẳng hạn, tôi cho rằng khi Đỗ Lai Thúy gọi tên thơ nôm Hồ Xuân Hương là sự hoài niệm phồn thực, điều đó cũng nghĩa là ông muốn lần tìm một phả hệ của ngôn ngữ dâm tục trong thơ của bà. Cá nhân tôi chịu ảnh hưởng rất sâu sắc tư duy lịch sử của Trần Đình Sử khi nghiên cứu hình thức nghệ thuật. Khi khảo sát những hiện tượng phá cách nhất, nổi loạn nhất trong thơ đương đại, tôi ý thức rằng không một hình thức nào không có một lịch sử của nó, một truyền thống của nó, cho dù truyền thống ấy có thể bị xem là nhỏ phụ, bị ngoại biên hóa. Những bài thơ chơi với âm của Trần Dần, chơi với nghĩa của Lê Đạt hay những bài thơ chế nhại, rỗng nghĩa, bỡn cợt trong thơ đương đại đều có thể tìm thấy tiền thân của nó trong mô thức của đồng dao, câu đố hay vè. Nghiên cứu tính lịch sử và văn hóa của hình thức nghệ thuật gắn liền với thực tiễn văn học Việt Nam cho đến này vẫn còn bỏ ngỏ rất nhiều khoảng trống.
4. Không chỉ biện hộ cho hình thức nghệ thuật bằng những nghiên cứu chuyên sâu, Trần Đình Sử còn làm công việc này bằng việc diễn giải khái niệm này trong giáo trình lý luận văn học ở trường đại học, các bài phê bình những hiện tượng văn học thời sự và đặc biệt bằng việc giới thiệu và dịch thuật Bakhtin. Những hoạt động này rất cần thiết ở thời điểm mà văn học Việt Nam xuất hiện những tín hiệu mới, đánh dấu sự chuyển mình sang một giai đoạn mới khi văn học đòi hỏi thoát khỏi chức năng minh họa để khẳng định tính tự trị của nó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi sự nhận thức lại giá trị của hình thức văn chương.
Nghiên cứu của Trần Đình Sử cần được ghi nhận như một dấu mốc của lý luận phê bình thời kỳ Đổi mới. Những hoạt động của ông có ý nghĩa như cú hích cần thiết để lý luận phê bình có thể nâng tầm đón nhận của công chúng, bắt kịp những đột phá của văn học đương thời. Trên thực tế, những hiện tượng quan trọng của văn học giai đoạn này đều là những hiện tượng tạo ra những cách tân về hình thức nghệ thuật, nếu không muốn nói, hình thức chính là phương diện khó nắm bắt hơn cả ở những hiện tượng văn học này. Chẳng hạn, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ giới thiệu một đề tài mới, một kiểu nhân vật mới trong “Tướng về hưu”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết” mà quan trọng hơn, ông đem đến một mô hình tự sự mới. Không nhìn ra được mô hình tự sự ấy, người ta dễ đi đến những quy chụp không thỏa đáng đối với những sáng tác này. Khi chưa ý thức được hình thức chính là tư tưởng, người ta cũng dễ nghi ngại, bài bác lối viết như “một trò chơi vô tăm tích” của Phạm Thị Hoài hay thi pháp của những nhà thơ dòng Chữ như Trần Dần, Lê Đạt – những người tuyên bố: “Tôi giản dị đồng nhất thơ vào Chữ” (Trần Dần), “Mỗi nhà thơ có một dạng vân Chữ” (Lê Đạt). Quan niệm về hình thức văn học như Trần Đình Sử trình bày thôi thúc nghiên cứu văn học phải có sự kết nối với triết học ngôn ngữ hiện đại với những đại diện như Martin Heidegger, Ludwig Wittgestein… Sòng phẳng mà nói, dự phóng này của thi pháp học còn chưa được phát triển như nó cần phải được đẩy đến. Nhưng với quan sát và trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng thi pháp học vẫn là một trong những cách tiếp cận hiệu quả đối với những tham vọng cách tân hình thức trong sáng tạo nghệ thuật.
5. Coi hình thức nghệ thuật là hình thức mang tính quan niệm, nghiên cứu nó trên bình diện lịch sử, văn hóa thay vì chỉ phân tích cấu trúc nội tại của văn bản, mô hình thi pháp học của Trần Đình Sử là mô hình có độ mở và điều này khiến nó có khả năng khớp nối với bước ngoặt ý thức hệ, bước ngoặt diễn ngôn trong nghiên cứu văn học.
Ở thời điểm hiện tại, học thuật phương Tây đang nói đến tính chính trị, tính ý thức hệ của hình thức như một xu hướng nghiên cứu năng động. Nhưng đây không phải là sự trở lại với mô hình nghiên cứu xã hội học thô sơ như nhiều người nghi kỵ. Nó vẫn đòi hỏi một lối đọc sâu văn bản mà thi pháp học vốn chuyên chú đồng thời đề nghị người nghiên cứu phải nhìn ra được sự tương tác, thương thỏa phức tạp, nhiều chiều giữa thi pháp và chính trị, thi pháp và ngữ cảnh xã hội - văn hóa. Thi pháp học có khả năng đồng hành với chủ nghĩa tân sử luận (New Historicism) trong bước ngoặt hệ hình này của nghiên cứu văn học. Nghệ sĩ là người tạo nghĩa cho thế giới bằng hình thức nghệ thuật. Cần có những điều kiện khả thể cho hoạt động này được diễn ra, cho hình thức mới được xuất hiện và ý nghĩa mới được chấp nhận. Hình thức trở thành chiến lược giao tiếp của người nghệ sĩ: anh ta thương thỏa, kháng cự xã hội và văn hóa bằng hình thức nghệ thuật. Lối đọc hình thức, theo đó, dẫn đến lối đọc ngữ cảnh, đọc ý thức hệ và chính trị.
Trong Thi pháp thơ Tố Hữu, có thể nhận thấy ở một số luận điểm, Trần Đình Sử hoàn toàn ý thức được điều này. Chẳng hạn, phát hiện của ông về giọng điệu quyền uy trong thơ Tố Hữu. Giọng điệu quyền uy luôn là thứ cần đến những điều kiện ở chủ thể và ngữ cảnh thì mới có thể cất lên được. Phả hệ của giọng điệu quyền uy có thể truy nguyên về một số thể loại văn học chức năng của thời kỳ trung đại nơi chủ thể phát ngôn luôn có những đặc quyền và ngữ cảnh phát ngôn thường là một tình thế đặc thù. Khi những điều kiện ấy giải thể, giọng điệu quyền uy không còn đậm nét trong thơ Tố Hữu nữa: thơ của ông chuyển từ tư thế đứng trên cao và nói lớn của một chủ thể trữ tình quyền uy sang tư thế đối diện “ta với ta”, nói nhỏ, nói khẽ: “Còn đây một chút trong đêm lạnh/ Đầm ấm bên em một tiếng đờn” (“Một tiếng đờn”).
Những nỗ lực gần đây của Trần Đình Sử khi dẫn nhập lý thuyết về diễn ngôn, về ý thức hệ văn học, về giải cấu trúc cho thấy ông không đóng kín hệ thống nghiên cứu của mình lại. Thi pháp học là một hệ thống mở và bản thân ông là một tư duy nghiên cứu mở. Ông luôn sẵn sàng giải phóng thi pháp học khỏi những giới hạn của nó, từ đó định hướng những đề tài mới, hiện đại hơn cho nghiên cứu văn học. Là người đi sau, tôi luôn cảm thấy biết ơn nhưng khoảng mở mà ông gợi ra đồng thời cũng nhận thấy trách nhiệm khi cần nỗ lực để làm giàu có hơn nữa, hiện đại hơn nữa những phương pháp nghiên cứu văn học.
Đầu tháng tư năm 2020, Xuân Canh Tý.
[1] Đỗ Lai Thúy, “Trần Đình Sử và hình thức có tính quan niệm” in trong Phê bình văn học, Con vật lưỡng thê ấy, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2011, trang 432.
[2] Nguyễn Hưng Quốc, “Huyền thoại về một nước thơ” in trong Thơ, v.v và v.v, NXB Văn nghệ, California, 1996.
[3] Trần Đình Sử, “Tư tưởng, nhân vật và cách kể chuyện của Nguyễn Du” in trong Thi pháp Truyện Kiều, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, trang 113-133.
[4] Trần Đình Sử,”Cấu trúc đối thoại trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao” in trong Đọc văn – Học văn, NXB Tri thức, Hà Nội,2018, trang 288 - 295.
[5] Trần Đình Sử, “Thơ Mới và sự đổi mới thi pháp thơ trữ tình Việt Nam” & “Thể tài và ngôn ngữ trong thơ Tố Hữu” in trong Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995, trang 107-126 & 170-196.
[6] Trần Đình Sử, “Mô hình cốt truyện, thể loại và khuynh hướng cảm thương chủ nghĩa” in trong Thi pháp Truyện Kiều, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2018, trang 208-223
tin tức liên quan
Videos
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thể loại phim
Đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An năm 2024 sẽ được tổ chức tại huyện Tân Kỳ
Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Thống kê truy cập
114529174
2221
2334
21447
215870
0
114529174