Những góc nhìn Văn hoá
Đóng góp của người Nghệ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc
Nhiều nho sĩ người Nghệ An đã đóng góp nhiều công sức trên mọi lĩnh vực: quân sự, chính trị, văn hóa, giáo dục... cho vùng đất Quảng Nam (ảnh: Một góc Quảng Nam. Nguồn interrnet)
Trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, người Nghệ An từ ngàn xưa đã đóng góp nhiều công sức trên mọi lãnh vực: quân sự, chính trị, văn hóa, giáo dục, v.v... Đặc biệt là cho vùng đất Quảng Nam.
1. Về quân sự, chính trị
Trong công cuộc Bình Chiêm, từ thời nhà Hồ, nhà Lê, Nghệ An đã cống hiến cho Tổ quốc những đoàn quân gan dạ, dũng cảm, những vị tướng tài ba.
Thời nhà Hồ, sau khi lên ngôi, năm 1402, Hồ Hán Thương đã chỉnh đốn quân ngũ, sửa chữa đường sá rồi đem đại quân đi đánh Chiêm Thành. Đại quân này chủ yếu tuyển ở Nghệ An và Thanh Hóa.
Hồ Hán Thương đánh chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy mở rộng biên cương đến Quảng Ngãi. Nhà Hồ chia hai động này thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và Phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị. Năm 1402, Hồ Quý Ly đã mở những đợt di dân rầm rộ và đông đảo, họ Hồ hạ lệnh cho dân không có ruộng ở Nghệ An, Thuận Hóa đem vợ con vào ở để khai khẩn, dân ấy phải thích hai chữ tên châu mình trên cánh tay cho khỏi bỏ trốn. Những người có trâu đem nộp thì được ban phẩm tước để lấy trâu cấp phát cho dân cày. Nhưng chủ trương di dân của nhà Hồ không được lâu dài, chỉ 4 - 5 năm sau, quân Minh nấp dưới chiêu bài phù Trần diệt Hồ sang đánh nước ta, Chiêm Thành nhân cơ hội đó cấu kết với quân Minh lấy lại đất ấy và phần lớn những di dân người Việt vào đây đã phải trở về Thuận Hóa.
Năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông thân chinh, thống soái đoàn quân đánh Chiêm Thành (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn thư), Lê Tấn Trung (nguyên quán xã Lỗ Hiền, phủ Thiệu Thiên, đạo Thừa tuyên Nghệ An) được phong chức đại tướng phụ trách hải thuyền. Công cuộc bình Chiêm thắng lợi, ông được phong tước “Bình Chiêm Triệu quốc công” được giao cho trấn thủ châu Lễ Dương (nay thuộc huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ) đất Quảng Nam, ông cũng là vị tiền hiền của châu này.
Tháng 6 năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn lập thành đạo thứ mười ba là Quảng Nam Thừa tuyên đạo, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, đặt chức Án sát ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) ở Quảng Nam. Danh xưng Quảng Nam ra đời từ đó.
Trong cuộc di dân dưới thời Lê Thánh Tông, từ đất Hoan Châu (Nghệ An), Bùi Tấn Diên theo đoàn quân Nam tiến của vua Lê Thánh Tông giữ nhiệm vụ vừa đồn thủ vừa khai phá những vùng đất mới thu phục được. Bùi Tấn Diên và con trai là Bùi Tấn Trường đã ở lại bờ Nam của sông Thu Bồn cùng với đoàn di dân trải qua bao gian khổ khai khẩn đất đai lập nên 6 thôn: Lệ Trạch, Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù Bàn, An Lâm. Bùi Tấn Diên trở thành vị tổ đầu tiên của đại tộc họ Bùi ở Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cung lục gia phả họ Bùi ở Duy Xuyên ghi:
“Ngài thủy tổ Bùi Đại lang, húy Tấn Diên, ngày xưa từ Hoan Châu, Nghệ An vào Thăng Hoa phủ, Ba Châu thuộc, sinh ra ngài Cao cao tổ Bùi Quý công, húy Tấn Trường khai khẩn ra xã hiệu Bình Khương và rạng rỡ thay! phúc ấm dồi dào, đời đời kế tiếp”.
Tiếp tục truyền thống đó, dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, người Nghệ An đã góp nhiều công sức trong sự nghiệp mở cõi phương Nam của các chúa đến tận mũi Cà Mau, mang về cho Tổ quốc một vùng đất đai rộng lớn, giàu có, một vựa lúa nuôi sống dân tộc.
2. Về giáo dục, văn hóa
a, Giáo dục
Trong công cuộc phát triển Giáo dục của Quảng Nam, các Nho sĩ Nghệ An đã đóng góp rất nhiều tài năng, công sức nên được người dân ở đây quí mến gọi bằng cái tên rất tôn kính thân thương là “Ông đồ Nghệ”. Họ không chỉ dạy dỗ, truyền bá đạo lý thánh hiền, một số người còn được làm Đốc học.
Trường Đốc Thanh Chiêm (trường tỉnh Quảng Nam, được thành lập vào năm Gia Long thứ nhất 1802, tại xã Câu Nhí, huyện Diên Phước, đến năm 1835 thời Minh Mạng dời về Thanh Chiêm nên thường gọi là trường Đốc Thanh Chiêm) có những vị Đốc học ở Nghệ An được bổ dụng đến và dù không sinh ra trên quê hương Quảng Nam nhưng khi đảm nhận chức vụ cao quý này, các quan Đốc học đều dốc hết tài đức của mình vào sự nghiệp trồng người. Chính vì thế mà trường Đốc Thanh Chiêm dưới thời phong kiến nhà Nguyễn đã lừng danh là lò luyện nhân tài cho đất nước. Nhiều bậc đại khoa, nhiều chí sĩ cách mạng đã được đào luyện dưới mái trường này.Các Đốc học Nghệ An đã đóng góp trong sự phát triển Giáo dục ở Quảng Nam như:
Đinh Hồng Phiên (1764-1833),sinh tại làng Ông La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Họ Đinh ở La Giáp là một dòng tộc nổi tiếng về học hành, khoa bảng, nhiều người đỗ đại khoa, làm quan lớn. (Theo Gia phả họ Đinh Văn ở làng La Giáp, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An do ông Đinh Văn Niêm cung cấp).
Khoa Đinh Vị (1787), ông thi Hội đậu Tam trường trúng cách (tương đương Phó bảng thời Nguyễn ) được bổ Toản tu Quốc sử quán triều Lê.
Thời Tây Sơn, ông không ra làm quan mà lui về quê mở trường dạy học.
Thời Nguyễn, vào tháng 5 năm Ất Hợi, Gia Long thứ 14 ( 1815) “Lấy Hương cống đời Lê là Đinh Phiên làm Đốc học Quảng Nam” (ĐNTL, T1, tr 901) .
Năm 1817, Lai viễn kiều (Chùa Cầu) ở Hội An được sửa chữa trùng tu lại, ông đã viết bài văn bia Trùng tu Lai viễn kiều ký bằng chữ Hán, bút hiệu Đinh Tường Phủ đến nay vẫn còn lưu truyền (Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 34, năm 2012, tr 61- 62).
Tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt, chống lại triều đình, được phong làm Lễ bộ Thái khanh. Cuộc khởi nghĩa thất bại, giữa tháng 8 năm 1833, Đinh Phiên ra đầu thú. Ông bị chết trên đường áp giải về kinh đô.
Nguyễn Viết Tiêm (1767-1830), quê ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông xuất thân trong một dòng tộc có truyền thống yêu nước, cần cù, chịu thương chịu khó và hiếu học. Dòng họ ông đã cống hiến cho quê hương, đất nước nhiều danh nhân chí sĩ yêu nước, nhiều người khoa bảng.
Nguyễn Viết Tiêm đậu tú tài đời vua Gia Long làm quan Đốc học tỉnh Quảng Nam.
Triều vua Minh Mạng, nhậm chức hành tẩu, được thăng chức hàn lâm viện thị giảng đứng chầu vua đọc sách.
Ông mất năm Canh Dần (1830), hưởng thọ 64 tuổi.
Nguyễn Tạo (1822-1892). Trước có tên là Nguyễn Công Tuyển, sau đổi là Nguyễn Tạo, tự là Thăng Chi, quê xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thủy tổ của Nguyễn Tạo là cụ Nguyễn Công Châu, nguyên quán xã Bình Luật, phủ Thạch Hà, trấn Nghệ An. Khoảng thời Lê Thánh Tông (1471) vào khai khẩn rồi định cư tại xã Hà Lam.
Niên hiệu Thiệu Trị thứ 6, ông thi Hương đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ (1846) tại trường thi Thừa Thiên. Sau đó ông thi Hội 6 lần đều bị hỏng.
Năm 1878, Tự Đức thứ 31, ông được bổ làm Giáo thụ phủ Thăng Bình, rồi Quyền Đốc học Quảng Nam.
Ông mất năm Nhâm Thìn (1892), niên hiệu Thành Thái thứ 4, hưởng thọ 71 tuổi, an táng tại quê nhà.
Nguyễn Tạo là một vị quan tài giỏi, thanh liêm, làm quan ở đâu cũng có tiếng tốt, được vua phê là “Quan giỏi hiếm có”. Ông là vị Đốc học có tài đức đã đào tạo cho quê hương Quảng Nam nhiều nhân tài, được giới trí thức và quần chúng kính yêu.
Trần Đình Phong (1847-1920), hiệu là Mã Sơn nên nhân dân quen gọi ông là Đốc học Mã Sơn, người xã An Mĩ, huyện An Thành (nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành), tỉnh Nghệ An.
Ông thi đỗ Cử nhân khoa Bính Tý (1876), niên hiệu Tự Đức thứ 29. Khoa Kỷ Mão (1879), niên hiệu Tự Đức thứ 32, đỗ Tiến sĩ. Ông được bổ làm Tri phủ Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa sau đó chuyển làm Đốc học tỉnh Quảng Ngãi, Đốc học Quảng Nam rồi về Huế làm Tế tửu Quốc tử giám.
Ông nổi tiếng về đạo đức cao trọng, là gương mẫu của giới sĩ phu đương thời. Dưới sự dạy dỗ của Đốc học Trần Đình Phong, học trò Quảng Nam đã đạt được những thành tích vô cùng vẻ vang. Khoa thi năm Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ 10, Quảng Nam có 3 người đỗ Tiến sĩ và 2 người đỗ Phó bảng.
Ba vị Tiến sĩ là: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn
Hai vị Phó Bảng là: Ngô Truân, Dương Hiển Tiến
Năm vị đỗ Đại khoa được vua ban áo mão vinh quy, được nhân dân Quảng Nam đón rước long trọng và tôn xưng là “Ngũ phụng tề phi”.
Ngoài thành tích vẻ vang đó ông còn có công đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Các lãnh tụ của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đều xuất thân từ trường Đốc Thanh Chiêm.
Các con trai ông: Trần Đình Phiên, Trần Đình Diệm, Trần Nguyên Đỉnh, Trần Đình Nam là những người có công nhiều trong phong trào Duy tân tự cường hồi năm 1908 ở miền Trung.
Trần Đình Phong không chỉ nổi tiếng là một nhà sư phạm mẫu mực mà còn nổi tiếng văn chương. Trong thời gian làm Đốc học Quảng Nam ông đã nghiên cứu về vùng đất này và viết một bài phú rất nổi tiếng là Quảng Nam tỉnh phú. Ông còn viết Quốc triều chánh biên toát yếu và nhiều thơ Hán Nôm rất có giá trị.
Đinh Văn Chấp (1882-1953), là cháu gọi Đinh Phiên bằng ông cố. Gia tộc họ Đinh ở La Giáp liên tục qua 5 thế hệ có 5 người thi đỗ Tiến sĩ.
Ông Đinh Văn Chấp đỗ Hoàng Giáp (Đệ nhị giáp Tiến Sĩ) năm 1913 niên hiệu Duy Tân thứ 7, được bổ làm Đốc học Quảng Nam.
Năm 1930, Đinh Văn Chấp bị tố cáo khai man lý lịch nên bị chuyển ra làm Án sát Hà Tĩnh. Sau đó ông từ quan về quê nghiên cứu Phật Giáo. Ông là người đầu tiên dịch thơ văn chữ Hán đời Lý, Trần sang chữ Quốc ngữ.
Ông Đinh Văn Chấp cũng có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung. Ông mất năm 1953.
Con của Đinh Văn Chấp là Đinh Văn Nam tức Hòa thượng Thích Minh Châu, Tiến sĩ về Phật học tại Pháp. Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 tại làng Kim Thành, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lúc thân phụ đang làm Đốc học Quảng Nam
Học sinh trường Đốc Thanh Chiêm nhờ có truyền thống hiếu học lại được các vị Đốc học tận tụy giảng dạy, đào luyện nên đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Qua 48 khoa thi Hương dưới triều Nguyễn, Quảng Nam có 254 Cử nhân. Và qua 39 khoa thi Hội, Quảng Nam có 39 người đỗ gồm 15 Tiến sĩ và24 Phó bảng. Nhờ thành tích học tập mà Quảng Nam được vinh danh là đất “Ngũ phụng tề phi”
b, Võ nghệ
Võ phái Hồ Công làng Châu Bí (nay là xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn) dưới chân núi Bồ Bồ, do tướng quân Hồ Công Sùng khai sáng.Ông xuất thân từ làng Quỳnh Đôi, Nghệ An làm quan dưới triều nhà Mạc đến chức Đô chỉ huy sứ. Đầu thế kỷ 17, ông từ quan, dẫn ba người con trai - đều là tướng quân - vào miền đất Châu Bí khai hoang lập làng. Thuở ấy, đất này là rừng thiêng, nước độc, nhiều thú dữ, nên ông phải tìm cách tự vệ, và việc đánh rắn, đuổi cọp trên núi Cấm đã được ông đúc kết kinh nghiệm, sáng chế ra những thế võ độc đáo, có tên là võ Long Xà. Võ phái Hồ Công ở Châu Bí đã sản sinh ra nhiều võ sĩ tài ba, danh tiếng lừng lẫy, “bất khả chiến bại” như: Võ sư Hồ Hương, Hồ Điệp, Hồ Cưu, Hồ Cập
Con của võ sư Hồ Điệp là võ sư Hồ Công Vinh, truyền nhân đời thứ 9 của võ phái Hồ Công, mở võ đường Long Xà ở Châu Bí, ông đã đào tạo được nhiều võ sĩ xuất sắc. Trong một cuộc hội thảo võ thuật tại Ninh Thuận, Hồ Công Vinh đã biểu diễn đòn “Nghịch cước xuyên tâm” của võ phái Long Xà khiến các võ sư vô cùng thán phục.
Từ Quỳnh Đôi xứ Nghệ, võ tướng Hồ Công Sùng và các con đã chọn núi rừng Châu Bí làm quê hương thứ hai, khai sinh ra võ Long Xà lưu truyền trong dòng tộc với những cao thủ võ lâm làm rạng rỡ cho nền võ học quê nhà. Sự nghiệp đó được người dân Quảng Nam ghi nhớ, đúng như 2 câu đối ở nhà thờ tộc Hồ Công:
“Hữu khai tất tiên, công đức tòng lai viễn hỉ,
Khắc xương quyết hậu, tử tôn phất thế dẫn chi”
(Khai cuộc dẫn đầu, công đức ngàn sau lưu dấu,
Hưng công mở mối, cháu con tiếp bước noi truyền)
Nguyễn Thiếu Dũng dịch.
c, Thơ văn
Nguyễn Thuật (1842-1911) tự là Hiếu Sinh, hiệu là Hà Đình, sinh tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Thủy tổ là cụ Nguyễn Công Châu, nguyên quán xã Bình Luật, phủ Thạch Hà, trấn Nghệ An. Khoảng thời Lê Thánh Tông (1471) vào khai khẩn rồi định cư tại xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, đạo Thừa tuyên Quảng Nam.
Ông xuất thân trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước, là con trai thứ của ông Nguyễn Đạo và bà Võ Thị Tại, em của Sơn phòng sứ, Đốc học Quảng Nam Nguyễn Tạo, anh của Tán tương quân vụ Nghĩa hội Quảng Nam Nguyễn Duật. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), ông thi đỗ Cử nhân; năm sau, đỗ Phó bảng. Ông làm quan với nhà Nguyễn trải qua các triều từ Tự Đức đến Duy Tân
Nguyễn Thuật đã để lại cho đời một số lượng tác phẩm thơ văn rất đồ sộ với trên 800 bài gồm đủ các thể loại văn, thơ, từ, phú, hát nói, câu đối… Ngoài ra, ông còn để lại nhiều tác phẩm thư pháp, bi ký cả trong và ngoài nước. Thơ của Nguyễn Thuật giàu thi ảnh, mang tính nhân văn sâu sắc. Thơ văn của ông hàm chứa một nhân sinh quan tích cực, một thế giới quan lành mạnh, trong sáng.
Tú Quỳ (1828-1926) là nhà thơ hiện thực trào phúng xuất sắc của Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đồng thời với Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở miền Bắc, Học Lạc, Nhiêu Tâm ở miền Nam.
Tú Quỳ tên thật là Huỳnh Quỳ, hiệu Hướng Dương sinh tại làng Giảng Hòa, tổng Quảng Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Ông tổ của Tú Quỳ là Huỳnh Đại Lang tức Huỳnh Văn Nê người huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An theo vua Lê Thánh Tông Nam chinh, sau đó đã chọn Giảng Hòa, một gò nổi đầy lau lách, gai góc um tùm ven sông Thu Bồn, để khai phá, định cư xây làng, lập xã.
Năm 19 tuổi, Tú Quỳ thi đỗ Tú Tài, sau đó thi tiếp nhưng cũng chỉ đỗ Tú tài dù lần nào ông cũng đỗ đầu, ông về quê vui với việc dạy trẻ và dùng tài văn chương thể hiện lòng yêu quê hương đất nước, yêu nông dân nghèo, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội và con người một cách thẳng thừng, phản ánh nhân sinh quan cá biệt của Tú Quỳ khác hẵn bất cứ Nho sĩ nào đồng thời với ông.
Ông qua đời tại quê nhà sáng ngày 6 tháng 5 năm Bính Dần (17-5-1926), hưởng thọ 98 tuổi. Ông ra đi để lại niềm thương tiếc trong lòng mọi người, ngay cả những đối tượng bị ông đả kích mạnh mẽ cũng ngậm ngùi, kính trọng khóc ông bằng bốn chữ “TÚC XƯNG QUÂN TỬ” và tôn vinh ông là “ĐẠI SÚY ĐƯỜNG”.
Tú Quỳ sống vào thời phong kiến suy tàn và thực dân xâm chiếm đất nước ta, suốt đời gần gũi với những người dân quê chất phác, hiền lành mà phải chịu bao khổ đau, oan ức, ông luôn mang trong lòng nỗi đau mất nước, sự uất hận đối với bọn vua quan bù nhìn, cường hào ác bá bán nước cầu vinh, những kẻ lạm dụng chức quyền hà hiếp nhân dân, ông đã dùng ngòi bút của mình để châm biếm, đả kích chúng bằng một giọng điệu khá cay độc, đả phá những hủ tục, những thói mê tín dị đoan và những kẻ lợi dụng sự mê muội của quần chúng để trục lợi, do đó thơ văn trào phúng của ông chiếm số lượng khá lớn và làm nên tên tuổi của ông.
Từ thời nhà Hồ, nhà Lê, người dân xứ Nghệ đã nặng tình với mảnh đất Quảng Nam, nhiều gia đình đã rời bỏ quê hương di dân vào đây khai cơ lập nghiệp trở thành những vị tiền hiền của các làng xã, nhiều “ông đồ xứ Nghệ đã đem đạo học thánh hiền vào quảng bá cho người dân vùng đất mới, trong đó có những vị Đốc học tài ba hết lòng vì sự nghiệp trồng người được nhân dân Quảng Nam yêu mến, nhớ ơn, những võ sư từ xứ Nghệ vào Quảng Nam khai phá lập làng và sáng tạo môn võ độc đáo, những nhà thơ tên tuổi còn truyền cho đến ngày nay.
tin tức liên quan
Videos
Giới trẻ có thờ ơ với các vấn đề chính trị?
Xoài Tương Dương và hành trình xây dựng thương hiệu
Chúng ta đang cần tới một cuộc đại chấn hưng văn hóa của quốc gia - dân tộc!
Từ hai bài phú Nôm và một số bài thơ chữ Hán của Đức vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) - Tìm hiểu tư tưởng Thiền của phái Trúc Lâm Yên Tử
Về với Nga ba Đồng Lộc
Thống kê truy cập
114525258
272
2364
21960
211954
0
114525258