Xứ Nghệ ngày nay

Chuyện về cô gái mù đi tìm nguồn sáng

       

Phan Thị Thương Hoài cùng làm tăm tre với mọi người

Người ta thường ví: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, vậy mà với Phan Thị Thương Hoài, cánh cửa ấy đã đóng chặt từ khi Hoài vừa mới cất tiếng khóc chào đời. Tạo hóa không cho chị đôi mắt bình thường nhưng bù lại Hoài có trái tim nhạy cảm, cái tâm trong sáng cùng với trí thông minh và lòng kiên nhẫn. Đáng quý hơn là ở Hoài, niềm tin yêu cuộc sống chưa bao giờ lụi tắt, chính điều này đã giúp chị có đủ can đảm để vượt lên hoàn cảnh éo le trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống, về lòng nhân ái.

Ngày ấy cách đây 37 năm, tại một làng quê nhỏ của xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, cô bé Phan Thị Thương Hoài cất tiếng khóc đầu tiên trong niềm hạnh phúc của bố, mẹ và những người thân thiết. Thế nhưng, niềm vui ấy đã dần dần lụi tắt khi cả nhà nhận ra đứa con gái bé bỏng của mình chẳng thấy gì ngoài bóng tối. Phải chăng mẹ của Hoài đặt tên cho con như vậy để thương mãi cuộc đời bất hạnh của con. Thế rồi bé Hoài cứ lớn dần lên trong tình thương yêu của mọi người, nhất là mẹ, chính mẹ là ngọn lửa đã sưởi ấm tâm hồn Hoài ngay từ thuở còn thơ bé.

Mới hơn 10 tuổi đầu, Hoài đã rời vòng tay của mẹ để đến sống và học tập tại ngôi nhà thứ hai của mình đó là Trung tâm Giáo dục trẻ em tàn tật tỉnh Nghệ An. Với tố chất thông minh nhanh nhẹn cộng với đức tính kiên trì ham học hỏi nên 5 năm liền Hoài đều dạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc. Dưới mái ấm tình thương này, Hoài không những chỉ được học chữ mà còn được học cánh làm người có ích, trái tim Hoài luôn biết rung động, yêu thương chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Học hết chương trình lớp 5 bằng chữ nổi, Hoài đã ý thức được rằng kiến thức là nguồn sáng vô tận, không thể dừng lại ở đây, mong ước của Hoài là tiếp tục được theo học tại các lớp hòa nhập bình thường. Là một trong hai người khiếm thị đầu tiên của tỉnh Nghệ An tham gia học hòa nhập cộng đồng, trở về quê nhà, nhờ sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở Kỳ Sơn, Hoài được tiếp nhận vào lớp 6B như một thành viên đặc biệt. Những ngày đầu tại lớp hòa nhập, Hoài như lạc vào một thế giới mới, thầy mới, bạn mới, kiến thức mới, cách học cũng khác xa so với phương pháp học bằng chữ nổi. Nếu như mọi người thỏa thích ngắm nhìn vạn vật xung quanh với muôn vàn đường nét, hình khối và màu sắc khác nhau thì với Hoài, chỉ thấy duy nhất một màu tối sẫm. Tránh sao cho khỏi mặc cảm, ngỡ ngàng, dù rất buồn nhưng Hoài không thể buông xuôi trước hoàn cảnh éo le, Hoài đã vận dụng hết khả năng của lý trí và sự thính nhạy của đôi tai để hình dung những gì đang diễn ra xung quanh mình. Đó là những ngày tháng khó khăn nhất đối với Hoài, ngày nắng cũng như ngày mưa, lúc khỏe mạnh cũng như khi đau yếu Hoài vẫn đều đặn đến trường bằng sự trợ giúp của mẹ và bạn bè thân thiết. Những âu lo phiền muộn rồi cũng qua đi, Hoài đã nhanh chóng chinh phục mọi người bằng sự nỗ lực không ngừng trong học tập, bằng trí thông minh và tính cách dịu dàng, khiêm tốn. Mọi mặc cảm dường như tan biến khi Hoài được sống giữa những tấm lòng nhân hậu bao dung của thầy cô bè bạn. Với Hoài, hạnh phúc chỉ có được khi biết sống hòa hợp với mọi người và đem lại niềm vui cho người khác. Điều này đã thôi thúc Hoài phải làm một việc gì đó có ích cho đời và ý nguyện này đã trở thành hiện thực. Nhận thấy ở Hoài vốn kiến thức chắc chắn và phẩm chất đáng quý, Hội Người mù Tân Kỳ đã chọn Hoài gửi đi đào tạo thêm về nghiệp vụ sư phạm tại Hà Nội, Hoài đã trở thành giáo viên dạy chữ Brai cho người khiếm thị. Vừa thông minh sắc sảo lại vừa dịu dàng tận tụy, vừa nghiêm khắc nhưng vừa độ lượng bao dung, chính bàn tay Hoài đã cùng đồng nghiệp tiếp tục mở rộng cánh cửa tâm hồn cho những người cùng cảnh ngộ.

Nếu như mọi người nhận biết thế giới xung quanh bằng đôi mắt sáng thì những người như Hoài lại cảm nhận bằng con tim và lý trí, bằng kiến thức được tích lũy từ những năm tháng cần mẫn học hành. “Nếu con không chịu học thì suốt đời chỉ làm bạn cùng bóng tối”. Bây giờ, ngẫm lại lời mẹ nói ngày trước thật là chí lý. Việc học đã đem lại cho Hoài nhiều điều bổ ích thiết thực trong cuộc sống. Có được những ngày như hôm nay Hoài vô cùng biết ơn người mẹ tảo tần lam lũ đã từng chăm sóc, nâng niu cả những ước mơ khiêm nhường giản dị của con, Hoài không bao giờ quên những tấm lòng thơm thảo của thầy cô, bè bạn, đặc biệt là Hội Người mù Tân Kỳ, ngôi nhà chung thân thương đã nâng bước cho Hoài trên con đường đi tìm nguồn sáng.

Từ năm 1999, sau khi tham gia các khóa đào tạo của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, tính đến nay, Hoài đã trực tiếp dạy chữ BRAI cho gần 100 người khiếm thị. 15 năm làm công tác Hội, với cương vị Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Người mù huyện Tân Kỳ, Hoài đã cùng Ban Chấp hành Hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hơn 300 hội viên trong huyện, mở các lớp học nghề, tổ chức sản xuất tập trung, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm tăm tre, chổi đót và mở thêm nghề tẩm quất cổ truyền để tạo thu nhập cho người khiếm thị, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp hội viên vay vốn quay vòng với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, riêng nhiệm kỳ này, chị còn tích cực vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, hiện vật để chăm sóc đời sống cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 160 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội còn tự gây quĩ từ thu nhập ít ỏi của cá nhân để giúp chị em hội viên nghèo vay không tính lãi. Những việc làm bình dị nhưng chứa đựng trong đó thật nhiều tình thương và trách nhiệm của một cô gái đã bước qua bóng tối, bước qua mặc cảm để sống trọn nghĩa, vẹn tình, đem đến cho người khiếm thị những niềm vui đích thực.

Gặp lại Hoài vào một buổi chiều đầu tháng 5 tại trụ sở Hội Người mù huyện Tân Kỳ khi chị đang cùng anh em hội viên tham gia sản xuất tăm tập trung, vừa trò chuyện, đôi bàn tay mềm mại của chị vừa liên tục đóng gói sản phẩm một cách thuần thục. Vẫn gương mặt dịu dàng, giọng nói trong trẻo ấy, Hoài đã kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề của những người khiếm thị xung quanh mình, có nỗi buồn, có khó khăn, trắc trở nhưng đầy tự trọng và tuyệt nhiên không một ai bi quan, gục ngã, đầu hàng số phận. Từng trải qua một cuộc hôn nhân không trọn vẹn, giờ Hoài đang là người mẹ đơn thân, cô con gái 12 tuổi khỏe mạnh, xinh xắn, ngoan ngoãn chính là nguồn vui lớn nhất để Hoài tựa vào mỗi khi mệt mỏi, con là đôi mắt, đôi chân của mẹ, con là hiện thân, nối dài sự sống của Hoài trong một cơ thể hoàn hảo, con thu nhận ánh sáng, màu sắc, hình dáng của vạn vật để lấp đầy màn đêm trong đôi mắt của Hoài.

 Với chất giọng trong trẻo, thiết tha, tràn đầy cảm xúc, năm 2019, Hoài đã tham gia và dành 1 Huy chương Vàng tại Liên hoan Tiếng hát người khuyết tật khu vực miền Trung -Tây nguyên và 1 Huy chương Vàng tại Liên hoan Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc.

Phan Thị Thương Hoài cùng tốp múa tập luyện chương trình văn nghệ tham gioa Liên hoan Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc năm 2019. Ảnh Trần Tời

Những người thường xuyên tiếp xúc, làm việc với Hoài đều dành cho chị những lời nhận xét tốt đẹp, thân thương, trìu mến.

Một mùa sen nữa lại về trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng yêu nước, thương dân của Người, những người con xứ Nghệ vẫn đang âm thầm lặng lẽ làm nhiều việc tốt, hỗ trợ nhau vượt qua thiên tai dịch bệnh, chia sẻ khó khăn với những người nghèo, người khuyết tật, trong đó có Phan Thị Thương Hoài - một cô gái giàu nghị lực đã tự thắp lên trong bóng tối ngọn lửa tình yêu cuộc sống, chính ngọn lửa ấy đã dẫn lối đưa Hoài đến nguồn sáng của tri thức, của hiểu biết và lòng nhân ái để sống một cuộc đời thực sự có ích./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441668

Hôm nay

268

Hôm qua

2317

Tuần này

21572

Tháng này

216842

Tháng qua

112676

Tất cả

114441668