Diễn đàn

Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ

                                                                       

Các nhà nghiên cứu trao đổi tại Hội thảo khoa học 100 năm chữ Quốc ngữ, TP Hồ Chí Minh 12/2019. nguồn ảnh nld.com.vn

Sách sử chép: từ thế kỷ XVII Tòa Thánh Vatican bắt đầu cử các giáo sĩ đạo Ki Tô người châu Âu đến vùng Đông Á làm sứ mạng truyền giáo. Tới đâu họ đều trước tiên học ngôn ngữ của dân bản xứ theo cách dùng chữ La tinh để ghi âm tiếng nói hoặc phiên âm chữ viết (nếu có) của nước sở tại.

Tại Việt Nam, vào nửa đầu thế kỷ XVII các giáo sĩ đạo Ki Tô dòng Tên như Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar do Amaral, António de Fontes,Alexandre de Rhodes, v.v… đã dùng con chữ La tinh làm ra một loại chữ viết mới cho tiếng Việt, về sau gọi là chữ Quốc ngữ. Chữ viết này có hai ưu điểm nổi bật là biểu âm và La tinh hóa, ghi được toàn bộ các âm tiếng Việt, rất dễ học dễ dùng và có tính quốc tế. Chữ Quốc ngữ ra đời đã giúp các giáo sĩ đạo Ki Tô làm tốt sứ mạng truyền giáo, đồng thời đã mang lại một “công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt” (lời học giả Phạm Quỳnh), từ đó làm thay đổi hẳn đời sống xã hội nước ta và nâng nền văn minh Việt lên một tầng cao chưa từng thấy.

Tại Trung Quốc, năm 1605, giáo sĩ người Ý Matteo Ricci làm ra phương án phiên âm chữ Hán bằng chữ La tinh; nhưng phương án này chỉ giúp người Âu học chữ Hán dễ hơn, chứ chưa phải là một loại chữ viết mới. Về sau, giới trí thức Trung Quốc tiếp tục nghiên cứutheo phương hướng của Ricci, nhằm tạo một loại chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonograph) thay thế chữ Hán mà họ cho là lạc hậu. Nhưng tất cả mọi cố gắng ấy đều thất bại. Năm 1958, Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc làm ra Phương án phiên âm Hán ngữ dùng chữ cái La tinh (汉语拼音方案, Scheme of the Chinese Phonetic Alphabet), chỉ có tác dụng phụ trợ là ghi chú âm cho chữ Hán, không phải là một loại chữ viết. Năm 1986, Nhà nước Trung Quốc từ bỏ mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán. Trở ngại chính là Hán ngữ có nhiều chữ đồng âm, tức cùng một âm đọc có nhiều chữ khác tự hình, khác ý nghĩa, khi viết thành chữ phiên âm (tức biểu âm) sẽ đọc không hiểu nghĩa. Có lẽ vì thế mà tổ tiên người Hoa Hạ đã làm một loại chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideograph), không biểu âm, về sau gọi là chữ Hán, có thể dùng tự hình để phân biệt các chữ đồng âm.

Vì sao chữ Quốc ngữ Việt Nam ra đời nhanh chóng và thành công mỹ mãn như vậy? Những nhân tố nào đã góp phần làm nên thành tựu ngôn ngữ kiệt xuất đó?

Xưa nay mọi người đều quy công đầu cho nhóm các giáo sĩ nói trên, rồi đến cộng đồng giáo dân miền Nam nước ta đã thí điểm sử dụng, thẩm định và hoàn thiện thứ chữ mới đó.

Thực ra, nhân tố căn bản quyết định sự ra đời chữ Quốc ngữ chính là chữ Nôm - một sáng tạo ngôn ngữ học xuất sắc của tổ tiên ta từ thế kỳ XII.

Chữ Nôm là loại chữ biểu âmkết hợp biểu ý, từng có thời được gọi là “Quốc ngữ” hoặc “Quốc âm”, tức chữ của “tiếng nói nước ta”[1]. Chữ Nôm được cấu tạo trên nền tảng chữ Nho (tức chữ Hánđọc bằng tiếng Việt), vì thế phụ thuộc vào chữ Hán, khó học (biết chữ Nho mới học được chữ Nôm), khó phổ cập, lại chưa được chính quyền thừa nhận, bị coi là “nôm na”. Tuy vậy, văn học chữ Nôm do nói lên được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân nên đã trội hơn hẳn văn học chữ Nho, tạo ra một thời kỳ phát triển rực rỡ nền văn học nước ta.

Sau nhiều thế kỷ hoàn thiện, chữ Nôm đã đạt mức ghi được hầu như toàn bộ các âm tiếng Việt. Có thể thấy rõ điều đó từ các tác phẩm văn thơ chữ Nôm như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, v.v… và các tác phẩm chữ Hán được dịch ra chữ Nôm, như Truyền kỳ mạn lục, Chinh phụ ngâm khúc, v.v… Ngay cả khi chữ Quốc ngữ đã ra đời nhưng chưa được sử dụng, các linh mục Công giáo đều dùng chữ Nôm để viết sách viết bài giảng đạo.

Sử sách chép rằng khi các giáo sĩ kể trên đến nước ta truyền giáo, họ đã học và dùng thành thạo tiếng Việt và chữ Nôm, biên soạn nhiều sách và tài liệu truyền giáo bằng chữ Nôm. Có thể suy ra qua đó họ nhận thấy xứ này đã có chữ viết lâu đời, hơn nữa lại là chữ biểu âm- loại chữ được dùng nhiều nhất trên thế giới. Họ cũng biết rõ: chỉ vì dùng ký tự vuông của Hán ngữ để ghi âm tiếng Việt mà chữ Nôm khó học, khó phổ cập; nếu dùng chữ cái La tinh phiên âm chữ Nôm thì chắc chắn sẽ làm được một loại chữ biểu âm La tinh hóa tiện dùng cho việc truyền giáo. Với suy nghĩ như vậy, họ bắt tay vào việc tạo ra một loại chữ mới cho tiếng Việt.

Như vậy nhiệm vụ chủ yếu của các giáo sĩ này là dùng bộchữ cái La tinh thay thế các ký tự vuông ghi âm trong chữ Nôm - nghĩa là chỉ cải tạo, hoàn thiện và La tinh hóa một thứ chữ biểu âm có sẵn. Nhiệm vụ này dễ hơn nhiều so với việc tạo ra loại chữ biểu âm mới cho một ngôn ngữ chưa có chữ viết, tức chưa có các ký hiệu ghi âm.

Dĩ nhiên nhiệm vụ trên cũng có nhiều khó khăn, nhất là việc chọn ký hiệu thể hiện các thanh điệu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) và các âm không có trong bộ chữ La tinh, như ă, â, ê, ơ, ô, ư, đ… Năm 2008, một học giả hàng đầu Trung Quốc chê bai “Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười.” [2]. Thực ra “mũ”,“giày” ấy là những sáng tạo tinh tế và hợp lý, tới mức người Việt xưa và nay đều không chấp nhận bất cứ thứ chữ Quốc ngữ nào không có các ký hiệu đó.

Giả thử nước ta thời bấy giờ chưa có chữ Nôm, tức chỉ có chữ Nho, thì công việc của các giáo sĩ ấy sẽ khác hẳn: họ phải làm mới một loại chữ biểu âmcho tiếng Việt. Chữ Nho bản chất là chữ Hán, là loại chữ biểu ý, không biểu âm. Thực tế ở Trung Quốc cho thấy không thể dùng bất cứ bộ chữ cái nào để phiên âm chữ Hán thành một loại chữ biểu âm.

Chữ Nho có chút thuận lợi hơn ở chỗ từ Hán - Việt (từ Việt để gọi tên chữ Hán) có nhiều âm hơn chữ Hán, nhưng vẫn là quá ít so với tổng số âm của tiếng Việt [3]. Suy ra việc phiên âm chữ Nho thành chữ biểu âm cũng cần thời gian rất lâu, nếu không nói là bất khả thi. Giả thử bỏ qua chữ Nho, làm mới một loại chữ biểu âm cho tiếng Việt chưa có chữ viết, thì ở thế kỷ XVII, khi lý luận ngôn ngữ học chưa ra đời, đó sẽ là một công trình sáng tạo có quy mô cực lớn, đòi hỏi thời gian cả trăm năm.

Theo Phạm Thị Kiều Ly[4], các giáo sĩ kể trên dù rất ít người và làm việc phân tán nhưng đã tạo ra chữ Quốc ngữ trong thời gian ngắn kỷ lục: từ năm 1617 đến 1649. Họ đã nhanh chóng tìm ra các chữ cái La tinh phù hợp để ghi âm tiếng Việt. Năm 1617, Giáo sĩ Francisco de Pina đến Đàng Trong, tới năm 1619 đã viết xong một bản từ vựng tiếng Việt bằng chữ La tinh. Năm 1631, Gaspar do Amaral đến Đàng Ngoài, chỉ sau một năm đã ghi âm rất tốt tiếng Việt và đến năm 1634 đã làm xong một cuốn từ vựng tiếng Việt. Trongcác cuộc gặp tại Macao (1930-1931), các giáo sĩ đã xác định được 6 thanh điệu và tính đơn âm tiết của tiếng Việt. Năm 1649, Rhodes rời Việt Nam mang theo bản thảo Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum). Năm 1651, Từ điển này được in và xuất bản tại Roma, đánh dấu chữ Quốc ngữ Việt Nam chính thức ra đời.

Trong điều kiện ở thế kỷ XVII, quá trình làm chữ Quốc ngữ diễn ra nhanh chóng như vậy cho thấy các giáo sĩ nói trên đã gặp thuận lợi lớn - đó là chữ Nôm, một loại chữ biểu âm đã tồn tại dăm trăm năm, ghi được hầu như toàn bộ âm tiếng Việt. Các ký hiệu thị giác của chữ Nôm thể hiện hệ thống ngữ âm cực kỳ phong phú của tiếng Việt, tạo nguồn tư liệu ngôn ngữ để dựa trên nền tảng đó, các giáo sĩ dùng chữ cái La tinh thay cho các ký tự hình vuông, đồng thời hiện đại hóa phần ngữ pháp (như áp dụng các dấu ngắt câu, ngắt đoạn, viết hoa, v.v…), qua đó biến chữ Nôm thành một thứ chữ biểu âm La tinh hóa, là loại chữ viết tiên tiến và thích hợp nhất với tiếng Việt. Có thể coi chữ Quốc ngữ là chữ Nôm được La tinh hóa và hiện đại hóa.

Tóm lại, cần khẳng định tổ tiên ta đã góp phần quan trọng làm ra chữ Quốc ngữ - thành quả kết hợp trí tuệ của dân tộc Việt với trí tuệ của nền văn minh Ki Tô giáo.

 

 

[1]   https://bigschool.vn/chu-quoc-ngu-trong-lich-su-tieng-viet

[2]  http://nghiencuuquocte.org/2017/12/11/sao-lai-noi-chu-quoc-ngu-vn-rat-nuc-cuoi/

[3]  Hán ngữ có khoảng 1300 âm tiết có xét thanh điệu, tiếng Việt có khoảng 18000; Tự điển Hán-Việt Thiều Chửu dùng 1839 từ Hán-Việt phiên âm 8295 chữ Hán.

[4]   https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Lich-su-chu-Quoc-ngu-tu-1615-den-1861-Qua-trinh-La tinhh-hoa-tieng-Viet-trong-trao-luu-ngu-hoc-truyen-giao-20834

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446228

Hôm nay

2159

Hôm qua

2284

Tuần này

21837

Tháng này

212487

Tháng qua

120141

Tất cả

114446228