Diễn đàn

Ranh giới mong manh giữa văn hóa tâm linh, du lịch tâm linh và mê tín dị đoan

Từ nhiều chục năm nay, văn hóa tâm linh được giới học thuật nghiên cứu; trong các văn kiện chính thức của Nhà nước cũng đề cập nhiều. Du lịch tâm linh cũng được đề cao trong chính sách phát triển ngành du lịch ở các địa phương trong cả nước. Đáng tiếc, ranh giới giữa văn hóa tâm linh, du lịch tâm linh và mê tín dị đoan là rất mong manh, hiện tượng buôn thần bán thánh, trục lợi lòng tin tín ngưỡng đã dần trở nên phổ biến. Đã đến lúc phải nhận thức lại vấn đề và có các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng tiêu cực này.

 

Chùa Ba Vàng, Uông Bí, Quảng Ninh. Nguồn ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTT&DL

Văn hóa tâm linh và du lịch tâm linh

Tùy vào cách tiếp cận khác nhau mà có nhiều quan niệm/định nghĩa khác nhau về khái niệm văn hóa tâm linh. Nhưng cơ bản các học giả, nhà khoa học đều cho rằng, văn hóa tâm linh là một thành tố, một dạng thức của văn hóa. Văn hóa tâm linh mang lại niềm tin, sự linh thiêng và động lực tinh thần trong các quá trình hoạt động. Bất cứ tộc người, dân tộc nào cũng tồn tại văn hóa tâm linh trong đời sống. Tất nhiên, văn hóa tâm linh của các tộc người, các dân tộc không hề giống nhau mà có sự khác biệt, hoặc ít hay nhiều, do các điều kiện lịch sử, địa lý, phương thức sinh tồn khác nhau.

Văn hóa tâm linh của người Việt được hình thành và gắn liền với quá trình phát triển tộc người, quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển của xã hội. Người Việt có tín ngưỡng đa thần cùng với quan niệm “dương sao âm vậy”. Trong giai đoạn sau của quá trình phát triển (có thể tính từ thế kỷ X), văn hóa tâm linh Việt Nam có sự dung hợp giữa các tôn giáo và tín ngưỡng giữa các tín ngưỡng bản địa với Phật giáo, đạo giáo, Nho giáo. Từ thế kỷ XVII - XVIII, còn có sự dung hợp với Đạo Mẫu khi tín ngưỡng này xuất hiện.

Biểu hiện văn hóa tâm linh của người Việt vô cùng phong phú, đa dạng. Do vậy, việc thực hành các nghi lễ tín ngưỡng/tôn giáo đối với người Việt cũng rất đa dạng, phong phú. Và để có không gian thực hành tín ngưỡng/tôn giáo họ đã xây dựng rất nhiều các công trình đền, chùa, miếu, mạo, nhà thờ, giáo đường... Văn hóa tâm linh là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, là chỗ dựa về mặt tinh thần, đem lại niềm tin cho con người trong cuộc sống. Bởi vậy, từ xưa đến nay, văn hóa tâm linh có thể coi như một mạch nguồn sự sống của người Việt, dân tộc Việt Nam.

Du lịch là một hoạt động khá muộn đối với đa số người Việt Nam. Văn hóa tâm linh cũng là một khái niệm khá mới mẻ đối với ngành du lịch và văn hóa Việt Nam. Trên thế giới, du lịch tâm linh hay còn gọi là du lịch hành hương hoặc du lịch theo đức tin là một loại hình du lịch hướng đến việc hành hương, nghĩa là du lịch vì mục đích tôn giáo hoặc tâm linh thông qua việc tham quan các di tíchdi vậtcông trìnhđồ tạo tác tôn giáo.

Du lịch tâm linh lấy văn hóa tâm linh làm tài nguyên để đáp ứng các nhu cầu tâm linh của du khách. Vì vậy, cũng có thể quan niệm du lịch tâm linh là một hình thức của du lịch văn hóa. Hiện nay, du lịch tâm linh, thường được chia thành các loại hình: i. Phổ biến nhất là tham quan, vãn cảnh các địa điểm tín ngưỡng, tôn giáo. ii. Vãn cảnh kết hợp thực hiện nghi lễ tín ngướng, tôn giáo và, iii. Thực hiện mục tiêu giáo lý để thư thái tâm hồn, cải thiện sức khỏe tinh thần. Ngoài ra có thể thực hiện mục tiêu khảo sát, nghiên cứu về các tín ngưỡng, tôn giáo và các địa điểm, công trình tín ngưỡng, tôn giáo.

Ranh giới mong manh

Du lịch tâm linh là một hoạt động chính đáng của các cộng đồng. Đảng ta khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa IX).  Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) đã quy định: “1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”.

Việc công nhận và bảo đảm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước cũng có nghĩa là thừa nhận và tạo điều kiện cho du lịch tâm linh hoạt động và phát triển. Nhờ vậy, trong những năm qua, tỷ trọng khách du lịch tâm linh tăng lên nhanh chóng, góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng du lịch của nước ta.

Tuy nhiên, đi ngược lại mục đích tốt đẹp đó, hoạt động tâm linh nói chung, du lịch tâm linh nói riêng đã và đang có nhiều biểu hiện rất đáng lo ngại, cần phê phán, lên án. Văn hóa và du lịch tâm linh đã bị cố tình nhận thức lệch lạc để thực hiện các hành mê tín dị đoan, để trục lợi kiếm tiền với vô vàn các hình thức từ tinh vi đến lộ liễu, từ cấp độ cá nhân đến quy mô tổ chức.

Rất nhiều nơi, những kẻ lợi dụng tâm linh để xây dựng các dự án, siêu dự án du lịch tâm linh có quy mô rất lớn nhưng thực tế là làm sai lệch các giá trị và ý nghĩa văn hóa tâm linh. Nhiều ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh lớn đã bị lợi dụng, bị thay thế để xây mới các ngôi chùa bề thế, với nhiều “kỷ lục” nhằm mục đích kéo du khách đến để thu phí làm giàu.

Phổ biến nhất là các hành vi mê tín như gọi hồn, tìm mộ, hầu đồng, dâng sao giải hạn, gọi vong, phán số kiếp, thỉnh oan gia trái chủ... diễn ra ở hầu hết các đền, chùa trong cả nước. Bản chất ở đây là lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người dân để lừa đảo, trục lợi. Mỗi lần hầu đồng trăm triệu đồng, thậm chí đến tiền tỷ là điều không hiếm thấy. Các lễ hội cũng bị biến tướng với rất nhiều trò bịp bợm, buôn thần bán thánh, bói toán bịp bợm. Cùng với đó, những kẻ lợi dụng tâm linh đã thực hiện việc truyền bá tinh vi để ru ngủ cộng đồng. Họ triệt để lợi dụng mạng xã hội để truyền bá mê tín dị đoan và từ đó để trục lợi.

Đáng tiếc là trong số những người cố tình, hay vô tình tham gia vào các hoạt động tâm linh lệch lạc, mù quáng có không ít là cán bộ, đảng viên và rất nhiều người có trình độ học vấn cao.

Những hiện tượng trên đang có nguy cơ trở nên phổ biến trong đời sống xã hội, xúc phạm đến tính thiêng của các tín ngưỡng, tôn giáo và tổn hại đến truyền thống văn hóa dân tộc. Không chỉ mất thời gian, tiền bạc, sức khỏe của cộng đồng vào những trò nhảm nhí, giả hiệu văn hóa tâm linh, làm giàu cho những kẻ buôn thần bán thánh mà còn là mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nhìn vào thực tế, có thể thấy ranh giới giữa văn hóa tâm linh, du lịch tâm linh với mê tín dị đoan là rất mong manh và nếu không tỉnh táo nhận ra ranh giới này thì niềm tin tín ngướng của người dân sẽ bị những kẻ đội lốt lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.

Thực trạng này đang đặt các cơ quan quản lý và chuyên môn của chính quyền vào một tình thế không dễ giải quyết. Hy vọng các cấp chính quyền sẽ xác định chính xác ngụy văn hóa tâm linh, du lịch tâm linh, các hành vi truyền bá mê tín dị đoan và trục lợi để có những quyết sách kịp thời và hiệu quả. Và, để giải quyết được tình trạng này, quan trọng nhất là một cộng đồng tỉnh táo, không đặt sai chỗ niềm tin trong lành của mình, không bị bọn người “buôn thần bán thánh” lợi dụng./.

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, số Tết Giáp Thìn - Tháng 01/2024)

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444014

Hôm nay

2265

Hôm qua

2307

Tuần này

21827

Tháng này

219188

Tháng qua

112676

Tất cả

114444014