Đất Nghệ
Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận
Nhà thờ Lê Ngọc tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương
Ông Lê Ngọc Nhuận sinh năm 1780 (Canh Tý), niên hiệu Cảnh Hưng 41, quê thôn Di Luân, xã Đồng Luân, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, thân phụ là cụ Lê Ngọc Chính trước là Hiệu sinh ở bản phủ Kiêm Nho trưởng Tổng trưởng. Thủa còn nhỏ, ông vốn thông minh, học giỏi. Năm 1807, đời vua Gia Long năm thứ 6, triều đình nhà Nguyễn tổ chức khoa thi Hương đầu tiên để tuyển chọn người tài, học rộng và bổ nhiệm làm quan nhưng khoa thi này chỉ có người ở Nghệ An, Thanh Hóa và Bắc Thành tham gia. Từ Quảng Bình trở vào Nam không có ai dự thi. Ông Lê Ngọc Nhuận đã tham dự khoa thi này và lãnh Hương tuyển (đỗ Tú Tài) khoa Đinh Mão. Sau đó được tuyển dụng vào làm công tác giảng dạy.
Ngày 19 tháng 3năm 1832,đời vua Minh Mệnh năm thứ 13, ông Lê Ngọc Nhuận được Bộ Lại tâu lên vua, vua đồng ý bổ nhiệm làm Giáo chức huyện Hạ Hòa (Nay thuộc tỉnh Phú Thọ) phụ trách các việc giảng dạy và thi cử, trông coi ấn triện,... Nhờ sự cố gắng của bản thân,không ngừng học tập, chăm chỉ làm việc, gặp các khoa thi đều tham gia ứng thí và đậu Cử nhân. Vì vậy, Bộ Lại đã đề bạt lên vua Minh Mệnh sắc phong bổ nhiệm ông Lê Ngọc Nhuận làm Huấn đạo huyện Hạ Hòa[1] phụ trách công tác giảng dạy, thi cử. Với những thành tích đã đạt được và những đóng góp to lớn trong thời gian làm Huấn đạo, ngày mồng 6 tháng 6 năm 1842, đời vua Thiệu Trị năm thứ 2, bộ Lại đã đề bạt tâu lên Vua thăng chức, Vua đã đồng ý và ban sắc phong bổ thụ Huấn đạo huyện Hạ Hòa Lê Ngọc Nhuận với trọng trách mới cao hơn, giữ chức Giáo thụ phủ Tuy An (Nay là tỉnh Phú Yên) phụ trách công tác giảng dạy và thi cử trong Phủ (sắc 1).
Sắc 1
Dịch nghĩa: Hoàng đế ban sắc rằng:
Huấn đạo huyện Hạ Hòa là Lê Ngọc Nhuận…[mất chữ], nay bộ Lại đề bạt tâu lên, vậy ưng chuẩn bổ thụ chức Giáo thụ phủ Tuy An, phàm các công vụ giảng dạy và khảo thí phải tuân theo điển lệ mà phụng hành. Nếu chức phận không tròn thì bị tội.
Kính thay!
Ngày mồng 6 tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842).
Sắc mệnh chi bảo
Dù ở cương vị nào, Lê Ngọc Nhuận vẫn luôn nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng của người thầy. Vì vậy, ngày 24/9/1848, Quan Hộ lý Phú Yên Tuần phủ quan phòng, kiêm lãnh Bố chánh sứ ấn triện, Án sát sứ là Nguyễn Hữu Cơ đã dâng tấu lên vua về việc sát hạch Giáo chức trong hạt của mình, trong đó, ông khen ngợi Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận là người xuất thân Tú tài, có văn chương học hạnh. Từ khi nhận chức đến nay gặp các khoa thi đều tham gia ứng thí và trúng Cử nhân, làm việc thì cần mẫn, hơn nữa tại chức Giáo thụ đã mãn hạn 6 năm, nên tấu lên xin được đề bạt ông được gia hàm Hàn Lâm viện Tu soạn. Và vua cũng đã chuẩn cho lời tấu, ban chỉ gia ân cho ông được gia hàm Hàn Lâm viện Tu soạn[2], vẫn giữ lại để làm việc (Bản tấu dâng lên ngày 24 tháng 9 năm Tự Đức nguyên niên (1848), đến ngày mồng 8 tháng 10 thì được phê chuẩn) (sắc 2). Hàn Lâm viện Tu soạn hay những cá nhân đã từng tham gia và làm việc tại Hàn lâm viện, là những người có những đóng góp to lớn trong nội trị và ngoại giao của đất nước. Họ không chỉ là những vị quan được triều thần kính trọng (vì chức trách và phẩm chất), mà còn là những bậc đại khoa và có tri thức uyên thâm về văn học, lịch sử và bang giao.
Sắc 2
Dịch nghĩa: Hoàng đế ban sắc rằng:
Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận phủ Tuy An, văn chương….[mất chữ].
Nay viên quan tỉnh Phú Yên sát hạch và tâu lên, vậy gia ân hàm Hàn Lâm viện Tu soạn, vẫn lưu lại làm việc để khuyến khích.
Kính thay!
Ngày mồng 8 tháng 10 năm Tự Đức nguyên niên (1848)
Sắc mệnh chi bảo
Ngày 20/10/1849, đời vua Tự Đức năm thứ 2, Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận được gia ân hưu dưỡng mang nguyên hàm về lại tỉnh Nghệ An tại thôn Di Luân, xã Đồng Luân, huyện Nam Đường, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Nhân lễ mừng thọ Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận lên 70 tuổi, rất nhiều học trò nhớ công ơn Thầy đã về dự và làm Văn Chúc thọ và hiện vẫn còn lưu giữ tại Nhà thờ họ Lê Ngọc, xã Thanh Hương đã hơn 170 năm qua, với toàn văn nội dung bản dịch Chúc văn như sau:
VĂN CHÚC THỌ
Trong thiên hạ có ba điều tôn quý, trong đó tước là một, thọ là hai, triều đình sở dĩ ban phước cho đấng quân tử, trời xanh sở dĩ ban phước cho bậc hiền nhân, ắt từ nơi đức hạnh vậy.
Mây lành tụ cây mận trước cửa, cội tùng xanh sắc biếc ở khe, cũng không hân hạnh chăng!
Kính nghĩ:
Tiên sinh đời đời thế phiệt, thi lễ gia phong.
Chơi bút mực nơi rừng thư, Thanh Bình gươm báu, từ chương khắc chốn thí viện, bảng vàng đề danh.
Gia Long khoa Đinh Mão, lãnh Hương tuyển, Minh Mạng năm thứ mười một, điều Giáo chức.
Từ đây cánh buồm căng gió, đàn khảy khúc xuân.
Vui hòa tiếng vang thanh nhã, sở học tài hoa vang lừng.
Gió xuân thổi hương đào xa tít, hoa tuyết bay khắp chốn mừng reo.
Thanh cần đường quan, Cư Hành ngọc đẹp nơi chí nguyện, uy nghiêm tăng vút, an tĩnh là bí quyết trường sinh.
Ngưỡng trông năm Tự Đức thứ hai, Tiên sinh tuổi hạc bảy mươi, tiếng hay vang dội, nhà vua đặc gia hàm Hàn Lâm viện Tu soạn, Trí sĩ.
Tài hoa cao quý, danh giá bội tăng.
Vui thiên nhiên mà vinh quê quán.
Sóng cuộn cặp bờ, bên đường nghênh kính.
Tùng cúc tươi tốt, lấp cửa quan đồ.
Ánh dương gọi ta, rượu xuân thêm thọ.
Trải chiếu ngọc ngồi ngắm hoa, tình cảm gia đình thắm thiết.
Dưới gốc hải đường, hương thơm chén ngọc phảng phất,
Trồng quế trước cửa, rượu xuân ca hát vui cười.
Thung dung gót trượng, phượng hoàng theo sau.
Xán lạn tấn thân, rảnh rang nhàn hạ.
Dòng thụy khí lưu thông, nối phước lành điềm tốt.
Chắc rằng như vậy da!
Bọn học trò chúng con, luôn nhớ nghĩ sư môn.
Tiếc rằng gió mây sớm rẽ, (* * * * * * *)
Ngày nay tên tuổi đều ngời, ngẩng trông dáng dấp ân sư.
Vậy kính cẩn chúc tụng rằng:
Vui thay quân tử!
Vinh quang nước nhà
Vì có phước khánh
Cho nên đức dày
Trời ban phước lớn
Khiến thọ vô cương
+ + + +
+ + + +
Núi cao sông rộng
Không thẹn thánh hiền.
Ngày 22 tháng giêng năm Tự Đức thứ 3, tức năm 1850 (Canh Tuất).
Các học trò bên trên là Huấn đạo, Tri châu, Tú tài, Cống sĩ, Sinh nhân cùng kính chúc.
Làm quan dưới triều đại nhà Nguyễn, Tú tài Lê Ngọc Nhuận từ Giáo chức, nhiều lần tham gia thi cử, đỗ Cử nhân bổ nhiệm làm Huấn đạo, Giáo thụ phủ Tuy An, sau đó được thăng lên làm Quan Hàn lâm viện Tu soạn (Tòng Lục phẩm), hàm trí sĩ, trong hơn 40 năm làm việc cho triều đình trải qua 04 đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Sau khi về nghỉ hưu, ông còn mở lớp dạy học. Do tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời ngày 25/11/1851 (Tân Hợi), thọ 72 tuổi. Được sắc tặng Văn Lâm lang, thụy Đôn Giản, gia tặng Đôn Túc, (húy là Ngọc Giáo, tự là Ngọc Giản), hiệu là Tự Luân Trai tiên sinh. Mộ táng tại hòn Trường, xóm 5, xã Thanh Hương. Để tưởng nhớ tới công lao to lớn của Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuậncác học trò đã góp tiền của xây dựng nhà thờ để làm nơi thờ tự tại thôn Di Luân, xã Đồng Luân (nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương). Tại nhà thờ còn lưu giữ bức Đại tự để ghi nhớ công đức của Quan Hàn với người dân và các học trò:
大澤流
翰林官門举人秀才耆豪同拜奉
成泰丙午年仲春...吉
Phiên âm:
Hàn lâm quan môn Cử nhân, Tú tài, Kỳ hào đồng bái phụng
Thành Thái Bính Ngọ trọng xuân chi cát.
Dịch nghĩa:
Đại Trạch Lưu có nghĩa là Ân Huệ Lớn.
Kỳ hào (Hương lão), Tú tài, Cử nhân học trò bái phụng Quan Hàn lâm.
Ngày 01 tháng 02 năm 1906 (Bính Ngọ), đời vua Thành Thái năm thứ 18.
Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước anh em, con cháu họ Lê Ngọc (trong đó có ông Lê Ngọc Huệ, ông Lê Ngọc Quỳ, ông Lê Ngọc Nhi), hậu duệ đời thứ 4 của Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận đã đến vùng đất xã Thanh Hương (vùng đất Hòa Quân xưa) khai hoang làm kinh tế mới và dựng lại nhà thờ tại xóm 5, xã Thanh Hương để làm nơi thờ phụng và rước bài vị về thờ tại đây. Trong những năm qua, con cháu dòng họ Lê Ngọc không ngừng phát triển và bảo tồn tốt những giá trị văn hóa, lịch sử mà các bậc tiền bối đã để lại. Từ một từ đường 01 gian nhỏ vào năm 1963, đến nay, dòng họ có 02 tòa Hạ đường và Thượng đường trang trọng. Thượng đường gồm 03 gian bằng gỗ mít, mái lợp ngói âm dương, Hạ đường gồm 03 gian bằng gỗ.
Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận được đánh giá là vị quan thanh liêm chính trực, tài hoa cao quý, danh giá bội tăng, người đời kính trọng, rạng danh cho quê hương dòng họ, có văn chương học hạnh, làm việc tích cực, trong quá trình sự nghiệp giáo dục đã đào tạo nhiều học trò thi đậu đạt, làm quan: Huấn đạo, Tri châu, Tú tài, Cống sĩ, Sinh nhân,... giúp đất nước phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục. Nhờ có phước lớn mà khỏe mạnh, cho nên đức dày, trời ban phước lớn khiến thọ vô cương được học trò ca ngợi. Là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ, con cháu họ tộc học tập và noi theo.
[1] Nguyên tên là huyện Hạ Hoa, thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây. Ngày 5-6-1893, huyện Hạ Hòa được nhập vào tỉnh Hưng Hóa.Thời kỳ 1903-1968, thuộc tỉnh Phú Thọ. Thời kỳ 1968-1996, thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Nay thuộc tỉnh Phú Thọ.
[2]Hàn lâm viện Tu soạn: là chứcquan, tòng Lục phẩm, chuyên lo việc tu chỉnh, soạn thảo sách vở giúp các Học sĩ, theo Viện trưởng giữ việc biên duyệt sách vở, kiểm soát giấy tờ.
tin tức liên quan
Videos
Thế giới đã thay đổi thế nào trước đại dịch Covid - 19?
Nhớ lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân
Xứ Nghệ - Điểm đến thú vị của những cuộc du xuân
Có hay không một tầng lớp quý tộc Việt
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Thống kê truy cập
114503476
2198
2332
2946
220869
120308
114503476