Đất Nghệ

Đền Cuông: Huyền thoại và lễ hội

Đền Cuông gắn với một huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đền thờ Thục An Dương Vương - một vị vua có công lớn trong buổi đầu dựng nước. Lễ hội đền Cuông được tổ chức vào dịp rằm tháng hai âm lịch hàng năm thu hút đông đảo người dân về dự. Sau nhiều năm bị lãng quên, năm 1993, lễ hội đền Cuông được phục hồi. Từ đó đến nay, lễ hội được duy trì hàng năm và trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Diễn Châu và du khách thập phương.

Đền Cuông ngày lễ hội. Ảnh: Ngọc Mai

Đền Cuông huyền thoại

Đền Cuông gắn với một huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thục Phán - sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi đã đoàn kết sức mạnh toàn quân, đại phá quân Tần và lên ngôi vua, lấy hiệu là Thục An Dương Vương. Sau khi lên ngôi, An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 đến năm 208 trước công nguyên). Năm 208 trước công nguyên, do mất cảnh giác, Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân bất ngờ tấn công, phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc chân núi Mộ Dạ, nay thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Để tưởng nhớ công ơn của Thục An Dương Vương, Nhân dân vùng Diễn Châu đã lập miếu thờ ngài ở Cửa Hiền. Ở đó còn có ngôi mộ của nàng công chúa Mỵ Châu. Theo truyền thuyết, tuy đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, có những đốm lửa lập lòe trên sườn núi Mộ Dạ. Nhiều người nghĩ rằng đó chính là linh hồn của vua Thục muốn yên ngự trên sườn núi nên Nhân dân đã lập đền thờ và rước linh hồn Ngài về đó để thờ phụng. Đền thờ Thục An Dương Vương trên núi Mộ Dạ có từ đó.

Niên đại khởi dựng đền Cuông đến nay vẫn chưa xác định được chính xác. Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744-1818) làm Hiệp trấn Nghệ An thời Lê - Trịnh, trong bài thơ Bạng cấp sa (Bãi sò) đã cho biết hồi đó đã có đền Cuông: “Cái bãi Sò ấy có từ đâu lại, ai biết không? Nam từ miếu vua Thục ở núi Dạ Sơn, Bắc đền từ sông ông Phùng” (trích ở Hoàng Việt thi văn tuyển của Bùi Huy Bích).

Đền Cuông đã được tu sửa nhiều lần vào các năm 1802 (thời vua Gia Long), 1864 (thời vua Tự Đức), 1897 (vua Thành Thái), 1916 (thời vua Khải Định). Cách mạng Tháng Tám thành công, đền Cuông được công nhận di tích lịch sử văn hóa. Do sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai, đền Cuông không còn giữ được nét xưa. Năm 1975, đền được tu sửa lại và sau này, đền tiếp tục được tu bổ, tôn tạo lớn vào các năm 2006, 2011.

Đền Cuông cổ kính

Ðền Cuông không chỉ là một di tích lịch sử mà và còn là một danh thắng mà bất cứ ai đã đến sẽ khó quên bởi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thỏa thuận từ ngàn đời trước giữa tạo hóa và bàn tay con người.

Ðền nằm ở lưng chừng núi Mộ Dạ, ngay kề Quốc lộ I, cách thành phố Vinh khoảng 30km về phía Bắc. Phía sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm sóng vỗ rì rào. Mỗi ban mai, vầng dương từ biển nhô lên phủ cho cảnh vật một vầng hào quang rực rỡ.

Từ cổng vào ở dưới nhìn lên, gần hai chục cột nanh đầu nghê, cặp thì to cao đồ sộ, cặp thì cỡ vừa chĩa lên tua tủa như đại pháo dựng. Cổng tam quan, hai chục góc mái cong đầu rồng đầu phượng, mấy chục góc mái cong của 3 tòa điện và mấy nhà vươn lên không, thành từng dãy thấp lên cao.

Cổng vào rất rộng, giữa 2 cột nanh đồ sộ, tắc môn lùi vào trong, mặt ngoài đắp hổ vằn rẽ khách viếng đền theo hai lối trái, phải. Lối đi lát gạch nung dẫn tới cổng thứ hai có voi đắp, ngựa đắp. Nhà bia ở giữa hai cột nanh to đồ sộ nữa lại rẽ khách theo hai lối đến sân dưới.

Cổng tam quan đồ sộ, cổ kính rêu phong. Cổng giữa ba lầu, những cành si rễ bám vào rêu, khe nẻ thõng xuống khiến cho cảnh trí càng thêm u tịch. Từ sân dưới phải trèo 18 bậc mới lên đến cổng tam quan. Tượng tướng văn, tướng võ đắp vôi vữa mà trông oai vệ. Đền có ba tòa. Tòa trên cao hơn tòa dưới khoảng một mét. Tòa trung điện xây theo kiểu chồng diêm 8 mái, còn các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Tòa nào cũng đồ sộ, cột to, thành dày mà không thô vì hoa văn, tứ linh chạm trổ trên gỗ hay đắp bằng vôi vữa bên ngoài rất tinh xảo. Trên các cột, có nhiều câu đối, thơ đề bằng chữ Hán của các quan lại, danh nho thời trước muốn tỏ lòng tôn kính với vua Thục An Dương Vương.

Xung quanh đền Cuông, những ngọn núi, những tảng đá đều mang tên những truyền thuyết, những huyền thoại về Thục An Dương Vương.

Tảng đá bàn cờ là nơi Thần An Dương Vương ngồi đánh cờ với Thần Kim Quy từ biển lên. Tảng đá gạo dưới chân núi Mộ Dạ trông như một khối gạo đông lại. Tương truyền từ Cổ Loa vào đến đây, Thục An Dương Vương phát gạo, cho quân sĩ về nhà làm ăn sinh sống. Số gạo còn lại đông thành tảng đá đó.

Núi Cờ, núi Kiếm, núi Áo, núi Mão, núi Gươm... mỗi núi mang tên một vật trên mình của Thục An Dương Vương. Và cuối cùng là núi Đầu Cân (cân - chữ Hán là khăn chít đầu). Truyện kể rằng, Thục An Dương Vương bị giặc đuổi đến gần, thúc ngựa phóng nhanh, gió thổi bay mũ đế vương. Mỵ Châu ngồi sau lấy khăn quàng của mình bịt lên đầu cho vua cha. Ngựa phóng đến núi này, khăn bịt đầu bị gió thổi bay xuống trùm lên đỉnh núi. Do đó mà có tên như trên.

Truyền thuyết và lịch sử, thực và hư, những dấu tích đã rêu phong, đã hoen mờ cùng thời gian, chỉ còn lại đó là một Ðền Cuông linh thiêng. Bởi thế mà không chí người dân Nghệ An mà du khách thập phương khi qua đền Cuông, như một phản xạ tự nhiên, đều dừng chân nơi ngôi đền lịch sử này, thắp nén nhang, và hồi ức lại câu chuyện lịch sử thấm đẫm nước mắt về tình yêu, tình phụ tử trong buổi đầu của thời kỳ dựng nước.

Linh thiêng lễ hội đền Cuông

Ngày xưa triều đình quy định lễ hội đền Cuông là quốc lễ, quốc tế. Nhưng việc tổ chức lễ hội do tổng Cao Xá gồm 4 thôn: Cao Ái, Cao Quan, Tập Phúc, Yên Phụ đảm nhiệm. Không giống như lễ hội Cổ Loa, ở đền Cuông trước đây chỉ có lễ tế thần, mỗi năm có một kỳ đại tế vào ngày rằm tháng hai âm lịch. Từ chiều 14 đã có lễ yết cáo. Lễ tế thần phải đủ tam sinh (trâu hoặc bò, lợn và gà). Trong kỳ đại tế, khu đền rợp cờ, lọng, tàn. Trống chiêng vang dậy cả khu rừng. Người dự lễ, người đi xem đủ lứa tuổi nườm nượp. Nghi thức tế lễ ở đền Cuông cũng là nghi thức tế lễ cổ truyền như ở các nơi khác. Các vị tế lễ đều là quan chức (đã nghỉ hưu hoặc đương chức) mặc triều phục, người nào cũng áo mũ cân đai làm cho buổi tế thần càng uy nghiêm, không khác gì một buổi thiết triều trước cung điện nhà vua vậy! Ngày 16/02, tứ thôn lại tiếp tục tế lễ ở đền. Tứ thôn còn có một kỳ tế nữa vào ngày 15/6 âm lịch.

Lễ rước trong lễ hội đền Cuông. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Sau này có thêm lễ rước kiệu thần từ thôn Cao Ái về đền Cuông, xuất phát từ tích xưa. Vào một buổi sáng, dân chài ra biển thấy một chiếc kiệu từ biển Đông trôi vào cửa Hiền. Dân các thôn ra khiêng nhưng không sao khiêng nổi. Đến khi dân Cao Ái ra khiêng thì khiêng được về đình làng. Người dân cho rằng, đó là hồn thiêng của vua Thục từ biển Đông về nhập điện. Ngài đã chọn dân Cao Ái rước kiệu về.

Trong các kỳ tế lễ, ban đêm đều có hát tuồng, chèo, đốt đèn bông, đèn hoa thật vui vẻ.

Ngoài các kỳ tế lễ nói trên và những ngày sóc vọng tuần tiết do ban phụng sự cúng lễ, hàng ngày vẫn có người đến tế thần cầu ban phúc. Nhưng lễ cầu lớn nhất là lễ cầu đảo (cầu xin mưa). Quang cảnh lễ tế thần cũng thật uy nghi và thiêng liêng: Đàn tế dựng trước đền rất cao, khói hương nghi ngút, cửa đền rộng mở, đèn nến sáng trưng, cờ lọng rợp trời, kiệu thần các xã rước đến sắp thành hàng dài, tiếng trống đại như thấu lên thiên đình. Lễ cầu đảo ít nhất một vài ngày, có khi kéo dài hàng tuần.

Trong hoàn cảnh lịch sử mới, việc tế lễ hàng năm ở đền Cuông không thực hiện được. Mãi đến năm 1993, lễ hội đền Cuông được phục hồi. Cũng trong năm đó, huyện Diễn Châu quyết định lấy ngày 15/02 âm lịch hàng năm là ngày tổ chức lễ hội đền Cuông.

Tiến lễ. Ảnh: Trần Cảnh Yên

30 năm qua, lễ hội đền Cuông được tổ chức với các lễ nghi trang trọng mà linh thiêng: lễ khai quang, lễ cáo trung thiên, lễ yết, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Lễ khai quang diễn ra đầu tiên, được tổ chức vào ngày 12/02 ÂL để xin phép các vị thần cho nhân dân dọn dẹp, vệ sinh đền, chuẩn bị cho lễ hội. Sau lễ khai quang là lễ cáo trung thiên được tổ chức vào sáng ngày 14/02 để báo cáo với các vị thần rằng công việc dọn dẹp đền đã hoàn thành, mời các vị về đền tham dự lễ hội và chứng giám cho lòng thành kính của Nhân dân. Lễ yết diễn ra vào chiều tối ngày 14/02 gồm 6 bước được tiến hành qua 35 lần xướng. Sau phần hành lễ là phần dâng hương của đại diện các ban, ngành và người dân về dự lễ. Cũng trong tối 14/02, còn có lễ rước vua và công chúa vi hành. Sáng 15/02 tiến hành lễ rước vua, công chúa và tướng Cao Lỗ từ đình Xuân Ái về đền Cuông. Sau đó là lễ đại tế. Lễ đại tế là lễ chính, bao gồm 8 bước. Trình tự và nội dung của buổi lễ tương tự như lễ yết, nhưng có thêm hai lần dâng hương rượu. Lễ tạ được tổ chức vào sáng ngày 16/02 để tạ ơn các vị thần đã về dự lễ.

Trong thời gian lễ hội, ban ngày có các trò chơi truyền thống, thi đấu thể thao như đánh đu, chọi gà, kéo co, cờ người, biểu diễn võ cổ truyền, thi đấu bóng chuyền, hội trại...; ban đêm có hát ca trù, tuồng, chèo, đốt lửa trại…không khí lễ hội thật hấp dẫn, tưng bừng, náo nhiệt. Nhiều năm gần đây, nhiều hoạt động được đưa vào làm cho lễ hội thêm phong phú, hấp dẫn, thu hút nhiều đối tượng tham gia, như: Hội diễn văn nghệ quần chúng xã Diễn An; Hội thi thanh niên thanh lịch và văn nghệ các trường THPT, Trung tâm GDTX; thi bắn nỏ, múa lân, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi, đi cầu kiều; Triển lãm ảnh về đất nước và con người Diễn Châu; Trưng bày và bán các sản phẩm đặc trưng của Diễn Châu,…

Giao lưu ca trù trong lễ hội đền Cuông. Ảnh: Trần Cảnh Yên

 

Hạc trời xuất hiện ngay trong ngày lễ giỗ An Dương Vương năm 1995 đã thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ của rất nhiều người

Sau khi đền Cuông được tôn tạo và Lễ hội hoạt động trở lại, người dân đã chứng kiến những sự việc có mức độ trùng lặp đến lạ kỳ. Đúng ngày khai mạc Lễ hội đền Cuông năm 1995, có một con hạc to, tựa như đại bàng bay về, vẫy cánh khoe sắc trước sự chứng kiến của hàng ngàn người về dự lễ. Sau đó, Hạc được rước vào đền, cho đậu ở một nơi trang trọng, có không gian thoáng để người người chiêm ngưỡng. Đền Cuông năm đó luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, đúng một ngày sau khi Lễ hội kết thúc, hạc cũng chết. Hiện nay, xác con hạc vẫn còn y nguyên nằm trong lồng kính tại đền. Lễ hội đền Cuông năm sau đó, lại có con cá voi 10 tấn chết dạt vào bờ biển Cửa Hiền. Người dân tham gia Lễ hội ùn ùn kéo về phía bờ biển để thắp hương cầu khấn. Mọi người đinh ninh rằng, hạc về là hiện thân cho Mị Châu, và cá voi chết dạt vào bờ biển là minh chứng cho cái chết đầy bi thảm của An Dương Vương. Có lẽ vì vậy mà Lễ an táng xác cá voi năm ấy có sự tham gia của hàng trăm ngàn người với những nghi thức trang trọng nhất.

Những sự kiện ấy càng làm cho lễ hội đền Cuông thêm linh thiêng hơn. Những nghi thức và độ trang trọng của lễ hội đền Cuông không thua kém bất cứ Lễ hội nào khác ở Việt Nam. Chính vì thế mà lễ hội đền Cuông đã trở thành nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Nghệ An và du khách bốn phương.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441640

Hôm nay

240

Hôm qua

2317

Tuần này

21544

Tháng này

216814

Tháng qua

112676

Tất cả

114441640