Xứ Nghệ ngày nay

Cận cảnh dự án Innov Green (Kỳ cuối)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phải xem xét điều chỉnh lại

 
Tối ngày 20/8/2010, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã về làm việc tại huyện Quế Phong. Trong buổi làm việc với Bộ trưởng, ngoài lãnh đạo các ban ngành cấp tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện… còn có cán bộ, nhân dân trong vùng dự án trồng rừng nguyên liệu InnovGreen.

Sau khi được nghe đại diện cán bộ, nhân dân phản ánh các vấn đề bức xúc lâu nay xung quanh Dự án trồng rừng nguyên liệu InnovGreen, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nói: mục tiêu tối thượng của Chính phủ là làm lợi cho nhân dân và vì vậy phải xem xét điều chỉnh lại.

Đại diện cán bộ, nhân dân trong vùng Dự án trồng rừng nguyên liệu InnovGreen được tham dự buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND hai xã Cắm Muộn, Nậm Nhoóng; các Già làng; Bí thư chi bộ, trưởng bản các bản Cắm Nọc, Cắm Póm, Cắm Cáng, Ná Khích.
Dốc hết nỗi niềm
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Cao Đức Phát, các ông Lữ Văn Toán - Trưởng bản Cắm Nọc, Lô Văn Tường - già làng bản Cắm Nọc, Lô Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, Vi Văn Thái - trưởng bản Ná Khích,Moong Thái Xuyên - Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Nhoóng, Ngân Văn Chín – Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng đã thay mặt nhân dân hai xã Cắm Muộn, Nậm Nhoóng dốc hết những nỗi niềm chất chứa lâu nay. Những việc tuyên truyền, vận động nhân dân để trồng rừng không rõ ràng, nói một đường, thực hiện làm một nẻo; Việc hứa sau khi nhận đất sẽ chia cho các hộ dân trồng rừng, hứa cung cấp giống cây, nhận lao động địa phương làm công nhân và trả tiền công 90.000đ/ngày/người, hỗ trợ 15 kggạo/ tháng/hộ… nhưng không thực hiện. Những mâu thuẫn giữa người của Dự án và nhân dân như việc trồng rừng có sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu, ăn thịt gia súc bị bệnh làm ô nhiễm môi trường. Việc người của Dự án đánh đuổi trâu, bò; Xô xát giữa người của dự án với lao động địa phương đi làm thuê; Sự thiếu hợp tác giữa Dự án với địa phương để  bàn bạc, giải quyết; Vấn đề nhân dân bị thu hẹp đất sản xuất lại không có nơi làm nương rẫy và chăn nuôi…. đều đã được chuyển tải tường tận tới Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Nhoóng Moong Thái Xuyên trăn trở: Ngay từ khi người của Dự án đến đặt vấn đề xin vào trồng rừng, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã Nậm Nhoóng đã không nhất trí. Sau một thời gian họ có Quyết định của UBND tỉnh cho thuê đất; có Quyết định phê chuẩn của Sở NN&PTNT về thiết kế kỹ thuật trồng rừng. Chúng tôi là những người trên đè xuống, dưới dồn lên. UBND tỉnh đã ký Quyết định cho họ thuê đất. Chúng tôi phải chỉ đạo dân, họp dân, thương lượng với dân, để tạo điều kiện cho Dự án thực hiện. Đảng uỷ, Chính quyền chỉ đạo quyết liệt cũng chỉ có 40% số dân đồng ý, còn lại không nhất trí. Dân phát biểu thẳng: “ông Xuyên Bí thư hôm nay không còn là ông Xuyên ngày trước nữa, ông đã nghe theo Công ty InnoovGreen, bỏ dân rồi”. Tại Đại hội Đảng bộ huyện Quế Phong, tôi cũng là người có ý kiến về vấn đề này. Tôi đề nghị Chính phủ thu hồi đất lại, giao đất cho nhân dân sản xuất, chăn nuôi”.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Lô Văn Thành có ý kiến: “Tôi làm Phó Chủ tịch HĐND huyện đã 16 năm lại lớn lên tại xã Cắm Muộn nên biết rất rõ đặc thù sản xuất ở hai xã Cắm Muộn và Nậm Nhoóng. Người dân vùng này sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, trang trại, chăn nuôi trâu bò và đào đãi vàng sa khoáng. Giờ đây những công việc này đang dần bị mất vì Dự án lấy đất trồng rừng. Tôi xin trình bày để Bộ trưởng hiểu thêm, chăn nuôi của dân ở đây không phải chăn dắt, chăn nhốt mà là chăn thả theo vùng. Nhà nhiều có 50 - 60 con, nhà ít cũng có 3 - 4 con trâu bò. Dân đưa vào thả chung trong vùng, làm chuồng trại cho ở trong đó. Hàng kỳ chỉ đi thăm và đến mùa làm lúa nước mới lùa về làm ruộng, làm xong dân lại đưa vào vùng này thả. Theo tôi, cần giải quyết vấn đề này theo hai cách: Hoặc là số diện tích Dự án đã trồng được thì khoanh lại, cho họ làm từng đó. Hoặc tỉnh bồi thường cho họ và thu hồi đất lại. Cần phải làm rõ tại sao trước khi phê chuẩn Quyết định cho thuê đất, cấp tỉnh, cấp huyện không thẩm định lại. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm”.
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong cũng chuyển tải những câu hỏi của dư luận xung quanh Dự án trồng rừng nguyên liệu InnovGreen đến Bộ trưởng Cao Đức Phát như: Những nơi thuận lợi hơn InnovGreen không thực hiện dự án. Cắm Muộn, Nậm Nhoóng xa xôi, giao thông không có, phải đầu tư lớn, tại sao họ chọn vào đó trồng rừng? Phải chăng họ lợi dụng trồng rừng để khai thác vàng?. Dự án kéo dài gần 50 năm, liệu họ có ý định đưa công nhân đến định cư lâu dài… và đề nghị Chính phủ, tỉnh giúp huyện giải quyết việc trồng rừng của Công ty TNHH Innov Green bằng phương pháp tối ưu nhất để lấy lại đất cho nhân dân sản xuất, chăn nuôi.
Phải xem xét điều chỉnh lại
 Trước những vấn đề đại diện cán bộ, nhân dân Cắm Muộn, Nậm Nhoóng, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện nêu lên, Bộ trưởng Cao Đức Phát có ý kiến: “Cách đây mươi, mười lăm năm chúng ta rất là khó khăn. Khi đó ta có chủ trương ai đến đầu tư, hỗ trợ cho nhân dân trồng rừng, tạo công ăn việc làm có thu nhập, tạo các mô hình cho nhân dân thấy học tập làm theo là ta cho phép. Nhưng bây giờ tình hình đã khác trước rất nhiều. Dân số của chúng ta tăng lên, nhu cầu về đất đai cho nhân dân làm ăn cũng khác, nên phải xem xét và điều chỉnh lại. Sau khi nghe ý kiến của các đồng chí, của các cụ lão thành, của bà con, Bộ NN&PTNT nắm tình hình chung trong cả nước sẽ báo cáo với Chính phủ. Chính phủ đã có chủ trương tạm dừng cho thuê đất đối với các doanh nghiệp nước ngoài để nắm bắt lại cụ thể tình hình tất cả các địa phương, lắng nghe ý kiến các đồng chí lãnh đạo các cấp, các địa phương, đặc biệt là của nhân dân, từ đó sẽ có chủ trương mới”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tôi khẳng định một điều, mục tiêu tối thượng của Chính phủ là luôn làm sao có lợi nhất cho nhân dân, không có mục tiêu nào khác hơn. Bây giờ các đồng chí đã có nhiều ý kiến đề xuất, chúng tôi xin ghi nhận và cùng với các đồng chí ở tỉnh, ở các Bộ, ngành của Trung ương tìm cách xử lý phù hợp, có lợi nhất cho dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trước mắt Chính phủ đã chỉ đạo rồi, dừng không cho thuê đất nữa. Nhưng số diện tích người ta đã trồng rồi thì xử lý như thế nào, cho làm tiếp hay thu hồi lại, chúng ta sẽ đề nghị với họ có phương thức hợp tác khác, cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hơn. Về nội dung này xin phép các đồng chí để chúng tôi cùng với tỉnh suy nghĩ, sớm có báo cáo với Chính phủ quyết định”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: “Trong lúc chờ xử lý số diện tích họ đã trồng, tôi đề nghị các đồng chí ở tỉnh, huyện, nhất là các đồng chí ở huyện nên xúc tiến rà soát, quy hoạch, giao đất, giao rừng cho nhân dân, để nhân dân chủ động làm ăn. Như các đồng chí đã phản ánh, có những nơi nhân dân làm ăn từ bấy lâu nay, chưa giao đất, giao sổ đỏ cho nhân dân, cứ vậy là thả trâu, bò. Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại và giao đất cho nhân dân. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho nhân dân như: Trồng rừng, hỗ trợ thay thế nương rẫy, ngay trong chương trình 30a cũng hỗ trợ về phát triển chăn nuôi và nhiều chính sách khác… Khi chúng ta thực hiện giao đất, giao rừng rồi, cái quan trọng là phải xây dựng kế hoạch để trình tỉnh, Trung ương biết kinh phí hết bao nhiêu và cần sự hỗ trợ như thế nào, để cấp trên huy động các nguồn tạo ra vốn cho  huyện…”.
                                                    *
                                                 *    *
Buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát với lãnh đạo các ban ngành cấp tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện… cán bộ, nhân dân trong vùng dự án trồng rừng nguyên liệu InnovGreen đáng được xem là một tín hiệu tốt lành. Chúng tôi đã liên lạc với một số cán bộ, đảng viên xã Cắm Muộn tham gia buổi làm việc với Bộ trưởng Cao Đức Phát. Họ cho biết đã truyền đạt nội dung buổi họp đến với nhân dân, ý kiến của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại buổi họp đã thắp lên niềm tin của nhân dân trong vùng Dự án.
 
 
 
 
             

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513060

Hôm nay

2161

Hôm qua

2436

Tuần này

2997

Tháng này

219933

Tháng qua

121356

Tất cả

114513060