Những góc nhìn Văn hoá

Phép sóng đôi trong Truyện Kiều

Sóng đôi hay đúng hơn gọi là sóng hàng (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.

Trong văn học Việt Nam có lẽ phép sóng đôi đã được sử dụng từ lâu, nhưng đến Chinh phụ ngâm thì đã được sử dụng rất rộng rãi và điêu luyện cả trong bản chữ Hán của Đặng Trần Côn lẫn trong bản dịch tiếng Việt của Đoàn Thị Điểm. Có thể nói biện pháp này được sử dụng rộng rãi nhất ở khúc ngâm này. Hãy đọc đoạn áp chót bài ngâm chữ Hán:

Nguyện vị quân hề, giải chinh y

Nguyện vị quân hề, bổng hà chi

Vị quân sơ trất vân hoàn kháo

Vị quân trang điểm ngọc phu chi

Thu quân khán hề, cựu lệ cân

Tố quân thính hề, cựu tình từ

Cựu tình từ hề, hoán tân liên

Giảng tân thoại hề, tửu bôi tiền…

Ở đây các cụm "nguyện vị quân", "vị quân" được lặp lại từng đôi, từ "quân" lặp đến 6 lần, từ "cựu" 3 lần, từ "tân" 2 lần, tạo thành một mạch thơ nhất quán, đều đặn, vững chãi, lại có hình thức hồi hoàn rất tha thiết. Đoạn thơ đã được Đoàn Thị Điểm dịch thành:

Xin vì chàng xếp bào cởi giáp

Xin vì chàng rũ lớp phong sương

Vì chàng tay chuốc chén vàng

Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng

Giở khăn lệ chàng trông từng tấm

Đọc thơ sầu chàng thẩm từng câu

Câu vui đổi với câu sầu

Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời

Sẽ rót vơi lần lần từng chén

Sẽ ca dần rén rén đòi liên

Liên ngâm đối ẩm từng phen

Cùng chàng sẽ kết mối duyên đến già.

Sức mạnh của phép sóng đôi làm cho tình cảm tuôn chảy dào dạt, như thể không dừng được. Cái hay của phép bài tỉ này là làm cho ý tứ, tình cảm tuôn chảy thành dòng mạnh mẽ nhất quán, bởi trong sóng đôi đã bao hàm tăng cấp.

Trong các truyện thơ Nôm có lẽ  chỉ có Truyện Kiều là tác phẩm vận dụng biện pháp này phổ  biến nhất, tập trung nhất và thành công nhất. Đó là biện pháp miêu tả dòng ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật, không thấy có trong truyện Kim Vân Kiều truyện.

Truyện Kiều ít nhất có 10 đoạn sử dụng thành công phép sóng đôi trong việc thể hiện nhân vật. Đoạn đầu tiên là tả tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ dàu dàu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Bốn lần ngồi trông dồn dập hẳn càng khơi sâu nỗi buồn và cũng đưa nỗi đau lưu lạc lên tới đỉnh điểm. Phép sóng đôi đặc biệt đắc dụng trong miêu tả tâm trạng đau đớn dồn dập:

Lần lần thỏ bạc ác vàng

Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn!

Đã cho lấy chữ hồng nhan

Làm cho cho hại, cho tàn cho cân!

Đã đày vào kiếp phong trần

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!

Nỗi đau xót đã chuyển thành sự đay nghiến số phận bất công tai ác. Một chữ "cho" đem lại một chữ hồng nhan, thì liền đó lại có bốn chữ "cho" tàn hại, vùi dập tới tấp. Nói là cho cân nhưng cân làm sao được! Thà rằng đừng cho hồng nhan cho rồi! Chữ "đã đày" láy lại chữ "đã cho" ở trên, nhưng lại nói toạc cái ý "cho" ấy là "đày", và đã đày thì thế nào cũng "Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!" Thật không lời nào nói hơn được nỗi đau xót của người mang chữ hồng nhan!

Phép sóng đôi cũng đắc dụng trong việc miêu tả sự đam mê:

Sinh càng một tỉnh mười mê

Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân!

Khi gió gác, khi trăng sân

Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ

Khi hương sớm, khi trà trưa

Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn

Miệt mài trong cuộc truy hoan

Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình

Bốn chữ khi, bốn cặp tiểu đối, hai chữ càng đã tạo một nhịp điệu truy hoan triền miên, dồn dập không biết bao nhiêu lần, không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua trong các cuộc chơi ấy, không ai tính được đã có bao nhiêu là cuộc chơi, chỉ biết một cuộc mê chơi miệt mài, triền miên liên tục. Tả như thế là cực tả. Đến khi độc chiếm được Thúy Kiều rồi, Thúy Kiều được tự do rồi, mối tình càng say sưa, phép sóng đôi của tác giả cũng tràn trề cảm hứng:

Một nhà sum họp trúc mai

Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông

Hương càng đượm, lửa càng nồng

Càng sôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen

Sáu chữ càng, ba cặp tiểu đối đã tạo thành cái nhịp điệu say sưa tưởng chừng như là vĩnh viễn, không chỉ là nhân vật say sưa mà ngôn từ cũng say sưa, tác giả cũng say sưa, và do đó mà có sức truyền thần say đắm.

Nhưng phép sóng đôi này càng đắc dụng khi thể hiện trong lời nói, ý nghĩ của nhân vật, làm cho cái dòng cảm xúc trong tâm hồn tràn cả ra ngoài lời. Chẳng hạn đây là lời dạy của mụ Tú Bà đối với cô Kiều:

Này con thuộc lấy làm lòng

Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề

Chơi cho liễu chán hoa chê

Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời

Khi khoé hạnh, khi nét ngài

Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa…

Đều là nghề nghiệp trong nhà

Đủ ngần ấy nết mới là người soi.

Hai chữ vành, ba chữ cho, bốn chữ khi với năm cặp tiểu đối đã tạo thành cái say sưa nghề nghiệp của Tú Bà, hễ động đến sự chơi là mụ ta không thể dừng lại được, không thể bình tĩnh được!

Nói tới lòng ghen của Hoạn Thư thì phép sóng đôi như làm cho ngọn lửa lòng càng đốt càng cháy:

Dại chi chẳng giữ lấy nền

Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?

Tính rằng cách mặt khuất lời

Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!

Lo gì việc ấy mà lo

Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?

Làm cho nhìn chẳng được nhau

Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên

Làm cho trông thấy nhỡn tiền

Cho người thăm ván bán thuyền biết tay!

Mỗi đợt sóng đôi là một cơn lửa cháy, càng cháy càng to, càng nguy hiểm. Trong ngôn ngữ của Hoạn Thư còn hàm chứa cả niềm vui sướng được đày đọa người khác. Đoạn tiếp sau phép sóng đôi cho thấy đày đọa người khác là cả một niềm khoái cảm say sưa của Hoạn Thư:

Làm cho, cho mệt, cho mê

Làm cho đau đớn, ê chề, cho coi!

Trước cho bõ ghét những người

Sau cho để một trò cười về sau!

Lời văn không chỉ có ý, mà còn có tình tràn ra cả ngoài lời.

Khi miêu tả cảm xúc của Kiều lúc nhìn thấy lại Thúc Sinh thì phép sóng đôi lại tái hiện được sự xao xuyến, bối rối, không lối thoát của nhân vật:

Bây giờ đất thấp trời cao

Ăn làm sao, nói làm sao, bây giờ

Càng trông mặt, càng ngẩn ngơ

Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời

Lời văn như truyền đạt được không chỉ ý nghĩ mà còn tái hiện cả nhịp điệu của tình cảm, nhịp điệu dẫm chân kêu trời của nhân vật.

Khi bị lừa vào tay Bạc Hạnh, lời văn sóng đôi cũng như tiếng kêu thất thanh và nhịp dẫm chân kêu trời của tác giả và nhân vật:

Duyên đâu, ai dứt tơ đào

Nợ đâu, ai đã dắt vào tận tay?

Thân sao, thân đến thế này?

Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi

Đã không biết sống là vui

Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!

Cả đoạn câu nào cũng có sóng đôi đã cực tả tình cảm đau đớn tột cùng của nhân vật.

Có thể nói ngôn ngữ Truyện Kiều đã sử dụng phép sóng đôi một cách phổ biến với các hình thức, mức độ khác nhau. Sử dụng điêu luyện phép tu từ này Nguyễn Du không chỉ tái hiện được ý nghĩ, trạng thái con người, mà chủ yếu tái hiện được cái nhịp sống, nhịp đập của trái tim, thần thái, tình cảm, sinh lý của nhân vật. Và do đó làm cho năng lượng cá tính được bộc lộ nổi bật. Đây là điều mà thơ luật Đường chặt chẽ không làm được. Phép sóng đôi đã làm cho văn Kiều có được thêm sức mạnh truyền thần mà không một truyện thơ Nôm nào sánh được. Điều này cho thấy một tác phẩm văn học lớn thì không chỉ đem lại tư tưởng, tình cảm lớn, mà nó cũng làm cho một số biện pháp nghệ thuật trở thành cổ điển. Có cách truyền thần tĩnh tại của hội họa, mà cũng có cách truyền thần trong thể động của ngôn từ. Sóng đôi chính là phép truyền thần trong thể động đó.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114448929

Hôm nay

2131

Hôm qua

2343

Tuần này

2474

Tháng này

215188

Tháng qua

120141

Tất cả

114448929