Những góc nhìn Văn hoá

Người Ơ - đu ỏ Nghệ An [kỳ 4]

 Kỳ 3: CUỘC SỐNG MỚI NƠI TÁI ĐỊNH CƯ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC

Ơ - đu Là một những tộc người có dân số ít nhất ở nước ta, nên từ năm 1980 trở đi, người Ơ - đu ở huyện Tương Dương được coi là dân tộc đặc biệt khó khăn; được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ về định canh định cư, về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ giá, xoá đói giảm nghèo, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao năng lực cộng đồng; bên cạnh các phương diện thực hiện quyền bình đẳng về chính trị. Tuy nhiên, do người Ơ - đu quá ít, lại sống xen ghép với các cộng đồng người Khơ - mú, người Thái đông đúc, nên những hỗ trợ trên đây vô hình trung bị phân tán, không tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong cộng đồng Ơ - đu. Có thể nói, đến giữa năm 2006, đời sống kinh tế- xã hội của người Ơ - đu thay đổi rất chậm.

Tháng 8 năm 2004, Thủy điện Bản Vẽ - công trình thủy điện lớn nhất ở Bắc miền Trung, đa mục tiêu được phê duyệt. Đại bộ phận các xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương và Luân Mai của huyện Tương Dương, với hàng ngàn hộ dân các dân tộc Thái, Khơ- mú, Ơ - đu thuộc diện phải di chuyển.

Khi đó, tỉnh Nghệ An chủ trương đưa người Ơ - đu sống rải rác trong các bản nằm sâu ở các khe suối thuộc các xã về tập trung thành một khối và “tách” khỏi các tộc người đang sống xen ghép để có điều kiện bảo tồn một trong 5 tộc người có dân số ít nhất ở nước ta đang sinh sống trên địa bàn. Hai điểm tái định cư cho đồng bào được xác định là xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương) và xã Nga My (huyện Tương Dương). Sau khi được tỉnh và huyện tổ chức cho đi thăm hai điểm tái định cư, các già làng, trưởng bản thuộc các xã thấy điểm Nga My phù hợp hơn nên đồng ý đề nghị tỉnh và huyện cho chuyển về xã Nga My. Nguyện vọng của các già làng, trưởng bản cũng phù hợp với chủ trương của lãnh đạo huyện Tương Dương muốn “giữ” người Ơ - đu ở lại với huyện nhà.

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 8 năm 2006, người Ơ - đu ở các bản thuộc hai xã Kim Đa và Kim Tiến với 73 hộ, gồm 38 hộ của 4 bản xã Kim Đa (bản Xốp Pột 27 hộ, bản Com 5 hộ, bản Pủng và bản Cà Moong cùng có 3 hộ); 35 hộ của 3 bản thuộc xã Kim Tiến (bản Kim Hòa 28 hộ, bản Mà 5 hộ và bản Xiềng 2 hộ) cùng một số hộ của xã Hữu Dương lần lượt được chuyển về khu đất nằm giữa bản Đàng và bản Pột của xã Nga My. Đây là chân của dãy núi Pu Thên nằm dọc suối Nậm Ngân chảy từ vùng núi cao (xã Nga My) đổ vào sông Cả ở Khe Bố (xã Tam Quang, huyện Tương Dương). Lòng suối ở khu vực tái định cư có một vũng nước tròn như cái mâm, theo tiếng Thái gọi là ‘Văng Môn”. Tên bản được đặt theo đặc điểm địa hình này. Đến tháng 10 năm 2009, thêm 4 gia đình (là bốn bố con) ông Lo Bún Chắn từ bản Chà Coong, xã Hữu Dương) xin chuyển về. Lần đầu tiên, người Ơ - đu sống phân tán, rải rác, xen ghép với các tộc khác được tập trung về sinh sống tại một bản độc lập. Từ đây, một cuộc sống mới hoàn toàn khác trước đến với người Ơ - đu, tạo ra những thay đổi lớn lao trên tất cả các mặt đời sống của đồng bào.

 

I. THAY ĐỔI VỀ PHƯƠNG THỨC MƯU SINH

 1. Thay đổi của canh tác nương rẫy

 Về nơi ở mới, người Ơ - đu vẫn canh tác nương rẫy. Kỹ thuật canh tác về cơ bản không có gì khác biệt so với ở quê cũ. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ được cấp một ha nương, chất đẩt rất xấu nên canh tác không hiệu quả. Các giống lúa ở quê cũ đem về không hợp với chất đất ở quê mới, nhiều mảnh nương khi lúa mọc cao khoảng 20 cm bị chết dần, cao đến 50 cm bị chết gần hết; nên năm cho thu hoạch cao nhất chỉ bằng già nửa so với cùng diện tích ở quê cũ. Một chủ gia đình Ơ - đu gốc ở bản Mà (xã Kim Tiến) chuyển đến cho biết, ở quê mới, gia đình ông có 7 khẩu 4 lao động, năm đầu tiên gieo hết 45 kg (khoảng 1 ha), song chỉ thu được khoảng 1 tấn lúa bông (khoảng 7 tạ, trong khi ở quê cũ thu được 1,2 - 1,3 tấn). Năm thứ hai (2008), cũng trên diện tích này, ông gieo thêm 15 kg thóc giống (tổng cộng 60 kg), song đến vụ chỉ thu được số thóc bằng năm trước). Sau hai năm canh tác, đất nương bị bạc màu, rửa trôi nhanh chóng, phải chuyển sang trồng sắn, tốc độ bạc màu diễn ra nhanh hơn. Năm đầu cho thu hoạch 20 tấn, giá bán 1,2 triệu đồng/ tấn. Trừ chi phí, có thể chấp nhận được trong điều kiện không còn công việc nào khác. Tuy nhiên, sang năm thứ hai chỉ còn 15 tấn, người trồng chỉ lấy công làm lãi với cường độ lao động rất cao và vất và. Đến năm thứ ba, năng suất giảm hẳn, chỉ còn 10 tấn. Người trồng hầu như không có lãi. Đất bạc màu hoàn toàn, không thể trồng gì được, phần lớn các diện tích nương này hiện đang bị bỏ hóa. Từ 2013, hầu hết đất của các gia đình không thể tiếp tục trồng lúa, sắn được nữa, trong khi chưa tìm được cây khác thay thế phù hợp. Một số diện tích có thể trồng trọt được, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa một số cây vào trồng, nhưng lại không tìm được đầu ra, như cây gừng, khiến cho nhiều gia đình bị mất công, thua lỗ. Có gia đình trồng 1600 m2gừng (năm 2013), nhưng đến tháng 4 - 2014 vẫn để trên nương, không thu hoạch vì không biết bán cho ai. Nhiều gia đình chuyển sang trồng xoan, tuy không phải mất công chăm sóc, song phải ít nhất 6 năm sau mới cho thu hoạch và giá trị kinh tế của cây này cũng không cao (một cây xoan to, đường kính 25- 30 cm giá chỉ vài trăm nghìn đồng).

Không chỉ đất xấu, mà diện tích nương rẫy lại quá ít, trong khi rừng xung quanh đã thuộc quyền quản lý của các bản người Thái. Đất dự trữ cho đồng bào cũng không còn; trong khi đó, ở quê cũ, như tại xã Kim Đa, còn hàng trăm ha rừng có thể biến thành nương rẫy trồng lúa, mỗi gia đình có nhiều mảnh nương, có thể luân phiên canh tác đến khi nương bỏ hóa tái sinh thành rừng. Không những vậy, tại quê cũ, những mảnh đất có cây chuối mọc tốt cũng có thể khai phá thành nương, gieo trồng một năm rồi bỏ hóa, 3 năm sau lại có thể quay trở lại làm được; còn ở quê mới, nhiều chủ hộ có nương bỏ hóa cho biết, không biết bao giờ cây trên nương mới trở thành rừng được. Như vậy, phương thức canh tác theo kiểu quảng canh và luân canh như ở quê cũ, vốn là đặc trưng mưu sinh của người Ơ - đu và nhiều tộc người thiểu số khác đã không còn hiệu quả.

Kho đựng lúa bỏ không vì không có lúa để chứa

Kinh tế vườn tại nơi tái định cư không phát triển vì diện tích thổ cư giao cho các gia đình cũng không đủ như dự tính ban đầu của Dự án Thủy điện Bản Vẽ (do quỹ đất có hạn nên mỗi hộ chỉ được chia chưa đầy 400 m2); mặt khác, cho dù có đủ đất thì người Ơ - đu không quen với tập quán làm vườn (vườn của phần đông các gia đình hiện nay đang bỏ hoang, thậm chí không có được một khoảnh đất nhỏ trồng rau ăn hàng ngày). Trong 10 ngày của tháng 4 năm 2014, chúng tôi tận mắt chứng kiến 92 hộ ở bản Văng Môn (90 hộ người Ơ đu, 2 hộ người Thái), không một gia đình nào có một mảnh vườn trồng rau - dù là nhỏ để lấy rau ăn hàng ngày, mà cứ buổi sáng chờ những người buôn từ thị trấn Hòa Bình (huyện lỵ Tương Dương) và từ thị trấn Con Cuông chở rau lên để mua. Chưa biết các loại rau đó có phải là rau sạch hay không, nhưng chắc chắn là những mớ rau không còn tươi nguyên như ở vườn. Trả lời câu “Tại sao gia đình không rào lấy một mảnh vườn nhỏ trồng rau để có rau tươi ăn hàng ngày, lại không phải bỏ tiền ra mua?”, hầu hết những người được hỏi, cả nam và nữ, cả người già, trung niên và còn ít tuổi đều nói “Không quen trồng mà”. Về vấn đề này, Trưởng bản Văng Môn nhiệm kỳ 2010 - 2013 cho biết, trước đây, nhà ông có hẳn một vườn rau rộng, mùa nào thức ấy, không bao giờ phải mua; song nhà ăn thì ít mà người xin thì nhiều, nên đành phải bỏ vườn, vì “mình mất công sớm hôm tưới tắm, cứ được cây rau nào lên cao là có người đến xin; anh em, hàng xóm xin mà không cho thì không được, mình không ăn mấy thì trồng làm gì cho người khác đến xin” (!?).

Vườn lơ thơ cây vì đất xấu, không chăm sóc

Nhờ hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, một số gia đình đã trồng cỏ voi - loại cỏ giàu chất dinh dưỡng, phát triển cả mùa đông giá lạnh để trâu bò ăn. Do vậy, cỏ voi có giá trị kinh tế cao (mỗi kg giá 2.500 đồng), trong khi 1 ha theo lý thuyết có thể cho thu từ 240 - 350 tấn/ một năm. Tuy nhiên, phần đông các gia đình vừa không có vốn để đầu tư, vừa không nắm bắt tốt kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch nên các vườn cỏ voi không cho nhiều cỏ, chất lượng cỏ kém [1]. Khi cắt cỏ cho trâu bò ăn, nhiều gia đình làm cũng không đúng quy cách. Thay vì phải băm (hoặc cắt) thành các đoạn dài khoảng 20 cm, đựng trong rổ hoặc thúng để trâu bò ăn dần từng đoạn một và chỉ để ít đoạn, ăn hết lại bỏ tiếp, không lãng phí, nhiều gia đình để cả cây dài cho trâu bò ăn, song chúng chỉ ăn phần lá, còn phần thân bỏ, rất lãng phí.

Một số gia đình trồng vải, xoài do Dự án hỗ trợ dân tộc Ơ - đu cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật, nhưng hầu như không có giá trị kinh tế. Một số gia đình trồng xoan mới đang trong giai đoạn lớn.

Như vậy, với việc chuyển đến nơi tái định cư thiếu đất hoặc không có đất sản xuất như hiện nay, người Ơ - đu đã gặp khó khăn lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Một già làng đã nói với chúng tôi: “Ruộng nước đã không có, đất làm nương cũng không. Có lẽ phải trở về quê cũ thôi”. Trên thực tế, đã có một số gia đình về nơi ở cũ để mưu sinh.

 

2. Thay đổi về chăn nuôi, nghề thủ công, trao đổi

Tại nơi ở mới, người Ơ - đu vẫn chăn nuôi trâu bò, lợn, gà.

Về nuôi lợn, các gia đình vẫn nuôi giống lợn đen và vẫn nuôi bằng các loại cám ta, sắn, không nuôi bằng cám công nghiệp vì không đủ vốn để mua và điều quan trọng nhất, thị trường tiêu thụ thịt lợn rất hạn chế.

Về nuôi trâu bò, bản Văng Môn của người Ơ - đu ở giữa bản Đàng và bản Pột của người Thái. Hai bản đều có ruộng nước, rừng của các bản này đã được khoanh lại để bảo vệ. Do vậy, việc thả rông trâu bò như ở quê cũ của người Ơ - đu bị hạn chế. Một số hộ quen tập quán cũ, thả trâu, bò trên khu vực rừng của người Ơ - đu đã bị kẻ gian bắt trộm hoặc giết trộm. Điều kiện trên đây buộc người Ơ - đu phải bỏ cách chăn nuôi thả rông. Phần lớn các gia đình đã trực tiếp chăn dắt trâu, hoặc có thả, nhưng trông coi tại chỗ. Có người hàng ngày thả trâu bò đúng giờ, trực tiếp chăn dắt nên những con trâu bò của ông lúc nào cùng no căng, bóng nhẫy, lớn nhanh, ít bị bệnh. 

Đến thời điểm tháng 4/ 2014, không kể số trâu bò của các gia đình đang nuôi ở quê cũ, 90 hộ Ơ - đu ở bản Văng Môn có 53 con trâu, 78 con bò. Như vậy, bình quân mỗi hộ có 0,6 con trâu, 0,86 con bò. Theo Trưởng bản Văng Môn, hai phần ba số hộ trong bản không nuôi trâu bò vì nhiều nguyên nhân: đã từng nuôi nhưng bị chết dịch, hoặc mất trộm nên không còn vốn để nuôi tiếp, sợ nuôi tiếp sẽ bị mất, bị lỗ; một số người trông chờ Nhà nước cho giống; một số gia đình chỉ có các bậc cao niên già yếu nên không thể chăn nuôi được.

Tại nơi ở mới chỉ cỏ một số ít hộ nuôi vịt vì không tiện nguồn nước như ở quê cũ. Cả bản chỉ có con suối Nậm Ngân chảy qua, lại ở thế rất thấp so với nơi cư trú, không tiện lối xuống.

 

3. Thay đổi của việc khai thác các sản vật tự nhiên

Tại nơi tái định cư, các sản vật của tự nhiên không phong phú bằng quê cũ, nên hoạt động của kinh tế khai thác không nổi bật.

Các loại cây lấy gỗ (trai, dổi, săng lẻ…) tại các khu rừng mà người Thái sở tại giao lại cho người Ơ - đu hiện đã khai thác cạn kiệt; chỉ còn các loại gỗ tạp, song cũng đã được khoanh vùng, cấm khai thác. Cùng với những cánh rừng bị tàn phá, các loài thú rừng cũng không còn, chỉ còn một số loại thú nhỏ như chồn, cầy, sóc, song cũng không dễ dàng sắn, bắn được. Trên rừng hiện chỉ còn các loại côn trùng (ve sầu, bọ xít…) được bắt về làm thực phẩm. Ve sầu thường kêu rộ vào buổi tối trong hai tháng đầu hè, dùng đèn pin soi để phát hiện nơi ẩn ấp, bắt về ngâm vào nước khoảng 30 phút rồi rang muối, tạo ra món ăn béo ngậy và giòn, uống rượu rất tốt.

Các loại rau dại quanh nhà, các loại rau măng trong rừng về cơ bản cũng như ở quê cũ, tuy không phong phú bằng, được đồng bào tận dụng khai thác. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân làm cho tại bản tái định cư hiện nay, không có một gia đình nào có một mảnh vườn để có được các loại rau xanh do chính mình trồng ra phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.

Tại quê cũ, việc khai thác tôm cá trong các suối, nhất là trên sông Nậm Nơn diễn ra thường xuyên ở tất cả các gia đình. Về nơi ở mới, chỉ có con suối Nậm Ngân chảy qua, song nguồn tôm cá ở đây vốn đã bị khai thác gần cạn kiệt, nay lại đang bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt dồn xuống, nên hầu như không còn, đồng bào không còn được thưởng thức những con cá tự nhiên do mình đánh bắt như ở quê cũ.  

Một hoạt động kinh tế khai thác khác là đi đào vàng. Công việc này đã có từ quê cũ. Trong những năm đầu từ quê cũ chuyển đến nơi tái định cư, do thóc lúa, tiền bạc từ các nguồn còn nhiều nên không có mấy người làm công việc này. Những từ năm 2010, khi Nhà nước không còn hỗ trợ các khoản, cuộc sống khó khăn, nhiều người đã trở lại đào vàng. Tuy nhiên, công việc này vất vả, bấp bênh, lại có phần nguy hiểm. Năm 2011, có 2 vụ sập hầm làm 3 người trong bản chết, trong đó một vụ cả hai bố con thiệt mạng. Sau vụ này, số người đi đào vàng giảm hẳn.

Trong thế bí, một số gia đình đã trở lại quê cũ làm ăn. Đến tháng 4 năm 2014, có 7 gia đình đóng cửa nhà ở bản tái định cư để về quê cũ vừa làm rẫy, vừa chăn nuôi. Các gia đình này gửi lại con cái nhỏ cho người thân (ông bà hoặc anh em ruột của hai bên) trông giúp, còn hai vợ chồng (có thể có thêm con lớn) về quê cũ làm ăn. Số hộ đi một nửa (chồng trở về quê cũ làm rẫy, vợ ở nơi tái định cư chăm sóc con cái) cũng khá nhiều. Một số hộ đã làm ăn khấm khá, đã có 17 con bò, 15 con dê. Có người khi chuyển về nơi ở mới đã không đưa số trâu bò về cùng mà vẫn để ở quê cũ, nhờ một người thân quen ở khu tái định cư huyện Thanh Chương đã trở về từ trước trông nom hộ. Hai vợ chồng và con cái thay nhau về quê cũ trông nom đàn trâu bò, vừa làm rẫy ở trên các dải đồi cao, gần mặt hồ. Đến nay, đàn trâu của ông vẫn duy trì thường xuyên 15 - 16 con, mặc dù ông liên tục bán đổi.

Một gia đình đã bỏ nơi tái định cư về quê cũ, nhà đóng cửa, khuôn viên nhà thành nơi người khác thả trâu

Một số hộ có khả năng về vốn đã mua thuyền lưới để đánh bắt cá trên hồ. Bộ công cụ gồm xuồng và máy 17 triệu, bộ lưới 7 triệu. Mỗi ngày đánh bắt sau khi trừ các khoản chi phí thu được bình quân 200.000 đồng. Nếu đánh bắt được các loại cá quý (cá lăng, ngạnh, mát, chạch sú..) hoặc có trọng lượng lớn, mỗi ngày có thể thu 500.000 - 700.000 đồng, thậm chí hàng triệu đồng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ nguồn vốn để có được bộ đồ nghề mưu sinh. Vả lại, việc kiếm được cá hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu khác, nhất là có “sát” cá hay không, nên chỉ có một số ít người mới sắm đồ nghề để kiếm ăn bằng công việc này.

 

4. Dịch vụ và hoạt động làm thuê

Trong bản Văng Môn có 12 gia đình đã sắm được máy cưa để xẻ gỗ thuê; cưa chặt cây cho các chủ vườn có cây đến kỳ thu hoạch (3 triệu một ha, bất kể nhiều cây hay ít cây).Tuy nhiên công việc làm thuê này không ổn định vì số hộ có vườn cây đến kỳ thu hoạch rất ít; việc thu hoạch thường chỉ diễn ra vào một hai tháng nhất định.

Trong các gia đình có máy cưa, hai gia đình đã tổ chức kinh doanh gỗ và đóng đồ mộc, có gia đình có ô tô tải để chuyên chở. Có thời gian, gia đình này tổ chức bán đồ ăn sáng (phở, bún), song chỉ được một thời gian phải đóng vì không có người ăn.

Một hướng đi làm thuê khác là vào các công ty, nhà máy ở các tỉnh phía Nam, xuất hiện từ năm 2012. Tuy nhiên, qua thông tin của người thân họ, trong bối cảnh của suy thoái kinh tế, thu nhập của những người ly hương này ở miền Nam cũng rất thấp, bấp bênh, số tiền họ gửi về cho gia đình không đáng là bao.

Một hướng đi làm thuê khác là ở Trung Quốc. Theo một cán bộ trong bản, hiện có 9 người gồm các cô gái chưa chồng và những phụ nữ có 1- 2 con đang ở đất nước này.

Về hướng xuất khẩu lao động, người Ơ - đu ở bản Văng Môn không thể tiếp cận được do vừa không có vốn, vừa không tìm được nguồn vay, trong khi vốn ban đầu bỏ ra quá lớn (từ 50 triệu đồng trở lên). Nguồn vốn chính để người Ơ - đu được tiếp cận là từ Ngân hàng chính sách xã hội, song mức tối đa chỉ được 40 triệu. Trên thực tế, dù có được vay nhiều, phần lớn các hộ cũng không dám mạo hiểm vay.

Về buôn bán, trong một hai năm đầu, được nhận tiền đền bù nhiều, việc chi tiêu khá thoải mái, sức mua bán trong bản lớn, nên nhiều gia đình mở các cửa hàng tạp hóa. Lúc đầu, việc mua bán “tiền trao cháo múc” khá thuận lợi, sức mua của các gia đình cao nên việc kinh doanh của các gia đình có cửa hàng diễn ra suôn sẻ. Song theo thời gian, nguồn tiền của các gia đình cạn dần, dẫn đến mua chịu. Có nhiều gia đình mua chịu và chịu với thời gian dài, làm cho cửa hàng bị nợ đọng số tiền khá lớn, không thể tiếp tục kinh doanh, phải đóng cửa. Đến tháng 4 - 2014 chỉ còn một gia đình còn tiếp tục kinh doanh, song doanh thu hàng ngày rất nhỏ, vì sức mua của dân bản đã giảm sút nghiêm trọng.

 

5.Thực trạng đói nghèo của người Ơ - đu hiện nay

Với kinh tế nương rẫy, phụ thuộc nặng nề vào thiên nhiên, từ bao đời nay, người Ơ - đu  có cuộc sống rất thấp kém. Số liệu điều tra thực tế của Đoàn công tác Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tháng 4 năm 2004 ở các bản thuộc xã Kim Đa cho thấy điều đó. Thu nhập bình quân đầu người một năm chỉ đạt 600.000 đồng, trong đó thu nhập lương thực qui thóc đạt 180kg, tương ứng 360.000 đồng; tổng thu nhập khác bằng tiền là 240.000 đồng (gồm 160.000 đồng từ các sản phẩm chăn nuôi, 60.000 đồng từ các sản phẩm của rừng, 20.000 đồng từ các công việc khác). Với mức thu nhập trên, mức sống của người Ơ - đu vào loại cực nghèo. Trong 61 hộ người Ơ - đu chỉ có 01 hộ khá (chiếm 1,63%), 08 hộ trung bình (13,1%), 52 hộ thuộc diện nghèo đói (85%). Trong 27 hộ thiếu đói lương thực có 15 hộ (25%) thiếu từ 1- 3 tháng, 12 hộ (chiếm 19,6%) thiếu từ 3 - 6 tháng (Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, 2009, tr.4).

Chuyển về nơi tái định cư, chỉ có một bộ phận nhỏ các gia đình người Ơ - đu có cuộc sống ổn định và cũng chỉ được một thời gian rất ngắn, còn phần đông đều lâm vào tình trạng đói nghèo, thậm chí rất nhiều hộ còn có mức sống kém  hơn so với ở quê cũ. Theo thống kê của UBND xã Nga My, cuối năm 2013, bản Văng Môn có 91 hộ người Ơ - đu thì có 73 hộ nghèo (80,22%), 18 hộ không nghèo, không có hộ cận nghèo. Thực trạng đói nghèo của đồng bào qua 73 hộ thể hiện ở các mặt:

 - Không bảo đảm an ninh lương thực vì đất được giao đã bạc màu hoàn toàn, không còn diện tích rừng, đất hoang hóa để có thể cải tạo thành nương rẫy.

- Không có nghề phụ, việc tìm kiếm công ăn việc làm ngoài trồng trọt rất khó khăn.

- 16 gia đình phải ở nhà tạm bợ, gồm 15 gia đình mới tách hộ và 1 gia đình chuyển đến sau, không thuộc diện đền bù theo Dự án Thủy điện Bản Vẽ.

 - Tiện nghi trong nhà của phần lớn các gia đình hầu như không được sắm mới, chỉ là những đồ đã được sắm nhờ tiền đền bù khi từ quê cũ chuyển về. Theo số liệu của trưởng bản Văng Môn, đến cuối năm 2013, tình hình các tiện nghi của 91 hộ Ơ - đu như sau:

+ Ti vi: 12 hộ không có (do không có tiền mua).

+ Xe máy: 02 gia đình có 3 xe ; 03 gia đình có 2 xe ; 60 gia đình có 01 xe; còn lại 27 gia đình không có, trong đó, chỉ có 2 gia đình không có nhu cầu (do toàn người già yếu), 25 gia đình có nhu cầu nhưng không có tiền mua.

+ Quạt điện: 20 gia đình không có. Vào một ngày cuối tháng 4 năm 2014, giữa cái nắng đầu hè oi ả của huyện Tương Dương - vùng đất được coi là một trong những nơi nóng nhất về mùa hè ở Việt Nam, chúng tôi đến thăm một số gia đình nghèo, nhà thấp, ít cửa số, mái lợp phibrô xi măng khiến cho cái nóng càng hầm hập hơn, nhưng trong nhà không có quạt máy, phải dùng quạt tay.

+ Nhà vệ sinh: cả bản chỉ có một gia đình có nhà vệ sinh khép kín (nhà tắm, nhà xí tự hoại ở trong nhà), 60 hộ có nhà vệ sinh tự hoại ngoài trời (do Dự án Thủy điện Bản Vẽ trang bị), 27 hộ có nhà vệ sinh tạm bợ.

Trong 73 hộ nghèo, có đến 33 hộ (45,2%) có nhà kiên cố (nhà sàn hai tầng do Dự án Thủy điện Bản Vẽ xây), 24 hộ (32,8%) có nhà bán kiên cố (nhà cấp 4 tự xây). Điều này có nghĩa là, đa số các hộ nghèo chỉ có “xác nhà”, còn người thì bị đói lương thực, trong nhà hầu như không có tài sản nào đáng giá. Điều đáng lưu ý là nhiều gia đình có nhà xây đang bị xuống cấp (sàn bị bong tróc, tường bị nứt, cầu thang lên xuống bị sứt gãy nhiều bậc), nhưng không có tiền để sửa chữa. Ngay cả các khoản đóng góp theo quy định của Nhà nước, một số hộ hiện nay đang bị nợ đọng. 

Tình trạng đói nghèo của người Ơ - đu có nhiều nguyên nhân.

Trước hết, nguồn gốc sâu xa là do đồng bào sống bao đời trên một địa bàn có diện tích rừng khá lớn, có nguồn tài nguyên phong phú nhưng lại “phá rừng để trồng lúa”, tạo ra nền kinh tế có năng suất thấp, bấp bênh, phụ thuộc nặng nề vào thiên nhiên, không bảo đảm an ninh lương thực, nên tuyệt đại đa số các gia đình hầu như không có tích lũy. Tuy nhiên, tại quê cũ, diện tích rừng rất lớn, có thể luân canh trong một thời gian dài, “nhiều đời nữa”- theo ý kiến của các bậc cao niên, nên vẫn còn có hướng đối phó với vấn đề an ninh lương thực.

Khi chuyển đến nơi ở mới, người Ơ - đu hy vọng có được một ít diện tích làm ruộng nước để đỡ vất vả hơn trong làm ăn, có nguồn lương thực nhiều hơn và ổn định hơn so với làm nương. Tuy nhiên, Nga My là xã nằm trong khu bảo tồn của Vườn quốc gia Pù Hương, diện tích rừng chiếm tuyệt đối (11.004 ha), chỉ có 96 ha tuộng nước, do người Thái sở hữu từ lâu đời, không thể san sẻ cho người Ơ - đu được. Theo ý kiến của một số người dân Ơ - đu, một số khu vực ở xa trung tâm xã Nga My có một số diện tích có thể khai phá thành ruộng nước, nhưng lại không tiện lợi về các mặt khác, nên cán bộ và các già làng quyết định lập bản ở khu vực bản Văng Môn hiện nay. Hầu hết đất canh tác ở khu tái định cư có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh nên không thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Do suối Ngân có ba bãi bằng, có khe nước chảy ra, song cả suối và khe đều có lòng sâu, dốc, tuy có nước quanh năm nhưng lưu lượng nhỏ, không thuận lợi cho việc dùng nước tưới (và cả nước sinh hoạt).

- Thứ hai là một số yếu tố truyền thống tác động đến đói nghèo

+ Tập quán chi tiêu không có kế hoạch, theo tâm lý “có ăn hết nhịn”. Đây là tập quán chung của số đông các tộc người thiểu số ở nước ta, nhất là của các tộc người làm nương rẫy. Theo ý kiến của một số cán bộ trong bản, trong 2 năm đầu chuyển đến nơi tái định cư (2007- 2008), cuộc sống của phần đông các gia đình người Ơ - đu khá ổn định, nhiều hộ sung túc, vì có nhiều nguồn thu (nguồn thu và nguồn tích lũy từ quê cũ, nguồn tiền và các vật chất khác từ sự đền bù, hỗ trợ của Nhà nước …); nhưng do chi tiêu không có kế hoạch, nên từ năm 2009, nguồn tích lũy cạn dần. Đặc biệt, một số đông gia đình đã dồn tiền của vào dựng nhà, mua các đồ dùng, trang thiết bị đắt tiền (xe máy, ti vi mặt phẳng, quạt điện...) mà cả đời họ chưa bao giờ có, thậm chí nhiều người còn chưa được biết mặt, được sử dụng. Nắm bắt được tâm lý này, một số người buôn bán ở dưới xuôi đã đưa hàng lên bán với giá cao. Hơn nữa, một số kẻ đã đánh tráo các phụ kiện bên trong, nên các đồ mà nhiều người Ơ - đu mua bị “rút hết ruột”, chỉ dùng một thời gian là hỏng nặng, muốn sử dụng tiếp phải tốn rất nhiều tiền. Có người trong 2 năm (2007, 2008) đổi hai con bò lấy hai xe máy đã bị những kẻ buôn lừa đảo, thay bằng các phụ kiện rởm, chỉ dùng được vài tháng đã trở thành đống sắt rỉ, vụn.

Với việc chi tiêu không hợp lý, nhiều gia đình từ chỗ ổn định lâm vào thiếu thốn, rất đông gia đình vốn đã thiếu thốn, nghèo khổ lại càng nghèo hơn. Đến khi phải đối mặt với sự thiếu thốn, những khó khăn không dễ tìm được lối thoát, nhiều gia đình nhận ra sự cần thiết phải chi tiêu có tính toán thì đã muộn. Việc vực dậy kinh tế gia đình trong bối cảnh hiện nay không dễ dàng. Theo ý kiến của cán bộ bản Văng Môn, trong 73 hộ nghèo, có 31 hộ (42,47%) nghèo do thiếu tính toán trong làm ăn, chi tiêu, trong đó một số đông gia đình “chăm ăn, lười làm”.

+ Cùng với tập quán chi tiêu không có kế hoạch là thói quen uống rượu quá lạm ở nhiều người, không chỉ gây tốn kém, lãng phí về kinh tế, mà còn dẫn đến tổn hại sức khỏe, không tạo ra trạng thái tinh thần minh mẫn để chăm chỉ lao động, tính toán trong làm ăn, chi tiêu. Một cán bộ xã Nga My cho biết, ông thường đi qua bản Văng Môn, thấy một số nhà ở ven đường cháy bóng điện ở khu vực chuồng trại đến vài tháng, nhưng không thay bóng mới, trong khi đó hầu như ngày nào chủ nhà cũng mua rượu uống. Khắc phục thói quen uống rượu “quá đà” đã ăn sâu bao đời này không phải là việc dễ dàng, một sớm một chiều.

Ngoài từ yếu tố truyền thống, đói nghèo của người Ơ - đu còn có những nguyên nhân khách quan. Căn cứ vào danh sách hộ nghèo năm 2013, kết hợp với ý kiến của các cán bộ trong bản, chúng tôi chia 42 hộ nghèo không phải do nguyên nhân không biết tính toán trong làm ăn, chi tiêu mà do các nguyên nhân sau:

+ 14 hộ (19,18%) do mới tách hộ mà bố mẹ nghèo không cò gì để hỗ trợ cho con hoặc có hỗ trợ nhưng không đáng kể. Nhà ở của tuyệt đại bộ phận các hộ này đều là nhà tạm, tài sản trong nhà hầu như không có gì đáng giá.

+ 12 hộ (16,43%) do đông con và đông người ăn theo.

+ 7 hộ (9,59% ) do gặp rủi ro (chồng, vợ chết hoặc bị tai nạn).

+ 5 hộ (6,85%) do có người ốm đau bệnh tật kéo dài, hoặc là lao động chính bị tâm thần, ngớ ngẩn hay lẩm cẩm.

+ 2 hộ (2,74%) do thiếu sức lao động.

+ 1 hộ có người dính vào tệ nạn xã hội và 1 hộ vì những nguyên nhân khác (cùng chiếm 1,37%).

Một nguyên nhân khác có ảnh hưởng lớn đến đói nghèo của người Ơ - đu đồng bào là  yếu tố chính sách. Việc tập trung người Ơ - đu từ các bản làng thuộc các xã khác nhau về bản Văng Môn là một chủ trương đúng, song cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ để bảo tồn, phát triển người Ơ - đu với tính cách là một trong 5 tộc người có dân số ít nhất ở nước ta lại chậm được ban hành. Người Ơ - đu chuyển đến bản Văng Môn vẫn chỉ là thực hiện di chuyển để giải phóng mặt bằng cho Thủy điện Bản Vẽ, giống như người Thái, người Khơ - mú, mà việc tái định cư ở bất kỳ nơi nào trên đất nước ta trong hơn 20 năm qua đều bộc lộ những mặt bất cập. Đối với người Ơ - đu ở bản Văng Môn, những bất cập trong tái định cư thể hiện ở nhiều mặt:

- Việc đền bù, hỗ trợ về di chuyển nhà ởkhông sát thực tế, không hợp lý và không tập trung là bất cập lớn nhất, gây bức xúc cho đồng bào. Theo thông báo của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Bản Vẽ, mức đền bù (hay hỗ trợ) di chuyển và dựng nhà cho mỗi khẩu là 12 triệu đồng (với các gia đình có dưới 6 khẩu), 10 triệu đối với các gia đình có 7- 8 khẩu, 9 triệu đối với các hộ có 9 khẩu trở lên. Tuy nhiên, việc chi trả này không sát, thường chỉ đảm bảo 50 - 70 % so với thực tế, chưa tính đến việc chuẩn bị vật liệu. Có gia đình, nhà có 5 khẩu, theo quy định được hỗ trợ 60 triệu đồng, song trên thực tế, chỉ riêng công vận chuyển và dựng nhà đã hết 150 triệu. Việc chi trả lại không tập trung thành một lúc, mà “xé lẻ” thành nhiều đợt, trong khi giá cả thị trường biến động xấu, gây khó khăn cho quá trình ổn định nơi ăn chốn ở của các gia đình tự di chuyển và làm nhà. Nhiều gia đình dành dụm được ít vốn nào đã “dốc” vào việc dựng nhà để an cư lạc nghiệp, không còn nhiều vốn để đầu tư sản xuất.

- Việc giao đất để ổn định và phát triển sản xuất tiến hành chậm. Đến tháng 4/ 2008, tức sau 17 tháng về tái định cư tại nơi ở mới, các gia đình Ơ - đu mới cơ bản được giao đất sản xuất (không có ruộng nước, chỉ có đất làm nương với diện tích quá ít, 1 ha/ 1 hộ, không đủ để luân canh theo phương thức như ở quâ cũ). Đã vậy, đất lại xấu, nhanh bạc mầu - như đã trình bày. Trong hơn một năm trời, các gia đình phải sống dựa vào nguồn tích lũy ở quê cũ và từ hỗ trợ theo “Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ - đu giai đoạn 2006 - 2012” do Ủy ban Dân tộc phê duyệt. Báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Dự án này cho biết, trong 6 năm, đồng bào Ơ - đu đã được hỗ trợ 5,2 tỷ đồng, gồm đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, trợ cấp lương thực và các đồ dùng thiết yếu, hỗ trợ giáo dục... Tuy nhiên, Dự án này có phần “lẫn lộn” với Dự án thực hiện tái định cư của Thủy điện Bản Vẽ, chồng chéo giữa hỗ trợ, đền bù theo trách nhiệm của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Bản Vẽ với hỗ trợ của Dự án mà đồng bào được hưởng với tư cách là một dân tộc rất ít người, đặc biệt khó khăn, theo phê duyệt của Ủy ban Dân tộc, gây thắc mắc trong cộng đồng người Ơ - đu. Theo “Báo cáo chuyên đề phân tích, đánh giá thực trạng, hiệu quả thực hiện Dự án bảo tồn, phát triển dân tộc Ơ - đu ở tỉnh Nghệ An” của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, số tiền “hỗ trợ” đồng bào (tập trung vào xây dựng nhà ở, hạ tầng giao thông, nhà công cộng...) lên đến vài tỷ đồng, trên thực tế phải là tiền đền bù, hỗ trợ của Dự án Thủy điện Bản Vẽ có trách nhiệm phải chi trả, không thể được coi là tiền hỗ trợ bảo tồn và phát triển dân tộc Ơ - đu.

Việc hỗ trợ lương thực cho đồng bào cũng có nhiều bất cập là không đầy đủ (theo số tháng), gạo nhận được là loại kém phẩm chất, nhiều gia đình không thể sử dụng được, đem để chăn nuôi, hoặc bán với giá rất rẻ (7000- 8000 đồng / kg); nên đồng bào đề nghị không nhận bằng gạo, mà nhận bằng tiền. Trong hai năm 2012- 2013, đồng bào đã được nhận lương thực quy thành iền, song giá gạo tính đắt hơn giá thị trường 25% và cũng không đủ số tháng.

Việc hỗ trợ trồng trọt và chăn nuôi như là một định hướng sản xuất và mưu sinh cho đồng bào cũng có những điểm không hợp lý. Điển hình là việc hỗ trợ vật nuôi. Năm 2010, Nhà nước hỗ trợ mỗi gia đình trong bản một con bò, song theo phản ánh của nhiều hộ gia đình, phần lớn số bò này chỉ sau một thời gian bị gầy còm dần rồi chết (có con chỉ ba ngày sau đã chết). Có con mổ ra trong bụng đầy giun sán. Chỉ có khoảng một phần ba số hộ nuôi được và phát triển thành nhiều con khác. Việc hỗ trợ cây trồng cũng không hợp lý. Lẽ ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tư vấn cho Dự án đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao, kết hợp giữa cây có lợi ích trước mắt với cây cho nguồn thu lâu dài, phù hợp với điều kiện đất đai và hướng dẫn đồng bào trồng thì lại đưa các giống cây hoàn toàn không có giá trị kinh tế hàng hóa ở địa phương như vải, nhãn, xoài, măng tre điền trúc...  (sản phẩm của các loại cây này không có thị trường tiêu thụ).

 

II. BIẾN ĐỔI VỀ XÃ HỘI

Chuyển về nơi ở mới, lần đầu tiên cộng đồng người Ơ - đu từ các làng bản nhỏ lẻ và sống chung với người Khơ -  mú, người Thái được sống thành một bản riêng. Trung tâm bản được xây dựng khang trang, có nơi sinh hoạt cộng đồng với nhà sàn cao ráo, chắc chắn, đủ các trang thiết bị thiết yếu, có chơi thể thao; có điểm trường mầm non, tiểu học, bê chứa nước dự trữ. Trong bản đã hình thành các thiết chế của hệ thống chính trị với chi bộ, các chi hội đoàn thể và trưởng bản.

Khu trung tâm bản Văng Môn

Trong điều kiện cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, cộng đồng người Ơ - đu càng đoàn kết gắn bó trong tìm hướng phát triển kinh tế, giúp nhau khi các gia đình có việc tang ma, cưới xin; phục hồi và giữ gìn những nét văn hóa còn lại. Cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất năm 2010, dịp phục dựng lễ đón tiếng sấm đầu năm vào tháng 4 năm 2014 càng khẳng định Ơ - đu là một tộc người có cộng đồng cao, vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và được các tộc Thái, Khơ - mú thừa nhận.

Trong các yếu tố gắn kết người Ơ - đu, củng cố mối liên hệ cộng đồng làng bản có hai yếu tố quan trọng.

- Một là miếu của bản: dựng ở lưng chừng núi Pu Thên. Miếu nhìn hướng đông nam, hướng về phía khu trung tâm của bản. Bệ bên phải (nhìn từ ngoài vào) cao, thờ ma bản, bệ bên trái thấp hơn 20 cm, thờ các vị có công lập các bản làng người Ơ - đu trước đây, nay được đưa về phối thờ.

- Hai là khu rừng chung của bản đã được quy hoạch thành 20 ha. Bản đã đề ra quy ước cấm làm nương, chặt cây ở rừng, có quy định phạt với các mức vi phạm.

Nhìn chung, quan hệ trong cộng đồng người Ơ - đu đoàn kết, gắn bó. Người Ơ - đu dù chưa thật sự được quan tâm đúng mức với tư cách là một trong những tộc người có dân số ít nhất ở nước ta; quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người Ơ - đu, có lúc chưa kịp thời, còn bị thiệt thòi, song đồng bào vẫn chịu đựng và chuyển gửi các thắc mắc theo đúng trình tự hành chính và pháp luật, không khiếu kiện, nhất là khiếu kiện đông người như ở một số bản của các tộc khác trong vùng. Ơ - đu vẫn là một cộng đồng đoàn kết, thống nhất. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực tại quê mới, hiện nay, trong bản đã có 5 thanh niên vướng vào ma túy- hiện tượng không hề có ở quê cũ trước đây.

Quan hệ giữa người Ơ - đu và các tộc Thái, Khơ - mú, giữa bản Văng Môn và hai bản Thái kề cận nhìn chung hòa thuận, đồng thuận. Ngày càng có nhiều trai gái Ơ - đu ở bản Văng Môn két hôn với trai gái người Thái, người Khơ - mú  ở các bản thuộc xã Nga My.

Tuy nhiên, đến năm 2013, giữa người Ơ - đu và người Thái ở bản Pột đã xảy ra tranh chấp đất đai (một trường hợp tranh chấp đất làm nương trong khe, một trường hợp tranh chấp đất ở của một gia đình Ơ - đu tiếp giáp bản Đàng) mà nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch, phân mốc giơi cho bản Văng Môn không rõ ràng.

 

II. BIẾN ĐỔI VỀ VẮN HÓA

1. Biến đổi về văn hóa vật thể

 Biến đổi về ăn uống

Chuyển đến nơi tái định cư, với việc không còn đủ nương rẫy để gieo trồng, người Ơ - đu không tự túc đủ nguồn lương thực như ở quê cũ; vì thế, biến đổi lớn nhất trong ăn uống của đồng bào là không còn ăn cơm nếp thường ngày, thay bằng cơm tẻ. Vả lại, một lượng lớn gạo tẻ không phải do tự làm ra mà phải đi mua, nên chất lượng gạo không thể bằng quê cũ, vì đa số các gia đình không đủ tiền để mua các loại ngon. Xôi nếp giờ đây chỉ là món ăn “điểm xuyết”, không thường xuyên xuất hiện.

Nơi ở mới có không gian rừng núi bị chật hẹp, nên nguồn thực phẩm do thiên nhiên ban tặng (các loại rau rừng, măng, mọc nhĩ...) không còn dồi dào như trước, thậm chí nhiều loại rau ở quê cũ không có ở quê mới; các loại rau có thì đến nay đã bị khai thác quá mức, trở nên khó kiếm. Không còn nguồn rau thực phẩm dự trữ từ rừng, trong khi đó đồng bào lại không trồng rau trong vườn, nên nguồn rau chủ yếu là mua từ những người buôn ở Con Cuông, thị trấn Hòa Bình đưa lên, vừa không tươi, vừa không đảm bảo chất lượng.

Tại nơi ở mới, bản của người Ơ - đu chỉ có một dòng suối duy nhất chảy qua bản, song nguồn tôm cá ở suối này đã bị cạn kiệt do bị đánh bắt quá lạm và nguồn nước bị ô nhiễm. Người Ơ - đu không còn nguồn thực phẩm cá từ sông Nậm Nơn và các con suối dài, dày đặc như ở quê cũ, phải mua cá nuôi của người Thái trong vùng hoặc từ những người buôn ở Con Cuông, thị trấn Hòa Bình đưa lên.

Biến đổi về nhà cửa và sử dụng nước sinh hoạt

Chuyển đến nơi tái định cư, lúc đầu, người Ơ - đu rất vui mừng vì lần đầu tiên không phải sống ở  “đầu khe ngọn suối”, mà ở nơi thoáng đãng, lần đầu tiên biết đến đường nhựa, đường bê tông rộng rãi, chắc chắn, bằng phẳng, không phải đi trên những đường mòn, gồ ghề 1; có nhà xây chắc chắn, có điện lưới thắp sáng ổn định, thay cho điện máy phập phù và chỉ dùng được trong mấy tháng mùa mưa khi dòng suối có nước.

Về nhà ở, biến đổi lớn nhất là từ nhà sàn chuyển xuống nhà đất hoặc nhà xây. Trước khi chuyển về bản tái định cư, Ban Dự án Thủy điện Bản Vẽ đã lấy ý kiến của các hộ gia đình về việc nhận nhà xây sẵn hay chuyển nhà từ bản cũ về để xác định vị trí được nhận đất. Hộ nhận nhà xây sẵn được nhận diện tích nhà theo số nhân khẩu: hộ có 1- 2 khẩu được nhận 25 m2/khẩu. Hộ có 4 khẩu trở lên nhận 15 m2/ khẩu. Kết quả, trong 73 hộ từ 8 bản chuyển về ban đầu, có 31 hộ tự di chuyển nhà, 42 hộ ở nhà xây sẵn (gồm 12 hộ ở nhà một tầng và 30 hộ ở nhà hai tầng). Các hộ tự di chuyển được nhận hỗ trợ đền bù theo các mức. Hộ nhận nhà sẵn không được hỗ trợ, mà còn bị trừ vào tiền đền bù theo giá nhà do Ban Quản lý Dự án quy định.

Để đảm bảo công bằng, từng nhóm hộ gia đình ở loại nhà nào (hộ tự di chuyển nhà, hay hộ ở nhà xây sẵn theo các tiêu chuẩn diện tích) bốc thăm với nhau để xác định vị trí khuôn viên đất và nhà. Bốc được vị trí nào nhận chỗ đó, không được đổi lại. 

Chuyển đến nơi ở mới, việc bố trí mặt bằng sinh hoạt của các hộ tự di chuyển nhà sàn về cơ bản vẫn được duy trì như ở quê cũ; song với các hộ ở nhà xây (nhà cấp bốn và nhà hai tầng) đã có thay đổi đáng kể.

Nhà cấp bốn để bàn thờ ở một góc trái gian ngoài cùng,góc trái nhìn từ ngoài vào (hay bên phải theo hướng nhà), giữa cột đầu tiên ở phía trên với tường trên và tường bên cạnh. Gian này cũng là nơi đặt giường cho khách nghỉ. Các gia đình có nhà sàn xây, bàn thờ để cùng vị trí nhưng ở tầng hai. Những kiêng kỵ tại khu vực này vẫn được tuân thủ như đối nhà sàn ở quê cũ.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các ngôi nhà xây (cả nhà cấp bốn và nhà sàn) đều xuống cấp (nền nhà bong tróc, nhiều cột cái bị lở trơ cả lõi thép, bậc cầu thang bị sứt mẻ, thậm chí gãy). Cả nhà cấp bốn và nhà sàn đều bị “trốn” cửa sổ (tường hậu và tường phía trước) nên nhà rất bí, nên nhiều gia đình phải bỏ tiền để mở cửa sổ. Đặc biệt, các bếp được xây liền với nhà chính và bếp cũng không có lỗ thoát khói ở phía trên và cửa sổ ở phía trước và phía sau nên mỗi khi đun bếp, khói xông vào nhà chính mịt mù, người không thể ở trong nhà được. Vì thế, chỉ một thời gian ngắn sau, các gia đình đều phải đưa bếp ra ngoài, tức dựng bếp mới ngoài ngôi nhà chính. Nhà có điều kiện thì xây bếp kiên cố, nhà không điều kiện thì dựng bếp bằng tre nứa.

Nhà ở nơi tái định cư: bếp nhỏ và bí, phải dựng bếp ra ngoài, bếp cũ biến thành phòng ở

Nhà của gia đình tái định cư nhưng không thuộc diện được đền bù, hỗ trợ

Về nước sinh hoạt, khác với ở quê cũ dùng nước suối, bằng cách chứa vào các ống nứa rồi chuyển về nhà, tại quê mới, người Ơ - đu được dùng nước nguồn theo hệ thống đường ống ngầm chảy về các bể ở từng cụm nhà. Tuy nhiên, hệ thống đường ống, bể chứa thiết lập không hợp lý và thiếu, nên chỉ một số hộ ở nửa dưới của con đường chạy dọc bản, ở cốt đất thấp mới có nước tự chảy, còn các hộ ở nửa trên đường và nhiều hộ ở nửa dưới như ở cốt cao, nước không thể đến được, thiếu nước trầm trọng trong 7 tháng của mùa khô (từ tháng 11 đến hết tháng 5). Hàng ngày, mỗi gia đình phải mất một lượng lớn thời gian và nhân lực để “lo việc nước”.

 

2. Biến đổi về văn hóa phi vật thể

Chuyển đến nơi ở mới, một số yếu tố văn hóa hay lễ thức ở quê cũ không còn được duy trì, do không còn cơ sở tồn tại.

Với việc nương rẫy bị bạc mầu, không thể tiếp tục gieo được lúa, hai năm nay, nhiều gia đình không có lúa mới thu hoạch hàng năm. Do vậy nghi lễ cúng cơm mới ở các gia đình này không còn được duy trì. Sự phai nhạt của một nghi lễ nông nghiệp xuất phát từ việc nghi lễ đó không còn cơ sở để duy trì, giống như hiện tượng nhiều làng Việt không còn tổ chức lễ xuống đồng (hạ điền- mở đầu vụ cày cấy) hoặc nhiều gia đình không còn tổ chức Tết mồng 10 tháng Mười ... do không còn làm nông nghiệp, không còn trồng lúa.

Trong hôn nhân và cưới xin: thanh niên nam nữ Ơ - đu không chỉ gia tăng kết hôn với người Thái, người Khơ - mú trong địa phương nơi tái định cư mà còn ở các xã vùng thấp, với cả người Kinh (Việt). Trong đám cưới đã tiếp thu những yếu tố của người Việt, như bắc phông rạp ở dưới nhà, thay vì tổ chức trên nhà sàn; các món ăn của người Việt xuất hiện nhiều hơn trong các mâm cỗ cưới.

Trong tang ma, trong gần 8 năm chuyển đến bản mới, chưa có gia đình nào có bố mẹ mất mà khi sống họ ở phòng riêng. Điều băn khoăn của nhiều người có bố mẹ già đang ở nhà đất hay nhà sàn xây lả, rồi đây, khi có bố mẹ mất, lễ thức “phá vách” để “đuổi ma ông bà, đón ma bố mẹ” sẽ tiến hành ra sao, do nhà xây để thông nhiều gian với nhau. Theo các bậc cao niên, rồi đây, nếu khi sống, bố mẹ ở phòng riêng, kín, thì khi họ chết, chỉ làm động tác phá tường tượng trưng.

Bản tái định cư có khu sinh hoạt văn hóa (nhà sàn rộng với tương đối đầy đủ các trang thiết bị), có sân chơi thể thao nên các các sinh hoạt văn nghệ được tăng cường vào các dịp lễ kỷ niệm, các đợt sinh hoạt lớn của các đoàn thể. Tuy nhiên, thường ngày có rất ít người chơi các môn thể thao tại đây do nhiều nguyên nhân: các môn chơi (bóng chuyền, cầu lông...) không phù hợp và không đủ đội hình chơi, thời gian rỗi của mọi người không đồng bộ...

Nơi ở mới có thêm những điều kiện thuận lợi để người Ơ - đu cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Do có nguồn điện lưới ổn định, bằng tiền tích lũy và các khoản tiền đền bù, hỗ trợ, các gia đình đã mua sắm được các phương tiện nghe nhìn hiện đại (tivi màu, loa đài...) để theo dõi tin tức thời sự, thưởng thức các chương trình văn nghệ, xem phim.... Nhiều nhà có tivi màn ảnh phẳng rộng.

Một thay đổi đáng kể là những khát vọng tìm về những giá trị của tổ tiên, để khẳng định lại mình trước các cộng đồng khác của người Ơ - đu đã và đang trỗi dậy mạnh mẽ. Nhiều lớp học tiếng Ơ - đu được mở do các bậc cao niên truyền dạy, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Một sự kiện đặc biệt, khẳng định quyết tâm của cộng đồng người Ơ - đu trong việc phục hồi những giá trị văn hóa của mình là phục dựng lễ đón tiếng sấm đầu năm, tại trung tâm văn hóa bản Văng Môn, sáng ngày 22 tháng 4 năm 2014, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND xã Nga My, Ban Quản lý bản Văng Môn tổ chức phục dựng lễ đón tiếng sấm đầu năm. Lễ do Tiến sĩ Cao Đức Hải - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đạo diễn.

Tại sân trước của nhà văn hóa bản, hai mâm lễ được bày đặt, hướng về phía miếu của bản trên núi PuThên 1.

Sau khi lễ vật được sắp, thầy mo mặc bộ quần áo thụng đen, đầu chít khăn đen, hướng về phía đền và đọc bài văn khấn, có đoạn nói về sự vận hành của đất trời thông qua hiện trạng các loài cây hoa - như đã dẫn ở trên.

Sau phần nghi lễ là phần các trò chơi, như ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ. Kết thúc các trò chơi là cuộc vui liên hoan văn nghệ và liên hoan ẩm thực với sự tham gia của toàn bộ dân bản, của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Nghệ An, Ủy ban nhân dân và đại diện một số phòng ban của huyện Tương Dương, lãnh đạo xã Nga My và đại diện các thôn bản trong xã.   

Việc phục dựng lễ đón tiếng sấm đầu năm mới chỉ là những phác họa ban đầu, nên còn nhiều bất cập, nhiều yếu tố truyền thống đã bị thay bằng các yếu tố hiện đại, nhất là các đồ chứa lễ vật dâng lên các vị thần như xôi được được bọc trong túi ni lông, không phải bằng lá dong hoặc lá chuối, hoặc để trong giỏ), rượu không để chai thủy tinh hay ống nứa mà để trong chai nhựa lavie. Các nghi lễ gia đình trong dịp này chưa được các gia đình thực hiện. 

Một thay đổi quan trọng nổi bật là về giáo dục. Trước đây, từ các bản làng hẻo lánh, con em Ơ - đu phải theo các lối mòn, đi vài cây số mới đến được trường lớp. Nay tại nơi tái định cư, học sinh khối mầm non và tiểu học được học tại điểm trường khang trang ngay trung tâm bản. Học sinh khối trung học cơ sở học tại trung tâm xã Nga My, cách bản khoảng hơn một cây số, đi học bằng xe đạp đẹp trên đường nhựa. Kết thúc năm học 2013 - 2014, người Ơ - đu ở bản Văng Môn có 27 học sinh khối mầm non, 39 học sinh tiểu học (trong đó có 19 nữ), 31 học sinh trung học cơ sở (trong đó 15 đang học ở các trường Dân tộc nội trú tỉnh và huyện), 14 em ở bậc trung học phổ thông, 5 em đang theo học cao đẳng.

Tóm lại, từ khi chuyển về bản tái định cư Thủy điện Bản Vẽ tại xã Nga My, cuộc sống của người Ơ- đu có nhiều thay đổi toàn diện và sâu sắc. Có thể thấy sự thay đổi đó qua bảng bên dưới.

Yếu tố  so sách

Trước 2006

Sau 2006

KINH TẾ

Phương thức canh tác nương rẫy

Quảng canh và luân canh do rừng còn nhiều

Không còn, do mỗi gia đình chỉ được cấp 1 ha

An ninh lương thực

Tạm bảo đảm nhưng bấp bênh

Không bảo đảm

 

 

 

Nhỏ lẻ, thả rông

 

Nhỏ lẻ, chăn dắt là chính

Xuất hiện các yêu tố mới

(dùng cỏ voi cho chăn nuôi)

Chăn nuôi

Nuôi cá, vịt ở suối

Không còn

 

Chỉ một số gia đình tạo ra giá trị hàng hóa từ chăn nuôi

Như ở quê cũ, song khó khăn hơn vì bị mất trộm, không còn khu vực chăn thả

Làm vườn

Không làm vì dựa vào các sản phẩm tự nhiên

Không làm, trong khi sản vật tự nhiên ít hơn nhiều so với quê cũ

Khai thác sản vật tự nhiên

Đa dạng, theo mùa, đảm bảo nguồn thực phẩm thường ngày

Bị suy giảm nghiêm trọng, không bảo đảm nguồn thực phẩm

Nghề thủ công

Theo quy mô gia đình, tự túc

Theo quy mô gia đình, nhưng bước đầu có sản phẩm hàng hóa

Dịch vụ và hoạt

 động làm thuê

Chủ yếu khai thác gỗ

Đa dạng hơn, trên diện rộng hơn

XÃ HỘI

Đói nghèo

Đói nghèo thường xuyên, phổ biến, tỷ lệ cao

Nguy cơ trầm trọng hơn vì các điều kiện thuận lợi như ở quê cũ không còn

Gia đình

Vai trò người phụ nữ được đề cao do nông nghiệp nương rẫy là chính, tự cấp tự túc

Vai trò của phụ nữ suy giảm do nương rẫy không giữ vai trò quan trong hoạt động của kinh tế gia đình

Quan hệ hôn nhân

Hôn nhân với người Khơ -mú, Thái ở trong xã là chính

Mở rộng ra với người Việt, người Khơ - mú, Thái ở các địa bàn

Làng bản

Sống phân tán, xen kẽ với các tộc khác

Sống thảnh bản riêng với hệ  thống chính trị, cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng tốt

VĂN HÓA

Nghi lễ

nông nghiệp

Gắn với sản xuất nương rẫy nên duy trì thường xuyên

Không còn duy trì thường xuyên do kinh tế nương rẫy suy giảm nghiêm trọng

Nghi lễ cộng đồng

Không có điều kiện duy trì do sống phân tán, xen kẽ

Có điều kiện phục hồi và duy trì do sống tập trung

Hưởng thụ văn hóa

Ít có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện và các sinh hoạt văn hóa hiện đại

Có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện và các sinh hoạt văn hóa hiện đại

Giáo dục

Điều kiện học tập của học sinh rất khó khăn (trường ở xa, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiết thốn)

Điều kiện học tập của học sinh thuận lợi hơn, tốt hơn (trường ở gần, đi lại thuận tiện, cơ sở vật chất tốt hơn); song các gia đình đang phải đối mặt với khó khăn trong việc đầu tư cho con em ăn học do kinh tế rất khó khăn

                                     KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC HIỆN NAY

   Không còn phương thức mưu sinh truyền thống, trong khi phương thức mới chưa hình thành, khó hình thành, do sức ỳ truyền thống và khó khăn của điều kiện tự nhiên

   Là cộng đồng đã bị suy thoái nhiều giá trị văn hóa từ lâu,

                              nay khó có điều kiện phục hồi

       

 

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

I. KẾT LUẬN

1. Ơ - đu là tộc người thuộc ngôn ngữ Môn/ Khơ - me, một cộng đồng bản địa, sở tại, sinh sống từ rất lâu đời vùng lưu vực hai con sông Nậm Mô và Nậm Nơn - nơi hợp lưu của sông Lam, từ xa xưa đã có cuộc sống ổn định và phát triển. Về sau, trước những đợt di cư của các tộc người khác vào vùng đất này, người Ơ - đu phải phân tán vào các vùng sâu vùng xa, nơi đầu khe ngọn suối, hòa vào các tộc người khác.

Địa bàn sinh sống của người Ơ - đu thuộc vùng núi cao của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, bị chia cắt mạnh, không cho phép làm ruộng nước, nên từ bao đời nay, đồng bào sống dựa vào kinh tế nương rẫy, kết hợp săn bắt, hái lượm, làm một số nghề thủ công gia đình. Cuộc sống của người Ơ - đu hoàn toàn phụ thuộc vào rừng núi, tự cấp tự túc, trao đổi hàng hóa rất hãn hữu; đời sống vật chất rất thấp kém, an ninh lương thực không bảo đảm.

Do dân số quá ít, bị hòa vào các tộc người khác cả về phương diện cư trú, hôn nhân, nên người Ơ - đu dần dần bị mai một nhiều giá trị văn hóa, từ ngôn ngữ, đến các văn hóa vật chất, tinh thần. Những yếu tố văn hóa của người Ơ - đu hiện còn lại không nhiều, chủ yếu ở hình thái nhà, bố trí mặt bằng sinh hoạt, nhất là vị trí đặt ban thờ tổ tiên trong ngôi nhà, ở một số món ăn, nghi lễ tang ma, cúng rẫy.

Mặc dầu bị mai một phần lớn các giá trị văn hóa, cả ngôn ngữ, người Ơ - đu vẫn ý thức rất sâu sắc về cộng đồng mình và cố gắng duy trì các yếu tố văn hóa còn sót lại nên vẫn tồn tại như một tộc người, các tộc người cộng cư và cận cư và có tác động lớn đến cuộc sống của đồng bào thừa nhận, cũng như được Nhà nước công nhận. Điều này cho thấy, khi ngôn ngữ và phần lớn các giá trị văn hóa không còn thì ý thức về sự tồn tại của cộng đồng mình (thể hiện ở tộc danh và ý thức về các giá trị văn hóa còn sót lại) được Dân tộc học gọi là ý thức tự giác dân tộc là tiêu chí chính yếu, quan trọng nhất để xác định sự tồn tại của một tộc người.    

2.Từ năm 2006, cuộc sống của người Ơ - đu có thay đổi lớn khi đồng bào được chuyển về tập trung tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương). Một cuộc sống mới được mở ra với cộng đồng người Ơ - đu với tất cả những thuận lợi cùng những khó khăn và thách thức, đang đặt ra cho các cấp, các ngành có liên quan ở Trung ương và tỉnh Nghệ An, cũng như cộng đồng người Ơ - đu cần quan tâm giải quyết.   

Những mặt thuận lợi cơ bản là:

Trước hết, đây là lần đầu tiên, người Ơ - đu với dân số quá ít, lại sống xen ghép với các tộc người khác ở các đầu khe, ngọn núi thuộc 4 xã khác nhau được tập hợp lại thành một bản riêng của cộng đồng mình với các thiết chế của hệ thống chính trị mà người Ơ - đu chiếm tuyệt đối, không phải “lệ thuộc”vào các tộc người khác như tại nơi ở cũ. Đây là điều kiện rất quan trọng để người Ơ - đu đoàn kết, thống nhất, xây dựng và phát triển cộng đồng mình, để khẳng định trước các cộng đồng khác. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để việc đầu tư của Nhà nước cho người Ơ - đu tập trung và thống nhất hơn, không bị phân tán như trước, khi đồng bào sống xen ghép với các tộc khác trong nhiều làng bản.

Thuận lợi cơ bản thứ hai là cộng đồng người Ơ - đu chưa phân hóa sâu sắc nên tính đồng thuận khá cao. Người Ơ - đu có truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và sống hòa thuận với các tộc người khác, tin tưởng ở Đảng. Theo đánh giá của lãnh đạo xã Nga My, người Ơ - đu khi không biết, hay chưa thông hiểu chủ trương, chính sách thì làm văn bản hỏi và đề nghị giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, không khiếu kiện đông người; trong khi bản Khe Quỳnh của người Thái tái định cư cùng thuộc xã Nga My đã xảy ra hiện tượng như vậy.

Thuận lợi cơ bản thứ ba là người Ơ - đu luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, của các cộng đồng khác với tư cách là một trong số ít các tộc người có dân số ít nhất ở nước ta.

3. Tuy nhiên, cộng đồng người Ơ-đu đang gặp nhiều khó khăn và đứng trước những thách thức, thậm chí là nguy cơ rất to lớn.

Thách thức lớn nhất là từ lâu, Ơ - đu đã là một cộng đồng bị mất nhiều giá trị văn hóa và mai một bản sắc văn hóa tộc người - yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, phát triển và hội nhập, hòa nhập.  Người Ơ - đu đã quên mất gần hết tiếng mẹ đẻ, chỉ có một số ít cụ già nói được một số câu đơn giản, với lượng từ vựng rất hạn chế. Việc khôi phục tiếng Ơ - đu bằng việc mở các lớp học rất khó khăn, vì tiếng Ơ - đu hiện tại là tiếng không hoàn chỉnh, việc học của lớp trẻ không dễ dàng 1. Vả lại, dù có khôi phục thành công thì việc sử dụng nó cũng bị hạn chế rất nhiều; vì theo quy luật, trong một vùng đa tộc người, đa ngôn ngữ thì ngôn ngữ của tộc người có số dân đông hơn, có vai trò lớn hon trong đời sống kinh tế - xã hội sẽ được sử dụng nhiều hơn; ngôn ngữ nào có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ được sử dụng nhiều hơn và ngược lại. Người Ơ - đu hiện chỉ còn hơn 300 người, giữa hàng vạn người Thái và người Khơ - mú nên tiếng Ơ - đu vốn đã mai một từ lâu sẽ khó có cơ hội “sống lại” trong giao tiếp giữa các tộc cũng như trong đời sống của đồng bào. Nếu ngôn ngữ là yếu tố quan trọng để cố kết tộc người, củng cố văn hóa thì, khi một cộng đồng có dân số ít, bị mất ngôn ngữ sống giữa nhiều cộng đồng khác có dân số đông hơn, ngôn ngữ vẫn được sử dụng thường xuyên, thì tộc người đó sẽ phải đối mặt với nguy cơ mai một bản sắc văn hóa.   

Khó khăn lớn nhất của người Ơ - đu hiện nay là về phương diện kinh tế - yếu tố quyết định để đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm ở lại nơi tái định cư, thể hiện trước hết ở việc không có đất sản xuất. Đây là khó khăn và thách thức lớn nhất đối với một cư dân từ bao đời gắn bó với việc làm nương rẫy, lấy hạt lúa làm tiêu chí hàng đầu của sự ổn định cuộc sống. Một khi không có đất sản xuất, không đảm bảo an ninh lương thực thì con người không thể nghĩ được điều gì lớn hơn trong phát triển kinh tế. Trong khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trước hết là chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, việc triển khai các nghề thủ công truyền thống, nhân cấy các nghề mới, tìm kiếm thêm công ăn việc làm rất khó khăn vì các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đời sống kinh tế khó khăn khiến cho từng gia đình, cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động khác, nhất là các hoạt động văn hóa - xã hội... Đời sống kinh tế của đồng bào tiếp tục khó khăn thêm nếu ở khu tái định cư mới không có quy hoạch và kế hoạch phát triển cụ thể, không thực hiện đến nơi đến chốn.

Cũng do khó khăn về kinh tế, nhiều gia đình sẽ phải đối mặt với việc không thể đầu tư cho con em tiếp tục học cao hơn, khi đồng bào không còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ như trước; điển hình là năm 2013, tại bản đã có một sinh viên đang theo học đại học dự bị dân tộc, nhưng do khó khăn về kinh tế, đã bỏ học về nhà để lo cuộc sống gia đình.

Một khó khăn khác là số cán bộ người Ơ - đu tham gia công tác ở địa phương ngày càng giảm và đang đứng trước nguy cơ “'cạn nguồn”. Hội đồng nhân dân xã Nga My hiện có 2 đại biểu (một giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân xã, một là Trạm trưởng Y tế xã). Ủy ban nhân dân xã không có người Ơ - đu giữ một cương vị nào. Ở bản Văng Môn, Bí thư Chi bộ là người Thái, Trưởng bản và Phó bản là người Ơ - đu nhưng đều đã ở tuổi trên 50, chỉ có một Phó bản kiêm công an viên (sinh năm 1988) mới tham gia công tác. Sự hẫng hụt đội ngũ này còn có nguy cơ tiếp diễn, khi vì khó khăn kinh tế, phần đông học sinh không thể học lên các bậc cao hơn để có đủ trình độ tham gia công tác.

 

II. KHUYẾN NGHỊ

Những khó khăn và thách thứ trên đây của người Ơ - đu đòi hỏi chính quyền và các ngành có liên quan các cấp quan tâm sâu sát để đề ra các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào một cách thiết thực, cụ thể, đặc biệt cần tránh hiện tượng “mượn áo, mượn danh” đồng bào để trục lợi, như đã từng xảy ra 1.

Đối với cộng đồng người Ơ - đu, trong mấy chục năm qua, người Ơ - đu cũng như các tộc người thiểu số trên đất nước ta luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và nhờ sự hỗ trợ này mà các tộc người đã từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng một cuộc sống no đủ hơn. Ngày nay, trong điều kiện thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức sâu sắc vấn đề dân tộc có một vị trí chiến lược trong sự phát triển của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta vẫn tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ các tộc người thiểu số. Người Ơ - đu với tư cách là một trong số các tộc người có dân số ít nhất ở nước ta chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được những hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, không thể coi những hỗ trợ trên là tác nhân chủ yếu cho sự tiến bộ của người Ơ - đu và các tộc người thiểu số khác; mà động lực tạo ra sự phát triển của tộc người nằm ở mỗi cộng đồng này. Nói một cách khác, điểm mấu chốt, mang tính quyết định nhất, chính là người Ơ - đu và mỗi tộc người thiểu số, từ người dân đến cán bộ phải thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Mỗi cán bộ và người dân, mỗi gia đình cần phải thấy rõ nếu có sức khỏe, không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt mà nghèo là buồn tủi, xấu hổ; là cán bộ mà để gia đình nghèo là có lỗi không chỉ với vợ con mà còn với nhân dân, với Đảng; từ đó mới có ý thức, tinh thần tự cường để phấn đấu, vươn tới cuộc sống đỡ khổ hơn, tốt đẹp hơn. Việc chi bộ bản Văng Môn năm 2013 có 9/12 đảng viên Ơ - đu, gia đình là hộ nghèo là điều đáng để chi bộ và mỗi đảng viên phải suy nghĩ, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong xóa đói giảm nghèo từ chính gia đình mình, bằng những việc làm nhỏ nhất nhưng thiết thực.

Từ thực tế của phương thức mưu sinh, lối sống truyền thống của người Ơ - đu cho thấy, để đồng bào vượt qua những khó khăn, thách thức bằng nội lực của mình, phải tập trung tuyên truyền và vận động từ chi bộ Đảng, các đoàn thể, các gia đình, mọi người thuộc các lớp tuổi từ bỏ những tập quán ở quê cũ không còn phù hợp với cuộc sống quê mới. Đó là:

- Tập quán không làm vườn, “ỷ lại” vào sự hào phóng của thiên nhiên, khi điều kiện ở quê mới không còn nữa;

- Tập quán chăn nuôi thả rông không kiểm soát được dịch bệnh, gây mất vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đến mỹ quan làng xóm, nhà cửa; dễ bị mất trộm

- Tập quán nuôi nhiều trâu bò nhưng không bán luân chuyển, mà cứ để thành đàn lớn, để thể hiện sự giàu có, “đẳng cấp” của mình.

+Tập quán chi tiêu không có kế hoạch, thiếu tính toán trong làm ăn: đây là tập quán của phần lớn các cư dân sống bằng nương rẫy.

- Khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận đông người dân và cán bộ, khi cho rằng, mình là dân tộc rất ít người, đặc biệt khó khăn nên Nhà nước phải hỗ trợ, phải giúp đỡ, nên nhiều người không chăm chỉ làm ăn, uống rượu và chơi; rất nhiều việc, cả những việc đơn giản nhất cũng không làm vì tin rằng, sẽ có Nhà nước, trực tiếp là cán bộ xã lo giúp.

Về phương diện văn hóa, phục hồi tục đón tiếng sấm đầu năm kết hợp cúng ma bản. Các già làng cần giảng giải cho con cháu nghe ý nghĩa của tục này để con cháu hiểu đây là một tục hiếm có, quý giá, một di sản văn hóa độc đáo của người Ơ - đu cần phục hồi và gìn giữ. Cần ghi lại trung thực và đầy đủ trình tự của nghi lễ đón tiếng sấm đầu năm để các gia đình thực hiện; làm sao để việc tiến hành nghi lễ này trở thành một tục thường xuyên, tạo ra một một tình cảm, một không khi thiêng liêng, sự phấn khởi và sự hồ hởi trong mỗi con người, mỗi gia đình cũng như trong toàn cộng đồng người Ơ - đu. Ngành văn hóa tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương, cấp ủy và chính quyền huyện Tương Dương và xã Nga My cần hỗ trợ nhân lực, vật lực vào việc này, để việc đón tiếng sấm đầu năm kết hợp với cúng ma bản thật sự là một tục, một giá trị văn hóa chỉ có ở người Ơ - đu, xã Nga My, huyện Tươngg Dương. 

 Ảnh trong bài: Bùi Xuân Đính

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (2013), Báo cáo chuyên đề phân tích, đánh giá thực trạng, hiệu quả thực hiện Dự án bảo tồn, phát triển dân tộc Ơ - đu ở tỉnh Nghệ An, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh.

2. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (2013), Báo cáo tổng kết 06 năm thực hiện Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ - đu giai đoạn 2006 - 2012 ở tỉnh Nghệ An, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh.

3.Ủy ban nhân dân xã Nga My, huyện Tương Dương (2014), Danh sách hộ nghèo, cận nghèo và không nghèo xã Nga My năm 2013, bản đánh máy, lưu tại Văn phòng Ủy ban nhân dân xã.

4. Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc Quốc hội (2004), Báo cáo kết quả thực hiện dự án Điều tra, khảo sát, nghiên cứu về dân tộc Ơ - đu, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

 

 

 


1- Mâm bàn phải là mâm chính, dành cho thần sấm, thần nương rẫy, các vị khai lập ra làng bản; lễ vật có thủ lợn (đầu hường về phía đền) ở phía trên cùng của mâm, liền kề bên phải là đùi trước con lợn, bên trái là giỏ xôi; hai bên phía sau mỗi bên có một bát lòng, một bát thịt luộc; điểm giữa các bát này là ba cẳng  3 giò (trong đó có một cẳng của đùi lợn sau đặt ở phía sau (cuối mâm, đối diện với vị trí của thủ lợn); xen giữa vị trí các đồ lễ (gói xôi ở bên trái mâm và thủ lợn, đùi lợn ở phía trước và đĩa xôi bên phải, bát lòng và bát thịt luộc, chai rượu và chén rượu - ở cả hai bên mâm) là 4 đôi đũa.

 - Mâm bên trái dành cho ma bản và các loại ma khác, có 2 bát lòng ở phía trên, hai bát thịt luộc ở phía dưới; hai đầu trên và dưới của mâm có hai gói xôi. Một chai rượu và một chén rượu và 4 đôi đũa xen cài.

 - Xen giữa hai mâm là toàn bộ phần còn lại của con lợn đã được luộc chín (lòng, dồi, thịt, xương luộc), để tỏ ý lòng vẹn tròn của con cháu, dâng cả con lợn lên các vị thần linh, tổ tiên.

 - Phía trước là hai vò rượu cần, được nối với nhau bằng một sợi lạt quấn chéo, giữa là một cây nứa có tác dụng giữ thăng bằng cho hai vò rượu, vừa thể hiện sự ngay thẳng của con cháu. Mỗi vò rượu cắm 4 cần để uống. Kề cận bình rượu bên phải có xô nước và chậu nước cùng chiếc sừng trâu để múc nước đổ vào bình rượu cần.

Như vậy, các lễ vật được dâng lên các vị tổ tiên và thân linh đều là cặp chẵn. Theo giải thích của các bậc cao niên, cặp chẵn biểu hiện cho sự đầy đủ, vẹn tròn, thủy chung của người Ơ - đu.

2. Điển hình là hiện tượng ngày 22 tháng 4 năm 2014, trong lễ phục dựng lễ đón tiếng sấm đầu năm, khi ông mo kết thúc lễ khấn thần linh, Đạo diễn chương trình giơ chén rượu lên qua đầu và hô “Chămprai siêu” (tiếng Ơ- đu nghĩa là “ Hãy uống rượu đi”) thì hàng trăm người Ơ - đu có mặt tại buổi lễ đều không hiểu đạo diễn nói và ra lệnh gì. Đến khi ông nói bằng tiếng Thái thì tất cả đều hô vang “Kin lẩu” và “Uống”.

3. Trong công trình nghiên cứu hoàn thành năm 2014, chúng tôi đã nêu một số kiến nghị với chính quyền, các ban ngành các cấp, dựa trên tình hình thực tế lúc đó. Nay chắc chắn tính hình người Ơ - đu ở bản Văng Môn đã thay đổi, song chúng tôi chưa có điều kiện trở lại khảo sat; nên ở đây không nêu kiến nghị với các cơ quan chức năng.

4. Khi cộng đồng Ơ - đu chuyển đến xã Nga My, con đường chạy qua bản Văng Môn chỉ là đường nội xã, nhỏ hẹp. Năm 2008, Bộ Quốc phòng mở con đường 48 C từ Khe Bố đi xã Nga My (60 km), lên Quỳ Hợp (60 km), tổng cộng 120 km. Đường rải nhựa, rộng 15 mét, đoạn chạy qua bản Văng Môn khoảng 1,2 km. Phần lớn người Ơ - đu lần đầu tiên được thấy và làm quen với đường nhựa.

 

[1]. Cỏ voi trồng bằng hom, từng hàng, khoảng cách 30 x 40 m, khoảng 7 - 10 tấn giống/ha. Tùy theo từng loại đất tốt, trung bình, xấu bón phân cho phù hợp, song trung bình mỗi 1 ha đất trong một năm phải bón 15 - 20 tấn phân chuồng và 250 -300 kg super lân (để bón lót), 100 - 200 kg KCL, urê 400 - 500 kg urê (bón thúc và sau mỗi đợt thu hoạch). Sau 2 tháng kể từ ngày trồng, được thu hoạch. Những lần sau chu kỳ thu hoạch từ 30 - 40 ngày trong mùa mưa; mùa khô có thể tới 60 ngày. Một năm trung bình thu hoạch từ 6 - 10 lần. Năng suất 1 lần cắt trung bình 30 - 60 tấn/ha. Khi thu hoạch, mỗi cây phải để lại từ 20 - 30 cm để cỏ tiếp tục nảy nhiều mầm.

Cỏ voi có thể cao đến 3 m, nhưng khi cỏ cao độ 1 m thì phải thu; nếu để cỏ càng già, thành phần, giá trị dinh dưỡng càng kém và tỷ lệ chất xơ sẽ nhiều. Nếu cắt khi cỏ còn non quá, chứa nhiều nước, gia súc ăn vào dễ bị tiêu chảy.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525245

Hôm nay

259

Hôm qua

2364

Tuần này

21947

Tháng này

211941

Tháng qua

0

Tất cả

114525245