Những góc nhìn Văn hoá

"Đợi anh về": Từ sổ tay phóng viên tới báo "Sự thật"

 Konstantin Mikhaylovich Simonov (1915-1979) là nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch Liên Xô nổi tiếng. Các tác phẩm chính của ông gồm: Bạn chiến đấu (tiểu thuyết, 1952), Những người sống và những người chết (tiểu thuyết, 1959), Người ta sinh ra không phải đã là lính (tiểu thuyết, 1963 - 1964), Có em và không em (tập thơ), Chiến tranh (tập thơ), Bạn và thù (tập thơ, 1948), Việt Nam, mùa Đông năm bảy mươi (tập thơ, 1972)

 

Nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch Konstantin Mikhaylovich Simonov (1915-1979)

“Đợi anh về” của nhà thơ Konstantin Simonov là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức. Bài thơ được sáng tác vào năm 1941, sau khi Konstantin Simonov tạm biệt người vợ Valentina Serova  để lên đường ra mặt trận. “Đợi anh về” chỉ có ba từ, 8 chữ cái, nhưng  đã chứa đựng trong đó cả một vũ trụ tình yêu và nỗi đau. Một bài thơ quen thuộc, tha thiết đến như thế, nhưng cho đến nay phần lớn bạn đọc không biết cụ thể về hoàn cảnh sáng tác của nó. Chúng ta chỉ biết rằng “Đợi anh về” dành tặng nữ nghệ sĩ Valentina Serova.

Thông thường, mỗi lần được đề nghị kể lại lịch sử bài thơ “Đợi anh về”, Konstantin Simonov hết sức dè dặt và kiệm lời. Trong bức thư gửi độc giả năm 1969, ông viết: “Bài thơ “Đợi anh về” không có một lịch sử nào đặc biệt. Đơn giản là tôi ra mặt trận, còn người phụ nữ tôi yêu ở lại hậu phương, vùng Ural. Và tôi viết cho nàng một bức thư bằng thơ. Sau đó bức thư được đăng báo và trở thành bài thơ...”

 Năm 1977, khi trả lời câu hỏi của phóng viên báo “Sự thật thanh niên”, Konstantin Simonov còn nói ngắn gọn và khắt khe hơn: “Nếu tôi không viết thì sẽ có một kẻ nào đó viết bài thơ ấy”.

 “Đợi anh, anh sẽ về, đợi anh hoài em nhé...”- đó là những lời từ biệt người yêu và vợ vào cái mùa hè đỏ lửa năm 1941. Và ông, Simonov, cũng chỉ là một trong những  người nói lời từ biệt. Vâng, những dòng thơ của ông đã trở thành lời cầu nguyện đối với hàng triệu người. Bởi vì thơ ca là công việc của ông, còn những người khác không còn bụng dạ nào nghĩ tới thơ nữa. Mặt khác, vì ông nhìn thấy chiến tranh sớm hơn nhiều người và hiểu rằng nó sẽ lâu dài, gian khổ. Cho nên đang tháng 7, mà ông viết: “Em ơi em, cứ đợi, dù tuyết rơi, gió thổi...”.  Những câu thơ thấm qua giấy như máu thấm qua vải băng...

Tại tất cả các cuộc gặp gỡ với độc giả, bao giờ Simonov cũng được mời đọc “Đợi anh về”, và ai cũng biết vì sao ông cảm thấy ngại ngùng như vậy.

“...Tôi đã đọc bài thơ hàng trăm lần trong và sau chiến tranh, - Konstantin Simonov nhớ lại, - Rốt cuộc, hai mươi năm sau chiến tranh, tôi quyết định không bao giờ đọc bài thơ này nữa. Tất cả những người có thể trở về, đã trở về, không còn ai để đợi. Điều đó có nghĩa là đọc thơ đã muộn. Tôi nghĩ bụng như vậy. Và hơn một năm nay tôi không đọc, khi chưa có dịp đến vùng Viễn Đông với các thủy thủ, ngư dân và chiến sĩ tàu ngầm đi biển mấy tháng trời, có khi lâu hơn. Ở đấy, tại cuộc gặp gỡ đầu tiên, người ta đề nghị tôi đọc “Đợi anh về”. Không còn chiến tranh nữa, nhưng dẫu sao bài thơ vẫn tiếp tục đáp ứng nhu cầu tình cảm của những người có những lý do riêng nào đấy liên quan tới bài thơ. Đối với tôi, vẫn như xưa, nó gắn với những ngày chiến tranh khói lửa, khi nó ra đời, và giờ đây khi vừa đọc vừa nhìn xuống khán phòng, trong lòng tôi xuất hiện cảm giác tội lỗi nào đấy trước những người đã chờ đợi nhưng không thành...”

Ngày 22 tháng 6 năm 1941, ngay sau khi chủ tịch Hội đồng Dân ủy Nhân dân V. M. Molotov phát biểu trên đài truyền thanh, Konstantin Simonov khoác ba lô tới điểm tập kết. Dù sao trên vai ông cũng đã có “lưng vốn” là hai chuyến công tác và một lớp đào tạo phóng viên quân sự tại Học viện quân sự Frunze. Ông không tất bật và cảm thấy mình đã có chút ít kinh nghiệm.

 Là phóng viên chiến trường ông được điều về báo “Cờ trận”. Ông lên đường ra mặt trận đang sục sôi ở phía trước. Những ngày đó, có hàng sư đoàn mất tích. Ông không tìm được tòa soạn của mình,  và bắt đầu gửi các ghi chép cho báo “Tin tức” và “Sao đỏ”. Ngày 12-14 tháng 7, Simonov được điều  về trung đoàn 338 ở ngoại ô Mogilyov đang trên đường tiến vào hang ổ của phát xít Đức. Lo lắng cho tính mạng của nhà báo, trung đoàn trưởng S. F. Kutepov đã ra lệnh cho ông rời khỏi vị trí tiền tiêu. Simonov trở về Moskva. Mãi sau chiến tranh, ông mới biết cả trung đoàn của Kutepov đã anh dũng hy sinh trong những trận chiến đấu không cân sức.

Ngày 18 tháng 7, bài bút ký của Simonov về các chiến sĩ trung đoàn Kutepov được đăng trên tờ “Tin tức”, ông đọc xong và ngủ lại  toà soạn. Ngày hôm sau, trên hành lang toà soạn ông gặp nhà văn Lev Kassil, biết tin Simonov không có chỗ ở, Kassil mời ông về  nhà mình ở số 7, phố Serafimovich, khu biệt thự Peredelkino. Nghỉ ngơi xong, Simonov lại lên đường ra mặt trận với tư cách phóng viên báo “Tin tức”.

Ngày 27 tháng 7, ông trở về Moskva. Ngủ đêm ở Peredelkino. Chờ lệnh đi công tác từ báo “Sao đỏ”. Simonov ngủ đẫy giấc, hút thuốc, viết nhật ký, làm thơ. Trong số đó có các bài “Alyosha nhớ chăng, những con đường Smolenschina...” và “Đợi anh về”.

Simonov đưa thơ cho  David Ortenberg, tổng biên tập báo “Sao đỏ” xem. Ông ta chọn  bài “Alyosha nhớ chăng...” và nói về “Đợi anh về” như sau: “Bài này không hợp với báo quân đội. Không nên làm mềm yếu tâm hồn người lính – cuộc chia tay quá nặng nề!”. Simonov cất bài thơ của mình và ba lô.

Đầu tháng 8 năm 1941, Konstantin Simonov ở Sevastopol. 10 ngày liền ông tham gia chiến dịch trên tàu ngầm. Các chuyến công tác nối tiếp nhau. Tháng 10, ông được điều về hạm đội phương bắc ở Murmansk. Tại đây, rõ ràng, lần đầu tiên ông đọc bài “Đợi anh về” trước đám đông, theo yêu cầu của phóng viên nhiếp ảnh Grigory Zelma. Simonov cũng đã chép tặng Zelma bài thơ từ sổ tay và đề: “ngày 13 tháng 10 năm 1941, Murmansk”. Sau này, nhà thơ nhớ lại: “Tôi cho rằng bài thơ là chuyện riêng của tôi...Nhưng mấy tháng trôi qua, khi tôi buộc phải lên miền bắc và khi bão tuyết và mưa gió đôi khi bắt chúng tôi suốt ngày ngồi đâu đó trong hầm trú ẩn...tôi đành phải đọc thơ cho mọi người nghe. Và trong ánh sáng ngọn đèn dầu hỏa tù mù hay đèn pin, đã hàng chục lần các chiến sĩ chép tay “Đợi anh về” trên một mảnh giấy, bài thơ mà trước đây tôi cứ ngỡ chỉ viết cho một người”.

Ngày 5/11, Simonov đọc “Đợi anh về” cho các chiến sĩ pháo binh tại bán đảo Rybachy. Trở về Murmansk, gặp gỡ các chiến sĩ tình báo hải quân và họ đưa ông đột nhập vào hậu phương của phát xít  Đức. Trước lúc đi, ông được lệnh để lại tất cả tài liệu, ảnh, sổ ghi chép. “Khi cần thiết, người chiến sĩ tình báo phải hy sinh như một kẻ vô danh...”. Simonov gửi lại ban tham mưu tất cả tài liệu và giấy tờ, trừ bức ảnh của Valentina Serova. Ngày 15 tháng 11, chia tay với các chiến sĩ tình báo, Simonov ra biển trên con tàu thủy “Spartak”. Sang ngày thứ 5, con tàu bị mắc kẹt vào băng. Trên boong có 2500 người. Trong khi chờ đợi tàu phá băng đến, một số người bị ốm, một số cảm thấy chán nản. Và Simonov lại được mời đọc “Đợi anh về”.

 Ngày 6 tháng 12, ông trở về Moskva. Ngày 9/12, Simonov được mời đọc thơ mới trên đài phát thanh. Trên đường tới phòng thu âm, ông gặp bạn nên bị trễ. Khi đến nơi, phát thanh viên đã đọc được ba trong số 4 bài thơ chuẩn bị cho chương trình này, và ông chỉ đọc bài cuối cùng “Đợi anh về”. Lúc hai giờ đêm, liên lạc viên báo tin bắt đầu cuộc đổ bộ ở bán đảo Krym. Tổng biên tập hủy chuyến nghỉ phép của Simonov và điều ông ra mặt trận. Máy bay bắt đầu lăn bánh trên đường băng khi Simonov vừa chạy tới phi trường. Ông vội vàng nhảy lên phòng hoa tiêu không kịp đội mũ bay nên suốt chuyến bay mặt bị lạnh cóng.

Simonov đón năm mới 1942 với các chiến sĩ tập đoàn quân 44. Cuộc đổ bộ ở Kerchensko-Feodosia thất bại. Các chiến sĩ lính thủy đánh bộ bị bao vây, không nhận được tiếp viện, một số hy sinh. Số còn lại rút lui vào các mỏ đá. Trong những ngày này, Simonov lại đọc thơ cho các chiến sĩ hải quân. Họ đã nghe tiếng bài thơ “Đợi anh về’, nên đề nghị ông đọc chính bài ấy.

Sau chiến tranh, tổng biên tập một tờ báo quân đội nhớ lại trong bức thư gửi Konstantin Simonov: “Khi anh đọc bài “Đợi anh về”, tôi nói thầm : “Hay quá...”, và anh bỗng nhiên nói: “Nếu cậu thích, tớ xin gửi đăng báo cậu”. Điều đó thật bất ngờ. Còn tôi lại lẩm bẩm điều gì đó đại loại là tờ báo cần thơ viết về chủ nghĩa anh hùng, chứ không phải thơ trữ tình, riêng tư. Sau này tôi tự gõ vào cái trán hói của mình, khi thấy báo “Sự thật” đăng bài thơ này...”

Ngày 9/1/1942, trở về từ vùng giải phóng Feodosia, Simonov công bố trên báo “Sao đỏ” hai bút ký “Thư Krym”. Sau đó ông được điều động tới vùng Mozhaisk, còn chiều 13 tháng 1, tòa soạn báo “Sự thuật” chuẩn bị đăng “Đợi anh về”. Người phụ trách báo P.N. Pospelov không thích câu thơ “mưa cứ rơi dầm dề”, ông gọi E. Yaroslavsky và I. Erenburg lên hỏi ý kiến. Erenburg đề nghị giữ nguyên bài thơ. Họ chỉ sửa dòng thứ 8 : “Bạn cũ đổi thay rồi”  thành “Bạn cũ có quên rồi”.

Trở về Moskva, Simonov xem báo “Sự thật” và thật khó nói hết niềm vui của ông khi nhìn thấy bài thơ “”Đợi anh về” được in  trên trang 3, số ra ngày 14 tháng Giêng năm 1942.  Điều ngạc nhiên là tiêu đề bài thơ được in to hơn các tiêu đề khác, mặc dù bài thơ chiếm diện tích nhỏ nhất.

Trần Hậu Tổng hợp từ báo Nga

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529019

Hôm nay

266

Hôm qua

2334

Tuần này

21292

Tháng này

215715

Tháng qua

0

Tất cả

114529019