Những góc nhìn Văn hoá

Ý nghĩa biểu tượng cái chết trong tập truyện Hương máu của Nguyễn Văn Xuân

“Sự chết là con lạc đà đen quỳ đợi ngay trước cổng nhà của tất cả mọi người”

(Abe - el - Kader)

1. Cái chết của con người là một sự tất yếu, bất kỳ ai cũng không vượt thoát khỏi vòng sinh - lão - bệnh  - tử. Mà “Văn học là nhân học”, vậy nên văn chương viết về cái chết cũng là đề tài muôn thuở từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây, từ văn học dân gian đến thành văn. Song, thiết nghĩ, văn chương viết về cái chết chưa bao giờ là cũ, bởi cũng là cái chết, nhưng kiếp nhân sinh, phận người thì chẳng một ai giống ai. Đó chính là sự phong phú, đa dạng và phức tạp của cuộc đời. Vì vậy, mỗi nhà văn khi đề cập đến cái chết lại có những nét riêng, độc đáo, ít khi trùng lặp với nhiều ý nghĩa. Nguyễn Văn Xuân là một nhà văn thường xuyên viết về cái chết, có dụng ý nghệ thuật khi khai thác những giây phút giữa lằn ranh sinh tử của con người. Cái chết đã trở thành một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa trong văn xuôi của ông.

 

2. Kiếp nhân sinh sống gửi thác về, vì vậy, biểu tượng cái chết là phổ biến trong các nền văn hóa của thế giới với nhiều ý nghĩa khác nhau. Theo Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới:“Cái chết chỉ sự kết thúc tuyệt đối một cái gì đó tích cực: một con người, một con vật, một cây, một tình bạn, một liên minh, một nền hòa bình, một thời đại” [2, tr.160]. Song, chết không phải là hết, chính vì có cái chết mà sự sống thêm phần ý nghĩa, con người phải cố gắng sống ra sao để khi chết khỏi phải xót xa, ân hận. Quan niệm này ở cả phương Đông lẫn phương Tây có nhiều điểm tương đồng, rằng “Chết ở cấp độ này có lẽ là một điều kiện cao hơn ở cấp độ khác” [2, tr.160]. Cấp độ khác đó có thể là trở về “cát bụi”; là sự “giải thoát”; là trở về với tổ tiên; hoặc “giải phóng” để bước sang một thế giới mới, một cõi vĩnh hằng; hoặc hướng đến một sự tái sinh; hoặc cũng có thể bị đày đọa trong một kiếp khổ ải, trầm luân hơn…

 

3. Tập truyện Hương máu có bảy truyện ngắn thì tất cả đều đề cập về cái chết của các nhân vật chính và nhiều nhân vật khác trong bối cảnh những “ngày tàn của Nghĩa Hội”. Nguyễn Văn Xuân có cảm hứng lớn, bộc lộ mối quan tâm, sự ám ảnh sâu sắc về cái chết. Điều này đã được nhà văn trực tiếp nêu trong lời tựa Trước khi vào truyện: “Tôi cũng hy vọng sẽ viết được nhiều những đề tài khác, tuy tôi vẫn tin chắc chuyện chết không bao giờ hết là nguồn cảm hứng cao cả, sâu xa” [3, tr.7]. Biểu tượng cái chết được nhà văn tổ chức, sắp xếp với nhiều dụng ý, được kết hợp với các hình tượng, không gian, thời gian khác nhau, với các ngôn từ xung quanh nó để bật lên những tín hiệu thẩm mỹ, các bình diện nghĩa phong phú.  

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007)

Truyện ngắn Hương máu được lấy làm nhan đề cho cả tập truyện, có bốn cái chết được nhà văn tập trung miêu tả, thì có tới ba cái chết của các thủ lĩnh, chiến tướng của phong trào Nghĩa Hội vùng Quảng Nam đến Bình Định. Cái chết của ông Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự vẫn trước mặt toàn thể bá quan văn võ của Nghĩa Hội, các quan chức địa phương dự và dân chúng được diễn ra trong buổi lễ trọng đại. Trong buổi lễ ấy, ông Hường (Nguyễn Duy Hiệu) và ông Phan, hai vị thủ lĩnh của phong trào Cần Vương tuyên bố đã đến giai đoạn thoái trào, đã thất bại, “đại cuộc đã hỏng”. Họ quyết định giải tán Nghĩa Hội vì không muốn người của Hội phải chết thêm nữa, họ muốn gìn giữ lực lượng, để phát triển phong trào theo một hướng khác phù hợp hơn trong thời đại mới. Ông Phan là người ghi chép và giữ tất cả các loại giấy tờ, danh sách hội viên, nên ông đốt đi và chết ngay trong đại lễ này để tất cả các hội viên ở ba tỉnh tin tưởng là không ai còn bằng chứng tố cáo những người theo Nghĩa Hội. Cái chết của ông Phan gây xúc động mãnh liệt cho những người có mặt. Khi ông Phan ngã xuống, ông Hường đỡ lấy xác, thì một người đã thét lên: “Phan đại nhân! Tôi nguyện sẽ giết hết, giết hết chúng nó để trả thù cho ông! Một tiếng “Giết hết” như gầm, như thét đáp ứng lại từ hàng các quan văn võ, quân lính đến cả dân chúng già trẻ tụ tập tới xem” [3, tr.47]. Và như vậy, một người ngã xuống sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người đứng lên chống giặc cứu nước. Đây là truyền thống đã trở thành một hằng số, thành nét đặc trưng nhất trong giá trị tinh thần người Việt, mà sau cái chết của ông Phan thì ngọn lửa âm ỉ ấy đã bùng cháy lên trong tâm trí mọi người.

Tập truyện ngắn Hương máu

Cái chết của người thủ lĩnh cao nhất là ông Hường lại thể hiện chiều kích khác của lòng yêu nước. Ông đã cố ý để bị giặc bắt ở gần Hội An, sau đó giải ra kinh thành tại Huế. Ông Hường muốn được xét xử để ông nhận tất cả tội về mình, “vừa bảo toàn sinh mạng các đảng nhân, vừa biểu lộ ý chí cứu quốc công khai” [3, tr.62]. Trước giờ xử trảm, ông Hường không hề có một chút âu lo hay sợ sệt, mà ông đang “nghĩ đến những vần thơ tuyệt bút” được viết với nét bút cứng cỏi. Cái chết ấy được người dân đứng chật đường nhưng nghiêm trang, “im lặng, kính cẩn và nhiều kẻ khóe mắt rưng rưng” nhìn thần tượng của họ. Cái chết của ông “diễn ra theo cái truyền thống oanh oanh liệt liệt với nụ cười lặng lẽ của các chí sĩ Việt Nam. Cái chết không còn có tính cách bị chặt đầu một cách thảm hại mà cốt đạt cho được bốn chữ “thung dung tựu nghĩa” để gây một xúc động bất tuyệt trong lòng kẻ hậu sinh, cốt truyền tiếp một niềm tin tưởng không bao giờ dứt” [3, tr.64]. Hình ảnh, khí phách ấy đã truyền cảm hứng yêu nước cho hàng ngàn, hàng vạn người chứng kiến, khiến cho vị quan Cử Lê phải thốt lên, “vận nước còn tốt lắm! Tốt lắm!” [3, tr.65].

Cái chết của quan Tổng đốc Hoàng Diệu (truyện ngắn Viên đội hầu) thể hiện tinh thần tử chiến giữ thành Hà Nội, dù biết rằng triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng giặc. Ông quên ăn, quên ngủ đi đốc thúc mọi người kiên quyết giữ thành bằng mọi giá, dù rằng hỏa lực, sức tấn công của Pháp rất dữ dội. Nhưng điều ông lo ngại nhất đã xảy ra, Tôn Thất Bá ham sống sợ chết mà hàng địch. Quân Pháp đã mạnh, lại được người đầu hàng ấy chỉ chỗ hiểm yếu nhất chính là kho đạn, mà mất kho đạn đồng nghĩa với mất thành. Quả vậy, toàn bộ đạn pháo của địch đổ dồn về phía kho đạn, rồi “tất cả các kho đạn đều bị phát nổ. Hai con mắt quan Tổng đốc trắng nhợt. Ông lặng đi một lát và lẩm bẩm: ta giữ chặt bốn ngả nhưng ta không giữ nổi ngả trời. Trời hại ta!” [3, tr.84]. Ông đi đến Võ Miếu để “chịu tội với các tiên liệt”. Sau khi tạ tội trong điện thờ, ông lấy khăn nhiễu quấn đầu làm dây thắt cổ tự vẫn trên cây đại thụ vì không giữ được Thành. Cái chết thể hiện tấm lòng yêu nước nồng nàn, mãnh liệt, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, làm lay động lòng người.

Cùng cảm hứng ca ngợi những người hết lòng xả thân vì đất nước, song cái chết của ông Tú Bình (truyện ngắn Về làng) lại diễn ra theo một cách đặc biệt. Ông tham gia Nghĩa Hội, khi bị bắt và kết tội tử hình, nhưng thay vì ra pháp trường, ông lại xin được về thọ hình tại làng của mình. Có điều này là nhờ ông quen thân với ông Phủ Nguyễn nên được đáp ứng nguyện vọng. Con người ấy suốt đời gắn bó với quê hương, khi chết vẫn muốn chết ngay trên chính làng quê của mình. Quan niệm “lá rụng về cội”, được chết tại quê cha, đất tổ như là nguyện vọng sâu kín của người Việt Nam được nhà văn khắc họa rõ nét. Và quan trọng hơn là ông vẫn không quên lo lắng cho quê hương, mong muốn làm gương để giáo dục các thế hệ sau về lòng yêu nước. Ông căn dặn các bô lão trong làng: “Tôi vì việc nước mà xả thân thì chẳng có gì đáng ân hận, tôi chỉ đau đớn là không thể làm hơn được. […] Xin các cụ ở lại thay tôi mà chăn dắt con em để cho làng ta được mãi tiếng thuần lương” [3, tr.119].

Các biểu tượng cái chết nói trên đều thể hiện tinh thần xả thân vì đất nước. Họ sẵn sàng đón nhận cái chết nhẹ tựa hồng mao nhưng lại nặng nợ núi sông, đúng như tinh thần “Non sông đã chết sống thêm nhục” (Phan Bội Châu). Với cái chết của mình, họ mong muốn nối dài ý nghĩa, khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những cái chết ấy đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở”, là niềm tin, là cơ sở để dòng dõi con Lạc cháu Hồng “làm nên Đất nước muôn đời” (Nguyễn Khoa Điềm). Các nhân vật không lo sợ trước khi chết, họ ung dung lựa chọn cách chết cho mình. Vấn đề họ quan tâm là làm sao cái chết ấy có ý nghĩa nhất với dân, với nước. Ấy là sự tụng ca dành cho những người xác tín lòng yêu nước, sẵn sàng lấy cái chết để bảo vệ, để duy trì xác tín ấy. Cái chết không có gì là đáng sợ, cái đáng sợ là có dám chết vì dân, vì nước không, hay cố kéo dài sự sống mà chẳng để lại một dấu ấn nào với cuộc đời. Những cái chết đó đã chứng minh một sự lựa chọn đã trở thành hằng số của dân tộc Việt Nam: “Chết trong còn hơn sống đục”, “Chết đứng còn hơn sống quỳ”…

Bên cạnh biểu tượng cái chết nhằm thể hiện tinh thần yêu nước, truyền cảm hứng chống giặc ngoại xâm, thì cái chết còn nhằm ca ngợi tình yêu tha thiết mãnh liệt, thủy chung son sắt. Đó là cái chết của bà Nguyễn Thị Băng, vợ ông Thái Phiên (truyện ngắn Rồi máu lên hương). Người phụ nữ nhỏ nhắn, yếu đuối ấy đã xông ra giữa pháp trường để ôm lấy cái đầu của chồng vừa mới bị chém rời khỏi cổ: “Nàng áp cái đầu đầy máu me vào ngực mình, như không một vật nào cao quý linh thiêng, yêu dấu bằng, như thể nó chính từ bộ phận máu xương từ cơ thể nàng bị đứt ra” [3, tr.182]. Rồi trước khi bị quân lính lôi ra khỏi pháp trường, nàng đã kịp lấy mái tóc dài thướt tha thấm đẫm máu của chồng còn vương lại và lưu giữ nó xem như là một kỷ niệm thiêng liêng, quyết không gội đầu cho tới lúc chết. Dù rằng theo thời gian, máu đã lên hương, cái mùi hương ấy trở nên kinh khủng và tởm lợm, khiến người khác ngửi thấy không khỏi rùng mình, không khỏi xót xa. Nàng đổ bệnh, không thuốc gì cứu chữa được bởi nàng “quá ưu tư, nó đau trong tinh thần nên lục phủ, ngũ tạng ngày mỗi suy nhược” [3, tr.185]. Trước khi chết, câu trăn trối duy nhất mà nàng nhắn nhủ lại với cha là mong giữ lại kỷ niệm khi rời bỏ cõi đời: “Còn đầu tóc con, con xin cha… cứ để nguyên như thế. Máu của anh con… sống thì con giữ, chết… con mang theo” [3, tr.188]. Cái chết của nàng gây nên một nỗi ám ảnh rùng rợn về “một thiên tình sử bi thảm” nhưng cũng rất thiêng liêng về sự thủy chung, son sắt.

 

4. Đó là một vài cái chết của các “anh hùng, liệt nữ” có tính biểu tượng trong tập truyện Hương máu của Nguyễn Văn Xuân để khám phá những nét tính cách mãnh liệt của con người xứ Quảng. Càng ý nghĩa hơn khi những truyện ngắn này ra đời ở các đô thị miền Nam những năm 1960, giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đó chính là những biểu hiện ý chí sắt đá của con người xứ Quảng luôn phải đi đầu “gánh vác sứ mệnh lịch sử”. Năm 1858, tại Đà Nẵng, họ đã chặn đứng cuộc tấn công của thực dân Pháp, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh ngay khi mở đầu đánh chiếm nước ta. Đến giai đoạn chống Mỹ, vùng đất này lại tiếp tục được tuyên dương danh hiệu: “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Sau này, tổng kết về những hy sinh, mất mát trong chiến tranh, Quảng Nam là địa phương chịu nhiều tổn thất nhất với hơn 65.000 liệt sĩ (là tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất cả nước). Về danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Quảng Nam cũng là tỉnh có nhiều nhất cả nước với 15.184 mẹ. Với truyền thống yêu nước nồng nàn của quê hương như vậy, Nguyễn Văn Xuân đã ghi lại bằng nhiều tác phẩm có giá trị với những hình tượng anh hùng, những cái chết lẫm liệt làm lay động lòng người, thức tỉnh lương tâm.

 

5. Qua phân tích biểu tượng cái chết trong các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân, tôi nhận thấy các biểu tượng này giàu ý nghĩa. Mỗi biểu tượng cái chết, thậm chí nhiều cái chết trong một tác phẩm thì ý nghĩa cũng khác nhau, hoặc bổ sung, hoặc đan cài, hoặc là cơ sở để làm nổi bật lên những dụng ý trung tâm. Ý nghĩa quan trọng về biểu tượng cái chết trong truyền thống văn học dân tộc Việt Nam để thể hiện tinh thần yêu nước, khí phách anh dũng, sự thủy chung son sắt được nhà văn tiếp tục khai thác. Không những thế, nhà văn còn sáng tạo những trường nghĩa mang đậm dấu ấn riêng nhằmnối dài thêm ý nghĩa về những cái chết gìn giữ lực lượng, truyền cảm hứng “cho những ai sống một đời đáng sống”. Mỗi cái chết mang một sắc thái riêng, song chung quy như là sự kết tụ của những bi kịch. Chính những trạng thái bi kịch và cái chết của các nhân vật ấy đã thu hút người đọc, khiến họ ám ảnh, xót thương, căm phẫn. Qua việc thể hiện cái chết, nhà văn muốn sử dụng như một biểu tượng nhằm tác động tình cảm, thanh lọc tâm hồn, giáo dục lý tưởng, niềm tin…

 

Tài liệu tham khảo

[1] IU.M. Lotman(2016), Kí hiệu học văn hóa, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

[2] Jean Chevalier - Alain Gheerbrant (2002). Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới (Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phong, Nguyễn Văn Vỹ dịch), Nxb Đà Nẵng - Trường viết văn Nguyễn Du.[3] Nguyễn Văn Xuân (1969), Hương máu, Trường Sơn xuất bản, Sài Gòn.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529019

Hôm nay

266

Hôm qua

2334

Tuần này

21292

Tháng này

215715

Tháng qua

0

Tất cả

114529019