Những góc nhìn Văn hoá

Vài kỷ niệm với nhà văn Lê Sơn

Lần đầu tiên tôi gặp anh Lê Sơn hình như tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập báo Văn Nghệ (1998) ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Tuy nhiên, trước đó tôi đã biết tên tuổi anh qua bản dịch tiểu thuyết “Không chốn nương thân” của nhà văn Litva Ionax Avigiux và những bài viết của anh đăng trên báo Văn Nghệ. Phải nói là tôi rất cảm phục tài năng và nhân cách của con người này.

PGS văn học, dịch giả Lê Sơn 

Khi gặp anh Lê Sơn, mặc dù mới lần đầu, nhưng hai anh em quý nhau ngay, dường như đã quen biết lâu rồi. Một phần vì anh ấy cũng đã đọc một số bài dịch của tôi về văn hóa, văn học Nga đăng trên các báo. Nhưng mặt khác, quan trọng hơn, là giữa tôi  và anh có chung mối quan tâm, gần gũi về nước Nga và văn học Nga, và nhất là cùng thích “chén chú chén anh”. Thế là kể từ đó, hai anh em thường hẹn gặp nhau. Cơ quan tôi ở phố Trần Hưng Đạo, cơ quan anh ấy ở Lý Thường Kiệt, rất gần nhau, chỉ cần gọi điện thoại nói địa chỉ đâu đấy là ngay lập tức lên đường.

"Một nền Văn hóa biết xấu hổ" - một trong những tác phẩm do dịch giả Lê Sơn tuyển dịch

Hơn hai chục năm trời quen biết anh Lê Sơn, tôi và anh có rất nhiều kỷ niệm và ngồi uống với nhau không biết bao nhiêu lần mà kể, khi thì ở quán, khi thì ở nhà tôi, khi thì ở nhà anh ấy. Sau này anh vào TP Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng ra Hà Nội, hai anh em lại gặp nhau. Ở Hà Nội, anh Lê Sơn thường nghỉ tại khách sạn 23 Nguyễn Đình Chiểu, nên cũng gần nhà tôi.

Tôi và anh Lê Sơn còn có một điểm chung nữa là thích các quán bình dân, một phần do cả hai cùng nghèo, nhưng cái chính là bầu không khí ở đấy dân dã, phù hợp với cảnh ngộ và tâm hồn của hai người.

Lúc uống rượu, anh Lê Sơn thường đọc những bài thơ vui do anh sáng tác, kể cả thơ bằng tiếng Nga. Rất tiếc là giờ đây tôi không nhớ hết. Trong sổ tay của tôi giờ đây chỉ có một bài do anh ấy ghi lại tại quán lòng lợn - tiết canh Bà Tình ở chợ Đuổi, trên đường Lê Đại Hành, Hà Nội: Những ai đảng ghét dân yêu/Ngẫm ra cũng lắm bậc siêu anh tài,/Còn ai được đảng vỗ vai/Xem ra không ít thuộc loài bất lương.

Anh Lê Sơn là người cương trực, thẳng thắn. Vào quán, anh nói rất to, vô phúc cho người phục vụ nào mang đồ nhậu quá chậm là bị anh mắng té tát. Tất nhiên là mắng yêu. Được cái, Lê Sơn uống rất điều độ, chưa bao giờ tôi thấy anh say. Anh Lê Sơn hay nhắc câu châm ngôn: “Sống vô tư, uống từ từ, chết đột tử”.

Với tôi, anh Lê Sơn là một bậc đàn anh cả về tuổi đời lẫn tài năng, trí tuệ, nhưng anh ấy vẫn đối xử rất bình đẳng. Gần anh ấy, tôi học được rất nhiều, và cảm thấy tự tin hơn.

Là người thủ đô gốc, anh Lê Sơn rất yêu Hà Nội, nhưng mấy năm cuối đời, anh bán nhà, vào Sài Gòn sống cùng vợ con, vì tuổi già, không biết mưa nắng thất thường thế nào. Lần gần nhất và cuối cùng anh ấy ra Hà Nội, hai anh em ngồi nhậu ở quán bia cạnh cây đa đường Trần Nhân Tông. Anh ấy kể đang làm nhà. Những năm vào Sài Gòn, cuộc sống của anh Lê Sơn đã đi vào ổn định, hai cô con gái đã lấy chồng, sinh con, làm ăn kinh tế tốt. Không ngờ mấy tháng gần đây, anh lâm bệnh nặng, mặc dù anh là người rất quan tâm tới sức khỏe, anh thường xuyên đi khám bệnh và sinh hoạt, vận động điều độ.

Không vào được Sài Gòn để đưa tiễn anh, tôi viết mấy dòng này như một lời tiễn biệt, cầu chúc cho hương hồn anh thanh thản nơi cõi vĩnh hằng!

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528989

Hôm nay

236

Hôm qua

2334

Tuần này

21262

Tháng này

215685

Tháng qua

0

Tất cả

114528989