Những góc nhìn Văn hoá
Simund Freud và phân tâm học: Định vị chân dung của một nhà tiên phong vĩ đại trong lịch sử tâm lý học
Sigmund Freud (1856-1939)
1. Đặt vấn đề
Trong tất cả các ngành khoa học, người ta thường thừa nhận tâm lý học là một khoa học bí hiểm và tối tăm nhất, và khó có thể chứng minh bằng khoa học hơn bất cứ bộ môn nào. Bản chất của những sự vật ở đây luôn luôn có sự hư hư thực thực và nhiều bất ngờ, vì nhà tâm lý học phải nghiên cứu về một hiện tượng tự nhiên bí mật nhất, đó là cuộc sống tâm lý của con người. Một lý thuyết hóa học hay vật lý có thể chứng minh hay bác bỏ những phương pháp kỹ thuật trong phòng thí nghiệm, nhưng với giá trị của một lý thuyết tâm lý học, rất có thể không sao chứng minh được một cách minh bạch. Cho nên, nhiều cuộc tranh luận bão táp đã nổi lên ở mảnh đất này, trong đó đặc biệt là xung quanh Sigmund Freud và Phân tâm học.
Tuy nhiên, dù có chứng minh được hay không thì học thuyết Phân tâm của ông cũng có một ảnh hưởng vô song đối với tư duy hiện đại. Ngay Einstein cũng không thể kích thích trí tưởng tượng hay thâm nhập vào đời sống của người đương thời bằng Freud. Từ những tìm tòi, nghiên cứu những thứ chưa bao giờ ai hiểu biết về trí não của con người, ông đã đưa ra những ý tưởng và những từ ngữ mà ngày nay nó đã chan hòa và gần gũi với cuộc sống của chúng ta.
Thật vậy, tất cả mọi lĩnh vực tri thức của con người như văn chương, nghệ thuật, giáo dục, tôn giáo, luật pháp, luật học, xã hội học… và tất cả các cá nhân đều chịu ảnh hưởng của học thuyết phân tâm.
Mặc dù vậy, đối với một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, học thuyết này được đánh giá là khô khan và ít sáng sủa. Có một nhà phê bình đã nhận xét rằng: “Đối với người đời thì do sự phổ biến của học thuyết này, Freud đã nổi bật lên như một kẻ phá bĩnh vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Ông đã biến đổi sự diễu cợt và những niềm vui nhẹ nhàng của con người thành những hiện tượng dồn nén, bí hiểm và sầu thảm, đã tìm thấy sự hằn thù trong nguồn gốc yêu thương, ác ý ngay trong lòng sự âu yếm, loạn luân trong tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, tội lỗi trong thái độ đại lượng và trạng thái của sự căm uất bị dồn nén của mọi người cha như là một thứ được lưu truyền của nhân loại”.
Cũng nhờ Freud mà ngày nay người ta đã có những ý nghĩ rất khác nhau về chính mình. Họ chấp nhận các khái niệm của Freud như: ảnh hưởng của tiềm thức đối với ý thức, nguồn gốc tính dục của bệnh thần kinh, sự hiện hữu và tầm quan trọng của tính dục trẻ thơ, tác dụng của mặc cảm Edip vào các giấc mộng, tình trạng dồn nén… Những khuyết điểm của con người như lỡ lời, nhớ mặt quên tên và quên lời hứa đều mang một ý nghĩa mới xét theo quan điểm phân tâm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người hết lời chê bai, đả kích con người và lý thuyết của ông, xem đó là một con người trụy lạc, một quan điểm duy tâm. Thậm chí, có rất nhiều tác giả nổi tiếng cùng ngành chẳng hề đọc một tác phẩm nào của ông.
Do đó, khó mà xác định những định kiến xã hội mà Freud phải chống lại để truyền bá học thuyết của mình. Những định kiến này còn cố chấp hơn cả những gì mà người ta đã đánh giá về các công trình vấp phải của Copernicus và Darwin.
Tóm lại, nếu như tâm lý học là chuyên ngành tạo nên nhiều tranh cãi thì Phân tâm học của Freud chính là một trong những mảnh đất diễn ra nhiều quan điểm cũng như nhiều cuộc tranh luận gay gắt nhất, với không ít lời ca ngợi cũng như phản đối, phỉ báng mạnh mẽ.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu về Phân tâm học sẽ giúp cho chúng ta ngày càng có được một cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh đời sống tâm lý của con người, có dịp thể nghiệm, xem xét, đánh giá về những quan điểm trái ngược nhau khi bàn về học thuyết của Freud.
2. Nội dung
2.1. Vài nét về chân dung và sự nghiệp của Sigmund Freud
Sigmund Freud sinh ngày 06/05/1856 tại Freiberg thuộc Đức, nay là Pribor thuộc cộng hòa Séc. Bố ông là một người Do Thái, hành nghề buôn vải. Vì truyền thống gia đình là không trọng tín ngưỡng nên ngay từ thời trẻ, Freud đã là một người vô thần nhiệt thành. Chỉ khi ở Đức dấy lên phong trào chống Do Thái, vào năm 1932 ông mới tuyên bố: “Ngôn ngữ, văn hoá, giáo dục của tôi đều là Đức, tôi luôn coi mình là người Đức, chỉ có điều bây giờ ở Đức có phong trào bài xích Do Thái, tôi mới tự nhận mình là người Do Thái mà thôi”.
Ông học giỏi ngay từ nhỏ, rồi khi học đại học (Đại học Tổng hợp Vienne 1873, đầu tiên học Luật, sau học Y), ông vẫn luôn là sinh viên giỏi. Từ ngành Y, ông đi sâu vào tâm linh, rồi sau mở được phòng mạch riêng về ngành này.
Ở phòng mạch của mình, ông cố gắng tìm hiểu bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân cũ với các giấc mơ của họ. Ông nghiên cứu ý nghĩa của nó, dùng phân tâm học để giải thích giấc mơ và hiểu bệnh thần kinh phân lập.
Năm 1900, ông công bố một trong các tác phẩm đầu tay: “Ý nghĩa của giấc mơ” và lấy đó làm khuôn mẫu để giải thích giấc mơ theo góc độ phân tâm học, rồi điều trị các chứng bệnh phân liệt.
Vào những năm 90 của thế kỷ XIX, ông đã phát hiện rằng: những ham muốn và lo hãi tình dục có thể ảnh hưởng đến bệnh tình của bệnh nhân; thậm chỉ ông còn lập giả thiết rằng, việc lạm dụng tính dục trẻ em gây ra bệnh phân liệt.
Năm 1897, ông phải từ bỏ giả thiết này, đây cũng là thất bại của ông, nhưng ông cố gắng tìm ra cái mới. Ông lấy những người tiên phong là Montaigne, Rousseau, Goethe; nhưng Freud là người đi xa nhất trong việc kiểm nghiệm chính bản thân mình, vì ông làm việc một cách rất có hệ thống. Vật liệu cho sự phân tích này cũng chính là những thất bại của bản thân ông: Các giấc mơ, các bước tư duy mập mờ nhất của ông.
Năm năm sau, cuốn tiếp theo về phân tâm học: “Ba luận văn về lý thuyết tình dục” cũng là đề tài đã được ông theo đuổi từ lâu. Sách được tái bản nhiều lần, lần nào cũng có chỉnh lý. Ông giải thích các “sai lệch” không qua góc độ đạo đức học, mà đưa nó vào các thành phần của đời sống tình dục “bình thường”. Đó cũng là cái giá mà Freud trả cho dục năng (libido). Kể từ đó, ông không còn sao nhãng các đề tài tình dục nữa.
Cũng vào lúc này, Freud bắt đầu có các môn đồ. Họ tụ tập lại để thảo luận về các ý tưởng của Freud dựa trên những giải thích cho các tiểu thuyết, và những nghiên cứu các ca lâm sàng. Từ đấy, ông cũng đưa ra các nghiên cứu những ca lâm sàng trên chính bản thân ông. Ông nỗ lực ứng dụng phân tâm học như một ngành của tâm lý học đại cương. Cũng vậy, số môn đệ của ông lan ra toàn thế giới, đặc biệt là Anh, Mỹ, Thụy Sỹ… và đã đến thời điểm phải tổ chức hội thảo và phát hành các tạp chí.
Đời sống tình dục của con người là lĩnh vực mà ngay những chuyên gia giỏi nhất, thậm chí đôi khi chính Freud, cũng phải mò mẫm trong bóng tối. Kỳ vọng có sự nhất trí là không tưởng.
Mâu thuẫn giữa các nhà Phân tâm học không chỉ là ở lý luận, mà cả trong thực tiễn trị liệu. Ngay từ đầu, với Freud, phân tâm học đã không chỉ là học thuyết tâm linh. Nó được sinh ra trong thực tiễn trị liệu, và nhận được chứng thực hay phản bác cho các vấn đề của lý thuyết ngay trong quá trình và kết quả của điều trị phân tâm.
Những đề tài về thực tiễn phân tích, chẳng hạn nghiên cứu kể từ ngày điều trị đầu tiên, xử lý giấc mơ khi phân tích, cho đến “tình yêu chuyển dịch” của người được phân tích hết sức cụ thể… Hiện nay nếu không còn được tranh cãi nữa, thì mặc nhiên vẫn còn hết sức thời sự.
Sau thế chiến I, thậm chí, ông còn tiến hành phân tích con gái của mình là Anna. Đó là một sự vi phạm thô thiển tới quy tắc cơ bản là không được phép phân tích bạn bè, nói chi người thân, vì qua đó không còn khoảng cách cần thiết phải có giữa người phân tích và người được phân tích.
Cho đến tuổi 60, Freud luôn khoẻ mạnh, nhưng vào năm 1923, ông phát bệnh ung thư vòm họng. Vì nghiện xì gà, ông phải trả giá là trong 16 năm tiếp theo, ông bị hơn 30 lần mổ xẻ đau đớn. Ông hầu như không còn nói được nữa, và phải cử con gái của đại diện cho ông ở các hội nghị hay các buổi lễ long trọng. Tuy ốm nặng nhưng ông không ngừng phân tích và viết những luận văn giàu ảnh hưởng tới hậu thế. Những luận văn nổi tiếng nhất trong số này là: “Tương lai của một ảo mộng” (1927) - bản tổng kết cuối cùng của ông về tôn giáo, và “Sự khó chịu trong văn hóa” (1930) - một bản tóm tắt xuất sắc về triết học chính trị của ông. Bản luận văn này về văn hoá mang dấu ấn của những năm tháng sôi động ở Đức, và mối đe doạ ngày càng tăng, trước hết ở đây, bởi hoạ Nazi. Tháng 5/1938, năm năm sau khi Hitler lên cầm quyền, Freud cảm thấy mình già yếu, ông quyết định di cư sang Anh. Và chính ở đó, tại Luân Đôn ngày 23/9/1939, ông mãi mãi ra đi ở tuổi 83, hay nếu dùng ngôn từ của ông, “đã chết một cách tự do…”
2.2. Một số quan điểm tiêu biểu trong Phân tâm học Freud
Trong hai luận văn: “Ở phía bên kia của nguyên tắc khoái cảm” (1920) và “Cái tôi và cái ấy” (1923), ông trình bày cấu trúc của tâm linh. Theo Freud, nó gồm 3 bản thể (ba thẩm cấp):
- “Cái ấy”,là cái bể chứa bí mật, khó tiếp cận, gồm cái bẩm sinh cũng như cái bị chèn ép, hoàn toàn thoát khỏi ý thức con người và chỉ nhận biết gián tiếp qua giấc mơ, triệu chứng…
- “Cái tôi”,mặc dầu cũng phần nào là không có ý thức, lại bao gồm sự tiếp xúc có lý trí với thế giới bên ngoài và gồm các cơ chế phản vệ để bảo vệ con người trước những kích thích có tính áp đảo. Không có “cái tôi” thì cũng không có sự tự kiểm soát, và không có văn minh.
- “Cái siêu tôi”,nó tương tự như lương tâm, mặc dầu một phần của thẩm cấp này cũng là không có ý thức. Ở đây, chủ yếu xảy ra các xung đột nội tâm mà ngay cả những người khoẻ mạnh nhất cũng phải chịu đựng chúng.
Với cơ sở của phân tâm học, Sigmund Freud đã đặt lên hàng đầu hai tư tưởng: “cái vạn năng” của “tính nhân quả”, và tính chất không tránh được của các xung đột.
Freud coi tâm linh con người là một thành phần của tự nhiên. Các quy tắc mà nó tuân theo rất khó lý giải. Nhiệm vụ chính của nghiên cứu về phân tâm là phải phát hiện ra chúng. Nói gọn là: Cuộc sống tâm linh cũng chịu sự chi phối của các quy luật nhân quả như tất cả hiện tượng tự nhiên khác.
Trong cái thế giới của Freud, tuy vẫn có những sự ngẫu nhiên, nhưng tất cả chúng đều là những hậu quả không được dự báo trước của các nguyên cớ giao thoa. Không có hệ quả nếu chẳng có nguyên nhân. Điều đó có nghĩa là tất cả các quá trình tâm linh như giấc mơ, rối loạn và các triệu chứng, dù như chúng có vẻ kỳ lạ và vô nghĩa thế nào chăng nữa, đều có nguyên nhân cả.
Dù cho chẳng thể phát hiện ra những mối liên hệ nhân quả trong cuộc sống tâm linh, thì nó vẫn phải ẩn mình ở đâu đó, và Freud dùng kết luận này làm một dẫn chứng - không phải duy nhất cho tiêu đề của ông mà cho tới nay vẫn còn tranh cãi, của một vận động nội tâm là cái không biết, là cái mà con người xô đẩy những ý tưởng và ham muốn khó chịu và gây lo hãi này ra khỏi ý thức, và bằng cách này thử từ bỏ chúng. Từ chuyên môn của Freud dành cho điều đó là: “Verdranhung - sự chèn ép”.
Freud luôn nhìn con người là một con vật ham muốn. Những bản năng ngang ngạnh nhất của nó là dục vọng và hung bạo sẽ làm tới mức tột cùng để chuyển cái đòi hỏi đang thôi thúc si mê đến tột đỉnh của chúng thành hiện thực, dĩ nhiên càng nhanh càng tốt. Nhưng, ngay từ những tháng đầu đời của đứa trẻ sơ sinh, cuộc đời đã cự tuyệt nhiều ham muốn của nó, hay ít nhất cũng bắt nó hạn chế chúng. Bố mẹ, cô bảo mẫu, anh chị em, rồi sau đó là thầy cô, đoàn thể hay những uy quyền khác sẽ lo cho việc thích nghi vào nền văn hóa. Bởi vậy mà cuộc sống con người trở thành một sự thoả hiệp liên tục. Nó bắt đứa trẻ phải chờ sữa mẹ, phải kiềm chế sự bực tức của mình lại, không được sờ bộ phận sinh dục, và nhiều điều khác. Đa phần giáo dục là trường học dạy cách khước từ và tự thoả mãn. Theo cơ sở thứ hai của thuyết phân tâm của Freud thì tất cả những điều này nhất thiết phải kéo theo xung đột nội tâm. Điều hay nhất mà con người có thể hy vọng là một cuộc ngừng bắn giữa đòi hỏi của bản năng và sự cần đối kháng của văn hoá. Và cái đối kháng ở đưa trẻ mới lớn này phải chấp nhận - “nội tâm hoá” - đã tạo cho cái ham muốn cấp bách nhất của nó có cái vẻ dục năng, hay thậm chí cái vẻ trọng tội.
Trong biến thể đơn giản, tích cực của mặc cảm Edip thì đứa con trai giết cha mình và ngủ với mẹ là những ham muốn hầu như không thể nào chấp nhận được. Bởi thế, đứa trẻ học cách đẩy những ham muốn như vậy càng xa mình càng tốt, phát vãng chúng ra khỏi ý thức, mà như Freud gọi là “dồn nén” chúng.
Năm 1913, Freud viết: “Tuy phân tâm học lấy tâm linh cá nhân làm những cơ sở cảm xúc cho mối quan hệ của cá nhân với xã hội cũng không thể thoát khỏi nó được”. Nhưng ông còn muốn đi xa hơn trong tiểu luận về “mối quan tâm tới phân tâm”, trong các lĩnh vực nghiên cứu điển hình là triết, khoa học về ngôn ngữ, sinh học, lịch sử phát triển theo tâm lý học, lịch sử văn hoá, khoa học nghệ thuật, xã hội học và giáo dục học. Tuy vậy, “Tâm lý học số đông và phân tích bản ngã” (1921) trình bày những quan điểm về các cơ sở tình dục của sự hình thành các nhóm, vẫn chỉ dừng lại ở mức một tiền đề lý thú, rất giá trị mà thôi.
3. Đánh giá chung về Phân tâm học của Freud
3.1. Những đóng góp to lớn về cả lý luận và thực tiễn
Thứ nhất,lý thuyết về nhân cách của ông được đánh giá là một lý thuyết đầy đủ và có nhiều ảnh hưởng nhất. Ảnh hưởng này không chỉ đối với tâm lý học, đặc biệt là với tư duy tâm lý, mà còn với nhiều ngành khoa học xã hội, các ngành nghiên cứu về con người, đến nghệ thuật và đến đời sống xã hội loài người nói một cách phổ quát nhất.
Thứ hai,trong lâm sàng, có nhiều điều được chứng nghiệm là đúng, nhiều ý tưởng và phát hiện của ông đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành vi của con người nói chung và nhân cách của con người nói riêng.
Thứ ba,ông đã đề cập và nhắc nhở mọi người đến vai trò của vô thức. Trong thực tế, ảnh hưởng của nhiều yếu tố vô thức (ý nghĩ, động cơ, trí nhớ…) đã tác động, ảnh hưởng đến chúng ta một cách vô thức mà chúng ta không có được sự hiểu biết đúng đắn về chúng.
Thứ tư, ông là người dũng cảm nhất khi đề cập rất nhiều về tính dục. Từ đó nhắc nhở mọi người phải ý thức tốt đến vai trò của tính dục trong cuộc sống. Trong lâm sàng, lý thuyết này của Freud cũng đã được làm sáng tỏ (tính dục xuất hiện từ bé). Đồng thời ông cũng đã phác thảo được những ảnh hưởng của các sự kiện xảy ra trong giai đoạn đầu của cuộc đời đối với sự phát triển nhân cách về sau.
Thứ năm,phương pháp chữa bệnh phân tích tâm lý bằng tự do liên tưởng; giải nghĩa giấc mơ; lời nói đùa, nói nhịu; hành vi lỡ lời… ngày nay đã được sử dụng rộng rãi trong liệu pháp tâm lý mặc dù nó có những hạn chế nhất định (chỉ dựa vào những gì bệnh nhân nói, thời gian lâu nên khó thực hiện, khó học để trở thành nhà phân tâm thực sự). Phương pháp giải tỏa tâm lý cũng được sử dụng hiệu quả ở các bệnh viện tâm thần từ trước tới nay.
Thứ sáu,nhiều khái niệm ông đưa ra như “sự dồn nén”, “cơ chế tự vệ”, “sự đồng nhất hóa”, “xung đột”… đã được kế thừa và sử dụng trong tâm lý học hiện đại.
3.2. Một số hạn chế của học thuyết phân tâm
Thứ nhất,lý thuyết phân tâm của ông bị đả kích mạnh mẽ ở một số khía cạnh như: sinh vật hóa đời sống tâm lý của con người (coi khoa học, nghệ thuật là sự thăng hoa của libido, đam mê là cơ sở của hành vi…); quá đề cao vai trò của vô thức, của tình dục (thuyết “phiếm tính dục”: nhìn đâu cũng thấy tình dục), làm mất bản chất xã hội - lịch sử, tính chủ thể của tâm lý người. Lý thuyết của ông là cơ sở cho chủ nghĩa hiện sinh, hiện tại được ít nhà tâm lý học chấp nhận như là một lý thuyết về nhân cách.
Thứ hai,nhiều nhà tâm lý học cho rằng, lý thuyết của Freud tồn tại nhiều nhiều vấn đề không rõ ràng, có những nội dung không thể đo được, không thể kiểm nghiệm được, dù là gián tiếp: cái ấy, libido, cắm chốt…
Những hành vi hoàn toàn khác nhau có thể phản ánh một động cơ giống nhau. Ví dụ: một người mẹ không chấp nhận con mình có thể đối xử thô bạo với nó, ruồng bỏ nó mà cũng có thể quá quan tâm, nuông chiều nó. Như vậy không thể xác định được động lực nào đã thực sự thúc đẩy hành vi của con người và không thể dự đoán được hành vi của người đó.
Thứ ba,một số ý kiến của ông không phù hợp với những kết quả tìm được trong những nghiên cứu hiện đại. Chẳng hạn: giải nghĩa giấc mơ là phương tiện để tiếp cận vô thức, hoặc nguyên nhân bệnh tâm thần là do rối loạn tính dục tuổi thơ (thực ra nguyên nhân còn có thể gắn với các điều kiện gia đình, xã hội…).
Thứ tư,trong khi xây dựng lý thuyết của mình, ông dựa nhiều vào việc nghiên cứu những trường hợp cụ thể, thường là những bệnh nhân của ông. Những người này có một quá khứ mạnh khỏe và sống ở những thành phố lớn nên không thể đại diện cho loài người nói chung.Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, ông đã tự mình ghi nhận và xử lý thông tin nên không thể tránh khỏi yếu tố chủ quan. Chưa kể đến việc người ta còn cho rằng ông có thể đã đưa ra những câu hỏi có tính chất gợi ý để bệnh nhân nói ra những điều liên quan đến những vấn đề tình dục tuổi dậy thì…
4. Kết luận
Dành cả cuộc đời khoa học cho việc khai phá và xây dựng thuyết Phân tâm học, bằng những dẫn chứng sinh động từ các công trình nghiên cứu, các tác phẩm, luận văn, bài viết của mình, SigmundFreud được xem là một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng nhất thế giới và có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với khoa học tâm lý học. Tên ông có trong danh sách những người nổi tiếng nhất thế giới của thế kỷ XX, do một tờ báo phương Tây bình chọn.
Để đánh giá đúng mực về những đóng góp vĩ đại này, xin được viện dẫn ra sau đây một vài nhận xét tiểu biểu của các nhà phê bình, nghiên cứu khi đánh giá về Phân tâm học của Freud:
Một nhà tâm thần học Mỹ đã nhận xét rằng: “Những biến đổi và phát triển trong sáu chục năm qua đã không hề làm giảm giá trị tinh thần hay tầm ảnh hưởng của Freud. Ông đã phát hiện ra cõi vô thức. Ông đã cho biết vô thức ấy giúp tạo thành cái “tôi” như thế nào và ta phải làm thế nào để đạt tới nó. Các nhà Phân tâm học sau đó đã thay đổi nội dung nhiều ý tưởng và khái niệm của ông dưới ánh sáng của những kinh nghiệm sâu xa hơn. Quý độc giả có thể bảo rằng các nhà Phân tâm học này đã viết được một cuốn Tân ước về tâm thần bệnh học, còn Freud thì viết cuốn Cựu ước. Tác phẩm của Freud vẫn là tác phẩm nền móng”.
Robert Hamilton, một nhà văn Anh đã đánh giá như sau: “Freud đã vẽ bản đồ khoa học Tâm lý học. Ông là một nhà tiên phong vĩ đại và phần lớn những thành công của ông là nhờ ở cái mới lạ cùng bút pháp của ông. Mặc dù phương pháp này có mặt đáng hoài nghi, nhưng chưa bao giờ có một phương pháp nào lý thú hơn và mới lạ hơn, ngay cả về mặt bút pháp nếu không kể loại thuần túy văn chương, cũng chưa bao giờ có một bút pháp nào quyến rũ hơn c Freud. Ông đã buộc thế giới suy tư theo kiểu tâm lý học, đó là một nhu cầu cốt yếu của thời đại chúng ta…”.
Cùng với những quan điểm trái ngược nhau khi xem xét về Phân tâm học, nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã và đang diễn ra từ trước đến nay, điều đó càng làm cho học thuyết Phân tâm cũng như con người, cuộc đời của Sigmund Freud thực sự để lại nhiều dấu ấn và tạo được nhiều sự chú ý, quan tâm sâu sắc của nhân loại.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Thị Tú Anh (2002), Bài giảng lịch sử Tâm lý học, Đại học sư phạm, Đại học Huế
2. Nguyễn Ngọc Bảo và cộng sự, Ngủ và mơ (Tài liệu sưu tầm, tập 6)
3. Sigmund Freud, Phân tâm học, NXB Thế giới, Hà Nội, 2000
4. Stafford - Clark, Freud đã thực sự nói gì, NXB Thế giới, Hà Nội, 1998
5. Nguyễn Khắc Viện, Tâm lý học trẻ em hiểu theo Phân tâm học, NXB Thế Giới, Hà Nội, 1991.
6. Từ Internet: Phân tâm học nhập môn, http:// ebooks.vdcmedia.com
tin tức liên quan
Videos
Thể loại phim
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Đời sống văn hóa của người Khơ Mú ở Thanh Chương
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528988
235
2334
21261
215684
0
114528988