Những góc nhìn Văn hoá
Trao đổi với ông Nguyễn Hải Phú: Hãy cẩn trọng khi phê phán người khác
LTS: Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 424, phát hành ngày 10/11/2020 có đăng bài viết "Cần cẩn trọng khi viết về Bác Hồ" của tác giả Nguyễn Hải Phú trong mục Diễn đàn Văn hóa. Đây là nội dung mà chúng tôi nghĩ có thể nhiều người quan tâm và muốn tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để làm sáng tỏ thêm những thông tin lịch sử.
Sau khi Tạp chí phát hành, BBT đã nhận được bài viết trao đổi lại của tác giả Sơn Định - con trai của nhà văn Sơn Tùng và rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến phản hồi. Để đảm bảo thông tin hai chiều và giúp bạn đọc có thêm dữ liệu, Tạp chí VHNA xin đăng bài viết này của tác giả Sơn Định. Trân trọng!
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm thu hút nhiều nhất đối với lịch sử, văn học Việt Nam và cả trên thế giới. Tính đến nay, có thể nói hàng ngàn tác phẩm viết về Người, ở mọi góc độ tiếp cận. Riêng về mảng đời tư của Bác và gia đình còn nhiều ẩn số. Chúng ta cần có trách nhiệm tìm kiếm, phát hiện làm cho tư tưởng đạo đức trong sáng của Bác đến với mọi người: như từ nết ăn, nết ở của Bác, cho đến việc đối xử với cha với mẹ, với anh, chị trong nhà; đối xử với kẻ trên người dưới; đối xử với bà con chòm xóm xung quanh… Tham gia làm công việc này, đòi hỏi những người có tâm huyết và tâm thành. Biết tới đâu, viết tới đó cho bạn đọc đánh giá, nhận xét: ai thực chân tâm, ai ngụy tưởng với Bác. Không nên tự cho mình là đúng, rồi dùng lời lẽ suy diễn phê phán người khác.
I- Vừa rồi, có một bài viết của Nguyễn Hải Phú: “Cần cẩn trọng khi viết về Bác Hồ”, đăng trên Tạp chí Văn Hóa Nghệ An, số 424 ngày 10/11/2020 đã tự cho mình là đúng, rồi có lời suy diễn, xúc phạm đến nhà văn Sơn Tùng.
Trong bài này, ông Nguyễn Hải Phú cho rằng: nhà văn Sơn Tùng kể về câu chuyện bà Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội thăm em trai là Bác Hồ. Hai chị em Bác gặp nhau tại nhà Giáo sư Đặng Thai Mai, đăng trên tác phẩm “Mẹ về” do NXB Phụ nữ in năm 1990 là hoàn toàn bịa đặt, không có thật.
Để chứng minh cho điều này, ông Nguyễn Hải Phú dẫn nguồn tư liệu của ông Hồ Quang Chính, như sau: Trích nguyên văn:
“Tháng 10- 1946, anh Nguyễn Sinh Thọ và tôi (tức Hồ Quang Chính) đang học lớp mật mã (khóa 1) do Bộ Tổng tham mưu mở tại Hà Nội (đường Ôn Như Hầu nay là đường Nguyễn Gia Thiều). Ngày 27-10-1946, chúng tôi được bà Thanh (chị ruột Bác Hồ) cho đi theo đến Bắc Bộ phủ (số 2 đường Ngô Quyền Hà Nội, nơi Bác Hồ làm việc, nay là nhà khách Chính phủ) để gặp Bác Hồ… Sau đó văn phòng Chính phủ cho xe ô tô đưa hai chúng tôi về đơn vị, và đưa bà Thanh về nhà một người bà con ở Hà Nội. Ngày hôm sau, anh Thọ ra ga Hàng Cỏ tiễn bà Thanh về lại Nghệ An…”.
Thay mặt nhà văn Sơn Tùng, (vì ông bị tai biến não nằm liệt 10 năm nay, do vết thương sọ não tái phát) tôi xin trả lời ông Nguyễn Hải Phú như sau:
- Chuyện bà Thanh ra Hà Nội thăm Bác Hồ, hai chị em Bác gặp nhau ở nhà cụ Đăng Thai Mai là hoàn toàn có thật, đúng như chuyện nhà văn Sơn Tùng viết trong tác phẩm “Mẹ về”. Ở đây, tôi không cần viện dẫn tư liệu của nhà văn Sơn Tùng, tôi chỉ xin trích dẫn lời của Giáo sư Đặng Thai Mai -thầy của các bậc thầy trong cuốn “Đặng Thai Mai Hồi Ký”, NXB Tác phẩm mới (in 1985), trang 238, 239, như sau:
“Trong bữa cơm, dưới một ngôi nhà gạch nhỏ trên Kim Luông hôm ấy, tôi thấy chị (tức bà Thanh sđ) uống rượu hơi nhiều. Tôi ngỏ ý khuyên chị nên bỏ cái tật ấy đi. Nhưng chị nói: “Ngày xưa mình thấy nhiều người đàn ông bất đắc chí suốt ngày chè chén, mình vẫn chê trách, thế mà giờ đây mình cũng chẳng biết làm gì khác để quên được cái buồn, cái khổ của cuộc đời không có nghĩa lý gì”.
Hai mươi năm sau, tôi mới gặp lại chị một lần nữa. Hồi này Cách mạng đã thành công. Mấy năm sau thì chị mất.”.
- Còn đây là lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong bài: “Phát biểu của đồng chí Võ Nguyên Giáp” đăng trong cuốn “Đặng Thai Mai và Văn học”, NXB Nghệ An năm 2002. Trang 44 đến trang 47. Tôi chỉ trích đoạn có liên quan mà thôi:
“Anh Mai đối với tôi là một người đồng chí, người bạn và người thân trong gia đình. Tôi quen anh Mai đã hơn nửa thế kỷ, ngay lần đầu gặp nhau đã rất thân thiết, năm đó (1929) tôi mới 18 tuổi… Anh Mai là người khiêm tốn, nhưng ta có thể nói mà không ngại: anh là một trí thức cộng sản tiêu biểu, tiêu biểu ở nếp sống thanh bạch, giản dị, tiêu biểu cho phong cách Hồ Chí Minh. Bác Hồ sống rất giản dị. Những lúc bà Thanh ra Hà Nội thì Bác thường gặp và nói chuyện với bà Thanh ở nhà anh Mai, bởi Bác quen ông Tú Hứa (Đặng Thúc Hứa), bà Quỳnh Anh (Đặng Quỳnh Anh) cũng là gia đình họ Đặng ở bên Xiêm.”.
Tôi có thể dẫn chứng thêm nữa của người khác về vấn đề này. Thiết nghĩ, chỉ cần cụ Đặng Thai Mai, cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp “làm chứng” thể là đủ chứng cứ. Vì nhân cách của hai Cụ sáng ngời như mặt trời tỏa nắng,
II- Kết luận cho bài viết, ông Nguyễn Hải Phú, đề nghị: “Nhà văn Sơn Tùng và NXB Phụ nữ cần có những hành động cần thiết để trả lại sự thật cho lịch sử…”.
“Từ tháng 5-1991, Nguyễn Sinh Thọ và tôi đã gửi bài phản bác này lên các cơ quan có trách nhiệm đề nghị xử lý nhằm bảo vệ sự thật lịch sử, tránh lan truyền sự những chuyện bịa đặt, sai trái không đúng…”. Phần chú thích, ông Nguyễn Hải Phú ghi rõ: “Nguyễn Sinh Thọ là bố của ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc Hội.”.
- Về điểm này, tôi xin thưa với ông Nguyễn Hải Phú rằng:
Ông và ông Nguyễn Sinh Thọ chẳng có tư cách gì mà yêu cầu nhà văn Sơn Tùng phải có hành động cả. Tư liệu mà ông Phú có được một chiều từ ông Hồ Quang Chính cung cấp, không hội đủ lý do. Tôi lấy đơn cử:
1- Việc bà Thanh từ Nghệ An ra Hà Nội thăm em, ai giúp bà trên đường đi. Rồi chính quyền địa phương có biết việc này không?
2- Bà Thanh ra tới Hà Nội, làm cách nào mà biết được ông Hồ Quang Chính và ông Nguyễn Sinh Thọ đang học lớp mật mã ở phố Ôn Như Hầu, để tìm đến? Hay hai người này tự đến nơi Bác làm việc gặp bà Thanh. Vậy họ liên lạc thế nào để biết ngày giờ bà Thanh ra Hà Nội, mà đi theo?
3- Sau khi chị em Bác chia tay, “bà Thanh về nhà một người bà con ở Hà Nội” để sáng hôm sau lên tàu về Nghệ An. Vậy người bà con đó tên gì? Ở phố nào? để mọi người có thể kiểm chứng. Những điều này không thấy tác giả nêu ra.
4- Ông Nguyễn Hải Phú khẳng định: không có chuyện bà Thanh ra Hà Nội gặp Bác Hồ tại nhà ông Đặng Thai Mai? “Bà Thanh chỉ duy nhất gặp Bác Hồ một lần ở Bắc Bộ phủ năm 1946 (cuối tháng 10)”. Vậy điều cụ Đặng, cụ Giáp như đã nói ở trên là thế nào? Hay ông Nguyễn Hải Phú lại cho rằng, hai Cụ này “bịa”, vì “thấy người sang bắt quàng làm họ?”.
Lọc cả 5 trang bài viết “Cần cẩn trọng khi viết về Bác Hồ” của ông Nguyễn Hải Phú chỉ trích, phê phán nhà văn Sơn Tùng… tôi thấy không có một từ nào gọi là có chút tình người, với một nhà văn thương binh nặng, năm nay đã 93 tuổi, ốm đau nằm liệt một chỗ suốt 10 năm qua. Cả đời nhà văn không màng danh lợi, bỏ cả những thú vui bản thân, đói no không kêu ca, thức khuya dậy sớm, một lòng một dạ tôn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh! Những điều này về nhà văn Sơn Tùng hỏi mấy ai không biết.
III- Kết thúc bài viết, ông Nguyễn Hải Phú còn khuyên mọi người rằng: “Đây là bài học quý cho những người kính yêu Bác Hồ, dành thì giờ nghiên cứu viết về Bác. Để tránh sai trái, nên khai thác tư liệu đã được các cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan nghiên cứu đã công bố chính thức như: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Hồ Chí Minh toàn tập…”.
Vấn đề này, tôi xin trả lời: Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ trong lời tựa tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng: “Lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về bạn đọc, nghĩa là nhân dân’’, chứ không phải thuộc về một vài người, hay cơ quan nào khác! Nhân đây tôi xin chia sẻ với ông Nguyễn Hải Phú một điều:
Nhà văn Sơn Tùng đã có 16 tác phẩm viết về Bác Hồ được phát hành trên cả nước. 530 cuộc nói chuyện về Bác Hồ với hàng trăm cơ quan, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp; các cấp tỉnh thành từ Trung ương đến địa phương… Cao nhất là nói chuyện tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng số 10 Nguyễn Cảnh Chân (Hà Nội).
Giáo sư Đặng Thai Mai và nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Sơn Tùng – Tư liệu gia đình nhà văn Sơn Tùng.
Riêng tác phẩm “Mẹ về” mà ông Nguyễn Hải Phú cho là bịa chi tiết bà Thanh (chị Bác Hồ) gặp Bác Hồ ở nhà Giáo sư Đặng Thai Mai, được Nhà xuất bản Phụ nữ in dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của Bác. Cũng vào dịp đó, nhà văn Hồ Phương, nhà văn Nguyễn Trí Huân trích một chương đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà xuất bản Thanh Niên in tiếp lấy tên “Bác về”. Năm 2006, NXB Phụ nữ tái bản. Năm 2008, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản với tên “Cuộc gặp gỡ định mệnh”. Vậy tôi xin hỏi ông Nguyễn Hải Phú, những Nhà xuất bản đó có phải là cơ quan ngôn luận của Đảng không? Tôi thiết nghĩ, ông Nguyễn Hải Phú khuyên người khác “cần cẩn trọng khi viết về Bác Hồ”, chính ông mới là người phải thật cẩn trọng!
.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528858
2239
2275
21131
215554
0
114528858