Đất Nghệ

Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người xứ Nghệ

Văn miếu Vinh. Ảnh: Trần Đình Quán

Xứ Nghệ xưa nay được coi là một trong những trung tâm văn hóa của nước ta, là vùng Văn hóa Hồng Lam, hay Văn hóa xứ Nghệ, là đất “phên dậu” của quốc gia. Mảnh đất Non xanh nước biếc như tranh họa đồ, có khí thiêng sông, núi hun đúc. Sông Lam và núi Hồng là hai biểu tượng của đất nước được chạm đúc trên Cửu đỉnh đặt ở Thái Miếu Kinh đô Huế. Con người xứ Nghệ kiên cường bất khuất trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc; Rất ngoan cường trong khắc phục thiên nhiên hà khắc để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Họ chăm lao động, lại nổi tiếng hiếu học, nên đã sinh ra nhiều bậc danh nhân lịch sử, văn hóa, mà tiêu biểu là Đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà sử học Phan Huy Chú đã có nhận xét về mảnh đất, con người xứ Nghệ như sau: "Nghệ An… Núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý của lạ. Những vị thần ở núi, ở biển phần nhiều có tiếng linh thiêng. Được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền. Lại còn khoảng đất liền với đất người Man, người Lạo, làm giới hạn cho hai miền Nam Bắc, thực là nơi hiểm yếu, như thành đồng ao nóng của nước, và là then khóa của các triều đại." (1)

Kể từ triều Lý, khi vua Lý Thái Tông cho đổi tên đất từ Hoan Châu thành Nghệ An (năm Thiên Thành thứ 3 - 1030) và giao cho Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm Tri châu thì mảnh đất này được chăm lo tổ chức cai quản theo chế độ quân chủ phong kiến một cách quy củ, chặt chẽ. Nạn ngoại xâm, nội loạn đều được dẹp yên, người dân được giáo hóa, cuộc sống dân cư ổn định, mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, hưng thịnh sánh với các châu trấn Đại Việt. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang cùng với việc phát triển kinh tế còn chú trọng việc mở các trường dạy học chữ Nho để khai sáng giáo dục văn hóa cho người Nghệ An. Các trường lớp này được đặt tại các chùa ở lị sở Quả Sơn và các nơi trang trại, làng ấp đông dân cư. Đó là cơ sở tốt cho người Nghệ có thể tham gia các khoa thi Minh kinh triều Lý mở ra từ năm 1075 (Từ đời Lý Nhân Tông). Người Nghệ lại gặt hái được thành quả mĩ mãn khi đi thi ở các khoa thi Thái học sinh, kén người tài (Tiến sĩ) ngay từ đầu thời nhà Trần. Bạch Liêu (1236-1315), quê ở làng Nguyễn Xá (nay là Mã Thành, Yên Thành) thi đậu trại Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Bính Dần, niên hiệu Thiệu Long 9 (1266), đời vua Trần Thánh Tông. Ông trở thành người khai khoa cho đất Nghệ An và được tôn thờ ở Văn Miếu trấn, huyện. Trại Trạng nguyên Bạch Liêu là niềm vinh dự lớn cho quê hương xứ sở, nên công trạng của ông được nhân dân ghi nhớ và lưu truyền:

Trạng nguyên đệ nhất Tam khôi/Nhất danh, nhất giáp, đầu ngôi bảng vàng.

Mũ rồng, áo tía vua ban/Lọng anh đi trước, võng nàng theo sau…

Sang triều Lê, từ khi vua Lê Thái Tông cho mở trường thi Hương Nghệ An ở lị sở Lam Thành vào năm Thiệu Bình 5 (1438) và liên tục nhiều khoa thi về sau thì đã có rất đông nho sinh xứ Nghệ dự thi và đã có tới hàng nghìn người thi đậu Sinh đồ, Hương cống, Tiến sĩ. Điều đặc biệt là vua Lê Thánh Tông (1460-1497), người được Cương Quốc Công Nguyễn Xí phù lập lên ngôi đã rất chú trọng đến việc giáo hóa cho người dân miền núi, miến Tây Nghệ An. Nhà vua đã từng cử hai vị quan đầu triều là Đinh Bộ Cương (Thượng thư bộ Hình) cai quản phía Nam Trấn Ninh, trung tâm là Cát Ngạn, Thanh Chương và Đặng Minh Bích (Thượng thư bộ Binh) cai quản phía Bắc, trung tâm là Trà Lân, Phủ Quỳ miền Tây Nghệ An. Hai ông đã cho mở trường dạy học, nhằm giáo hóa văn minh cho người dân tộc thiểu số và chăm lo việc khai hoang lập ấp, bảo vệ vững chắc biên giới đất nước. Nhờ đó mà vùng miền núi Nghệ An đã có khá nhiều người đậu đạt khoa bảng, tiêu biểu như Tiến sĩ Ngô Trọng Điển ở Tri Lễ, Anh Sơn; Nguyễn Thế Bình ở Cát Ngạn, Thanh Chương…

Đến triều Tây Sơn, vua Quang Trung cho lập Sùng chính Thư viện ở xã Nam Hoa (nay là xã Nam Kim, huyện Nam Đàn), cử La Sơn Phu tử làm Viện trưởng để dịch sách chữ Hán sang chữ Nôm và tổ chức khoa thi Tuấn sĩ, lấy đậu Hương cống, Hiệu sinh, lựa chọn nhân tài phục vụ cho đất nước. Triều Tây Sơn cũng đã cho ra "Chiếu mở khoa thi" (Thí sĩ chiếu) và "Chiếu lập học" để khuyến khích sĩ tử thi đua học tập và dự thi.

Đến triều Nguyễn thì Nghệ An đã nổi tiếng đứng đầu đất nước về khoa bảng vì có nhiều người thi đậu Tú tài, Cử nhân, Phó bảng, Tiến sĩ.

Cùng với lịch sử phát triển Nho học, khoa bảng Việt Nam (1075-1919), thì truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và khoa bảng của nhân dân xứ Nghệ cũng luôn luôn được nuôi dưỡng và phát huy. Ngoài các trường công của tỉnh, của phủ, huyện thì các gia đình khá giả đều tự mở trường học ở nhà và mời các thầy Đồ Nho đến dạy cho con em và nho sinh lân cận. Việc học đã trở thành phổ biến ở các làng quê xứ Nghệ. Các bà mẹ ở xứ Nghệ đã có ý thức chăm lo việc đèn sách cho con ngay từ khi chúng mới được sinh ra, còn bú ẵm, nằm nôi qua những lời ru:

Con ơi mẹ dạy con này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm.

Làm người đói sạch, rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền.

Xứ Nghệ xưa, dẫu người dân còn khổ cực, nghèo đói, nhưng gia đình nào cũng mong muốn cho con học lấy dăm ba chữ để giữ đạo Thánh hiền (Đạo học). Nhiều nhà đã phải chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai nuôi con ăn học. Ở Nghệ An có khá nhiều Ông Nghè, ông Cống sống bởi ngọn khoai, anh Học, anh Nho nhai hoài lộc đỗ, nhưng lại lập nên các kỳ tích, sự nghiệp từ khoa bảng. Có gia đình ăn cháo, ăn khoai ngày ba bữa, mà cả nhà ông cháu, cha con đều thi đậu và được lưu truyền qua đôi câu đối:

Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa;

Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà.

Niềm khát vọng vươn lên trong khoa bảng của người Nghệ rất mãnh liệt. Học để có thể đỗ đạt, tìm ra được một nghề nghiệp mới và nâng cao vị trí xã hội của bản thân, cũng là động lực hiếu học trong nhân dân. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định Nho sĩ Việt Nam là Nho sĩ nông thôn. Do đó, mọi sinh hoạt ở nông thôn đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Nho sĩ. Nho sĩ càng đậu cao càng được quê hương trọng vọng, cung phụng cho nhiều thứ: Làm nhà, tậu vườn ruộng, đón rước linh đình, ăn mừng thật to, được ngồi mâm cao, chiếu trên. Hình ảnh ông Nghè Vinh quy bái tổ: Lọng anh đi trước, võng nàng theo sau là ước mơ cháy bỏng của các sĩ tử, của cha mẹ và vợ con họ. Hình ảnh Văn phòng tứ bảo trong phòng học và đọc sách: Bút lông, giấy viết, nghiên, mực của sĩ tử xưa; rồi Bảng hổ đề danh (bảng yết tên người đậu Hương cống, Cử nhân) và Bảng vàng (hay bảng Rồng ghi tên những người đậu đại khoa Phó bảng, Tiến sĩ); rồi võng, lọng, mũ, áo, ngựa vinh quy… đã in đậm vào tiềm thức tầng lớp Nho sĩ và người dân. Chúng được tái hiện lại, nhập hồn vào núi, ao, cồn, doi, ruộng đồng, vùng đất… của quê hương, xứ sở. Nhà văn hóa Đặng Thai Mai đã có nhận xét tinh tế rằng:

Khi mà chế độ khoa cử còn thịnh, cơ hồ mỗi một làng đều nhìn thấy trong núi của mình một cái bảng, một quản bút, một cái án thư

Nhiều địa danh quen thuộc như thế và rất nổi tiếng có ở khắp nơi trong các làng xã trên đất Nghệ An: Diễn Châu có Nho Lâm, Bút Điền, Bút Trận, Văn Hiến, Văn Vật, Thư Phủ, Mã Yên… Quỳnh Lưu có: Bút Luyện, Văn Thai, Văn Khúc, Tam Khôi, Bảng Sơn… Đô Lương có: Văn Khuê, Văn Trường, Văn Lâm. Nam Đàn có: Khoa Cử, Khoa Trường… Yên Thành có: Văn Hội, Định Khoa… Anh Sơn có: Kim Nhan (hay tháp Bút), Mặc Điền (ruộng Mực)… Nghi Lộc - Cửa Lò có: Kỳ Sơn, Mão Sơn, Mặc Sơn, Bảng Nhãn Sơn… Người dân xứ Nghệ còn lưu đôi cấu đối rất hay về khoa bảng có gắn với các địa danh:

Nguyên chữ Hán:

世世科名別有憑山天造榜

年年誥贈歸然鴻嶺地仍碑

Phiên âm:

Thế thế khoa danh Biệt Hữu, Bằng Sơn thiên tạo bảng;

Niên niên cáo tặng Quy Nhiên, Hồng Lĩnh địa nhưng bi.

Tạm dịch:

Đời nối khoa danh, Bằng Sơn, Biệt Hữu, trời ban bảng;

Năm liền tên tặng, Hồng Lĩnh, Quy Nhiên, đất dựng bia.

Ý nghĩa sâu xa của đôi câu đối này là ca ngợi truyền thống hiếu học, khoa bảng của nhân dân, của các gia đình, dòng họ ở xứ Nghệ, năm nào cũng đều có nhiều người thi đậu, được triều đình công nhận, ban tặng ân điển lưu tên…

Đa số Nho sĩ của xứ Nghệ đều rất nghèo. Họ thường phải ăn khoai, ăn ngô, ăn sắn để trừ bữa, ngày làm, đêm học, nên thường lấy sự kiên nhẫn tạo ra thành quả trong học tập. Nhiều học trò phải học dưới ánh trăng, học trên lưng trâu, đốt lá cây, hay bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để thay đèn đọc sách, dùng mo cau thay giấy viết, bút là cành que viết chữ trên đất, cát… Thầy dạy học thì thiếu nhà để mở lớp học, phải đưa trò lên núi học ngay ở ngoài trời, lấy đá viết chữ lên để làm sách… Thế mà thầy nối tiếng dạy hay, trò nổi tiếng học giỏi, đỗ cao. Ngoài những khó khăn trên, học trò xứ Nghệ còn phải chịu nhiều thiệt thòi khác: Sống dưới nhiều tầng lớp bóc lột, áp bức của chế độ phong kiến, tiền thiếu, sách vở thiếu, nhất là vác lều chõng đi thi Hội ở Kinh đô thì xa xôi, cách trở… Họ không còn cách nào khác là phải phấn đấu trong học tập bằng tính kiên trì, nhẫn nại, cần kiệm… Về nội dung học tập thì học trò xứ Nghệ thường không chuộng “hoa mỹ”, mà cốt “văn hùng”, lúc đi thi, làm bài cũng như thế.. Nếp sống trong học tập của học trò xứ Nghệ có thể gọi là “khổ học” và đã trở thành nét bản sắc trong di sản văn hóa địa phương và dân tộc Việt Nam.

Người xưa có câu: Đạo Thánh là đạo rộng, nghĩa là ai cũng được học đạo của Thánh Hiền. Thầy nào cũng muốn có nhiều học trò. Thầy bao giờ cũng hết lòng dạy học, để từ trường của mình đưa ra được những người trọng lễ nghĩa, biết sửa mình, giúp ích cho đời, cống hiến sự nghiệp cho đất nước. Do đó, thầy phải rất gương mẫu, mặt đạo đức phải sáng ngời, về Nho học, Kình sách phải uyên bác. Trường của cụ Nguyễn Sĩ Lạng ở làng Tú Viên, Thanh Chương có treo bức hoành Thi thư trạch (Nghĩa là nơi có truyền thống dạy và học hành phát đạt). Đất Nghệ nổi tiếng có nhiều thầy dạy giỏi, có thể kể: Dương Tồn, Hồ Sĩ Dương, Cao Trọng sính, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Phùng Thời, Hồ Sĩ Đống, Nguyễn Trọng Thường, Lê Nguyên Trung, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Đức Đạt, Phan Thúc Trực, Nguyễn Thức Tự, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Năng Tĩnh, Vương Thúc Quý, Nguyễn Sĩ Lạng, Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Nguyễn Nguyên Thành, Nguyễn Hữu Tố, Dương Thúc Hạp, Hoàng Đường, Hồ Sĩ Tạo, Đặng Văn Thụy, Đinh Nhật Thận, Phan Hữu Tính, Bùi Hữu Nhẫm, Đinh Văn Chấp, Hoàng Mậu, Hoàng Văn Cư, Ngô Trạch, Nguyễn Huy Nhu, Nguyễn Văn Giá, Trần Đình Phong, Nguyễn Thái Đễ, Phan Võ, Đặng Nguyên Cẩn… Thầy Ngô Trí Trạch ở xã Lý Trai (Diễn Kỷ) nổi tiếng một thời, có công nuôi dạy con là Ngô Trí Tri và cháu Ngô Trí Hòa cùng thi đỗ Tiến sĩ một khoa. Thầy được ban tước “Đạo nguyên bá” (Đạo nguyên là nguồn của đạo Nho)… Trong số các thầy Đồ: Thầy Đồ Bắc, thầy Đồ Nam, thầy Đồ Thanh, thầy Đồ Quảng, v.v… thì thầy Đồ Nghệ được nhân dân nhiều nơi hâm mộ hơn cả. Họ tuy nghèo khó phải chịu khổ, kiệm ước, được người đời đặt biệt danh “Cá gỗ”, nhưng hay chữ, tiết tháo, có tình nghĩa và đào tạo được nhiều người thành danh hơn cả. Thám hoa Nguyễn Đức Đạt ở xã Hoành Sơn, chán cảnh quan trường khi đang làm ở viện Tập hiền, lấy cớ cha mẹ yếu, xin về nhà phụng dưỡng và mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông, thầy phải tổ chức bình văn ở bên bờ sông và mở trường dạy học ở trên núi Nam Sơn, lấy đá làm sách viết chữ dạy học mà đào tạo được nhiều người thi đậu Cử nhân và đại khoa. Sau khi thầy mất, học trò đã góp công của xây dựng mộ, lập nhà thờ và dựng bia ghi ơn, ca ngợi công đức của thầy chính nơi thầy mở trường dạy học.

Thầy Nguyễn Thức Tự, hiệu Đông Khê, quê ở làng Đông Chử, xã Thịnh Trường, thi Hương một lần đậu Á nguyên, làm Sơn phòng Chánh sứ Hà Tĩnh, là cánh tay đắc lực của Phan Đình Phùng. Khi cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng bị dập tắt, ông cáo quan về mở trường dạy học, có tiếng dạy giỏi, học trò đông. Nguyễn Thức Tự được các sĩ phu xứ Nghệ đánh giá là bậc thầy về kinh sử và nhân cách. Học trò của thầy là nhiều nhà khoa bảng rất nổi tiếng, như các Tiến sĩ, Phó bảng: Đinh Văn Chấp, Nguyễn Đức Lý, Hoàng Kiêm, Nguyễn Mai, Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Sắc, Vương Đình Trân, Nguyễn Thúc Dinh, Nguyễn Viết Tuyển, Đặng Nguyên Cẩn, Giải nguyên Phan Bội Châu và rất nhiều Cử nhân, Tú tài khác… Ngay khi thầy đang sống, học trò của thầy và các sĩ phu đã quyên góp tiền của để xây nhà thờ và sinh từ cho thầy. Ngày thầy mất, Phan Bội Châu đang ở Trung Hoa, đã làm bài văn điếu gửi về kính viếng thầy, trong đó những câu như sau:

Đạo thông thiên địa/Học bác cổ kim/Kinh sư dĩ đắc/Nhân sư nan tầm.

Nhà thơ Trần Hữu Thung dịch như sau:

Đạo thông cả thời đất/Học rộng khắp xưa nay/Thầy dạy chữ dễ gặp/Thầy dạy làm người khó tìm.

Hệ thống giáo dục trường học do nhà nước quản lý, cao nhất là Trường Quốc Tử Giám và chỉ duy nhất có ở Kinh đô, chỉ chọn những người xuất sắc hoặc con cháu hoàng thân, quan lớn trong triều vào học để đi thi Hội và cử đi làm quan. Nhiều Nho sinh Nghệ An được tuyển chọn vào trường này là rất vinh dự. Người Nghệ An đứng đầu Quốc Tử Giám (như Hiệu trưởng trường Đại học bây giờ) gọi là quan Tế tửu, chức Phó gọi là Tư nghiệp như: Ngô Trí Hòa, Nguyễn Bá Quýnh, Lê Nguyên Trung, Đặng Văn Thụy, Trần Đình Phong. Cao Xuân Dục… Các thầy được cử dạy học cho thái tử và các hoàng thân như: Hồ Sĩ Dương, Hồ Sĩ Tôn, Hoàng Hà, Phan Thúc Trực (hầu cận bên vua), Nguyễn Văn Giao, Đinh Nhật Thận, Hồ Phi Cơ, Nguyễn Trí Danh… Quan phụ trách giáo dục của một tỉnh là Đốc học, Nghệ An có 33 người. Quan Giáo thụ đứng đầu giáo dục một phủ: 28 người; làm Huấn đạo đứng đầu giáo dục một huyện: 32 người và nhiều vị là Chánh, Phó Chủ khảo, Đề điệu các khoa thi Hương, Hội,v.v…

Nhân dân xứ Nghệ rất quý trọng, biết ơn công lao dạy dỗ của thầy, nên đã luôn nhắc nhau:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

Những vị đậu ông Nghè, ông Cống khai khoa và đem lại vẻ vang cho làng, xã còn được nhân dân lập miếu tôn thờ làm Thành Hoàng, hoặc Phúc thần, như Ngô Trí Hòa ở Diễn Kỷ (Diễn Châu), Phạm Kinh Vỹ ở Thanh Giang, Bùi Hữu Nhẫm ở Thanh Thủy (Thanh Chương), Tống Tất Thắng ở Trung Cần (Nam Đàn), Hồ Sĩ Dương ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Đinh Bạt Tụy ở Hưng Trung (Hưng Nguyên), v.v… Những người học giỏi, có tài văn học, được dân tôn sùng xếp vào “Tứ hổ”, “Tứ Lân”… Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường ở Trung Cần, ở tuổi 19 ra đất Tràng An (Kinh đô Thăng Long) để học thi Hội, được tôn xưng 1 trong “Tứ Hổ Tràng An” cùng với Nguyễn Chương, Đậu Minh và Lê Đăng. Nam Đàn có “Tứ Hổ” là San, Đôn, Lương, Quý; hay San, Song, Lương, Sắc. Một lần “Tứ Hổ” rủ nhau đi hát phường vải ở Nam Kim bị bên gái vặn hỏi:

 Bốn chàng quê quán ở đâu?/Xin tường danh tính để sau khuyên mời.

Phan Văn San (tức Giải nguyên Phan Bội Châu) đã nhanh nhẹn thay mặt cho các bạn trả lời rằng:

Nam Đàn tứ Hổ là đây/San, Song, Lương, Sắc, một bầy bốn anh.

Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tich Hồ Chí Minh), lúc bé mồ côi cha mẹ phải học lỏm ngoài lớp và trên lưng trâu, được thầy Hoàng Đường thương đưa về nuôi cho ăn học, sau đậu Phó bảng. Huyện Nghi Lộc có Tứ Hổ là Hoàng Văn Thái, Hoàng Văn Bảo, Nguyễn Đình Yên, Hoàng Văn Cư. Huyện Quỳnh Lưu có Tứ Lân là Hồ Tài Trí, Hồ Văn Minh, Hồ Diễn, Hồ Hiến. Họ Hồ có 4 nhà nổi tiếng học giỏi, đỗ đạt và có văn học: Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Tôn được tôn vinh, xếp vào Tứ Hồ từ cổ chiếm văn minh. Trong Tứ Hổ của huyện Đông Thành (Diễn Châu và Yên Thành) có Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã…  

Nhà Nho xứ Nghệ không chỉ trọng đạo, trọng khí tiết mà họ còn thể hiện tài năng về nhiều mặt, như chính trị tài, ngoại giao giỏi, chỉ huy đánh trận mưu mẹo, dũng cảm (văn võ song toàn) và là những tác gia văn học, sử học có tiếng. Về trung thần, được thờ ở miếu Hiền lương trong triều đình có: Nguyễn Trung Mậu, Văn Đức Giai, Hồ Sĩ Thuần, Hồ Trọng Đỉnh; được thờ ở miếu Trung liệt có: Hai cha con Nguyễn Ngọc Chấn và Nguyễn Thế Cát, Ngô Trực Nghĩa, v.v… Về ngoại giao có tới 30 vị chánh phó Sứ thần đi nước ngoài, hoàn thành sứ mệnh, làm vẻ vang cho nước nhà. Nhiều vị nổi tiếng đi sứ nhiều lần, như Hồ Sĩ Dương, được vua Bắc Quốc phong là “Lưỡng quốc Tể tướng”. Họ Nguyễn Trọng Trung Cần có 3 Tiến sĩ và 4 đời liên tiếp được cử đi sứ Trung Quốc tới 5 lần: Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường và Nguyễn Trọng Võ. Nguyễn Trọng Đường khi làm Đốc trấn Lạng Sơn còn có công xây dựng Đài Ngưỡng Đức và soạn dựng văn bia xác lập điểm mốc biên giới vững chắc đầu tiên của nước ta với Trung Quốc. Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo là môi trường tốt nhất tạo nên ý chí cho lớp sĩ tử xứ Nghệ vươn lên giành những vị trí cao nhất trong các khoa thi Hương, thi Hội. Tiếp theo Trạng nguyên Bạch Liêu là ba cha con, ông cháu Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành lại đậu Trạng nguyên. Tại nhà thờ họ Hồ Tam Công ở Thọ Thành, Yên Thành có treo đôi câu đối: Lưỡng thế tranh nguyên phiêu Hồng Tháp/Nhất gia thịnh sự dật Long Môn (Nghĩa là: Đời sau tiếp đời trước tranh đậu đầu (Trạng nguyên) ghi tên ở Hồng Tháp/Một nhà thịnh đạt vượt Long Môn (nhiều người đậu cao) rạng rỡ nền khoa bảng).

Có sĩ tử trong một năm đậu luôn hai khoa thi Tiến sĩ là Sĩ Vọng và Đông Các, một năm được vinh dự hai lần vinh quy bái tổ như Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Đình Cổn. Có khoa thi lấy đậu 5 Đệ nhất giáp thì Nghệ An chiếm 2 là Đinh Bạt Tụy và Phan Tất Thông (Đinh Bạt Tụy đứng đầu - Đình nguyên). Nhiều sĩ tử đậu đầu hai khoa thi (Song nguyên), là các Tiến sĩ: Hội nguyên, Đình nguyên Hồ Sĩ Đống, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Đức Quý, Vương Hữu Phu; Giải nguyên - Đình nguyên: Nguyễn Hữu Lập, Nguyễn Văn Giao; Giải nguyên - Hội nguyên: Cao Quýnh, Phạm Nguyễn Du; Đình nguyên Thám hoa Phan Thúc Trực (từng 10 khoa đậu Tú tài), v.v… Đặc biệt có khoa thi Tiến sĩ, cả nước chỉ chọn được 3 sĩ tử, thì người Nghệ An chiếm 2, lại là hai cha con: Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa. Có khoa thi Tiến sĩ chỉ lấy đậu 2 Đệ nhất giáp Thám hoa, thì cả 2 cùng ở một tổng của Nghệ An (Nam Kim, Nam Đàn) là Nguyễn Đức Đạt (Thám nhất) và Nguyễn Văn Giao (Thám nhị). Sau khi vinh quy bái tổ, Nguyễn Đức Đạt đến chơi nhà Nguyễn Văn Giao, thấy nhà bạn đồng khoa chỗ nào cũng có đậu (đúng lúc thu hoạch đậu) liền ra vế đối:

Trong nhà đậu, ngoài sân đậu, cha thi đậu, con học đậu, thi vân: đa đậu thử chi vị dã;

(Trong nhà đậu, ngoài sân đậu, cha thi đậu, con học đậu, đúng là rất nhiều đậu)

Nguyễn Văn Giao nhìn ra ngoài sân, thấy hàng dâm bụt đang trổ nhiều hoa, liền đối lại:

Trên cây hoa, dưới gốc hoa, bác vinh hoa, tôi Thám hoa, thi viết: trùng hoa bất diệc nghi hồ. (Trên cây hoa, dưới gốc hoa, bác vinh hoa, tôi Thám hoa, rõ ràng đều là hoa).

Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, từ khoa thi Hán học đầu tiên “Minh kinh bác học” năm Ất Mão - Thái Ninh 4 (1075) đến khoa thi cuối cùng Kỷ Mùi - Khải Định 4 (1919) triều Nguyễn, cả nước tổ chức được 183 khoa thi Hội, thi Đình, lấy đậu 2.898 Tiến sĩ, Phó bảng, Nghệ An có 152 người đậu đại khoa (Tiến sĩ, Phó bảng): Triều Trần 12 khoa thi, 3 người đậu/3 khoa; Triều Lê, Mạc 123 khoa, 57 người/44 khoa; Triều Nguyễn 39 khoa 85 người/30 khoa. Sách này chưa tính các ân khoa các triều mở thêm để kén chọn người tài nên số liệu trên chưa thể đầy đủ được. Nghệ An còn có các vị đậu Tiến sĩ ở các khoa khác chưa xác định khoa thi, năm thi, hoặc chưa có sách đăng khoa nhà nước ghi nhận. Đặc biệt có một ân khoa do vua Lê Trang Tông tổ chức tại sách Vạn Lại, Thanh Hóa để kén chọn nhân tài ra giúp nước, chọn được 25 Tiến sĩ, trong đó Nghệ An có 10 người. Chúng tôi đã đi đến các di tích, dòng họ, tìm các tài liệu quý của địa phương như bia đá, sắc phong, khoa phổ, gia phả…  để chứng minh cho khoa thi này là có thật, nâng tổng số người Nghệ An đậu đại khoa là 190 vị.

Riêng triều Lê chưa có sách nhà nước ghi chép về những người đậu thi Hương. Chúng tôi đã khảo cứu tài liệu khoa bảng địa phương và đã lập danh mục gồm 605 vị đậu Hương cống Trường thi Hương Nghệ An (chưa kể Hà Tĩnh). Triều Lê, cứ 1 Hương cống lấy đậu 8-10 Sinh đồ, thì số Sinh đồ của Trường thi Hương Nghệ An cũng ngót nghét trên một vạn người.

 Đến triều Nguyễn, vua Gia Long đã cho dời lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành về Vinh (năm 1804), thì trước tiên cho lập Văn Miếu tỉnh, còn gọi là Văn Thánh Vinh (1803), sau đó cho dời trường thi Hương ở Lam Thành về Vinh vào năm 1807 và cho tổ chức khoa thi đầu tiên ngay cùng với 6 trường khác cả nước. Trường lúc đầu được lập bằng tranh tre nứa mét, đặt ở phía Đông Nam tỉnh thành (thành cổ Vinh), tức là phía Đông Bắc của Văn Thánh (nay là Công ty CP In Nghệ An), quãng ở Nhà Văn hóa Lao động và Quảng trường Hồ Chí Minh. Năm Thiệu Trị thứ 3, trường dời đến địa phận xã Yên Dũng, huyện Chân Lộc, nay thuộc khu vực Bộ Chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu IV và trường Đại học Vinh, phường Trường Thi, Tp.Vinh. Trường thi Hương Nghệ An triều Nguyễn tổ chức được 42/47 khoa thi, lấy đậu 882/5.236 Cử nhân cả nước. Cả nước trung bình mỗi khoa lấy đậu 111 người, còn trường Nghệ An mỗi khoa lấy đậu trung bình 21 người (chiếm 18% cả nước). Riêng tỉnh Nghệ An có 562 người đậu (còn lại là người Hà Tĩnh và Thanh Hóa thi chung một số năm) và nếu tính cả số 33 người Nghệ An đậu ở các trường thi khác, thì người Nghệ An đậu Cử nhân là 596 (= 11,4% cả nước), trong đó có 25 người đỗ đầu (Giải nguyên); 28 vị đậu Á nguyên. Theo qui định của chế độ khoa cử triều Nguyễn thì 1 Cử nhân ít nhất lấy đậu 2 đến 3 Tú tài (nhất Cử nhị tam Tú), có khoa lấy tới 7 - 8 Tú tài, thì người xứ Nghệ phải thi đậu tới hàng nghìn Tú tài; nếu tính cả số Hiệu Sinh, Sinh đồ triều Lê, thì trường Nghệ An phải có tới hàng vạn Hiệu sinh, Tú tài. Chính vì thế mà xứ Nghệ được sử sách đánh giá là một trong những trung tâm khoa bảng rực rỡ của đất nước. Trường thi Hương Nghệ An được duy trì và mở liên tục cũng là động lực để nhân dân, làng xã ở địa phương động viên con em phấn đấu học tập, thi đậu thành danh.

Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và khoa bảng của nhân dân xứ Nghệ còn được tiếp tục và phát huy cho đến mãi ngày nay. Nhiều lớp thầy trò xứ Nghệ đã nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học của thế giới, trở thành các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học nổi tiếng ở trong nước và thế giới như: Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Đình Cầu, Đào Vọng Đức, Nguyễn Thị Hòe và nhiều nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiều nhà nghiên cứu thuộc đủ các nghành khoa học khác… Nhìn lại cả quá trình trình lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử Nghệ An nói riêng thì tôn sư trọng đạo, hiếu học và khoa bảng là nét đẹp truyền thống, là di sản văn hóa đặc sắc, tạo nên một đặc điểm nổi bật nhất, đậm đà nhất và giàu bản sắc nhất, như đôi câu đối ở Văn Miếu tỉnh đã ghi:

鸛州文氣千年拄/學道正心萬古傳

Phiên âm:

Hoan Châu văn khỉ thiên niên trụ/Học Đạo chính tâm vạn cổ truyền.

(Nghĩa là: Văn khí Hoan Châu ngàn năm bền vũng/Chính tâm Đạo Học muôn thuở vẫn truyền).

Chuông treo ở Văn Miếu được tạo đúc năm Gia Long 11 (1812) có văn khắc do Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, cựu Đốc học trấn Nghệ An soạn, có ý nói:

… Mỗi khi nghe tiếng chuông vang, dân chúng trong bản trấn tưởng nhớ đến các bậc Tiên Hiền các đời trước đã làm vẻ vang cho truyền thống của bản trấn… (2)

Các vị khoa bảng của Nghệ An đã góp phần làm rạng danh cho nền khoa bảng Việt Nam dưới thời phong kiến và là niềm tự hào của nhân dân xứ Nghệ.

Thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh cần cho phục hồi lại di tích Văn Miếu Vinh, dựng mốc lưu niệm Trường thi Hương Nghệ An để làm nơi tôn vinh biết ơn các nhà khoa bảng và làm nơi để các thế hệ trẻ học tập, tiếp tục nêu gương sáng, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông.

-----------------------------

Chú thích:

1. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. T.2 - H, KHXH, 1992 - Tr. 155.

2. Chuông Văn Miếu được hợp tự và hiện treo tại đền Hồng Sơn, Tp. Vinh.

3. Sách tham khảo:

- Bùi Dương Lịch. Nghệ An ký/Nguyễn Thị thảo dịch - H, KHXH, 1993.

- Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919/Ngô Đức Thọ chủ biên và các cộng sự. H, Văn học, 1993.

- Cao Xuân Dục. Quốc triều khoa bảng lục Hương khoa lục…

- Đại Việt sử ký toàn thư - H, KHXH, 1993

- Đào Tam Tỉnh. Khoa bảng Nghệ An - Nghệ An, 2005.

- Hoan Châu bi ký-  Bản chữ hán chép tay, lưu Thư viện Nghệ An.

- Hương ước Nghệ An/Ninh Viết giao chủ biên và các cộng sự.

- Khoa bảng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn/Phạm Thị Huệ chủ biên và các cộng sự.

- Và nhiều tài liệu khác…

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522379

Hôm nay

2236

Hôm qua

2290

Tuần này

21153

Tháng này

220318

Tháng qua

121009

Tất cả

114522379