Những góc nhìn Văn hoá

Danh sỹ Nguyễn Thuật - Người con xứ Nghệ ở đất Quảng

                      Nguyễn Thuật

Hà Đình Nguyễn Thuật, một danh thần của triều Nguyễn, và cũng là một nhà thơ, nhà văn lớn thời cận đại. Ông đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó một số bài bộc lộ nỗi đau buồn của ông trước cảnh đất nước bị xâm lược. Đương thời ông rất được nhân dân và sĩ phu kính trọng gọi bằng cái tên thân thương là “cụ Thượng Hà Đình”.

Ông có tên là Nguyễn Công Nghệ, sau đổi là Nguyễn Thuật, tự là Hiếu Sinh, hiệu là Hà Đình, sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Dần (1842) tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).

Ông xuất thân trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước, là con trai thứ của ông Nguyễn Đạo và bà Võ Thị Tại, em của Sơn phòng sứ, Đốc học Quảng Nam Nguyễn Tạo, anh của Tán tương quân vụ Nghĩa hội Quảng Nam Nguyễn Duật.

Thủy tổ là cụ Nguyễn Công Châu, nguyên quán xã Bình Luật, phủ Thạch Hà, trấn Nghệ An. Khoảng thời Lê Thánh Tông (1471), vào khai khẩn vùng đất Quảng Nam rồi chọn xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa làm quê hương thứ hai.

Thuở nhỏ, Nguyễn Thuật học tại nhà, sau học tại trường Huấn huyện Thăng Bình rồi trường Đốc Thanh Chiêm. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), ông thi đỗ Cử nhân; năm sau, đỗ Phó bảng. Ban đầu, ông được bổ làm Biên tu sung Hàn lâm viện nội các, rồi thăng làm Giáo đạo Dưỡng Thiện đường, dạy các hoàng tử.

Năm Tự Đức thứ 34 (1881), Nguyễn Thuật được thăng hàm Tham tá các vụ, lãnh Hộ Bộ thị lang, rồi được làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Đến khi về nước, ông được thăng hàm Tham tri.

Năm Tự Đức thứ 36 (1883), ông lại được cử làm Phó sứ để cùng Chánh sứ Phạm Thận Duật sang Thiên Tân (Trung Quốc) bàn việc hội thương, nhưng không thành công, ông trở về nước, lúc này vua Tự Đức đã băng hà (tháng 7 năm 1883).

Năm Giáp Thân (1884), ông được vua Kiến Phúc bổ làm Tuần vũ Thanh Hóa. Cũng trong năm này, ông được cử làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội.

Tháng 5 năm Ất Dậu (tháng 7 năm 1885), quân Pháp chiếm Kinh thành Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị ban dụ Cần Vương; anh em của Nguyễn Thuật tham gia Nghĩa hội ở Quảng Nam bị Pháp bắt, ông xin trả lại quan hàm, chỉ giữ nguyên Phó bảng nhưng triều Đồng Khánh không chấp thuận. Sau đó, ông được sung chức Tuyên úy sứ Quảng Nam Tả trực kỳ, rồi Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lại, Hiệp Biện Đại học sĩ gia hàm Thái tử Thiếu bảo.

Năm Đồng Khánh thứ hai (1887), ông được cử làm Tổng đốc Thanh Hóa và làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội năm này.

Năm Thành Thái thứ năm (1893), ông được triệu về kinh nhận hàm Hiệp tá đại học sĩ, tước An Trường tử, lãnh chức Thượng thư bộ Binh, sung Cơ mật viện đại thần.

Năm Thành Thái thứ tám (1896), với cương vị Tổng tài Quốc sử quán, Nguyễn Thuật nhận lệnh cùng Trương Quang Đản soạn cuốn Sử Quán thư mục.

Năm Thành Thái thứ mười ba (1901), vì bất hòa với Hoàng Cao Khải, và chống đối việc Nguyễn Thân chém chết mười mấy người thuộc chi đảng của Phan Đình Phùng nên Nguyễn Thuật xin về hưu. Ông mở trường dạy học tại quê nhà, được nhân dân địa phương yêu mến, kính trọng.

Khi chính quyền bảo hộ Pháp và Nam triều cho Nguyễn Thân về hưu và điều Hoàng Cao Khải ra Bắc Kỳ, vua Thành Thái liền ban chỉ triệu Nguyễn Thuật và cựu Thượng thư Hồ Lệ vào triều.

Sang đời vua Duy Tân, Nguyễn Thuật lại xin về hưu, rồi tiếp tục dạy học tại Hà Lam cho đến khi qua đời vào ngày 25 tháng 11 năm Tân Hợi (1911), hưởng thọ 69 tuổi.

 

Nguyễn Thuật đã để lại cho đời một số lượng tác phẩm thơ văn rất đồ sộ với trên 800 bài gồm đủ các thể loại văn, thơ, từ, phú, hát nói, câu đối… Ngoài ra, ông còn để lại nhiều tác phẩm thư pháp, bi ký cả trong và ngoài nước.

Thơ của Nguyễn Thuật giàu thi ảnh, mang tính nhân văn sâu sắc. Thơ văn của ông hàm chứa một nhân sinh quan tích cực, một thế giới quan lành mạnh, trong sáng.

Tác phẩm viết bằng chữ Hán của Nguyễn Thuật có:

Hà Đình ứng chế thi sao, gồm thơ họa lại thơ vua Tự Đức, hoặc làm theo đề của nhà vua. Ngoài ra, còn có thơ họa đáp bạn bè, vịnh sử, vịnh vật, vịnh cảnh, cảm hoài, ngôn chí...

Hà Đình văn tập, gồm 244 câu đối viết trong các lễ khánh tạ, thi đỗ. Một số lớn các vị Phó bảng, Tiến sĩ được Nguyễn Thuật viết liễn chúc mừng.

Hà Đình văn sao, gồm các bài biểu, luận, tự, bi, trướng viết khi tác giả được phong tặng chức tước hoặc cha mẹ anh em được triều đình khen thưởng và một số bài ký.

Mỗi hoài ngâm thảo, quyển chi nhất (quyển I), gồm khoảng 185 bài thơ được làm từ năm 1881, tức khi tác giả nhận mệnh đi sứ sang Trung Quốc lần đầu.

Mỗi hoài ngâm thảo, quyển chi nhị (quyển II), gồm khoảng 118 bài thơ.

Hà Đình Ứng chế thi saoI, gồm 36 bài thơ đáp họa thơ của vua.

Hà Đình thi thảo trích saoHà Đình thi thảo trích sao (tiếp theo), bao gồm khoảng 168 bài thơ xướng họa với các danh sĩ trong và ngoài nước. Trong số này có nhiều bài được vua Tự Đức khen tặng.

Vãng Tân nhật ký: Nhật ký đến Thiên Tân, viết khi ông làm phó sứ sang Trung Hoa năm 1883.

Trung Triều định lệ, viết về các định chế Trung Quốc và Triều Tiên (phụ).

Khoái thư trích lục(bản chép tay, chưa in), gồm một số câu đối và các tạp bút về văn chương, nghệ thuật,v.v...

Phần tác phẩm viết bằng chữ Nôm, ông có 3 bài thơ làm theo thể ca trù: Chữ tình, Chữ nhàn, Phận anh hùng.

Ngoài ra, theo chỉ dụ vua, Nguyễn Thuật còn biên tập hoặc tham gia biên tập nhiều tác phẩm của các vua (như: Lê Thánh Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, v.v...), của các danh sĩ (như: Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Trương Quốc Dụng, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Siêu, Phạm Quý Thích, Vũ Trinh, v.v...) và một số sách khác, như: Sử quán thư mục, Đại Nam danh sơn thắng thủy thi đề tập, Đại Nam cương giới vựng biên, Đại Nam quốc cương vựng biên, Đại Nam Quốc sử tàng thư mục, Tỳ bà quốc âm tân truyện, Thi thảo tạp biên, v.v...

Là một nho sinh nơi cửa Khổng sân Trình, trải qua bao nhiêu năm dùi mài kinh sử, Nguyễn Thuật những mong đem sở học của mình ra thờ vua giúp nước, không quản ngại khó khăn. Nào hay “sinh bất phùng thời”, ông không thực hiện được hoài bão làm cho “quốc thái dân an” mà ông hằng ôm ấp bấy lâu. Trong bài Hát Nói “Phận anh hùng” ông viết:

                   Đã ra đời nào ngại gian nan,

                   Dẫu vinh nhục thăng trầm thôi cũng mặc!

                   Sơn hải quân ân thù vị đắc (1)

                   Phong ba thế cuộc hận nan bằng (2)

Nguyễn Thuật ra làm quan giữa lúc thực dân Pháp lần lượt xâm chiếm đất nước ta, cơ đồ nhà Nguyễn gần như sụp đổ hoàn toàn.

Năm 1867, Nguyễn Thuật đỗ Cử nhân cũng là năm Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Nam Kỳ hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1873, quân Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội. Năm 1882, Pháp đánh chiếm Hà Nội lần II. Với hòa ước Giáp Thân (còn gọi là hòa ước Patenôtre) ký ngày 6/6/1884, Việt Nam thành thuộc địa của Pháp dưới nhiều chế độ cai trị khác nhau. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Ngọn cờ Văn thân đã phất phới ở quê nhà Nguyễn Thuật, bài hịch cứu quốc khởi đầu bằng những câu kêu gọi lòng yêu nước và chí cương quyết hy sinh của sĩ tử dán khắp các đình chùa, trường học. Anh em của Nguyễn Thuật tham gia Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp, kẻ hy sinh, người bị bắt, cuối cùng phong trào Cần Vương tan rã.

Ngày 3/10/1888, Pháp ép vua Đồng Khánh ký đạo dụ nhượng các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước, mỗi sĩ phu tự chọn cho mình một cách sống: Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Trần Bá Lộc hợp tác với Pháp sát hại đồng bào; Trần văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ chống Pháp bằng vũ lực; Nguyễn Khuyến thấy mình bất lực không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên xin cáo quan về ở ẩn để giữ tròn khí tiết còn Nguyễn Thuật thì ở lại, không phải để mưu cầu vinh thân phì gia mà để cố hết sức mình làm được bất cứ việc gì có ích cho nước cho dân. Dù phải gánh vác những việc khó khăn như Tinh Vệ ngậm đá lấp biển cũng không ân hận. Tấm lòng của ông đối với đất nước chẳng khác nào chim Việt không ngại bay tìm tổ ở cành Nam.

                             Vệ cầm hàm thạch không sân hận   

                             Việt điểu sào Nam cảm quyết phi

                                                          (Tức sự II)

                             Biển Đông, ngậm đá không ân hận

Chim Việt tìm cành há ngại bay

 (Nguyễn Thiếu Dũng dịch)

Với thái độ ứng xử trước thời cuộc như thế, Nguyễn Thuật sẵn sàng đảm nhận những trọng trách được vua giao phó hầu giúp nước giúp dân:

Năm 1883, ông đi sứ sang Thiên Tân hiệp thương với Trung Hoa yêu cầu đem binh sang cứu viện nước ta.

Mặc dù từ năm Giáp Tuất 1874, triều đình Huế đã ký hòa ước với Pháp, công nhận nước ta không còn thần phục nước nào nữa, nhưng lúc bấy giờ vì bất đắc dĩ phải ký hòa ước chứ vua Tự Đức vẫn cứ theo lệ cũ triều cống Trung Hoa, với mong muốn khi hữu sự Trung Hoa sẽ sang giúp nước mình. Vì thế, sau khi Pháp đánh chiếm Hà Nội lần I, năm 1883, nhà vua cử Nguyễn Thuật làm Phó sứ cùng với Chánh sứ là Thượng thư Phạm Thận Duật sang Thiên Tân thương thảo với Trung Hoa về việc Pháp xâm lược Việt Nam, nhưng việc không thành.

Trong “Vãng Tân nhật ký”, Nguyễn Thuật đã ghi lại nỗi phẫn uất trước thái độ hèn nhát của Trung Hoa không chịu đem binh thuyền cứu viện để cho Pháp bắt ép nước ta:

"Chúng tôi căm phẫn vô cùng, việc nước tôi với Pháp vốn do Trung triều gửi công văn muốn thu vén giúp, (nay) lại triệu chúng tôi tới Thiên Tân hỏi xét, rồi thì giảng giải đã chẳng xong, lại còn rụt rè sợ sệt, không chịu đem binhthuyền cứu viện, để cho người Pháp nhân lúc nước tôi có việc, ép chúng tôi hòa. Nước tôi lần này biến cố dồn dập, cái thế không thể không theo, còn Trung triều thì không bảo vệ được nước phên giậu, không biết có lời nào giải thích với thiên hạ chăng? Sự thể đến nước này, còn nói gì được nữa!"

余等不勝憤恨,我國與法之事,原由中朝來文願為調停,又召余等至津詢問,乃講說既不能成,又畏縮趑趄,不肯以兵船相援,以致法人乘我有事,迫我以和。我國當次變故交集,其勢不得不從,而中朝不能保護藩封,不知何辭以自解於天下也?世局至此,尚何言哉!(越南欽差副使阮述《往津日记》) (3)

Tháng 8 năm Đinh Hợi 1887, Nguyễn Thuật được sung làm Tuyên uý xử trí đại thần ở Quảng Nam để giải quyết những vấn đề sau khi Nghĩa hội Quảng Nam tan rã, bằng uy tín và quyền hạn của mình, ông đã làm ngơ cho một số thân sĩ Quảng Nam tham gia Nghĩa hội, nhờ thế mà nhiều người thoát tội chết.

Năm 1901, Nguyễn Thuật phản đối việc Nguyễn Thân dụ các văn thân chi đảng của cụ Phan Đình Phùng đem về kinh chém hết mười mấy người, ông nhất định không chịu ký tên rồi xin về hưu, ở nhà dạy học.***

Là một người đỗ đại khoa, học rộng hiểu nhiều, Nguyễn Thuật đã tận mắt chứng kiến những biến cố tang thương của lịch sử dân tộc lẽ nào ông không đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, nhưng Nguyễn Thuật đang là một đại quan của triều đình Huế, ông không thể bày tỏ thái độ căm thù giặc Pháp một cách thẳng thắn, mãnh liệt như Nguyễn Đình Chiểu: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ/Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó” (Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc) mà chỉ nói một cách bóng gió xa xôi.

Trong bài “Trà Úc dạ phiếm” (Buổi tối đi dạo ở Trà Úc) (4) sau bốn câu tả cảnh trời nước bao la của Vũng Thùng (vịnh Đà Nẵng) trong một đêm trăng sáng, Nguyễn Thuật đã bộc lộ tâm sự của mình qua các câu luận và kết:

                             Triều khê tỉ ngạc tằng hà nhựt

                             Đào chẩm văn kê ức tích niên

                             Thùy thị hùng tâm thôn bất đắc

                             Nhứt ca khẳng khái phá sầu miên

                            

Dịch nghĩa:           Ngày nào từng đuổi cá sấu ra biển (5)                          

                              Gối sóng nằm nghe gà gáy nhớ chuyện năm xưa (6)

                             Ai có hùng tâm nuốt sao trôi?

                             Lời ca khẳng khái phá giấc ngủ buồn.

Dịch thơ:

                             Nào thuở cá kình xua tận biển

                             Giờ nghe gà gáy lệ sầu tuôn

                             Hùng tâm, ai đó yên sao được

                             Khẳng khái lời ca tỉnh giấc buồn

                                                (Nguyễn Thiếu Dũng)

Nằm trên thuyền ở vịnh Đà Nẵng thao thức suốt đêm, nhớ chuyện năm xưa mà đau xót trong lòng.

Phải chăng ông hồi tưởng những ngày nước nhà độc lập hùng cường, dân ta đã từng đánh đuổi quân thù “tỉ ngạc” ra khỏi cõi bờ, sống cuộc đời thanh bình, yên ổn. Còn giờ đây đất nước đã rơi vào tay giặc, Đà Nẵng đã trở thành nhượng địa của Pháp. Cũng chính tại vịnh Trà Úc, nơi tác giả đang dạo thuyền, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nã pháo tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lăng, biến nước ta thành nô lệ. Nỗi đau đó đã hằn sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt như một vết thương không thể nào lành, ai có tấm lòng vì nghĩa cả thì làm sao mà quên cho được sự kiện này! Tác giả tự hỏi:

Thùy thị hùng tâm thôn bất đắc”.

(Hùng tâm, ai đó yên sao được?)

Hỏi người nhưng cũng chính là tự hỏi mình. Vì thế câu hỏi càng xoáy sâu vào lòng làm nhức nhối tâm can.

Đoạn thơ tuy nói một cách kín đáo nhưng người đọc vẫn cảm thấy được tâm trạng khắc khoải của Nguyễn Thuật trước thời cuộc. Phải là người có lòng yêu nước thiết tha thì mới thức trắng đêm để suy tư, đau buồn về hiện tình tối tăm của đất nước như ông.

Bài thơ “Tức sự” trích trong “Mỗi hoài ngâm thảo” (quyển II), đã được Huỳnh Thúc Kháng đăng trong báo Tiếng Dân số 684 ghi là Vô đề. Trong bản khắc in ghi là Tức sự (nhị thủ). Hai bài thơ thể hiện rõ nỗi đau xót của tác giả trước cảnh nước nhà bị Pháp xâm chiếm và tấm lòng vì nước vì dân của ông.

Tức sự (Bài I)

Phi các nam lâm Thái dịch trì,

Ý sơ diện diện xán pha ly.

Hòa giai trú tĩnh toan nghê liệt

Liễu mạch thu thâm yểu niểu trì

Ngọa tháp nhẫn dung tha tộc xử

Hướng ngung hoàng vấn nhất nhân bi!

Thập niên đăng hỏa tiêu trầm tận

Hồi thủ Ngưu giang lệ ám thùy.

Dịch nghĩa:

Nói chuyện trước mặt(Bài I)

Lầu cao phía nam giáp ao Thái Dịch,

Bốn mặt cửa lồng gương sáng như pha lê.

Thềm hoa ban ngày yên tĩnh, bày hàng sư tử,

Đường liễu mùa thu muộn, giữ vẻ thướt tha.

Giường ngủ đành để cho người khác giống nằm,

Hướng vào một xó góc hỏi trời, một người sầu bi!

Công mười năm đèn sách nay đã tiêu mòn hết,

Ngoảnh đầu  trông Bến Nghé mà nước mắt thầm rơi.

Dịch thơ:

                             Nói chuyện trước mặt

                             Thái Dịch, lầu cao chất ngất trời

                             Pha lê bốn mặt sáng ngời ngời

                             Thềm hoa tĩnh mịch nghê chầu đón

                             Đường vắng thu buồn, liễu lả lơi

                             Giường khảm cam đành loài lạ ngủ

                             Xó nhà thương khó xót cho ai

                             Mười năm đèn sách thành công cốc

                             Bến Nghé trông vời nước mắt rơi.

                                                (Nguyễn Thiếu Dũng)

Căn cứ câu 5 và câu cuối, thì tác giả sáng tác bài thơ này sau khi quân Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế (tức sau tháng 7 năm 1885), và Nam Kỳ đã thành thuộc địa của Pháp.

4 câu đầu của bài thơ tác giả miêu tả ngôi lầu ở phía Nam cạnh ao Thái Dịch trong kinh thành Huế, ngay phía sau cửa Ngọ Môn. Nơi này được trang trí vô cùng lộng lẫy, sang trọng, là chỗ sinh hoạt của vua chúa, hoàng tộc ngày trước:

                             Thái Dịch, lầu cao chất ngất trời

                             Pha lê bốn mặt sáng ngời ngời

Cảnh đẹp mà nhuốm vẻ buồn bã, vắng lạnh:

                             Thềm hoa tĩnh mịch nghê chầu đón

                             Đường vắng thu buồn, liễu lả lơi

 

Sang 4 câu sau tác giả mới dần dần hé lộ nỗi lòng của mình. Từng câu thơ như thấm đẫm những giọt nước mắt.

Cảnh buồn là vì lầu xưa còn đó mà người cũ xa rồi. Cuộc chính biến năm Ất Dậu 1885 không thành công, Pháp chiếm kinh thành Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn chạy ra Tân Sở ở Quảng Trị. Sự hiện diện của quân Pháp trong kinh thành làm cho tác giả uất hận, đau xót vô vàn mà đành cam chịu:

                             Giường khảm cam đành loài lạ ngủ

                             Xó nhà thương khó xót cho ai

Tàu vào bến cảng cờ ba sắc,

Xe vượt đèo cao một lộ nhanh  

Công phu học hành rèn luyện bao nhiêu năm mong đem ra phò vua giúp dân mà sách vở của Khổng Mạnh đã dạy, giờ chẳng còn có ích gì cho đất nước. Nhìn cảnh Nam Kỳ đã thành thuộc địa của Pháp, Nguyễn Thuật chỉ còn biết chảy nước mắt khóc thầm mà thôi.

                             Mười năm đèn sách thành công cốc

                             Bến Nghé trông vời nước mắt rơi.

Tức sự (bài II), nước nhà đang bị Pháp xâm lăng, Nguyễn Thuật tự hỏi đồng minh ai nghĩ đến chuyện cứu viện cho nước ta?

Viễn hải khán kinh ngưu mã cập

                             Đồng minh thùy niệm phụ xa y

                             (Bể rộng sợ nhìn trâu ngựa nhập

                             Đồng minh nào kẻ đẩy xe đây?)

                             (Nguyễn Thiếu Dũng dịch)

Trong bài “Nam hoàn quá Lam giang độ” (Trở về Nam, qua bến sông Lam) ở Nghệ An, trước cảnh núi Hồng sông Lam đẹp thơ mộng, Nguyễn Thuật chạnh nghĩ đến những người đã bỏ mình trong những cuộc chiến tương tàn, bên tai văng vẳng tiếng kèn không dứt của đoàn quân nước lạ, ông lại thấy nao nao buồn:

                             Khả lân chiến cốt thùy gia mộng

                             Bất đoạn quân già dị quốc thanh

                             Du lãm cựu truyền danh thắng địa

                             Bằng nao nhứt vọng bá sầu sinh.

Dịch thơ:

                             Khá thương cốt lụi mồ hoang,

                             Tiếng kèn nước lạ bẽ bàng líu lo

                             Qua chơi cảnh đẹp hẹn hò

                             Nao nao trăm mối tơ vò nảy sinh.

                                                (Nguyễn Thiếu Dũng)

Nguyễn Thuật là một vị quan lớn của triều Nguyễn suốt đời tận tuỵ vì dân vì nước. Làm quan trải qua 8 đời vua: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, hai lần đi sứ Trung Hoa mà gia đình vẫn thanh bạch. Ông không những được các vua tin tưởng giao phó những chức vụ quan trọng mà đương thời nhân dân và sĩ phu rất kính trọng, mến phục ông vì đức tính thanh liêm, lòng yêu thương và gần gũi nhân dân của ông.

Ngoài cương vị một đại thần, một sử gia, nhà giáo dục, Nguyễn Thuật còn là một nhà thơ, nhà văn có tài. Tác phẩm của ông đa dạng, phong phú giàu tính nhân văn và nghệ thuật.

Thơ văn ông ít đề cập đến thời thế,  tuy nhiên một số bài cũng cho thấy nỗi lòng đau đáu của ông trước cảnh nước mất nhà tan và thái độ ứng xử của ông trước thời cuộc.

                                                                            

Chú giải:

1. Sơn hải quân ân thù vị đắc: Ơn vua lớn như núi biển khó (chưa) trả được

2. Phong ba thế cuộc hận nan bằng: Cuộc đời sóng gió hận không làm cho yên được.

3. Trích theo tranquangduc.blogspot.com

4. Trà Úc còn gọi là vũng Đồng Long, vũng Thùng, Vũng Sơn Trà tức là vịnh Đà Nẵng. (Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí q.VII - tỉnh Quảng Nam)

5. Thời Trần, Hàn Thuyên đuổi cá sấu ra biển. Nghĩa bóng: đuổi quân thù ra khỏi đất nước.

6. Kê khuyển tương văn: Nghe tiếng gà, tiếng chó biết nơi đó có dân cư, làng xóm. Nghĩa bóng chỉ cuộc sống thanh bình (chuyện Đào hoa nguyên kí).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528788

Hôm nay

2169

Hôm qua

2275

Tuần này

21061

Tháng này

215484

Tháng qua

0

Tất cả

114528788