Xứ Nghệ ngày nay

Từ Rừng xuống Phố: Mưu sinh và Bản sắc

Sự phát triển của TP Vinh không chỉ ảnh hưởng đến các vùng nông thôn bên cạnh mà ngày càng lan toả rộng rãi ra vùng miền núi xa xôi. Vinh trở thành trung tâm thu hút rất nhiều người từ nhiều nơi đến đây học tập, làm việc và sinh sống. Trong số đó, có không ít người là đồng bào dân tộc thiểu số từ miền Tây Nghệ An. Họ tham gia vào quá trình phát triển của TP Vinh và dần trở thành một bộ phận của cuộc sống đô thị. Tuy nhiên, họ cũng có liên kết chặt chẽ với gia đình, anh em, họ hàng và đồng tộc ở quê nhà. Họ là những người sống giữa hai làn văn hóa: văn hóa truyền thống và văn hóa đô thị. Và trong đã có những thái độ ứng xử khác nhau trong tình huống này.

Những người dân tộc thiểu số ở TP Vinh

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 1/4/2019, số người dân tộc thiểu số có hộ khẩu cũng như đăng ký tạm trú tại TP Vinh là 2808 người, gồm 1058 nam và 1750 nữ. Hầu như tất cả những phường xã ở Vinh đều có người dân tộc thiểu số sinh sống; phường Hà Huy Tập có 624 người, phường Trung Đô có 378 người, phường Bến Thuỷ có 221 người, phường Trường Thi có 195 người, phường Hưng Dũng có 195 người, phường Hưng Phúc có 102 người, xã Nghi Ân có 434 người, xã Hưng Lộc có 163 người…. Bên cạnh đó, còn một số lượng không nhỏ xuống làm việc theo thời vụ hoặc dài hạn nhưng không đăng ký hộ khẩu hay tạm trú. Trong số đó, đông nhất là người Thái với 1944 người (chiếm 69,2%) gồm 700 nam và 1244 nữ. Tiếp theo là người Mông với 267 người (chiếm 9,5%) gồm 145 nam và 122 nữ; Người Thổ với 262 người (chiếm 9,3%) gồm 87 nam và 175 nữ; Người Khơ Mú với 86 người (chiếm 0,3%) gồm 31 nam và 55 nữ. Cuối cùng là người Ơ Đu với 15 người (chiếm 0,05%) gồm 5 nam 10 nữ.

Nguồn gốc di cư của các nhóm dân tộc thiểu số ở Vinh khá đa dạng. Nhóm đầu tiên phải kể đến là các cán bộ nhà nước ở miền núi xuống thành phố Vinh đảm nhiệm các công tác khác nhau trong bộ máy chính quyền rồi dần đưa cả gia đình về định cư tại đây. Nhóm các cán bộ luân chuyển lên miền núi làm việc lúc còn trẻ, họ lập gia đình với người dân tộc thiểu số sau đó đưa cả vợ con về Vinh sinh sống. Nhóm các học sinh, sinh viên xuống học ở các trường nội trú hay các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, khi tốt nghiệp thì ở lại đây làm việc và sinh sống. Nhóm thanh niên từ miền núi di cư xuống làm việc ở các địa điểm dịch vụ hay làm công nhân ở các xí nghiệp, nhà máy, công ty. Một số người dân tộc thiếu số do công việc hoặc gia đình mà di cư đến Vinh sinh sống nên số lượng chỉ có một vài người nhưng đã đăng ký hộ khẩu hoặc tạm trú nên vẫn được thống kê.…

Mưu sinh ở đô thị

 “Tôi nhớ rõ khi tôi xin phép cha mẹ để xuống Vinh kiếm việc làm, cha mẹ đều không đồng ý với lý do tôi chưa từng xa nhà. Nhưng được một người chị con nhà bác nói giúp là xuống làm cùng với chị tại quán ăn nên gia đình mới đồng ý. Đó là hè năm 2009, khi tôi mới tròn 16 tuổi. Đến Vinh, đầu tiên tôi làm ở một quán cơm trên đường Lê Hồng Phong. Sau một thời gian, mấy chị bạn rủ rê đi làm phục vụ ở quán hát để có thu nhập cao hơn và làm việc cũng đỡ vất vả hơn. Được 2 năm, tôi quyết định không làm ở quán hát nữa, mà đi học nghề. Nhận thấy các cô gái từ miền núi xuống đi làm ngày một đông hơn. Và rất nhiều người có nhu cầu làm đẹp. Vậy nên tôi đã vừa học vừa làm tại một quán làm đẹp. Sau đó tôi gom góp lại và mượn thêm tiền để mở quán Spa. Quán của tôi không chỉ phục vụ nhu cầu làm đẹp cho chị em mà còn trở thành một địa chỉ để nhiều người phụ nữ đồng tộc ở miền núi xuống đây gặp gỡ, chia sẻ….”.

Đây là câu chuyện về trải nghiệm đô thị của An[1], một cô gái người dân tộc Thái xinh đẹp từ vùng miền núi Quỳ Châu xuống Vinh sinh sống. Hiện nay An đã là chủ của hai quán Spa uy tín, và là một đầu mối quan trọng trong mạng lưới xã hội người Thái ở Vinh. Họ liên hệ, gặp gỡ và tạo điều kiện chia sẻ nguồn lực với nhau. Làm ở chỗ An chủ yếu là những cô gái Thái. Và khách hàng chủ yếu của An cũng là người Thái. Họ thường có những khuyến mãi đặc biệt cho đồng hương, đồng tộc.

Khác với An, Thảo là một cô gái Thái đến từ huyện Tương Dương. Năm 2012, Thảo bắt đầu học tại Đại học Vinh ngành Giáo dục mầm non. Bốn năm đại học, trong khi bạn bè còn lo bữa thiếu bữa no thì Thảo đã biết cách kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Sau một thời gian ban đầu bỡ ngỡ, Thảo nhận thấy ở Vinh có rất nhiều người muốn mua các đặc sản sạch từ miền núi. Từ các loại gạo nương, các loại rau sạch, rồi hoa quả, dược liệu…. Thảo bắt đầu tạo lập một đầu mối để bán hàng online các loại sản phẩm này. Thảo còn bán hàng mỹ phẩm cho chị em phụ nữ ở trên quê. Nhờ vậy mà Thảo có tiền để đi học, mua được xe máy và sắm sửa nhiều thứ khác. Thảo tâm sự: “Cuộc sống ở thành phố luôn náo nhiệt, một mặt tạo sức ép về nhu cầu tiêu thụ của bản thân. Mặt khác cũng tạo ra những cơ hội để người ta có thể kiếm tiền nếu biết vận dụng tốt cơ hội”. Năm 2016, tốt nghiệp đại học, Thảo về xin vào một trường mầm non ở một xã vùng sâu trên quê. Nhưng chưa đầy một năm thì xin nghỉ và quay lại Vinh tiếp tục các công việc bán hàng. Bên cạnh đó Thảo còn thuê địa điểm làm một shop thời trang bán trang phục phụ nữ.

Tạo lập quán Spa để phục vụ nhu cầu làm đẹp, bán hàng online hai chiều từ các đặc sản miền núi xuống Vinh và từ các sản phẩm xã hội đô thị lên miền núi là những cách thức được nhiều người dân tộc thiểu số ở Vinh lựa chọn để sinh sống. Nhưng để thành công trên những lĩnh vực đó cần phải có nhiều nguồn vốn khác nhau, từ tài chính đến mạng lưới xã hội, hiểu biết về công nghệ và cả sự trải nghiệm đô thị. Còn phần lớn những người dân tộc thiểu số xuống Vinh lựa chọn làm công nhân, làm phục vụ ở các nhà hàng hay ở các quán hát karaoke. Khá nhiều cô gái trẻ lựa chọn việc đi làm phục vụ quán hát vì thu nhập cao hơn và đỡ vất vả hơn, chỉ cần họ biết hát và uống được bia rượu. Một tỷ lệ khá lớn các cô gái phục vụ khách ở các quán hát là người dân tộc thiểu số từ miền núi xuống. Một cô gái chia sẻ: “Em được bạn bè giới thiệu nên đi làm. Ban đầu cũng ngại nhưng dần rồi quen. Có lúc đã đi xin công việc khác, nhưng rồi vất vả quá nên lại quay lại làm phục vụ”. Tuy nhiên, cuộc sống đô thị phồn hoa bao nhiêu thì cũng nhiều cạm bẫy bấy nhiêu. Nhiều cô gái trẻ từ làm phục vụ ở quán hát rồi sa ngã dần vào các tệ nạn xã hội như sử dụng chất kích thích, tham gia các đường dây lao động tình dục hay môi giới mại dâm… Và không ít người phải để lại tuổi thanh xuân và nước mắt trong sự phồn vinh của cuộc sống đô thị.

Sống giữa hai làn văn hóa

Câu chuyện của những người dân tộc thiểu số ở Vinh là câu chuyện của những người sống giữa hai làn văn hóa quan trọng là văn hóa truyền thống dân tộc họ và văn hóa đô thị. Xuống Vinh là thay đổi toàn bộ về môi trường sống nên các sinh hoạt văn hóa lẫn tư duy cũng có những thay đổi. Đặc biệt là các thực hành văn hóa truyền thống bị biến đổi mạnh mẽ, thậm chí là bị mai một và mất mát. Về xu hướng chung, hầu hết họ đều lựa chọn vừa gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của mình vừa tiếp nhận các giá trị văn hóa mới.

Ở Vinh, họ ăn mặc trang phục hiện đại như các cô gái người Kinh ở đô thị, nói tiếng Kinh và sinh hoạt như những người khác. Không dễ gì để phân biệt một người dân tộc thiểu số hay một người Kinh nếu như chỉ nhìn bề ngoài của họ. Một cuộc khảo sát 102 học sinh tại trường dân tộc nội trú của tỉnh năm 2018 cho thấy có 83% lựa chọn thích mặc trang phục truyền thống nhưng chỉ vào dịp lễ và ngày thứ 2 trong tuần. “Hàng ngày em vẫn mặc các bộ váy hay quần áo hiện đại để làm việc cho dễ dàng vì không bị ai chú ý. Chỉ khi mấy chị em cùng quê, cùng dân tộc gặp nhau, đi chụp ảnh thì tụi em lại mặc trang phục truyền thống. Dịp lễ tết về đi chơi tụi em vẫn mặc trang phục truyền thống”. Đây là chia sẻ về việc ăn mặc của Quý, một cô gái Thổ đến từ Quỳ Hợp. Vân, một cô gái Thái từ Quế Phong xuống Vinh sinh sống từ năm 2014 đến nay cho biết; “Nói chung là mình thích nghi được với cuộc sống hiện đại nhưng không từ bỏ văn hóa truyền thống. Ở Vinh thì mình mặc như mọi người. Về quê thì mặc đồ dân tộc mình”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức lựa chọn như Vân hay Quý. Không ít cô gái sau khi tiếp cận với lối sống đô thị thì về quê không những ít quan tâm đến các trang phục truyền thống mà còn thường xuyên mặc các bộ đồ hiện đại làm nhiều người không khỏi ý kiến. Tại một bản người Thái ở Tương Dương, có khoảng chục cô gái trẻ xuống Vinh chủ yếu làm phục vụ ở các quán karaoke nên ăn mặc có phần nhạy cảm. Khi về quê, các cô cũng ăn diện những bộ đồ sặc sỡ nhất. “Mình ăn mặc thế nào là quyền cá nhân, còn ai nói gì thì kệ họ. Tiền mình tự kiếm ra, mình thích thì mua và mặc chứ cũng không ảnh hưởng đến ai”. Đó là chia sẻ của một trong số các cô gái đó. Nhưng cũng có một số người không ủng hộ suy nghĩ đó. Một già bản đã gay gắt lên rằng: “Loạn rồi anh ạ. Đi ra ngoài kiếm được tí tiền về quê lên mặt. Không còn biết trân trọng giá trị truyền thống. Không biết trên biết dưới gì. Còn làm hư hỏng thêm con em”. Rõ ràng, chỉ riêng về chuyện mặc gì, những người dân tộc thiểu số ở Vinh cũng đã sống giữa hai làn văn hóa mà để cân bằng thì họ cần phải biết ứng xử một cách phù hợp. Ở đô thị, họ ít mặc trang phục truyền thống mà muốn hòa nhập với lối sống đô thị để không bị chê là “người dân tộc”. Nhưng về quê, họ cũng phải hài hòa bởi nếu không thì cũng bị người dân chê là “mất gốc”, “mất tuyền thống”.

Nhìn rộng ra và tích cực hơn, những người di cư xuống đô thị sinh sống là một cầu nối văn hóa quan trọng trong quá trình giao lưu văn hóa tộc người. Họ là nhân tố quan trọng góp phần hiện đại hóa văn hóa ở quê họ. Quá trình đó được thể hiện từ việc tái đầu tư kinh tế gia đình, mua sắm các trang bị, đồ dùng hiện đại, hay việc lan tỏa các giá trị văn hóa hiện đại vào cuộc sống của giới trẻ ở quê. Mặt khác, một số người cũng góp phần lan tỏa một số giá trị văn hóa tộc người xuống đô thị. Nhiều đặc sản nông nghiệp, lâm nghiệp hay hàng hóa thủ công nghiệp truyền thống qua những người dân tộc thiểu số ở Vinh mà được đưa xuống đô thị để buôn bán.

Những người dân tộc thiểu số ở Vinh, trên phương diện văn hóa, dù đối diện với nhiều thách thức, nhưng họ không thụ động như nhiều người nghĩ. Những trải nghiệm đô thị cũng giúp họ nhận thức được cơ hội và thách thức mà mình phải đối diện. Họ gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dựa vào điều kiện mình có. Không chỉ trang phục mà còn cả các thực hành văn hóa. Như một cán bộ người Thái đã nhiều năm sinh sống và làm việc ở Vinh trao đổi: “Tôi và gia đình tôi sinh sống ở Vinh nhưng không từ bỏ một nghi lễ nào của người Thái. Chúng tôi vẫn làm vía, buộc chỉ tay. Những nghi lễ lớn cả gia đình vẫn về quê để tổ chức. Chúng tôi phải làm gương để con cháu luôn biết mình là người dân tộc Thái dù sinh sống ở đâu cũng vậy”. Hay như Quý, một cô gái Thổ lấy chồng người Kinh nhưng vẫn đưa con về quê để làm các lễ cần thiết của người Thổ và dạy con nói tiếng Thổ: “Em muốn con em biết nó có một nửa trong người là dân tộc Thổ”. Nhưng không phải tất cả mọi người đều lựa chọn cách ứng xử đó. Qua khảo sát 64 trường hợp người dân tộc thiểu số ở Vinh về vấn đề này cho thấy: có 71% lựa chọn phải giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, 17% lựa chọn không cần phải gìn giữ vì những thứ đó không cần thiết cho công việc và cuộc sống hiện nay và 12% không quan tâm chuyện giữ gìn hay không. “Chỉ những người già hay các nhà nghiên cứu mới hay bàn chuyện giữ gìn hay từ bỏ văn hóa truyền thống. Còn tụi em tìm sự hợp lý trong cuộc sống hàng ngày. Thích mặc gì thì mặc nấy, thích ăn gì thì ăn nấy. Vẫn quan tâm đến gia đình ở quê và chia sẻ với bạn bè. Mình sống sao để ổn định và không bị những người xung quanh ghét bỏ là được chứ đâu phải khi nào cũng cứ nghĩ đến chuyện văn hóa truyền thống hay hiện đại”. Một cô gái Thái ở Kỳ Sơn tâm sự.

Nói tóm lại, những người dân tộc thiểu số ở Vinh luôn sống giữa hai làn văn hóa đan xen nhau. Một mặt, họ cố gắng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người mình. Thậm chí tìm cơ hội để phát huy giá trị kinh tế của các di sản văn hóa truyền thống tộc người. Mặt khác, họ cũng là những nhân tố quan trọng trong tiếp biến văn hóa giữa địa phương với bên ngoài, làm cho quá trình hiện đại hóa văn hóa tộc người ngày càng mạnh mẽ. Họ đã có những thay đổi về mặt thực hành văn hóa truyền thống. Việc sống đan xen giữa hai làn văn hóa là nhân tố tạo nên con người đa văn hóa. Và có thể thấy người dân tộc thiểu số sống ở Vinh đang trong quá trình tiếp nhận sự khác biệt về văn hóa để tồn tại và phát triển./,

 


[1]Để đảm bảo tính ẩn danh và tôn trọng chuyện đời tư cá nhân của những người đã chia sẻ các thông tin qua các cuộc phỏng vấn, trong bài viết, tên của các nhân vật đã được thay đổi và nếu có sự trùng lặp thì chỉ là ngẫu nhiên chứ tác giả không hề có mục đích gì khác ngoài việc thể hiện những dữ liệu khoa học mà mình thu thập được.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513031

Hôm nay

2132

Hôm qua

2436

Tuần này

2968

Tháng này

219904

Tháng qua

121356

Tất cả

114513031