Những góc nhìn Văn hoá
Hai thập kỷ phát triển văn hóa và những thách thức mới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "...so với những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa thực sự tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả đối với việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh".
1. Đồng thời với phát động công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã hưởng ứng và tham gia Thập niên văn hóa (1986-1997) do UNESCO phát động. Một làn gió mới đến với Văn hóa Việt Nam. Nhưng sự kiện quan trọng có ý nghĩa cột mốc trong tiến trình phát triển của Văn hóa Việt Nam là ngày 16-7-1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hơn 15 năm sau, ngày 9/6/2014, Hội nghị TƯ lần thứ 9 khóa XI lại ra Nghị quyết số 33-NQ/TW về về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Các Nghị quyết này của Đảng đã có sự phát triển lý luận, nhận thức về văn hóa, khẳng định vai trò to lớn của văn hóa đối với đời sống xã hội và tiến trình phát triển đất nước trong những bối cảnh mới.
Nghị quyết TW5 xác định: i). Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. ii). Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. iii). Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. iv). Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. v). Văn hóa là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.
Đến Nghị quyết NQ33-NQ/TW đã có sự phát triển mới về lý luận khi xác quyết tính chất nền văn hóa không chỉ có các giá trị truyền thống của dân tộc mà còn bao gồm các giá trị phổ quát của nhân loại và vị trí, vai trò nền tảng, động lực của văn hóa trong phát triển, đặc biệt là vai trò chủ thể văn hóa của Nhân dân và vấn đề Con người trong văn hóa. Đó là: i). Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. ii). Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. iii). Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. iv). Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. v). Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Khởi động từ Thập kỷ văn hóa, tăng tốc từ Nghị quyết TW5 và Nghị quyết 33, văn hóa nước nhà đã có cuộc vận động phát triển sinh động, năng động cùng với công cuộc Đổi mới, là nguồn lực cho công cuộc Đổi mới và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng .
Nghị quyết 33-NQ/TW, nhận định: “Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành...”.
Đại hội XII của Đảng đã đánh giá văn hóa Việt Nam qua 30 năm đổi mới: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tuy nhiên, “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn, đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều bất cập, lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ và thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại có mặt còn nhiều hạn chế”. (Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng lần thứ XIII).
Dân ca Ví, Giặm chủ yếu chỉ tồn tại trên sân khấu
Cần nhấn mạnh là chúng ta đã mở rộng giao lưu văn hóa với thế giới nhưng tiếp thu, tiếp biến chưa được nhiều các giá trị tiên tiến, hiện đại bên ngoài, thậm chí còn tiếp nhận một cách thiếu chọn lọc. Con người Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế, thậm chí khuyết tật về mặt văn hóa, nếu so sánh với nhu cầu phát triển và các chuẩn mực phổ quát của xã hội tiên tiến, văn minh. Bệnh hình thức trong các hoạt động văn hóa còn khá phổ biến, nặng về phong trào, chưa quan tâm đúng mức để kiến tạo các giá trị mới. Tư duy quản lý văn hóa chưa theo kịp sự phát triển, thể chế chính trị và thể chế kinh tế hiện hành còn những điểm chưa thúc đẩy sự phát triển của văn hóa để có những đóng góp to lớn hơn với quá trình phát triển.
Thiết nghĩ chúng ta cần nghiêm khắc và dũng cảm nhìn nhận đúng thực trạng văn hóa, xác định đúng nguyên nhân và tìm hướng, tìm giải pháp giải quyết những cản trở để nền văn hóa vận động đúng hướng, phát triển hài hòa, bền vững làm nền tảng động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
2. Để “Văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, chúng ta cần nắm rõ những thời cơ và nhất là những thách thức đến từ bối cảnh quốc tế và trong nước để vượt qua.
Không thể phủ nhận những thời cơ, điều kiện thuận lợi đến từ bối cảnh quốc tế như: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế,cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số; Và đến từ các yếu tố nội sinh như: Nền kinh tế thị trường đã tạo ra nguồn lực vật chất to lớn hơn để đầu tư cho văn hóa; Nhiều chính sách kinh tế - xã hội thông thoáng của Nhà nước đã tạo ra sự cởi mở,năng động xã hội và văn hóa cho người dân; Chủ trương hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam hội nhập và phát triển.v.v…
Thuận lợi nhiều nhưng chúng ta cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức không hề dễ dàng đến từ nhiều hướng, nhiều tầng, từ các yếu tố bên trong bản thân nền văn hóa và xã hội Việt Nam lẫn các yếu tố từ bên ngoài.
Thách thức lớn nhất là nhận thức và tư duy lãnh đạo về văn hóa. Câu chuyện tưởng chừng như rất cũ nhưng trong thực tiễn vẫn là vấn đề lớn vì nó giữ ví trí chìa khóa để giải quyết tất cả các mối quan hệ liên quan đến văn hóa. Mục tiêu, định hướng rất rõ ràng, thông suốt nhưng trong thực tiễn, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí của nó, vẫn là bánh xe thứ 5 của cỗ xe kinh tế - xã hội của đất nước. Có tư duy cởi mở thông thoáng mới mở đường cho văn hóa phát triển.
Thách thức thứ hai là thể chế văn hóa. Đây là điều vô cùng khó vì thể chế văn hóa liên quan và phụ thuộc vào thể chế chính trị - kinh tế. Chỉ khi nào thể chế có sự đổi mới thì mới phát huy được năng lực sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của xã hội. Thể chế quy định không gian, các mối quan hệ văn hóa trong xã hội và cách xử lý. Nếu thể chế phù hợp thì văn hóa vận động đúng hướng, kiến tạo được nhiều thành tựu/giá trị. Nếu ngược lại sẽ làm nghẽn dòng vận động, vô hiệu hóa các nguồn năng lượng sáng tạo. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là cơ hữu nhất nhưng lâu nay đâu đó chúng ta vẫn chưa giải quyết tốt, văn hóa vẫn đi sau kinh tế trong tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách và quản lý. Văn hóa và an ninh cũng là mối quan hệ chặt chẽ liên quan đến lợi ích quốc gia cần được xử lý hài hòa. Hay trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa nếu muốn phát triển thì phải huy động tài năng sáng tạo và nguồn lực đầu tư rất lớn, phải liên kết, hợp tác trong nước, ngoài nước, tư và công,… để có trí lực, tài lực. Nếu cơ chế hợp tác, thuế khóa… chưa phù hợp sẽ khó huy động, tập hợp được nguồn lực. Đó là chưa nói đến luật pháp, đến kiểm tra, kiểm duyệt tác phẩm, công trình văn hóa. Rất cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa để tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa“dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Một thể chế đủ sức khơi thông, giải quyết tốt tất cả các mối quan hệ đó là điều cần có.
Từ vấn đề thể chế, một thách thức nữa là cần có một mô hình quản lý văn hóa phù hợp. Đảng, Chính phủ đã có chủ trương quản lý văn hóa từ vi mô sang vĩ mô, từ trực tiếp sang gián tiếp và phân cấp quản lý. Tuy nhiên tư duy bao cấp vẫn còn khá phổ biến trong lĩnh vực văn hóa; quản lý vẫn chồng chéo giữa các cấp; chưa tạo điều kiện tốt để cộng đồng thực hiện được nhiều nhất quyền văn hóa của mình trong sáng tạo và hưởng thụ. Cần cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, định hướng, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ trong các hoạt động văn hóa. Cần xác lập và khẳng định vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức tự nguyện và cá nhân trong lĩnh vực văn hóa. Chỉ có như vậy mới tránh được tình trạng bao cấp, mới phát huy được vai trò chủ động sáng tạo của cộng đồng, huy động và phát huy được nguồn lực vật chất, tài năng sáng tạo của nhân dân.
Nguồn nhân lực và tài lực cho phát triển là thách thức kinh niên của sự nghiệp văn hóa và đến hôm nay vẫn là bài toán khó giải. Đội ngũ tinh hoa sáng tạo văn hóa của chúng ta hiện nay vẫn còn rất mỏng, chưa có nhiều đỉnh cao tài năng để có những tác phẩm có giá trị cao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng. Đội ngũ quản lý văn hóa cũng trong tình trạng tương tự, đông nhưng không thạo việc, không giỏi nghiệp vụ. Mặc dù trong nhiều năm qua chúng ta đã rất nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng nhưng đội ngũ nhìn chung vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt trong thời gian tới khi toàn cầu hóa, số hóa ngày càng phổ biến và sâu sắc hơn, với cường độ lớn hơn, nhanh hơn. Về nguồn tài lực cho văn hóa vẫn tiếp tục trong tình trạng hạn chế. Cho đến năm 2018, mức đầu tư cho văn hóa cũng chỉ đạt 1,72% chi ngân sách thường xuyên của quốc gia. Một vài năm sắp tới khả năng đầu tư cho văn hóa chắc sẽ tiếp tục khó khăn vì hậu quả của đại dịch covid 19. Những khó khăn này đã trực tiếp chi phối đến việc nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, chuyên nghiệp và phong trào, cũng như trong quản lý văn hóa.
Toàn cầu hóa là thời cơ để nền văn hóa chúng ta giao lưu, tiếp nhận các giá trị văn hóa của thời đại, của thế giới nhưng đồng thời cũng là một thách thức buộc chúng ta phải tỉnh táo lựa chọn hướng và cách tiếp cận, tiếp nhận để đảm bảo giữ gìn được truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Trải qua thực tiễn cho thấy đây là điều không hề dễ khi không đủ trình độ và bản lĩnh để xác quyết sự lựa chọn, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền kinh tế số đang tạo ra nền tảng vật chất - công nghệ mới cho văn hóa. Nhiều sản phẩm văn hóa, và thông tin, với số lượng rất lớn, tần suất rất cao, tốc độ lan tỏa rất nhanh không chỉ đáp ứng nhu cầu của công chúng mà còn đem đến những tác động tiêu cực không hề nhỏ đối với đời sống văn hóa xã hội. Bài toán cần giải là phải đồng thời phát triển công nghệ số với khai thác, quản lý như thế nào để có thể hạn chế những mặt trái nhưng vẫn phát huy được những tính năng ưu việt của nó. Các trang mạng xã hội chỉ là một ví dụ nhỏ của công nghệ số khi tác động đến đời sống văn hóa của xã hội.
Những thách thức nói trên có thể còn những diễn biến phức tạp hơn trong thực tiễn. Để vượt qua được và xây dựng thành công nền văn hóa quốc gia dân tộc như định hướng của Đảng cần phải có nỗ lực rất lớn của cả cộng đồng dân tộc. Điều quan trọng nhất là cần phải có một tư duy văn hóa mới để đổi mới, hoàn thiện thể chế văn hóa nhằm khơi thông và phát huy được mọi nguồn lực vật chất và tinh thần, ý chí và tài năng của cả cộng đồng.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Thể loại phim
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528764
2145
2275
21037
215460
0
114528764