Xứ Nghệ ngày nay
Bảo vệ, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại
Để di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm được bảo vệ và phát huy cần có môi trường diễn xướng phù hợp.
Dân ca Ví, Giặm là “thổ sản”, niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Ra đời từ hàng trăm năm trước, bắt nguồn từ đời sống lao động, sản xuất của con người ở đây nên dân ca Ví, Giặm có những đặc tính riêng về không gian, thức diễn xướng so với nhiều loại nghệ thuật khác gian diễn viên.
Năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của chính quyền, nhân dân 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh trong công cuộc bảo vệ, phát huy di sản. Với rất nhiều nỗ lực, chúng ta đã có những thành công nhất định trong việc bảo vệ, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, mà minh chứng điển hình là Ví, Giặm đang lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Nghệ, ngày càng được bạn bè trong nước, quốc tế biết đến và yêu thích. Hệ thống các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã tạo được một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, mở rộng đến các cơ quan, trường học, doanh nghiệp trong 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh và đang là một trong những “cái nôi” lưu giữ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội hiện đại gắn với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự phát triển vượt bậc của các nền tảng công nghệ, sự du nhập của các loại hình âm nhạc hiện đại, âm nhạc nước ngoài… làm cho môi trường diễn xướng, con đường tiếp cận với công chúng của dân ca Ví, Giặm đã có rất nhiều thay đổi. Trong khi đó, nhiều làn điệu dân ca cổ đã bị mai một; không gian và phương thức tổ chức thực hành diễn xướng dân ca truyền thống trong lao động, trong các phường, hội nghề nghiệp không còn. Vì vậy, định hướng bảo vệ và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hiện nay như thế nào đang là một vấn đề rất được quan tâm.
Tháng 8 năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025” với nhiều nhiệm vụ như: kiểm kê, nghiên cứu, tư liệu hóa; truyền dạy; phục hồi không gian diễn xướng, trò diễn xướng của các phường truyền thống; tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác, chuyển thể kịch bản sân khấu, festival, liên hoan, hội thi hát dân ca Ví, Giặm; hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ, đãi ngộ nghệ nhân, người thực hành; quảng bá, phổ biến, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong việc bảo vệ và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Trong đó, liên quan đến công tác bảo vệ, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm có hai hướng đi song song, đó là phục hồi các không gian diễn xướng, trò diễn xướng của các phường truyền thống và sân khấu hóa, sáng tác, chuyển thể kịch bản sân khấu dân ca Ví, Giặm, nghĩa là vừa đưa dân ca Ví, Giặm trở về với không gian, môi trường hình thành ban đầu của nó, nhưng đồng thời cũng để Ví, Giặm sống với môi trường mới là sân khấu hóa; theo đó, công chúng vừa được tiếp cận dân ca Ví, Giặm từ góc độ trực tiếp hoặc thông qua ứng dụng công nghệ số, trên truyền hình hoặc internet. Hai hướng đi này tưởng như trái ngược, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay.
Di sản văn hóa là của cộng đồng, ra đời từ cộng đồng và phải được sống trong cộng đồng mới có sức sống thực chất và lâu bền. Đó là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ lâu dài mà những người làm công tác di sản văn hóa hướng đến.
Dân ca Ví, Giặm ra đời từ cuộc sống lao động, sản xuất của người dân xứ Nghệ, được thực hành ở các làng quê, gắn bó với mọi công việc của con người trong đời sống thường ngày: làm ruộng, chèo thuyền, chài lưới, làm nón, ru con... Nhưng thực tế hiện nay cũng chỉ còn rất ít các không gian, lối hát, trò diễn xướng của các phường truyền thống có thể phục hồi và nếu được phục hồi cũng rất khó để tiếp tục duy trì nếu nó không xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng. Cụ thể như làn điệu hát reo của phường củi cỏ ở Diễn Thọ, Diễn Châu, điệu hát của những người đi hái củi cỏ, hát trong khi đang lao động, đang gánh củi trên vai, vừa chạy vừa hát. Làn điệu này đã được sưu tầm, kí âm lại, tuy nhiên nghề củi cỏ ở Nho Lâm đã không còn được duy trì, nghệ nhân cuối cùng biết hát reo cũng đã qua đời, thì việc phục hồi không gian diễn xướng này có thể thực hiện được nhưng cũng sẽ có rất nhiều khó khăn trong việc tiếp tục đảm bảo sự hoạt động thường xuyên nếu không có sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đầu tư và sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Trong thời gian qua, vấn đề khôi phục các không gian, bài bản, lề lối, chặng hát của các phường hát dân ca Ví, Giặm truyền thống đã được đặt ra. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng nhất thiết phải “trả” Ví, Giặm về với không gian vốn có của nó, có như thế mới không làm “nhạt màu” di sản. Phải khẳng định rằng, việc phục hồi các trò, các không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh truyền thống là một hướng đi đúng để bảo vệ, phát huy di sản nhưng không dễ thực hiện, phải có sự thảo luận rộng rãi và đồng thuận của cộng đồng. Phục hồi không gian diễn xướng, trò diễn xướng dân ca Ví, Giặm của các phường truyền thống có điều kiện thuận lợi khi chúng ta có nguồn tư liệu từ quá trình sưu tầm, nghiên cứu và được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, nhưng làm cho không gianấy “sống” được thì nhất thiết phải tính đến việc gắn kết phục hồi không gian, trình diễn di sản với phát triển du lịch, làm lợi cho cộng đồng địa phương. Theo đó, việc nghiên cứu tư liệu, khảo sát địa điểm, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, không gian diễn xướng phục dựng phải gắn với các khu, điểm du lịch, để từ đó có những đầu tư cho hiệu quả, tạo điểm nhấn thu hút khách nhằm phát triển kinh tế du lịch địa phương. Sau khi phục hồi, phải có cơ chế huy động xã hội hóa, khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp tham gia, lấy các nghệ nhân ở các câu lạc bộ làm hạt nhân để tiếp tục duy trì, phát huy hoạt động tại các không gian diễn xướng này.
Di sản không thể “thoát ly” khỏi cộng đồng, nhưng trong xã hội hiện đại, di sản sẽ có sức lan tỏa rộng lớn hơn nếu được tái hiện trên sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp và cả không chuyên. Nói đến vấn đề này, lại cũng có ý kiến cho rằng sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm là làm sai lệch di sản, nhưng thực chất đây đang là một hướng đi phù hợp cho công cuộc bảo vệ, phát huy di sản hiện nay, khi môi trường diễn xướng nguyên xưa của dân ca Ví, Giặm đã gần như không còn. Bởi di sản văn hóa phi vật thể không phải là cái bất biến, nó ra đời từ sự sáng tạo của con người, gắn bó chặt chẽ với đời sống con người và nó phải có sự biến đổi để thích nghi với điều kiện xã hội mỗi thời kỳ.
Chúng ta có một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống với chức năng, nhiệm vụ thực hiện bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của dân tộc và của tỉnh, trong đó có dân ca Ví, Giặm cùng với hệ thống hơn 100 câu lạc bộ với hơn 2.000 thành viên ở cả 21 huyện, thành, thị. Các chương trình, vở diễn dân ca Ví, Giặm thành công của đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; các câu lạc bộ với các tiểu phẩm, chương trình tham gia liên hoan, hội diễn trên sân khấu nghệ thuật quần chúng đã góp phần đưa di sản đi xa hơn, đến gần hơn với khán giả. Sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm trên sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp, đặc biệt là thổi sức sống cho dân ca Ví, Giặm thông qua các kỳ liên hoan, các hội thi, hội diễn thực sự đã đóng góp tích cực trong việc đưa di sản từ phạm vi một sinh hoạt cộng đồng thường ngày trở thành một hoạt động văn hóa quần chúng sâu rộng, sôi nổi. Quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, kho tàng di sản văn hóa dân gian xứ Nghệ không những được khai thác, thể hiện triệt để mà còn được kế thừa và phát triển, làm cho khả năng biểu cảm của dân ca Nghệ Tĩnh được nâng lên, phong phú hơn. Nếu không có quá trình đưa dân ca Ví, Giặm lên sân khấu thì kho tàng di sản dân ca Nghệ Tĩnh sẽ không được lưu giữ, phát triển và được công chúng biết đến nhiều như vậy. Và dù bằng cách này hay cách khác thì việc làm cho di sản được duy trì, lan tỏa sâu rộng hơn, được yêu thích hơn đều đã là thành công và là xu thế tất yếu của quá trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, để các di sản truyền thống thích nghi, phù hợp, hài hòa với sự phát triển của xã hội hiện đại. Đúng như nhận định của Trung tâm Thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICHCAP): “Xã hội loài người không ngừng phát triển và biến đổi di sản văn hóa phi vật thể của họ, bao gồm các tri thức và thực hành liên quan đến tự nhiên cũng như xã hội, để thích nghi và giải quyết các nhu cầu cơ bản và vấn đề xã hội theo thời gian và không gian”.
Trong tương lai, để dân ca Ví, Giặm trường tồn tại và thực sự xứng đáng là một di sản văn hóa thể hiện đại diện của nhân loại, rất cần tiếp tục sự định hướng đúng đắn của các quyền chính và sự chung tay của cả cộng đồng. /.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511610
2273
2336
21984
218483
121356
114511610